Dạy con cái sự tự tin trong xã hội hiện đại

Ba’o Nguoi- Viet

April 5, 2025

LOS ANGELES, California (NV) – Xã hội hiện đại ngày nay khiến con cái chúng ta trở nên dè dặt và thiếu sự tự tin hơn khi đối diện với những người khác do môi trường xung quanh diễn ra chủ yếu trong thực tế ảo.

Khi con bạn nhốt mình trong phòng chơi game, xem tivi hoặc dành quá nhiều thời gian trên mạng Internet, kỹ năng xã hội của con có thể bị nghi ngờ, và khiến bạn hoặc nhiều phụ huynh khác thường gắn mác con mình là nhút nhát.

Trẻ em sẽ tự tin vào bản thân và khả năng của mình khi chúng trở nên tự lập hơn. (Hình: cottonbro studio/Pexels)

Theo trang mạng mindbodygreen, mặc dù chúng ta thường sẽ có xu hướng đổ lỗi cho sự phát triển của mạng Internet khiến nó cản trở các kỹ năng xã hội, nhưng Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan, người đứng đầu trung tâm Youth Transformation ở New York, và cũng là tác giả cuốn sách tâm lý nổi tiếng “Depression Relief Journal,” cho biết có nhiều điều ẩn chứa trong câu chuyện hơn những gì chúng ta thấy bên ngoài.

Theo đó, con cái chúng ta cũng đang giao tiếp, chỉ là chúng làm theo một cách khác mà thôi.

“Sự khác biệt ngày nay so với một thập niên trước là trẻ em phụ thuộc nhiều hơn vào cách phương tiện truyền thông xã hội như là nguồn kết nối của chúng. Điều này có nghĩa là con cái thời đại này kết nối với bạn bè, thậm chí là những người đôi khi chúng không biết qua online,” Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan giải thích.

Vấn đề là các kỹ năng xã hội trên mạng không phải lúc nào cũng áp dụng được vào cuộc sống thực và khi trẻ em đối diện với tình huống đối mặt trực tiếp, nó lại trở thành một rào cản khá lớn chủ yếu là vì trẻ em không được rèn kỹ năng giao tiếp ở ngoài đời.

“Bất cứ điều gì chúng ta không làm thường xuyên đều sẽ gây ra sự lo lắng, vì vậy trẻ em càng ít giao tiếp trực tiếp với những đứa trẻ khác thì chúng sẽ càng lo lắng, càng ngại ngùng khi đối mặt,” Tiến Sĩ Maggie C. Vaughan cho biết. “Không hẳn là các đứa trẻ thiếu kỹ năng mà đơn giản là chúng thiếu sự thực hành.”

Dưới đây là một số bài tập mà cha mẹ có thể áp dụng để giúp con mình vượt qua sự nhút nhát khi gặp gỡ người khác.

Tuy nhiên, trước khi thực hiện, bạn cũng nên hiểu rằng trong lúc đầu, con bạn có thể sẽ không thấy thoải mái nhưng tính nhất quán chính là chìa khóa.

  1. Cho con làm việc nhà

Hãy để cho con bạn đảm nhiệm một hoặc hai công việc nhà để giúp duy trì cuộc sống gia đình, đồng thời còn giúp nhấn mạnh rằng mọi thành viên trong gia đình đều đóng vai trò hỗ trợ trong nhà.

Trẻ em sẽ được hưởng lợi từ cảm giác hoàn thành công việc và có được lòng tự trọng khi đóng vai trò quan trọng trong gia đình.

  1. Khuyến khích sự quyết đoán

Việc tìm hiểu ý kiến của con bạn và cho trẻ tham gia vào các quyết định của gia đình chứng tỏ rằng bạn coi trọng ý tưởng và đóng góp của con.

Khi cha mẹ yêu cầu con cái đưa ra ý kiến thường xuyên, trẻ sẽ tin rằng quan điểm của mình có giá trị và sẽ tiếp tục nói lên ý kiến của mình.

Trẻ em sẽ được hưởng lợi từ cảm giác hoàn thành công việc và có được lòng tự trọng khi đóng vai trò quan trọng trong gia đình. (Hình: cottonbro studio/Pexels)

  1. Tôn vinh sự độc đáo của con bạn

Sự khác biệt thường khiến trẻ em trở nên lo lắng, nhưng khi được người khác quan tâm, con sẽ cảm thấy được yêu thương và tự tin vào chính bản thân mình hơn.

Thay vì tự mình chỉ ra sự khác biệt, hãy khuyến khích con bạn chia sẻ với bạn và thể hiện sự thích thú với những đặc điểm, tài năng và sở thích riêng biệt của con.

  1. Khuyến khích trẻ tự lập

Trẻ em sẽ tự tin vào bản thân và khả năng của mình khi chúng trở nên tự lập hơn. Vì vậy, bạn hãy khuyến khích con thử những trải nghiệm mới phù hợp với độ tuổi và khả năng.

Chẳng hạn, bạn có thể tập cho con cách chuẩn bị những bữa ăn đơn giản, tự làm bài tập về nhà hoặc tự gọi món ăn tại nhà hàng.

  1. Khen thưởng những nỗ lực, thậm chí ngay cả khi con thất bại

Những đứa trẻ có cha mẹ khuyến khích sự chăm chỉ và nỗ lực thay vì kết quả cụ thể sẽ cảm thấy thích thú hơn và tự tin hơn.

Trong khi đó, những đứa trẻ có gia đình chỉ chú trọng vào kết quả đạt được mà không nhìn nhận vào quá trình sẽ thường có xu hướng tránh những nhiệm vụ khó khăn vì chúng sợ khiến bản thân hoặc người khác thất vọng.

Chính vì vậy mà bạn hãy luôn khen thưởng nỗ lực của con mình dù bất cứ kết quả ra sao. (YY) [qd]


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay