November 28, 2024
Trúc Phương/Người Việt
Xu hướng nóng nhất mạng xã hội Việt Nam bây giờ là viết về tỷ phú Elon Musk – thần tượng số một của người Việt trong nước. Không chỉ là thần tượng, ông Musk thậm chí đang trở thành thánh sống.
Tỷ phú Elon Musk (phải) hiện nay như hình với bóng với ông Donald Trump, tổng thống đắc cử. (Hình minh họa: Brandon Bell/Getty Images)
Để “dựng tượng” ông Elon Musk, người ta tạo ra vô số tin giả liên quan nhân vật này. Rảo một vòng Facebook, có thể dễ dàng thấy thiên hạ đổ xô nhau bình luận, phân tích, chia sẻ… với những ý kiến tán dương ông Musk lên mây xanh, như thể ông đang mang đến những thay đổi gốc rễ cho thế giới lẫn… “đất nước Việt Nam.”
Một bản tin giả “Điện thoại Tesla $299 sẽ là kết thúc của iPhone!” đã nhận được đến 21,000 lượt tương tác!
“Tin vui cho cô chú anh chị Việt kiều! Trong tương lai, tên lửa SpaceX của tỷ phú Elon Musk sẽ rút ngắn 16 lần thời gian bay từ Mỹ về Việt Nam. Hiện tại, chúng ta phải ngồi khoảng 20 giờ để bay từ Mỹ về Việt Nam, nhưng trong tương lai, chỉ cần khoảng 1 giờ 15 phút là đến nơi…” – đây là bản tin giả thứ hai liên quan ông Elon Musk…
Cơn sốt ông Elon Musk trên mạng xã hội Việt Nam khiến liên tưởng đến bài thơ của Trần Đăng Khoa ngày nào, về Lenin: “Ông Lê Nin ở nước Nga/Mà em lại thấy rất là Việt Nam…”
Cơn sốt ông Elon Musk, một lần nữa, cho thấy tâm lý tôn sùng thần tượng dường như luôn là một trong những đặc điểm nổi bật của người Việt. Trong khi nhiều người “trưởng thành” bỉ bôi giới trẻ trước hiện tượng gào khóc điên dại mê đắm các ngôi sao điện ảnh-ca nhạc Nam Hàn thì “người trưởng thành” lại phát rồ với sự cuồng tín sùng bái cá nhân, từ ông Donald Trump – tổng thống – đến ông Elon Musk.
Nếu như dân Bắc Hàn phải “diễn khóc” để bày tỏ “tình cảm” đối với lãnh tụ thì nhiều người Việt tự nguyện sùng bái cá nhân với tâm thế như thể là kẻ “mẫn cảm” với dòng chảy thời cuộc và hiểu biết về thời thế. Nếu bộ máy tuyên truyền của nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam thúc sau lưng những cơn sốt “tự hào Việt Nam” thì chính những nạn nhân của bộ máy tuyên truyền Cộng Sản giờ đây lại tự nguyện tôn sùng cá nhân, dù cá nhân mà họ đẩy lên bục chẳng hề liên quan đến sự thịnh suy quốc gia và chẳng liên quan gì “tự hào Việt Nam.”
Sự thiếu nhân tài và cách sử dụng nhân tài ở Việt Nam chắc chắn là tâm lý dẫn đến thái độ cuồng những nhân vật như ông Elon Musk. Nó cho thấy sự khao khát những người như ông Elon Musk đối với Việt Nam lớn như thế nào. Con người thường tìm kiếm những hình mẫu để học hỏi, bắt chước hoặc thậm chí chỉ để… tôn sùng. Ở đây không còn thuần túy là sự ngưỡng mộ mà là sự thần thánh hóa. Thần tượng thường có những đặc điểm mà họ ngưỡng mộ, như tài năng, thành công, hoặc phong cách sống. Công nghệ và truyền thông phát triển đã tạo điều kiện để thần tượng trở thành hình mẫu phổ biến trên phạm vi rộng. Các mạng xã hội, từ Facebook, TikTok, Instagram, đến X (Twitter)… giúp thần tượng tiếp cận với hàng triệu người trên toàn cầu.
Tâm lý tôn sùng ông Elon Musk nói chung là một hiện tượng đáng chú ý trong thời đại công nghệ và toàn cầu hóa, nơi hình ảnh của ông được xây dựng không chỉ như một doanh nhân thành đạt mà còn như một biểu tượng của sự đổi mới và khát vọng chinh phục những giới hạn. Trong thời đại mà công nghệ được coi là giải pháp cho nhiều vấn đề toàn cầu, ông Musk được xem như người dẫn đầu xu hướng, hứa hẹn những thay đổi dữ dội cho tương lai. Hơn nữa, khi niềm tin vào các chính trị gia và tổ chức truyền thống suy giảm, hình tượng ông Elon Musk nổi bật như một nhà lãnh đạo có khả năng thực hiện những thay đổi thực tế. Ông Elon Musk đại diện cho những giá trị mà nhiều người mong muốn: Trí tuệ, sự táo bạo, và khả năng biến ý tưởng thành hiện thực.
