Nhà báo Huy Đức chính thức bị truy tố tội ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’

Ba’o Tieng Dan

VOA

12-2-2025

Viện Kiểm sát nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố nhà báo Huy Đức (tên thật là Trương Huy San) về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo quy định tại điều 331, khoản 2 của Bộ luật Hình sự, báo chí trong nước đưa tin.

Nhà báo Huy Đức. Nguồn: AFP/ VOA

Thông tấn xã Việt Nam (TTXVN) hôm 12/2 đưa tin rằng cơ quan công tố này “đã chuyển hồ sơ vụ án này tới Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để nghiên cứu, đưa ra xét xử theo thẩm quyền”.

Hãng tin nhà nước này dẫn cáo trạng, nói rằng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2024, ông Trương Huy San “đã tự thu thập thông tin, tài liệu, soạn thảo và đăng trên Facebook cá nhân “Truong Huy San (Osin Huy Duc)” nhiều bài viết, trong đó có 13 bài viết có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Theo TTXVN, cáo trạng cho rằng các bài viết này “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Thông tấn xã Việt Nam cũng như báo chí trong nước không đăng cụ thể tên của 13 bài viết bị cáo buộc là “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, cơ quan điều tra của Bộ Công an hôm 7/6 năm ngoái ra quyết định khởi tố và bắt tạm giam đối với nhà báo Huy Đức, ít ngày sau khi người thân và bạn bè cho biết ông “mất tích” từ ngày 1/6.

Không lâu trước khi bị bắt, trên trang Facebook cá nhân của ông mà sau đó không còn truy cập được, nhà báo Huy Đức đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc”, trong đó ông viết rằng “việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là một bước lùi về chính trị”.

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất, của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa”, ông viết.

Trước đó, trong bài có tựa đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi”, nhà báo Huy Đức viết rằng “thực tiễn nhiều năm qua cho thấy, không phải lực lượng công an đông mà đất nước an toàn hơn” và rằng “chưa bao giờ tội phạm phát triển phức tạp như vừa qua…”.

Sau khi ông Trương Huy San bị bắt, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho VOA tiếng Việt biết rằng phía Mỹ “thường xuyên kêu gọi Việt Nam tôn trọng và bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản cho tất cả mọi người ở Việt Nam, phù hợp với các nghĩa vụ và cam kết quốc tế của mình, đồng thời trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ oan uổng”.

Bộ Ngoại giao Việt Nam thường bác bỏ các cáo buộc của các tổ chức quốc tế về việc Hà Nội vi phạm nhân quyền trong các vụ bắt giữ liên quan tới tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và tuyên bố rằng chỉ có những người vi phạm pháp luật mới bị bắt giữ ở Việt Nam.

______

BBC: Nhà báo Huy Đức bị truy tố về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ

12-2-2025

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao Việt Nam đã hoàn tất cáo trạng truy tố ông Trương Huy San, tức nhà báo Huy Đức, về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331, khoản 2 Bộ luật Hình sự.

Cơ quan giữ quyền công tố này đã chuyển hồ sơ vụ án của nhà báo Huy Đức đến Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội để xét xử, truyền thông trong nước đưa tin hôm nay, 12/2/2025.

Theo cáo trạng, từ năm 2015 đến 2024, nhà báo Huy Đức – tác giả bộ sách Bên thắng cuộc, có bút danh Osin – đã đăng tải 13 bài viết trên Facebook cá nhân “có nội dung xâm phạm đến lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Cáo trạng cũng cho hay đây là các bài viết “có số lượng tương tác, bình luận, chia sẻ lớn, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, nên cần thiết xử lý theo quy định pháp luật”.

Báo chí trong nước dẫn lời cơ quan công tố rằng nhà báo Huy Đức khai nhận thông tin trong các bài viết là do ông tự thu thập và đánh giá.

