January 30, 2025
WASHINGTON, DC (NV) – Một chiếc phản lực cơ bay cho hãng hàng không American Airlines chở 64 người đụng một chiếc trực thăng Black Hawk của quân đội Hoa Kỳ do ba binh sĩ điều khiển gần phi trường quốc gia Ronald Reagan Washington National Airport ở Washington, DC, đêm Thứ Tư, 29 Tháng Giêng, làm tổng cộng 67 người thiệt mạng.
Chuyến bay dân sự số 5342 khởi hành từ Wichita, Kansas. Còn chiếc trực thăng thuộc Phi Đoàn 12 Lục Quân Hoa Kỳ đến từ căn cứ Fort Belvoir ở Virginia.
Mảnh vỡ từ chiếc máy bay trên dòng sông Potomac đang được trục vớt ở Washington, DC, sáng 30 Tháng Giêng, 2025, sau tai nạn máy bay đụng trực thăng đêm hôm trước. (Hình: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP/Getty Images)
Hành khách gồm 60 người trên phi cơ dân sự cùng bốn thành viên phi hành đoàn. Trên trực thăng có ba binh sĩ Hoa Kỳ đang bay tập sự, phát ngôn viên Đội Đặc Nhiệm Hỗn Hợp Vùng Thủ Đô Quốc Gia cho biết.
Các toán cấp cứu trục vớt được một số thi thể nạn nhân từ dưới sông Potomac, không có hy vọng còn người nào sống sót.
Trong số nạn nhân máy bay dân sự có nhiều lực sĩ trượt băng nghệ thuật, bao gồm vợ chồng vô địch quốc tế người Nga. Ngoài ra nghiệp đoàn ngành xây lắp sửa chữa ống nước của Hoa Kỳ và Canada cũng loan báo có bốn thành viên nghiệp đoàn trên chuyến bay bất hạnh.
Xác chiếc máy bay dân sự đứt làm ba phần, nằm ngửa bụng ở vùng nước sông sâu tới cỡ thắt lưng. Chiếc trực thăng cũng đã được tìm thấy.
Do lực va chạm mạnh, các mảnh vỡ từ tai nạn trên không trung văng ra tứ tung, rải rác ở các tiểu bang Virginia, Maryland và Washington, DC. Các bến tàu và công viên dọc theo dòng sông và ven biển, bao gồm đảo Daingerfield, Gravelly Point, Hains Point, và National Harbor, tạm đóng cửa để hỗ trợ công cuộc tìm kiếm.
Hai chiếc tàu cứu nạn kéo mảnh vỡ từ tai nạn hai phi cơ trên sông Potomac gần phi trường quốc gia Reagan National Airport ở Washington, DC, đêm 29 Tháng Giêng, 2025. (Hình: ANDREW CABALLERO-REYNOLDS/AFP/Getty Images)
Tai nạn xảy ra ở không phận được bảo vệ nghiêm mật nhất thế giới, chỉ cách Tòa Bạch Ốc và Quốc Hội ba dặm về hướng Nam.
Khi bay ngang sông Potomac, chuẩn bị đáp ở đường băng số 33 tại phi trường Reagan, phi cơ American Airlines đang ở cao độ 400 foot và tốc độ 140 dặm/giờ thì bỗng dưng lao xuống, theo dữ liệu từ máy truyền tín hiệu. Máy bay Bombardier của Canada sản xuất năm 2004 có hai động cơ, chở được tối đa 70 hành khách.
Chiếc trực thăng khi ấy dường như đang bay ở độ cao khoảng 350 foot, trên cao độ bắt buộc 200 foot, theo các nguồn tin thông thạo.
Dưới 30 giây trước khi hai chiếc máy bay đụng nhau, một người điều khiển không lưu hỏi trực thăng liệu có thấy chiếc máy bay dân sự trong tầm nhìn hay không, nhưng không thấy trực thăng hồi âm. Một chốc sau thì đài không lưu thông báo cho trực thăng “lướt qua phía sau” máy bay dân sự. Vài giây sau thì hai chiếc máy bay đâm sầm vào nhau lúc 8 giờ 47 phút.
Máy thu hình từ tòa nhà Kennedy Center bắt được đốm sáng lúc máy bay có thể đã nổ trên không trung trước khi rơi xuống dòng sông Potomac đêm 29 Tháng Giêng, 2025, tại Washington, DC (Hình: Kennedy Center Webcam/@aletweetsnews/X)
Đài không lưu lập tức ra tín hiệu cho tất cả máy bay tránh khỏi khu vực phi trường Reagan, và FAA cho biết phi trường tạm thời đóng cửa.
