March 9, 2025
Chuyện Vỉa Hè
Đặng Đình Mạnh
Cứ xem những cuộc tranh luận trên nền tảng mạng xã hội sẽ thấy ngay tình trạng người Việt bị phân hóa về nền chính trị Hoa Kỳ chưa lúc nào như lúc này. Chúng ta chưa nói đến những người Việt đang định cư tại Hoa Kỳ, vì ít nhất, họ còn có lý do khi sự biến động chính trị tại Hoa Kỳ ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của họ.
Tôi muốn nói đến người Việt đang sinh sống tại Việt Nam, trên quê hương của mình.
Một người dân Hà Nội đọc tờ báo Tuổi Trẻ đưa tin ông Donald Trump quay trở lại Tòa Bạch Ốc. Chứng tỏ tin này gây chấn động dư luận tại Việt Nam. (Hình: Nhạc Nguyễn/AFP/Getty Images)
Vậy, tại Việt Nam không có sự tồn tại một nền chính trị nào ư? Nếu có, phải chăng nền chính trị Việt Nam không có tác động hoặc ảnh hưởng gì đối với người Việt tại quê hương, đến mức họ không cần thiết phải quan tâm, mà phải quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ?
Thật ra, có đấy. Một đứa trẻ vắt mũi chưa sạch cũng biết Việt Nam đang tồn tại một nền chính trị ở đó. Thậm chí, nếu hiểu biết hơn, người Việt còn biết ở Việt Nam đang tồn tại một nền chính trị tệ hại nhất trong lịch sử vài ngàn năm của dân tộc. Đó là một nền chính trị đáng xấu hổ nhất trong khoảng 200 nền chính trị của các quốc gia hoặc vùng lãnh thổ đang cùng tồn tại trên quả địa cầu, một nền chính trị bất hợp pháp từ khi hình thành trên sự “cướp chính quyền.” Từ đó, họ cướp luôn cả những quyền tự do căn bản của người Việt, tức là quyền được sống làm người với phẩm chất tự do từ 80 năm qua…
Thế nhưng, tại sao người Việt không quan tâm, không tranh cãi về nền chính trị đang biến họ, gia đình hoặc tương lai thế hệ con em của họ thành nô lệ… mà lại quan tâm đến mức bị phân hóa khốc liệt vì một nền chính trị cách xa mình cả nửa vòng quả đất?
Câu trả lời không quá khó. Quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ an toàn hơn.
Chưa kể, quan tâm đến nền chính trị Hoa Kỳ còn giúp giải tỏa những ẩn ức phát sinh từ chính nền chính trị trong nước. Song song đó, còn giúp biện minh rằng phẩm chất của mình vẫn còn ít nhiều giá trị khi “dám” đề cặp đến những vấn đề to tát của… Hoa Kỳ và của thế giới! Về các cựu tổng thống, về tổng thống, về quốc hội, về tư pháp cùng với những thuyết âm mưu bủa vây nền chính trị đó, nó tác động đến Châu Âu, đến cuộc chiến Nga – Ukraine, đến những phỏng đoán bên cạnh đất nước mình như mưu đồ thu hồi Đài Loan, độc chiếm biển Đông của Trung Cộng…
Qua đó, người dân có thể đề cập, thảo luận, thậm chí mắng mỏ nhau về quan điểm đánh giá các biến động chính trị Hoa Kỳ và thế giới, không chỉ được an toàn mà còn cảm giác thấy thích thú, hấp dẫn hơn bất kỳ loại phim “bom tấn” nào từ Hollywood.
Ít nhất, điều đó chứng tỏ rằng người Việt trong nước chưa từng thờ ơ với chính trị bao giờ. Chỉ là không gian chính trị độc tài đã kìm hãm, trừng phạt mọi sự chỉ trích độc tài khiến cho người dân chưa tiện bày tỏ quan điểm của mình về nền chính trị trong nước mà thôi.
Cứ nghĩ xem, nếu những biến động nền chính trị Hoa Kỳ vốn không quá ảnh hưởng đến lợi ích của người Việt, mà còn được họ quan tâm sâu sắc đến như thế, thì nền chính trị Việt Nam, có quan hệ mật thiết đến lợi ích, cuộc sống của bản thân người Việt, của gia đình và tương lai của họ, thì sự quan tâm còn lớn đến mức nào? Chỉ là họ chưa lên tiếng mà thôi.
Sinh viên đại học ở Sài Gòn chen nhau bắt tay Tổng thống Mỹ Barack Obama (quay lưng lại) ngày 25 Tháng Năm 2016 khi ông đến đây diễn thuyết. (Hình: Jim Watson/AFP/Getty Images)
Quan sát tranh luận về biến động chính trị tại Hoa Kỳ, chắc chắn chế độ Cộng Sản trong nước không tránh khỏi sự chột dạ. Rằng mọi nỗ lực từ nhiều thập niên qua của chế độ nhằm thực hiện chính sách “ngu dân để trị,” hoặc đàn áp khốc liệt để người dân không dám quan tâm hoặc lên tiếng về chính trị đã hoàn toàn phá sản.
Rằng ý thức chính trị của người vẫn còn nguyên đó, chúng hết sức mạnh mẽ, có lẽ chỉ chực chờ tia lửa nhỏ để bén cháy thành một trận hỏa hoạn mà thôi. Và nếu nó cháy, thì chẳng phải chế độ Cộng Sản, vốn bị người dân oán ghét vì tước đoạt của họ quá nhiều thứ, từ những giá trị vật chất đến tinh thần, chẳng phải sẽ là những thứ đầu tiên làm mồi cho ngọn lửa ấy hay sao?
Người dân có thể nâng thuyền được, thì người dân cũng có thể lật thuyền. Một con thuyền không đưa người dân đến được với tự do, con thuyền ấy không có lý do gì để tồn tại. [kn]