Phạm Mạnh Tuấn
Năm 1978 sau ba năm “học tập cải tạo” tôi được nhà nước cộng sản cấp cho tờ “Giấy Ra Trại”, trên góc trái in hàng chữ: “Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa”, hàng dưới in: “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc”. Đọc những khẩu hiệu trên tờ giấy tôi thấy chua xót, ngược ngạo làm sao, khi không có chứng minh nhân dân (chưa có quyền công dân). Không có hộ khẩu – vì không được về quê nội Long Hải (vùng vượt biên), không thể ở Saigon vì bên ngoại đang bị đánh tư sản và bị đày đi kinh tế mới.
Không phải chỉ những người có hoàn cảnh giống tôi mới thấy những khẩu hiệu này chướng tai gai mắt. Ngoại trừ những viên chức cộng sản, người dân ai cũng thấy những khẩu hiệu này chẳng những quê mùa, lố bịch mà còn tự đánh bóng mình một cách trơ trẽn, không giống ai! Nhất là trong những năm tháng làm gì cũng phải “Xếp Hàng Cả Ngày”, giữa giai đoạn cả nước sống bằng tem phiếu, nó mới mỉa mai làm sao. Chắc chắn chỉ có những “đỉnh cao trí tuệ” mới có thể nghĩ và in ra những khẩu hiệu phét lác, không biết xấu hổ là gì như vậy.
* Độc lập ở đâu mà điều gì cũng phải theo chủ trương của Nga – Tầu * Tự do chỗ nào mà hơi phát biểu ngược chiều, không rập khuôn theo giáo điều là bị gán cho mác phản động, bị đi tù không xét xử * Hạnh phúc gì mà ngăn đường cấm chợ, bố mẹ đem đến cho con mấy ký gạo cũng bị tịch thu … Không có nước nào trên thế giới – họa chăng có đồng chí Cu Ba – mới trơ trẽn đến mức đấy.
-Coi vậy mà khẩu hiệu “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” tuy nham nhở, giả dối nhưng chưa ác, chưa đểu bằng chủ trương:
Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ.
Rập khuôn theo tổ chức chính trị của Tầu cộng, sau khi chiếm được miền Nam, để củng cố quyền lực tuyệt đối cho đảng CS, trong cả ba bản hiến pháp của Việt cộng (1980, 1992 và 2013), đều đưa ra một chủ trương vô cùng đểu: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” [1]
Tuy được các cơ quan tham mưu của đảng (đứng đầu là Hội đồng Lý luận Trung ương) ra rả giải thích và bắt học hỏi, người dân phần lớn cũng chỉ hiểu đại khái rằng: Đảng lãnh đạo là đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách quốc gia. Nhà nước quản lý là những tổ chức hành chánh thi hành những quyết định của đảng. Nhân dân làm chủ có nhiệm vụ cao cả là ủy quyền làm chủ của mình cho … đảng! Ngoài ra nhân dân còn quyền được tự do đóng thuế, tự do bầu cho những vị dân biểu đại diện, dĩ nhiên trong số những người đã được đảng chọn.
image.png
(** Hình trên: Mẫu làm chủ tập thể **)
Tính cách “làm chủ” của nhân dân ngoài khía cạnh mỉa mai vì đã bị “ủy quyền” cho đảng và nhà nước, nó còn chua xót ở chỗ quyền tư hữu bị tước đoạt. Nói nào ngay bản hiến pháp 1946 vì đã được sao chép nhiều đoạn trong HP Mỹ (giống như bản Tuyên ngôn Độc lập 2/9/1945 – sao chép nhiều đoạn từ Tuyên ngôn Độc lập Hoa Kỳ 1776), cũng quy định quyền tư hữu được coi là quyền tự nhiên của con người, đó là quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Quy định trên giấy tờ thôi chớ thực tế tại miền Bắc vụ Cải cách Ruộng đất (1953-1956) theo lệnh Tầu cộng và bắt chước nước này, ai có chút tài sản ruộng đất đều bị đấu tố te tua, không chết cũng ngấp ngoái.
