March 28, 2025
Hiếu Chân/Người Việt
Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba, tỷ phú Elon Musk và bảy thành viên chủ chốt của DOGE (Department of Government Efficiency) xuất hiện trong buổi phỏng vấn trên Fox News để “thanh minh” với người dân Mỹ rằng họ chỉ nỗ lực cải thiện tình hình tài chính của nước Mỹ mà không gây phương hại cho quốc gia như lo ngại của mọi người. Nhưng nhìn lại những việc mà DOGE làm trong hai tháng qua, liệu người dân Mỹ có thể đặt niềm tin vào DOGE, liệu ông Musk đang cải thiện hiệu quả của chính quyền liên bang hay phá hoại nó, mang lại lợi ích cho chính ông và cho các đối thủ của Mỹ?
Tỷ phú Elon Musk. (Hình: Brendan Smialowski/AFP via Getty Images)
“Chính phủ rất không hiệu quả, có rất nhiều lãng phí và gian lận, cho nên chúng tôi tin rằng có thể cắt giảm 15% ngân sách mà không ảnh hưởng tới các dịch vụ thiết yếu,” ông Musk nói với người dẫn chương trình Bret Baier của Fox News. Ông cho biết thêm rằng, DOGE đang cố giảm thâm hụt ngân sách từ $7,000 tỷ xuống còn $6,000 tỷ, và sẽ hoàn tất phần lớn công việc trong 130 ngày đầu tiên. Để thực hiện mục tiêu đó, ông Musk và các cộng sự đã thẳng tay cắt ngân sách nhiều chương trình, tổ chức của chính phủ, sa thải hàng chục ngàn công chức, làm đình trệ hoạt động của nhiều cơ quan chính quyền.
Điểm xuất phát của DOGE có thể là tình trạng thâm hụt ngân sách nặng nề và kéo dài của nước Mỹ. Thu không đủ chi khiến chính quyền liên bang phải liên tục phát hành trái phiếu (vay nợ), cứ vài tháng Quốc Hội lại bàn việc “nâng trần nợ,” cho phép chính phủ vay thêm tiền để tiếp tục hoạt động. Tính đến ngày 27 Tháng Ba, tổng số nợ quốc gia của Mỹ đã là $36.22 ngàn tỷ, bằng 122.3% tổng sản lượng quốc gia (GDP), bình quân mỗi người dân Mỹ phải gánh nợ $106,111 và con số nợ cứ tăng thêm mỗi ngày chừng $4.87 tỷ. Tiền lời phải trả cho khoản nợ khổng lồ này chiếm hơn 20% ngân sách hằng năm của chính phủ liên bang, nhiều gấp rưỡi tiền chi cho quốc phòng (13.3%). Cán cân tài chính quốc gia bị mất cân đối trầm trọng và phải giải quyết, bằng cách hoặc tăng thu, hoặc giảm chi, hoặc cả hai.
Chính quyền Trump đã chọn cách giảm chi, giao cho DOGE nhiệm vụ rà soát toàn bộ hoạt động của bộ máy công quyền, tìm ra những chỗ lãng phí, gian lận để cắt giảm.
Với người có suy nghĩ bình thường, việc cắt giảm chi tiêu của chính quyền như vậy là cần thiết và cấp bách. Điều đó cũng phù hợp với đường lối xưa nay của đảng Cộng Hòa là thu hẹp quy mô của chính phủ. Vấn đề là thực hiện sự cắt giảm đó như thế nào để phù hợp với pháp luật, không làm sụp đổ bộ máy chính phủ, không đẩy một bộ phận dân chúng vào tình trạng bần cùng, không làm gia tăng bất bình đẳng về thu nhập.
Cố Tổng Thống Ronald Reagan (Cộng Hoà) từng có câu nói nổi tiếng: “Chính phủ không phải là giải pháp, chính phủ mới là vấn đề.” Năm 1982, ông Reagan lập ra một nhóm “chuyên gia xuất sắc từ khu vực tư nhân” gồm 150 người, chia thành 36 đội đặc nhiệm (task force) do ông Peter Grace, CEO của W.R. Grace & Company làm chủ tịch, gọi là “Ủy Ban Grace,” có nhiệm vụ rà soát chuyên sâu toàn bộ nhánh hành pháp và đưa ra những khuyến nghị loại bỏ lãng phí và kém hiệu quả. Sau hai năm hoạt động, Tháng Giêng, 1984, ủy ban trình ra 2,500 khuyến nghị cải tổ nhưng phần lớn đều không được thực hiện. Chẳng những không thành công, trong tám năm cầm quyền, Tổng Thống Reagan còn làm cho nợ công tăng gấp ba lần, đảo ngược xu thế giảm tỈ lệ nợ so với GDP của thời hậu Thế Chiến Hai, mở rộng hố ngăn cách giàu nghèo và giảm thu nhập trung vị (real median wage) của người dân.