Jack Potter, tổng giám đốc phi trường Washington, cho hay vào sáng Thứ Năm rằng phi trường Reagan sẽ hoạt động lại vào lúc 11 giờ.
Tổng Thống Donald Trump đã được cập nhật tình hình. Trong một thông cáo, ông Trump gửi lời cảm tạ các nhân viên cấp cứu đã lập tức ứng phó với tai nạn.
Bầu trời trong vào đêm hai máy bay đụng nhau. Nước sông Potomac lạnh khoảng 36 độ Fahrenheit, gió giật tới 25 dặm/giờ suốt buổi chiều tối, dù Thứ Tư là một ngày tương đối ấm áp hơn ở Washington với nhiệt độ lên cao nhất trong ngày ở mức 60 độ F.
Sơ đồ nơi máy bay dân sự và trực thăng quân đội tông nhau ở Washington, DC, đêm 29 Tháng Giêng, 2025. (Nguồn: AP, FlightAware, adsbexchange.com, OpenStreetMap)
Tai nạn không lưu này là thử thách đầu tiên cho tân Bộ Trưởng Giao Thông Sean Duffy, người vừa mới được phê chuẩn hôm Thứ Ba.
Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Pete Hegseth tuyên bố quân đội và Bộ Quốc Phòng vào cuộc điều tra ngay lập tức.
Chiếc trực thăng chở ba binh sĩ Lục Quân đang “huấn luyện thuần thục thao tác bay hàng năm” vào thời điểm xảy ra tai nạn, Hegseth cho biết trong một tuyên bố qua băng thu hình. Toán phi công này “khá là kinh nghiệm” và “có đeo kính hỗ trợ tầm nhìn ban đêm,” Hegseth nói.
Các phi công bay cho Phi Đoàn 12 ở Fort Belvoir thường bay dọc theo sông Potomac, thường là để đưa đón các tướng lãnh hoặc các nhà lãnh đạo quân đội từ Ngũ Giác Đài, hoặc một số yếu nhân khác trong vùng Đông Bắc Mỹ. Đường bay đêm Thứ Hai khá thông dụng cho phi đoàn. Có khoảng 100 máy bay trực thăng của Lục Quân, Thủy Quân Lục Chiến, Hải Quân, và Bộ Nội An qua lại khu vực vừa xảy ra tai nạn mỗi ngày.
Cơ Quan Điều Tra Liên Bang FBI gửi đội ứng phó từ thủ đô đến nơi xảy ra tai nạn để hỗ trợ.
Phi trường quốc gia Wichita National Airport thành lập đội ngũ tại chỗ để giúp đỡ, thông tin cho gia đình các nạn nhân.
American Airlines thiết lập đường dây điện thoại để thông tin cho gia đình và bạn bè nạn nhân: 1-800-679-8215.
Thống Đốc Virginia Glenn Youngkin cho biết đã huy động lực lượng tìm kiếm và cứu nạn từ miền Bắc tiểu bang phối hợp với vùng District of Columbia và tiểu bang Maryland.
Trong cuộc họp báo sáng Thứ Năm, Thị Trưởng Lily Wu của thành phố Wichita, nơi chuyến bay xuất phát, bày tỏ nỗi đau buồn tột độ trước tai nạn thảm khốc. Bà nói, chuyện thương tâm này sẽ “vĩnh viễn” gắn liền Wichita với Washington.
Ủy Ban An Toàn Giao Thông Quốc Gia NTSB lãnh đạo cuộc điều tra tai nạn, phối hợp với FAA.
Tổng Giám Đốc Robert Isom của American Airlines xác nhận chi tiết về chuyến bay gặp nạn, đồng thời bày tỏ “niềm đau buồn tột độ” trước sự việc này trong một đoạn ghi hình đăng trên trang mạng của hãng hàng không. Tại cuộc họp báo sáng Thứ Năm, Isom cho biết viên phi công chính lái máy bay gặp nạn có gần sáu năm kinh nghiệm làm việc cho PSA Airlines và phi công phụ thì gần hai năm.
Lần chót có tai nạn máy bay dân sự Hoa Kỳ làm chết người xảy ra vào năm 2009 ở Buffalo, tiểu bang New York, theo NTSB. Tất cả 45 hành khách và bốn người trong phi hành đoàn trên chiếc máy bay Bombardier DHC-8 đều thiệt mạng cùng với một người dưới mặt đất.
Tin đăng lúc 23:10 ET ngày 29/1, cập nhật lúc 11:01 ET ngày 30/1 – (TTHN)