Ông cũng nhận thức được rằng nội dung của các bài viết có thể gây ảnh hưởng đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân, “nhưng không có ý định chống Đảng hay Nhà nước”, theo báo Tuổi Trẻ.

Trước đó vào ngày 7/6/2024, Bộ Công an thông tin rằng Cơ quan An ninh điều tra thuộc bộ này đã ra quyết định khởi tố vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” xảy ra tại Hà Nội và các tỉnh, thành phố đối với nhà báo Huy Đức.

Cùng ngày, Cơ quan An ninh cũng đã khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Trần Đình Triển, Trưởng Văn phòng Luật sư Vì Dân, Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội với cùng tội danh.

Nhà báo Huy Đức (trái) và Luật sư Trần Đình Triển. Nguồn: Bộ Công an

Bộ Công an thông báo vào thời điểm đó rằng kết quả điều tra ban đầu xác định ông Trương Huy San và ông Trần Đình Triển đã có hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng các quyền tự do dân chủ, đăng tải các bài viết trên mạng xã hội Facebook xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

Trong khi bị bắt và khởi tố cùng ngày, cùng tội danh nhưng quy trình điều tra, truy tố và xét xử của ông Trần Đình Triển diễn ra khá nhanh.

Cụ thể, vào trung tuần tháng 12/2024, ông Triển bị truy tố.

Đến tháng 1/2025, ông Trần Đình Triển, người có học vị tiến sĩ luật, ông ra tòa, và bị tuyên án 3 năm tù vì tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” theo điều 331.

Tòa án cáo buộc ông Triển đã viết và đăng trên trang Facebook cá nhân của mình một số bài viết “có nội dung không xác thực” gây ảnh hưởng đến uy tín ngành tòa án và cá nhân chánh án tòa tối cao.

Cho dù ông Trần Đình Triển và một số luật sư khẳng định việc soạn thảo các bài viết trên là thực hiện quyền tự do ngôn luận là không có cơ sở, thì tòa nhận định hành vi của ông là “rất nghiêm trọng, ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”.

Trong khi đó, Về phần nhà báo Huy Đức, đến hôm nay cơ quan công tố mới chính thức truy tố, và vẫn chưa rõ ngày sẽ đưa ra tòa xét xử.

Trước khi bị bắt, Facebook mang tên Truong Huy San với hơn 370.000 người theo dõi đã có một số bài phản biện về hệ thống chính trị Việt Nam, đặc biệt là nói đến vai trò của Đại tướng Tô Lâm, lúc đó đã được bầu làm Chủ tịch nước, và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trang Facebook này có đăng tải bài viết “Những suy nghĩ không rời rạc” vào ngày 28/5, trong đó ông bình luận về các vấn đề pháp quyền tại Việt Nam và viết rằng việc tái lập các ban Đảng thời ông Nguyễn Phú Trọng là “một bước lùi về chính trị”.

Bài viết này có đoạn:

“Tuy cảm phục mức độ liêm chính, về mặt vật chất của ông Nguyễn Phú Trọng, dân chúng vẫn chưa thấy các dấu hiệu chứng tỏ sẽ có ‘Đổi mới II’ trong nhiệm kỳ cuối của ông. Nếu cho đến ngày nghỉ hưu, ông không đưa ra được một lộ trình chính trị để đất nước dân chủ hơn, sự sạch sẽ của ông sẽ là vô nghĩa.”

Một bài viết khác có nhan đề “Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi” cũng trên trên Facebook Truong Huy San nói về quyền lực của Bộ Công an trong hệ thống chính trị và điều hành nhà nước.

“Việt Nam đang duy trì một thể chế tương đồng với Trung Quốc. Việt Nam nên học Trung Quốc ở những điều họ đúng: Bộ trưởng công an không phải là ủy viên bộ chính trị. Có lẽ Đảng Cộng sản Trung Quốc coi công an là công cụ của bộ chính trị chứ không để bộ chính trị trở thành con tin của công an.”