Sau khi chiếm được miền Nam, hiến pháp 1980 không công nhận sự tồn tại của sở hữu tư nhân và các thành phần kinh tế tương ứng mà đặt trọng tâm về vấn đề sở hữu toàn dân. Tuy “dân làm chủ” nhưng toàn dân trở thành “vô sản chân chính”, không ai còn được làm chủ cái gì hết ráo, ngoại trừ mấy bộ quần áo rách. Đây là giai đoạn thê thảm nhất dưới sự lãnh đạo của đảng CS khiến dân Việt theo nhau Xuống Hố Cả Nước! Chỗ nào cũng chỉ thấy nghèo đói. Lịch sử đã chứng minh rằng: Tất cả các hình thức sở hữu tập thể đều thất bại thảm hại, từ chế độ bao cấp, các hình thức hợp tác xã, tập đoàn vốn nhà nước, … đều thua lỗ nhiều ngàn tỷ. [2]
Sau khi dân cả nước thi nhau nhai bo bo – đồ ăn của bò và ngựa được các nước XHCN anh em bố thí – gần lủng bao tử, đảng ta theo chân Tầu “mở cửa”, áp dụng “kinh tế thị trường” nhưng vẫn chưa dám bỏ cái đuôi “theo định hướng XHCN”. Hiến pháp 1992 và 2013 ra đời khôi phục lại phần nào quyền sở hữu tư nhân. Tuy vậy ngôn từ trong 2 bản hiến pháp này vẫn còn mù mờ khi phân định sở hữu thuộc về toàn dân (do nhà nước quản lý) như đất đai, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, vùng trời, … chính sự thiếu minh bạch này đã gây ra những vụ tham ô khủng khiếp. Thí dụ đất được chia làm 3 loại – Đất ruộng: Quyền sử dụng tạm thời nhưng không có quyền làm chủ – Đất ruộng: Được sử dụng 50 năm – Đất thổ: Có quyền sở hữu và sang nhượng. (Theo Luật Đất đai 2024).
Cho đến nay chế độ CS vẫn tuyên truyền về tính ưu việt của “đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý và dân làm chủ”, nhằm bảo vệ lợi nhuận cho các quan chức. Để làm được điều này, chế độ CS ngăn cản các quyền căn bản của con người như tư do ngôn luận, tự do tôn giáo, tự do ứng cử & bầu cử, tự do kinh tế để độc quyền chi tiêu ngân sách quốc gia. Dĩ nhiên điều đó sẽ tạo nên một nền kinh tế què quặt, thiếu cân bằng, bất công, tạo nên giai cấp “tư bản đỏ” xa rời quần chúng lao động nghèo.
>> Thật ra thuật ngữ “đảng lãnh đạo nhà nước quản lý” nó quá mù mờ, đến cán bộ đảng viên chắc cũng không phân biệt nổi. Sao không nói trắng ra là tại VN hiện tại chỉ có một đảng vừa lãnh đạo vừa cầm quyền có phải nó thực tế hơn không? Nói như vậy chẳng qua chỉ để lấp liếm một chế độ độc tài toàn trị đang thống trị quê hương Việt Nam. Tôi tin rằng đa số dân mình trong nước có nhận thức này chứ, chẳng qua vì miếng cơm manh áo, vì họng súng lưỡi lê, vì các trại tù cải tạo chờ sẵn nên họ phải ráng chịu đựng thôi.
Như vào ngày quốc khánh VC (2/9/2024) xuất hiện trên Facebook – trang cá nhân của em Chu Ngọc Quang Vinh, từng là quán quân của cuộc thi kiến thức nổi tiếng ở Việt Nam mang tên “Đường lên đỉnh Olympia.” (11/2023). Em viết: “Cuối cấp 2 là lúc tôi tiếp cận với văn hóa phương Tây một cách cao trào nhất. Dần dần tôi phát hiện ra những gì mình được học ở trường bấy lâu nay không hoàn toàn là sự thật. Tôi coi Đảng như một thế lực xấu chỉ biết lừa gạt dân và tôi tìm mọi cách để sau này được sống ở nước ngoài….” Tôi tin rằng có hàng triệu Chu Ngọc Quang Vinh, chẳng vậy mà trong số 23 em quán quân của giải này, được học bổng qua Úc du học chỉ có 3 em trở về nước!