Rút kinh nghiệm từ thất bại của ông Reagan, lần này có thêm “cẩm nang” là Project 2025 do tổ chức nghiên cứu bảo thủ Heritage Foundation soạn thảo, Tổng Thống Donald Trump giao cho ông Elon Musk quyền “tiền trảm hậu tấu,” tùy nghi hành động mà không chờ sự chấp thuận của Quốc Hội. Trong hai tháng qua, với quyền lực gần như tuyệt đối, ông Musk và DOGE thực hiện cấp tốc hai hoạt động có liên quan mật thiết với nhau: Cắt ngân sách và sa thải công chức với lý do chống lãng phí, gian lận, và kém hiệu quả. Ông Musk từng thực hiện các hoạt động đó ở công ty Twitter mà ông mua lại và đổi tên thành X, bây giờ ông sử dụng chính những nhân viên đã cùng ông “tinh giản bộ máy” của X vào công cuộc “tinh giản bộ máy” chính quyền liên bang Mỹ.
Có điều, một quốc gia không phải là một công ty và việc điều hành đất nước phức tạp hơn rất nhiều so với quản trị một doanh nghiệp vì chính phủ không đặt mục tiêu thu lợi nhuận mà sứ mệnh của chính phủ là phục vụ người dân.
Về tiết kiệm, thay vì loại bỏ các khoản chi lãng phí hoặc gian lận, DOGE của ông Musk đã khiến chính phủ thiệt hại $500 tỷ, tức 10% số thuế mà Sở Thuế IRS thu được vào năm ngoái. Nhà báo Jacob Bogage của nhật báo The Washington Post hôm 22 Tháng Ba tường thuật rằng DOGE đã phá huỷ IRS, sa thải gần 20,000 nhân viên thuế vụ, tập trung ở các bộ phận thực thi luật thuế, bãi bỏ các cuộc điều tra thuế các công ty lớn và các cá nhân giàu có. Những thay đổi này làm cho việc trốn thuế trở nên dễ dàng hơn và số tiền thuế thu được vào năm nay có thể sẽ giảm mạnh.
Có lẽ vụ cắt giảm chi phí nổi đình đám nhất là vụ đóng cửa Cơ Quan Phát Triển Quốc Tế Mỹ (USAID) hồi đầu Tháng Hai vừa qua. USAID có ngân sách hằng năm gần $40 tỷ, là tổ chức viện trợ chính của chính phủ Mỹ, chịu trách nhiệm viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển khắp thế giới, xây dựng quyền lực mềm của Mỹ trong hơn 60 năm qua. Tuy vậy, ông Trump coi USAID là tổ chức do “những kẻ cực tả điên rồ” điều hành và có “hành vi gian lận nghiêm trọng.” Còn ông Musk thì lên án USAID là “ổ tội phạm,” tuy cả hai ông này đều không đưa ra chứng cớ cho lời tố cáo của mình. Trong diễn biến mới nhất, hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Ba, chính quyền Trump thông báo với Quốc Hội họ sẽ dẹp bỏ USAID, nhật báo Người Việt đưa tin.
Vụ cắt ngân sách và đóng cửa đài Tiếng Nói Hoa Kỳ (VOA) cùng những tổ chức truyền thông đối ngoại khác như đài Á Châu Tự Do (RFA) là một chấn động khác. Ông Musk của DOGE viết trên mạng X rằng các cơ quan truyền thông này “chỉ là những thằng điên cánh tả cấp tiến trò chuyện với nhau nhưng mỗi năm đốt hết $1 tỷ tiền thuế” (“just radical left crazy people talking to themselves while torching $1B/year of US taxpayer money.”) Thật không nhận xét nào sai lầm hơn! Đài VOA có ngân sách hằng năm $268 triệu, phục vụ 361 triệu độc giả/thính giả mỗi tuần với hơn 50 ngôn ngữ. Riêng kênh YouTube VOA có 3.7 triệu người ghi danh theo dõi. Đài RFA có ngân sách hằng năm chỉ $60.8 triệu, phục vụ 58 triệu độc giả/thính giả mỗi tuần bằng các ngôn ngữ tiếng Anh, tiếng Miến Điện, Trung Quốc (tiếng Quan Thoại và tiếng Quảng Đông), Tây Tạng, Khmer, Triều Tiên, Lào, Uyghur, và tiếng Việt. “Chi phí cho các đài này không đáng kể so với giá trị tin tức để chống lại câu chuyện kể (narrative) của các chế độ độc tài,” bài xã luận của tờ báo bảo thủ The Wall Street Journal nhận định vào tuần trước.
Chưa biết việc đóng cửa USAID hoặc VOA/RFA sẽ giúp nước Mỹ tiết kiệm được bao nhiêu tiền nhưng thiệt hại thì quá lớn và quá rõ. Ở trong nước, nông dân Mỹ đã khốn đốn vì mất đi khách hàng “sộp” USAID (USAID mua hàng tỷ đô la nông phẩm để viện trợ chống đói ở các nước nghèo), ở ngoài nước các chương trình hỗ trợ y tế, giáo dục, phá bom mìn, chống dịch bệnh… bị đình trệ trong khi các chính quyền độc tài ở Trung Quốc, Nga, Miến Điện, Bắc Hàn, Việt Nam… mở tiệc ăn mừng vì không còn phải chống đỡ sức mạnh mềm của Mỹ, cũng không lo đối phó với tiếng nói của sự thật.