Ông cũng đề nghị “Bộ Công an cũng không nên cấu trúc như hiện nay mà nên tách chức năng điều tra khỏi lực lượng cảnh sát…”

“Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công an, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành,” bài viết nêu.

Vào ngày 19/5, trước thềm họp thường kỳ Quốc hội khóa 15, Facebook Truong Huy San cũng có bài viết, trong đó lập luận rằng một người vừa làm chủ tịch nước vừa làm bộ trưởng Công an là trái với Hiến pháp.

Lúc bấy giờ, ông Tô Lâm đã được Đảng Cộng sản Việt Nam giới thiệu để Quốc hội bầu chủ tịch nước, trong khi ông vẫn chưa được miễn nhiệm chức bộ trưởng Công an và trong chương trình làm việc được công bố lúc bấy giờ của Quốc hội cũng không có nội dung miễn nhiệm này.

Lúc này, ông Tô Lâm đã trở thành Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng, thay cho ông Nguyễn Phú Trọng đã mất.

Phản ứng của các bên

Sau khi nhà báo Huy Đức bị bắt giữ, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) và một số tổ chức quốc tế khác đã đồng loạt lên tiếng yêu cầu chính phủ Việt Nam ngay lập tức trả tự do cho ông.

“Chính quyền Việt Nam cần trả tự do ngay lập tức cho nhà báo, blogger và tác giả nổi tiếng Huy Đức và bãi bỏ mọi cáo buộc đối với ông,” HRW lên tiếng trong thông cáo báo chí phát đi hôm 7/6.

Bà Patricia Gossman, Phó Giám đốc khu vực châu Á của HRW, nói: “Bằng việc bắt giữ sai trái ông Huy Đức, chính quyền Việt Nam đang nhắm vào một trong những nhà báo dũng cảm và có ảnh hưởng nhất của Việt Nam.

“Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên tố cáo việc bắt giữ Huy Đức là một cuộc tấn công trắng trợn vào quyền tự do ngôn luận và kêu gọi thả ông ngay lập tức.”

Dự án 88, một nhóm đa quốc gia giám sát nhân quyền ở Việt Nam bình luận vụ bắt giữ nhà báo Huy Đức “thể hiện một cuộc tấn công đáng báo động vào quyền tự do báo chí và là vụ mới nhất trong một cuộc đàn áp đang diễn ra nhằm vào các nhà cải cách”.

Cédric Alviani, Giám đốc Văn phòng Tổ chức Phóng viên Không Biên giới châu Á-Thái Bình Dương, nói ngay trước khi có thông báo chính thức về vụ bắt giữ ông Huy Đức:

“Các bài viết của nhà báo độc lập Huy Đức là nguồn thông tin vô giá giúp công chúng Việt Nam tiếp cận những thông tin bị chế độ Việt Nam kiểm duyệt. Chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thả ngay nhà báo này và cho khôi phục trang Facebook của ông.”

Đến tháng 9/2024, thời điểm Tổng Bí thư Tô Lâm có chuyến công du Mỹ, gần 100 trí thức trong và ngoài nước đã ký vào thư kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho nhà báo Huy Đức.

Trong danh sách ký tên vào thư ngỏ ngày 20/9 kêu gọi trả tự do cho nhà báo Huy Đức, có các tên tuổi như nhà văn Phạm Thị Hoài (Đức), nhà kinh tế Vũ Quang Việt (Mỹ), Giáo sư Tường Vũ (Mỹ), dịch giả Nguyễn Nguyệt Cầm (Mỹ), nhà văn Thomas A. Bass (Mỹ), nhà báo Katrin Bennhold (New York Times, Mỹ), Giáo sư Ben Kerkvliet (Úc)…

______

Mời đọc thêm: Truy tố bị can Trương Huy San về tội lợi dụng các quyền tự do dân chủ (TT). – Ông Trương Huy San bị cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ’ (VNE).


 

Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay