December 19, 2024
Trúc Phương/Người Việt
Hình ảnh những cuộc “hôi của” tại dinh tổng thống của ông Bashar al-Assad sau khi ông trốn chạy sang Moscow, Nga, khiến người dân Syria thật sự sốc, khi lần đầu tiên chứng kiến nguồn tài sản khổng lồ của cựu tổng thống Syria.
Ông Bashar al-Assad (trái), cựu tổng thống Syria, đang được chế độ độc tài Vladimir Putin, tổng thống Nga, chứa chấp. (Hình: Louai Beshara/AFP via Getty Images)
Trong nhiều thập niên, ông Bashar al-Assad và gia đình luôn xây dựng hình ảnh là nhà lãnh đạo “khắc khổ,” không phô trương lối sống xa hoa như ông Muammar Gaddafi (Libya) hay ông Saddam Hussein (Iraq). Tuy nhiên, một bức tranh hoàn toàn khác về ông Bashar al-Assad đã lộ ra.
Tài sản chìm nổi
Suốt gần 25 năm cai trị Syria bằng bàn tay sắt, ông Bashar al-Assad và gia đình ông “sống, theo một cách nào đó, một cuộc sống bình thường trước mặt mọi người,” theo lời doanh nhân nghỉ hưu Ammar Mahayni, người ở gần dinh thự gia đình Assad tại Damascus trong nhiều thập niên, theo The Washington Post.
“Con cái ông ấy học những trường bình thường” cùng với những cư dân Damascus bình thường, thay vì học tại trường tư cao cấp hoặc trường nội trú nước ngoài. Thành viên gia đình Bashar al-Assad sử dụng những chiếc xe bình thường và mặc “quần jean và áo thun” đơn giản khi ra ngoài chốn công cộng. “Chị gái tôi thường thấy con gái ông ấy ngồi với bạn bè tán gẫu trong một hồ bơi câu lạc bộ,” ông Ammar Mahayni nói thêm.
Tuy nhiên, khi ông Bashar al-Assad trốn chạy, người dân mới phát hiện dinh thự của ông toàn đồ cao cấp, từ những bức tường dát vàng, hàng đống hàng hiệu Louis Vuitton, Hermes, Cartier đến những chiếc xe siêu sang Lamborghini, Aston Martin, Cadillac, Ferrari… Trong garage, người ta thấy một chiếc Lexus màu đen bóng cáu cạnh đậu gần một chiếc Ferrari F50 màu đỏ có giá tới 1.5 triệu bảng Anh.
Tờ Elav của Saudi Arabia, dẫn từ nguồn tình báo Anh (MI6), cho biết tài sản gia đình Assad gồm 200 tấn vàng, $16 tỷ và 5 tỷ euro – tương đương toàn bộ ngân sách quốc gia Syria. Một phúc trình năm 2022 của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ước tính tài sản gia đình Bashar al-Assad nằm trong khoảng $1 tỷ đến $2 tỷ. Nguồn tài sản của họ có được từ những hoạt động kinh doanh và đầu tư hợp pháp lẫn bất hợp pháp. Họ dính vào buôn lậu, buôn bán vũ khí và cả ma túy. Tiền thu từ những hoạt động bất hợp pháp được chuyển qua các công ty và tổ chức phi lợi nhuận.
Tờ Daily Mail cho biết, đại gia đình Bashar al-Assad, tính cả “bà con nội ngoại hai bên” và “anh em dâu rể,” đã mua ít nhất 20 căn chung cư ở Moscow trị giá hơn 30 triệu bảng Anh, chưa kể những ngôi nhà xa hoa ở Dubai, United Arab Emirates, và nhiều tài khoản bí mật ở Lebanon.
Năm 2012, Wikileaks tiết lộ, Đệ Nhất Phu Nhân Asma al-Assad (một cựu nhân viên ngân hàng tại JPMorgan) từng chi $350,000 để mua đồ nội thất cho dinh tổng thống và $7,000 cho một đôi giày nạm pha lê.
Chế độ gia đình trị và nền chính trị thân hữu
Sự giàu có của gia tộc Assad liên tục tăng trong khi người dân Syria phải vật lộn với tác động của cuộc nội chiến bùng nổ vào năm 2011. Năm 2022, Ngân Hàng Thế Giới cho biết gần 70% dân số Syria sống trong nghèo đói. GDP của Syria chỉ đạt vỏn vẹn $9 tỷ vào năm 2021. Và theo Liên Hiệp Quốc, khoảng 3/4 người dân Syria cần được hỗ trợ nhân đạo và hơn một nửa phải vật lộn mới có đủ thức ăn.