Còn nhiều vụ cắt giảm ngân sách khác nữa mà hậu quả không kém phần tai hại. Hôm Thứ Năm, 27 Tháng Ba, nhật báo The New York Times đưa tin Bộ Y Tế (HHS) đột ngột hủy hơn $12 tỷ tài trợ cho các tiểu bang thực hiện các dịch vụ sức khỏe tâm thần, cai nghiện và theo dõi các bệnh truyền nhiễm. Bà Kristi Noem, bộ trưởng Bộ Nội An, vừa cho biết bà có kế hoạch “loại bỏ FEMA,” cơ quan quản trị tình trạng khẩn cấp chuyên ứng phó với các trường hợp như bão lụt, cháy rừng, lốc xoáy…, cứu trợ và tái thiết các khu vực bị nạn với ngân sách hằng năm khoảng $20 tỷ. Tuần trước, ông Trump kêu gọi đóng cửa Bộ Giáo Dục sau khi quyết định cắt giảm một nửa số nhân viên của bộ này.
Trong toàn bộ máy chính quyền liên bang, hoạt động sa thải nhân viên vẫn diễn ra quyết liệt suốt hai tháng qua. Hôm Thứ Sáu, 28 Tháng Ba, nhật báo The Washington Post tiết lộ chính quyền Trump đang tìm cách cắt giảm từ 8% đến 50% số công chức trong các cơ quan liên bang. Tờ báo dẫn một tài liệu nội bộ của Tòa Bạch Ốc yêu cầu Bộ Phát Triển Gia Cư (HUD) giảm một nửa số nhân viên, Bộ Nội Vụ mất gần 25% và Sở Thuế mất khoảng một phần ba số nhân viên. Bộ Tư Pháp sẽ mất 8%, Quỹ Khoa Học Quốc Gia mất 28%, Bộ Thương Mại mất 30%, và Cơ Quan Quản Lý Doanh Nghiệp Nhỏ mất 43% tổng số nhân viên… Cũng hôm nay, HHS thông báo sẽ cắt giảm 10,000 nhân viên ngoài 10,000 người đã nghỉ việc và hơn 5,000 nhân viên thử việc đã bị sa thải vào tháng trước. Những đợt cắt giảm này sẽ bao gồm 3,500 nhân viên của Cở Quan Quản Lý Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) và 2,400 nhân viên của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh (CDC).
Việc sa thải hàng loạt công chức đang “tạo ra nỗi bối rối, lo sợ và căm ghét trong toàn lực lượng lao động liên bang,” ông Max Stier, thuộc Partnership for Public Service, một tổ chức vô vị lợi nhằm cải cách chính quyền, nhận xét. Hình ảnh ông Musk vác cưa máy múa may trên sân khấu của hội nghị hành động chính trị bảo thủ càng làm cho mọi người lo sợ và căm ghét. Thăm dò dư luận cho thấy tỉ lệ ủng hộ ông Musk rất thấp và ngay nhiều vị dân cử Cộng Hòa cũng không ưa ông.
Các hoạt động của ông Musk và DOGE còn gây bất mãn vì không thực hiện theo trình tự quy định của luật pháp, phớt lờ vai trò quyết định của Quốc Hội trong phân bổ ngân sách, thành lập và đóng cửa các cơ quan chính phủ như USAID. Ông Musk cũng bị “xung đột lợi ích” rõ ràng khi vừa điều hành nhiều công ty có quan hệ làm ăn với chính phủ vừa lãnh đạo DOGE cải cách chính phủ ấy. Chính ông Trump cũng thừa nhận ông Musk đến Bộ Quốc Phòng thảo luận về chiến lược răn đe Trung Quốc là không thích hợp vì bản thân ông có những quyền lợi kinh doanh to lớn và có quan hệ cá nhân thân thiết với các nhà lãnh đạo của đất nước cộng sản đó.
“Điều tệ hại nhất là hành động của DOGE cho đến nay trông có vẻ như được thiết kế không phải để làm cho chính phủ làm việc tốt hơn, hiệu quả hơn mà chỉ nhằm mở rộng quyền lực của tổng thống và loại bỏ những phần tử thiếu trung thành,” báo The Economist nhận xét. Thế nhưng khi bị kiện tụng, thay vì sửa chữa, ông và đồng sự lại quay sang tấn công các quan tòa, bất chấp nguyên tắc tam quyền phân lập và tính chất bình đẳng giữa các nhánh quyền lực nhà nước. Hành động của ông Musk và DOGE chỉ góp phần làm đảo lộn trật tự hiến pháp của nước Mỹ mà trước đây chưa từng xảy ra.
Ông Musk có thể thành công và thu được nhiều lợi lộc nhưng thành công đó có tốt cho nước Mỹ hay không thì chưa chắc. [đ.d.]