Kết quả, ông Elon Musk mang đến cái gọi là hiệu ứng “Messiah” (cứu tinh), khi một số người coi ông Musk không chỉ là một doanh nhân mà là “người cứu thế,” được “phái” xuống trần gian này để giải quyết những vấn đề nan giải của toàn cầu như biến đổi khí hậu, cạn kiệt tài nguyên, hoặc thậm chí sự tồn vong của loài người.
Ở Việt Nam, “bói” đâu ra một người như ông Elon Musk? Do vậy, những người mê ông Musk càng trở nên “cuồng.” Họ bị cuốn vào các cuộc thảo luận trên mạng, nơi họ cảm thấy áp lực phải “thuộc về” cộng đồng yêu mến ông Musk. Họ có xu hướng chỉ tập trung vào thành công của ông Musk, bỏ qua những chỉ trích hoặc thất bại của ông, dẫn đến hiện tượng tấn công dữ dội vào bất kỳ ai chỉ trích ông Musk.
Hiện tượng cuồng cũng bỏ qua vấn đề nhân cách và tư cách của thần tượng, bấp chấp luôn cả những tai tiếng đạo đức (nếu có), và tất nhiên bất chấp luôn cả những tiêu chuẩn kép. Người ta cười nhạo sự thô bỉ vô văn hóa của quan chức chính quyền Cộng Sản nhưng sự lố bịch nhố nhăng của thần tượng thì được phớt lờ. Người ta xỉa xói lối ăn nói ngang ngược của giới lãnh đạo Việt Nam nhưng họ chia sẻ một cách khoái trá những dối trá bem bẻm của thần tượng…
“Hiệu ứng hào quang” của ông Elon Musk, dù thế nào, chẳng có ý nghĩa gì đối với Việt Nam. Nó thậm chí hoàn toàn vô nghĩa khi so với hiện tượng “thần thánh hóa” của chính quyền Cộng Sản, khi mà việc xây dựng và duy trì hình ảnh lãnh tụ hoặc hệ tư tưởng của đảng cầm quyền – như những biểu tượng hoàn hảo và bất khả xâm phạm – được sử dụng như một công cụ chính trị để củng cố quyền lực, duy trì tính chính danh, và định hướng lòng trung thành của quần chúng.
Như hầu hết trường hợp sùng bái cá nhân, cơn cuồng ông Elon Musk trên mạng xã hội Việt Nam đang tạo ra hiệu ứng lan truyền tâm lý (contagion effect) khiến các cá nhân càng dễ đồng cảm và hòa nhập với cảm xúc tập thể, dẫn đến tình trạng “thao túng tâm lý,” và cuối cùng là bất chấp sự thật.
Đó là lý do cơn sốt tin giả liên quan ông Elon Musk đang bùng nổ. Cần nói thêm, cá nhân Elon Musk cũng là… trùm tin giả. AFP ngày 8 Tháng Tám cho biết, ông Elon Musk đã đăng ít nhất 50 tin trên X kể từ Tháng Giêng có chứa thông tin sai lệch hoặc gây hiểu lầm về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thu hút tổng cộng 1.2 tỷ lượt xem. Dù vậy, với người hâm mộ ông Musk ở Việt Nam, mạng X được tôn vinh như mạng xã hội hàng đầu thế giới về độ tin cậy.
Dĩ nhiên người ta phớt lờ đi sự thật rằng ngày càng có nhiều công ty có kế hoạch giảm chi tiêu quảng cáo trên X vào năm 2025 vì lo ngại nội dung cực đoan trên nền tảng này có thể gây tổn hại đến thương hiệu của họ. Một cuộc khảo sát toàn cầu của công ty nghiên cứu thị trường Kantar cho thấy có tới 26% nhà tiếp thị có kế hoạch cắt giảm chi tiêu trên X vào năm 2025, mức giảm lớn nhất được ghi nhận từ bất kỳ nền tảng quảng cáo lớn nào (dẫn lại từ CNN ngày 5 Tháng Chín).
Tháng Mười Một, 2023, khoảng một chục thương hiệu nổi tiếng – trong đó có IBM, Disney và Paramount – đã ngừng chi tiêu quảng cáo trên X trước cơn sốt chủ nghĩa bài Do Thái cùng ngôn từ kích động thù địch nhan nhản trên X. Mới đây, trung tuần Tháng Mười Một, The Guardian – một trong những tờ báo uy tín nhất nước Anh – ra thông báo ngưng sử dụng X bởi vì mạng xã hội này chứa đầy “các thuyết âm mưu cực hữu và chủ nghĩa phân biệt chủng tộc,” “rằng X là một nền tảng truyền thông độc hại và chủ sở hữu của nó, Elon Musk, đã sử dụng ảnh hưởng của mình để định hình diễn ngôn chính trị.”
Với nhiều người Việt, dù gần như không xài X, mà chỉ sử dụng Facebook – đối thủ của X – thiên tài Elon Musk của họ vẫn là số một, “đỉnh của đỉnh.” Doanh nhân đang khuấy động nước Mỹ này vẫn rất “thân thương” với nhiều người Việt.
Không chỉ trên mạng xã hội, báo chí trong nước cũng liên tục viết bài tán tụng ông Musk. Nói chung “đi đâu” cũng “đụng” ông Elon Musk. Dường như chỉ còn thiếu những vần thơ, đại loại “Ông Elon ở Huê Kỳ, mà em lại thấy rất là Việt Nam”… [qd]