Từ Hội nghị Berlin năm 1885 giữa các cường quốc thực dân châu Âu để phân chia châu Phi cho đến Hội nghị Yalta năm 1945 chia châu Âu thành các vùng chịu sự ảnh hưởng của Mỹ và Liên Xô, từ thỏa thuận Sykes-Picot về Trung Đông năm 1916 cho đến thỏa thuận Munich về Sudetenland năm 1938.

Ảnh minh họa : Quốc huy trên nền lá cờ Ukraina. © Armando Franca / AP
Không kể đến hàng loạt những cuộc họp quốc tế khác đã định đoạt số phận của các dân tộc mà không có sự tham gia của đại diện của chính họ, giống như cuộc họp cấp cao về tương lai của Ukraina vừa diễn ra tại Ả Rập Xê Út giữa các quan chức Nga và Mỹ, nhưng không có sự tham gia của đại diện phía Kiev.
Tổng thống Volodymyr Zelensky đã tuyên bố “sẽ không bao giờ chấp nhận” những quyết định được đưa ra mà không có sự tham gia của Kiev trong các cuộc đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh mà Nga đã khơi mào và tiến hành ở Ukraina từ 3 năm qua.
Quyết định đàm phán về chủ quyền của Ukraina mà không có sự tham gia của Kiev, cùng với những áp lực bắt chẹt của tổng thống Mỹ Donald Trump, tìm cách giành lấy một nửa lượng khoáng sản quý hiếm của Ukraina và đe dọa ngưng viện trợ quân sự cho Kiev, cho thấy cách mà chủ nhân Nhà Trắng nhìn nhận Ukraina nói riêng và châu Âu nói chung.
Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên các cường quốc quyết định đàm phán về việc thiết lập đường biên giới mới hoặc vùng ảnh hưởng mà không có ý kiến của dân cư sống ở đó. Những cuộc đàm phán như vậy hiếm khi mang lại kết quả tích cực cho những nước và dân cư bị ảnh hưởng.
Sự phân chia châu Phi (1885)
Trong mùa đông 1884-1885, nhà lãnh đạo Đức Otto von Bismarck đã mời các cường quốc châu Âu đến Berlin để dự hội nghị nhằm chính thức hóa việc phân chia toàn bộ lục địa châu Phi. Không có một đại diện châu Phi nào có mặt.
Các nước tham dự hội nghị đã nhất trí thành lập Nhà nước Tự do Congo, đặt dưới sự kiểm soát của Bỉ, nơi sau đó trở thành nơi diễn ra những tội ác thực dân với hàng triệu người chết.
Nhân hội nghị này, Đức cũng đã thành lập thuộc địa Tây Nam Phi (nay là Namibia), nơi mà cuộc diệt chủng đầu tiên của thế kỷ XX được tiến hành vài năm sau đó chống lại người Herero.
Công ước Ba bên (1899)
Năm 1899, Đức và Hoa Kỳ đã tổ chức một hội nghị tại Washington, bàn thảo chia nhau quần đảo Samoa, mặc dù cư dân ở đó đã bày tỏ mong muốn tự trị hoặc thành lập một liên bang các quốc gia Thái Bình Dương với Hawaii. Với khoản “bồi thường” cho việc tự rút khỏi Samoa, Vương Quốc Anh đã nhận được quyền kiểm soát tuyệt đối với quần đảo Tonga.
Samoa thuộc Đức đã được chuyển giao cho New Zealand sau Đệ Nhất Thế Chiến và chỉ giành được độc lập vào năm 1962. Samoa thuộc Mỹ (cùng với một số đảo khác ở Thái Bình Dương) vẫn là một lãnh thổ của Hoa Kỳ cho đến bây giờ.
Thỏa thuận Sykes-Picot (1916)
Trong Đệ Nhất Thế Chiến, các đại diện Anh và Pháp đã gặp nhau để quyết định phân chia Đế quốc Ottoman sau khi chiến tranh kết thúc. Với tư cách là một cường quốc đối địch, đại diện Ottoman không được mời tham dự các cuộc thảo luận.
Các nhà ngoại giao Anh Mark Sykes và Pháp François Georges-Picot đã vẽ lại biên giới Trung Đông theo lợi ích của nước họ.
Thỏa thuận Sykes-Picot đã đi ngược lại với những cam kết được đưa ra trong một loạt văn bản được biết đến với tên gọi Thư tín giữa Hussein-McMahon. Trong những văn bản này, Luân Đôn hứa ủng hộ nền độc lập của các quốc gia Ả Rập khỏi sự thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thỏa thuận này đã đi ngược lại với những cam kết mà Vương Quốc Anh đưa ra trong Tuyên bố Balfour, tức là cam kết ủng hộ những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái muốn xây dựng một quê hương mới ở Palestine thuộc Ottoman. Đó cũng là nguồn gốc của nhiều thập kỷ xung đột với chính sách thuộc địa tồi tệ ở Trung Đông, và hậu quả vẫn có thể kiểm chứng cho đến tận bây giờ.