Quyền lực tuyệt đối, tha hóa tuyệt đối.
Những SV Luật SG hay QGHC trong môn “Bang giao Quốc tế” chắc từng được nghe thầy Nguyễn Văn Bông lập lại câu nói bất hủ của một sử gia người Anh (Lord Acton) đúng trong mọi nơi mọi lúc: “Absolute power, corrupts absolutely”. Không có nơi nào và vào thời điểm nào câu nói bất hủ của Lord Acton được minh chứng rõ ràng như tại VN, dưới thời đảng CS có quyền lực tuyệt đối. Xin được lướt qua đây 9 vụ án tham nhũng, thoái hóa đã xẩy ra trong thời gian gần đây mà chúng ta có lẽ đã từng nghe qua.
* Vụ án Đinh La Thăng và 21 đồng phạm (gồm Trịnh Xuân Thanh), phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN). Xử tháng 1/2018 thiệt hại lên đến 1.120 tỷ VND
* Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hóa (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Mua bán trái phép hóa đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ”, … Thiệt hại lên đến 4.700 tỷ VND.
* Đại án Vũ Nhôm Năm 2018, không chỉ bị khởi tố về tội “Cố ý làm lộ bí mật Nhà nước”, bị cáo Phan Văn Anh Vũ (Tức Vũ “nhôm”), cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng Bắc Nam 79 còn bị khởi tố về tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản làm thất thoát 2.000 tỷ đồng trong vụ án kinh tế xảy ra tại Ngân hàng Đông Á. Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng từ 2006 – 2011, Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND Đà Nẵng từ 2011-2014
* Vụ Sabeco: Bộ Công Thương và Tổng Công ty Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn. Nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng hầu tòa vì sai phạm liên quan đến đất đai.
* Vụ án MobiFone: Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng và đưa, nhận hối lộ xảy ra tại Tổng công ty viễn thông MobiFone được Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố từ ngày 10/7/2018.
Đây là vụ án có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, nhiều ý kiến cho rằng vụ án này xứng đáng đi vào “lịch sử tố tụng hình sự” Việt Nam không chỉ bởi số tiền hối lộ ước lên tới 6,2 triệu USD “lót tay”, vụ án này còn có tới 2 cựu Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông hầu tòa (Nguyễn Bắc Sơn) 7.200 tỷ
* Vụ buôn lậu tại CT Nhật Cường – Nguyễn Đức Chung – cựu Chủ tịch UBND TP. Hà Nội đã phạm vào tội Chiếm đoạt tài liệu bí mật Nhà nước với vai trò chủ mưu, cầm đầu.
* Vụ Việt Á – Mua hàng dzổm của Tầu – Thứ trưởng Y tế Trương Quốc Cường, Cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long, cựu Bộ trưởng KH&CN Chu Ngọc Anh cùng nhiều cựu lãnh đạo, cán bộ bị khởi tố, kỷ luật do liên quan sai phạm ở vụ Việt Á.