Tài sản gia đình Assad được giấu khéo léo trong nhiều công ty và quỹ tín thác. Mỹ và Tây phương đã chú ý nguồn tiền phi pháp của chính quyền Bashar al-Assad trong nhiều năm. Anh đã đóng băng hàng triệu đô la của ông Bashar al-Assad.
Tháng Tư, 2017, cảnh sát Tây Ban Nha tịch thu $740 triệu từ một trong những người chú của ông Bashar al-Assad. Trong cùng năm, chính phủ Anh đóng băng hơn $124 triệu nguồn tài sản liên quan ông Bashar al-Assad. Thụy Sĩ cũng đóng băng 50 triệu franc Thụy Sĩ nguồn tài sản dính dáng cá nhân ông Bashar al-Assad lẫn 127 quan chức Syria và 40 công ty liên quan, theo tờ Finance-Monthly.com.
Gia đình Assad bắt đầu làm giàu bằng việc xây dựng một mạng lưới đầu tư và kinh doanh rộng lớn trong nhiều thập niên kể từ khi “tộc trưởng” Hafez al-Assad lên nắm quyền tổng thống vào năm 1970. Tờ Wall Street Journal cho biết, Tổng Thống Hafez giao cho anh rể Mohammad Makhlouf, thời điểm đó là một nhân viên hàng không, phụ trách độc quyền nhập khẩu thuốc lá. Ông Makhlouf sau đó phụ trách thêm lĩnh vực xây dựng.
Cuộc nội chiến Syria bùng nổ năm 2011 tiếp tục mở ra cơ hội làm giàu cho gia tộc Assad. Theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ, em trai của ông Bashar al-Assad – Maher, chỉ huy trưởng Sư Đoàn Thiết Giáp Số 4 của Syria – đã dùng quân đội để buôn lậu chất ma túy captagon đến các nước Trung Đông. Theo Tổ Chức Quan Sát Các Mạng Lưới Chính Trị và Kinh Tế (Observatory of Political and Economic Networks), tiền thu được từ việc kinh doanh captagon đã giúp chế độ Bashar al-Assad sống khỏe ngay cả trong thời điểm Syria chịu nhiều lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Nhờ buôn lậu captagon, ông Bashar al-Assad kiếm được trung bình hằng năm khoảng $2.4 tỷ từ năm 2020 đến năm 2022.
Gia tộc Makhlouf
Đáng chú ý nhất vẫn là gia tộc Makhlouf – từng một thời là cánh tay phải của gia đình Assad. Ông Mohammad Makhlouf – anh rể của cha ông Bashar al-Assad – từ lâu được xem gia đình giàu có nhất nhì Syria.
Năm 2018, Trung Tâm Nghiên Cứu Quốc Phòng Tiên Tiến (Center for Advanced Defense Studies, Washington DC) cho biết, gia đình Makhlouf đã mua hàng loạt bất động sản ở Dubai trị giá khoảng $3.9 triệu, chưa kể các khách sạn hạng sang trị giá 20 triệu euro ở Vienna, Áo, và một nhượng quyền thương mại quán bar cao cấp Buddha Bar.
Theo cuộc điều tra năm 2019 của nhóm chống tham nhũng Global Witness, thành viên gia đình Makhlouf cũng sở hữu khối bất động sản trị giá khoảng $40 triệu ở Moscow.
Khi ông Bashar al-Assad kế nhiệm ghế tổng thống vào năm 2000, ông Mohammad Makhlouf trao lại đế chế kinh doanh cho con trai Rami. Những năm sau đó, ông Rami Makhlouf đã giúp ông Bashar al-Assad tích cóp khi “thầu” lĩnh vực ngân hàng, truyền thông, cửa hàng miễn thuế, các hãng hàng không và viễn thông, với tổng giá trị lên tới $10 tỷ – theo Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ. Năm 2008, chính phủ Mỹ đã trừng phạt ông Rami Makhlouf vì tội trục lợi và tiếp tay cho tham nhũng ở Syria.