Thỏa thuận Munich (1938)
Tháng 09/1938, thủ tướng Anh Neville Chamberlain và đồng nhiệm Pháp Édouard Daladier đã gặp các nhà độc tài Ý Benito Mussolini và Đức Adolf Hitler để ký Thỏa thuận Munich.
Luân Đôn và Paris tìm cách ngăn chặn sự lan rộng của chiến tranh ở châu Âu sau khi phe Quốc xã đã khơi mào một cuộc nổi dậy và bắt đầu tấn công các khu vực nói tiếng Đức của Tiệp Khắc, được biết đến với tên gọi Sudetenland, với lý do bảo vệ cộng đồng thiểu số người Đức sống ở đó. Không có đại diện Tiệp Khắc nào được mời tham dự cuộc họp.
Thỏa thuận đúc kết từ cuộc họp này vẫn thường được gọi là “sự phản bội Munich” và được coi là một ví dụ kinh điển về những cố gắng vô ích nhằm xoa dịu một cường quốc hiếu chiến với hy vọng sai lầm là có thể tránh để xảy ra chiến tranh.
Hội nghị Évian (1938)
Năm 1938, 32 quốc gia đã tập trung tại Évian-les-Bains (Haute-Savoie), Pháp, để quyết định về việc tiếp nhận người tị nạn Do Thái chạy trốn khỏi sự đàn áp của Đức Quốc xã.
Trước khi hội nghị bắt đầu, Vương Quốc Anh và Hoa Kỳ đã nhất trí không gây áp lực với nhau về vấn đề hạn ngạch người Do Thái mà họ sẽ chấp nhận tại Palestine thuộc Anh hoặc Mỹ.
Mặc dù Golda Meir (sau này trở thành thủ tướng Israel) đã tham dự hội nghị với tư cách quan sát viên, bà cũng như bất kỳ đại diện nào khác của Nhà nước Do Thái đều không được phép tham gia đàm phán. Ngoại trừ Cộng hòa Dominica, các quốc gia tham dự đều không chấp nhận tiếp nhận di dân Do Thái. Hầu hết người Do Thái ở Đức không thể rời khỏi đất nước trước khi chủ nghĩa Quốc xã đạt đến đỉnh điểm diệt chủng trong Holocaust.
Hiệp ước Molotov-Ribbentrop (1939)
Khi lên kế hoạch xâm lược Đông Âu, Hitler nhận ra rằng trở ngại chính của mình là Liên Xô. Đức đã ký một hiệp ước không xâm lược Liên Xô.
Hiệp ước, được đặt theo tên ngoại trưởng Liên Xô Vyacheslav Molotov và đồng nhiệm Đức Joachim von Ribbentrop, bảo đảm Liên Xô sẽ không đáp trả việc Hitler xâm lược Ba Lan. Hiệp ước cũng chia châu Âu thành các vùng chịu sự ảnh hưởng của phe Quốc xã và Liên Xô. Điều này cho phép Liên Xô mở rộng lãnh thổ đến các quốc gia vùng Baltic, tấn công Phần Lan và chiếm một phần lãnh thổ của Ba Lan và Rumani.
Không có gì ngạc nhiên khi mà một số nước Đông Âu coi các cuộc đàm phán hiện tại giữa Hoa Kỳ và Nga về tương lai của Ukraina như một sự trở lại của loại hình ngoại giao bí mật đã chia các quốc gia nhỏ ở châu Âu giữa các cường quốc lớn trong Đệ Nhị Thế Chiến.
Hội nghị Yalta (1945)
Khi thất bại của Đức Quốc xã cận kề, thủ tướng Anh Winston Churchill, nhà độc tài Liên Xô Joseph Stalin và tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã gặp nhau vào tháng 02/1945 để định đoạt số phận của châu Âu sau chiến tranh. Cuộc họp này được biết đến với tên gọi Hội nghị Yalta.
Cùng với Hội nghị Potsdam 1 năm sau đó, Yalta đã tạo ra “kiến trúc” chính trị dẫn đến sự chia cắt châu Âu trong Chiến tranh Lạnh.
Tại Yalta, “ba đại cường” đã quyết định chia cắt Đức, trong khi Stalin được trao một vùng ảnh hưởng ở Đông Âu.
Liên Xô sau đó đã biến một số quốc gia Đông Âu thành các quốc gia vùng đệm dưới sự kiểm soát của mình, mô hình mà một số quan sát viên cho rằng đang truyền cảm hứng cho Vladimir Putin ở Đông và Đông Nam Âu ngày nay.
Nguồn : The Conversation