* Vụ chuyến bay giải cứu: Tô Anh Dũng – nguyên thứ trưởng Bộ Ngoại giao – để điều tra về hành vi nhận hối lộ. Nguyễn Thị Hương Lan – cục trưởng Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao; Đỗ Hoàng Tùng – phó cục trưởng; Lê Tuấn Anh – chánh văn phòng của cục; và Lưu Tuấn Dũng …
* Đại án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan.– Hơn 1 triệu tỷ VND – rút ruột SCB: 304 ngàn tỷ – Hối lộ Đỗ Thị Nhàn – cục trưởng cục thanh tra 5.2 triệu USD –
Điều đáng chú ý là những sai phạm mà bà Lan bị cáo buộc đã diễn ra hơn 10 năm trời, nhưng vì sao mãi cho tới gần cuối năm 2022, mọi việc mới bị phơi bày? Liên quan đến nhiều quan chức nhà nước trong Bộ Chính Trị! Ông Trần Minh Tuấn là Phó Thống đốc của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam một gian đoạn khá dài, từ năm 1998 đến khi ông về hưu vào tháng 6/2013. Còn Thượng tướng Phạm Quý Ngọ là Thứ trưởng Bộ Công an từ tháng 8/2010 đến tháng 2/2014. Trước đó, ông lãnh đạo Tổng cục Cảnh sát. Cả ông Tuấn và ông Ngọ đều qua đời trong tháng 2/2024, cách nhau chưa đầy một tuần. Ai cũng hiểu hai ông này bị thủ tiêu để bịt miệng, … Đó là chưa kể đến những nhân vật “bất khả xân phạm” trong Bộ Chính Trị như Lê Minh Hưng, Sau thời gian làm Thống đốc Ngân hàng, ông Hưng đã được bổ nhiệm làm Chánh Văn phòng Trung ương Đảng vào đầu năm 2021.
Tóm Lại: Những sáo ngữ in trên các giấy tờ của nhà nước như “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” vừa quê mùa kệch cỡm vừa tự thổi phồng đáng xấu hổ. Thật chẳng giống con giáp nào, ngoại trừ hai đồng chí Lèo và Cu ba. Khẩu hiệu “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, dân làm chủ” là một khẩu hiệu đểu, xỏ lá, đưa dân vào cõi mù mờ để dễ bề thao túng!
Muốn thực sự muốn cho dân giầu nước mạnh, muốn nước Việt [3] có chỗ đứng xứng đáng trên trường quốc tế, muốn con cháu ta sau này ngẩng cao đầu hãnh diện về giòng giống Lạc-Hồng:
1) Đảng CS phải từ bỏ độc quyền lãnh đạo đất nước, chấp nhận đa đảng 2) Chấp nhận tam quyền phân lập 3) Tôn trọng quyền tư hữu, coi đây là một quyền căn bản và thiêng liêng, bất khả xâm phạm của con người 4) Từ bỏ xã hội chủ nghĩa lỗi thời 5) Đừng bắt chước Tầu cộng áp dụng cái gọi là “Kinh tế thị trường theo đinh hướng XHCN” đây là một quái thai, sẽ đưa kinh tế nước nhà vào ngỏ cụt.
* Vài ý kiến hai xu viết trước Ngày Quốc Tang (30/4)
Phạm Mạnh Tuấn
— —
[1] Ông TBT Nguyễn Phú Trọng trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” (4/2022) đã cố giải thích cơ chế vận hành của hệ thống chính trị ở VN theo phương thức “Đảng lãnh đạo, nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Tuy được báo chí trong nước nức nở ca tụng, nhưng đây chỉ là một bài viết lăng nhăng, hoa hòe hoa sói, với nhiều lập luận gượng gạo, mâu thuẫn.
[2] Trước khi phải đổi mới theo “kinh tế thị trường” để thoát chết đói năm 1986, những hình thức sở hữu tập thể đều thất bại thảm hại và thua lỗ hàng ngàn tỹ VND. Những vụ lớn như: Nhà máy phân bón Lào Cai; Nhà máy Đạm Ninh Bình; Gang thép Thái Nguyên; Sợi Đình Vũ; Nhiên liệu sinh học Dung Quất & Phú Thọ; Bột giấy Phương Nam…
[3] Nếu có quyền tôi sẽ đổi tên nước Việt Nam thành nước Việt hay Đại Việt hay Lạc Việt, … Tôi không thích tên Việt Nam, bởi “Việt” thì được rồi còn “Nam” là gì, nếu không muốn nói mình thuộc phía Nam nước Tầu! Vậy ra mình giàn tiếp nhận nước Tầu là trung tâm còn mình chỉ ở phía nam nước này. Có vẻ chư hầu sao ấy, phải không ạ. – Rất mong được học hỏi thêm.