Năm 2020, quan hệ giữa ông Bashar al-Assad và gia đình Rami Makhlouf trở nên căng thẳng. Ông Bashar al-Assad công khai gạt ông Rami Makhlouf ra ngoài lề và bắt đầu kiểm soát tất cả. Ông Rami Makhlouf bị quản thúc tại gia. Nhiều hoạt động làm ăn của ông Rami bị nhà nước Syria quản lý.
Có thể sự phô trương của các thành viên gia đình Rami Makhlouf là một trong những lý do khiến ông Rami bị thất sủng. Hai con trai của ông Rami thường xuyên khoe khoang lối sống sang chảnh trên mạng xã hội, từ việc đàn đúm tại các hộp đêm sang trọng ở Dubai đến hình ảnh phóng xe Ferrari, từ việc vung vẩy chai champagne đến hình ảnh phanh áo ngực trong các phòng tập thể dục cao cấp ở Dubai. Cậu con trai Mohammad của ông Rami từng khoe xài đến $43 triệu chỉ để “độ” lại chiếc máy bay riêng cũng như “đập ra sửa lại” hai phòng khách và một phòng tắm.
Sau khi ông Rami Makhlouf bị tống cổ, Đệ Nhất Phu Nhân Asma al-Assad trực tiếp giám sát khối tài sản khổng lồ của ông Rami bên trong Syria, trong đó có việc kiểm soát một công ty viễn thông lớn. Nhiều người tin rằng việc ông Rami bị hất cẳng là xuất phát từ mâu thuẫn giữa ông với ông Asma al-Assad. Trong những năm tháng quyền lực của chồng, bà Asma al-Assad có ảnh hưởng rất lớn, đứng sau nhiều quyết định liên quan trợ cấp lương thực và nhiên liệu.
Cần nhắc lại, năm 2011, tạp chí thời trang Vogue đăng bài báo có tựa “Asma al-Assad: A Rose in the Desert” (sau đó bị gỡ xuống và xóa khỏi Internet), với nội dung ca ngợi “bản chất giản dị” của gia đình Assad. “Phong cách của bà (Asma) không phải là sự hào nhoáng của thời trang cao cấp và sự hào nhoáng của quyền lực Trung Đông mà là lối sống giản dị,” bài báo viết.
Không lâu sau đó, tờ The Hill (trong bài viết ngày 3 Tháng Tám, 2011) tiết lộ rằng chính phủ Syria đã thuê công ty quan hệ công chúng Brown Lloyd James của Mỹ để móc nối tạp chí Vogue viết bài ca ngợi bà Asma al-Assad. Theo The Hill, Brown Lloyd James ký hợp đồng $5,000 một tháng với Tổng Thống Bashar al-Assad vào Tháng Mười Một, 2010, để thực hiện bài viết đánh bóng bà Asma.
Truy tìm nguồn tài sản của Bashar al-Assad
Vấn đề đang được quan tâm bây giờ là truy lùng nguồn tài sản bất chính của ông Bashar al-Assad. Ông Toby Cadman, luật sư nhân quyền thuộc tổ chức “Guernica 37 International Justice Chambers” có trụ sở tại London, Anh, cho biết việc tìm kiếm và đóng băng toàn bộ nguồn tài sản rải rác khắp nơi của chế độ Bashar al-Assad là rất khó. Các cuộc điều tra truy tìm hàng tỷ đô la của ông Saddam Hussein và ông Muammar Gaddafi mất nhiều năm vẫn không thành công. Trong $54 tỷ tài sản ước tính do chế độ Libya trước đây tích lũy, rất ít tài sản được thu hồi, trừ một bất động sản $12 triệu ở London và $100 triệu tiền mặt ở Malta.
Tương tự nguồn Elav của Saudi Arabia, cổng thông tin tài chính Bizportal của Israel cũng viết rằng gia đình Assad tích lũy được khối tài sản trị giá $34 tỷ, trong đó có 200 tấn vàng, $16 tỷ tiền mặt và 5 tỷ euro. Bất luận là $2 tỷ (như ước tính của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ) hay $34 tỷ, sự thật vẫn là chế độ Bashar al-Assad đã hút máu người dân đến cạn kiệt, không chỉ đẩy đất nước vào cảnh chiến tranh tương tàn mà còn biến hàng triệu người dân sống trong cảnh bần cùng đói khổ.
Ông Bashar al-Assad thật sự là một tội phạm chiến tranh. Và kẻ ấy đang được chế độ độc tài Vladimir Putin, tổng thống Nga, chứa chấp. [qd]