November 9, 2024
Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Để hiểu được những yếu tố quan trọng và những gì dẫn đến kết quả của cuộc bầu vừa qua cần tốn rất nhiều thời gian. Đó là lý do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức hội thảo hôm Thứ Sáu, 8 Tháng Mười Một, để thảo luận về những điều đó, giúp cử tri hiểu rõ hơn về kết quả bầu cử.
Tổng Thống Đắc Cử Donald Trump. (Hình: Chip Somodevilla/Getty Images)
Buổi hội thảo có sự tham dự của nhiều chuyên gia chính trị để nói về kết quả bầu cử, nói về những ảnh hưởng mà kết quả này có thể gây ra như bạo lực chính trị, sức mạnh trong lá phiếu của phụ nữ, các chính sách nhập cư và vai trò của các cộng đồng thiểu số.
Diễn giả đầu tiên là ông Robert Pape, giáo sư khoa học chính trị của đại học University of Chicago. Ông cho biết kết quả bầu cử lần này phản ảnh được nền dân chủ Hoa Kỳ vì có nhiều người Hispanic bỏ phiếu cho ông Donald Trump, và điều đó là một yếu tố quyết định kết quả.
Ông nói hầu như ai cũng nghĩ người Mỹ sẽ bỏ phiếu cho những chính sách cấp tiến, nhưng không ngờ ông Trump lại tạo ra được một liên minh cử tri đa sắc dân mạnh hơn Phó Tổng Thống Kamala Harris.
Theo Giáo Sư Pape, lý do là vì những người Hispanic làm việc hãng xưởng hay nhà máy rất lo cho gia đình, sùng đạo, và chống phá thai nên bỏ phiếu cho ông Trump.
Một điều mà kết quả bầu cử có thể gây ra là bạo lực chính trị. Đó là một thứ mà nhiều cử tri và truyền thông thường nghĩ sai, cho rằng bạo lực sẽ xảy ra vào một ngày nào đó nhưng không có gì xảy ra, khiến họ nghĩ sẽ không có nguy hiểm. Điều đó làm nhiều người bàng hoàng khi thấy có bạo lực chính trị xảy ra vào thời điểm mà họ không lường trước được.
Theo ông, sẽ có một cuộc biểu tình lớn để phản đối kết quả bầu cử xảy ra ở Washington DC, ban tổ chức đã xin được giấy phép cho 50,000 người tham dự nên không bảo đảm sẽ ôn hòa được.
Ông nhấn mạnh bạo lực chính trị như cháy rừng, và nguyên nhân gây cháy lúc nào cũng không ai đoán trước được.
Phá thai là một điều được phụ nữ chú trọng trong bầu cử 2024. (Hình minh họa: Octavio Jones/AFP via Getty Images)
Diễn giả thứ hai là bà Kelly Dittmar, giám đốc nghiên cứu của Trung Tâm Phụ Nữ Mỹ và Chính Trị của đại học Rutgers University. Bà cho biết một số khảo sát sau bầu cử đưa ra thông tin về cách bỏ phiếu của phụ nữ, và vì đó là những khảo sát mới thực hiện nên thông tin chưa đầy đủ.
Những khảo sát đó cho thấy sự chênh lệch trong cách bỏ phiếu giữa phụ nữ và đàn ông, không khác gì những lần bầu cử trước, chỉ cách nhau 10% đến 12% về việc phụ nữ không ủng hộ ông Trump nhiều hơn.
Khảo sát còn cho thấy phụ nữ gốc Phi Châu lúc nào cũng dành phiếu bầu cho đảng Dân Chủ, trong khi phụ nữ da trắng thường bầu Cộng Hòa. Phụ nữ có bằng đại học thường bầu Dân Chủ, còn những người không có bằng đại học thì bầu Cộng Hòa.
Về phụ nữ người Latino, họ ủng hộ bà Harris nhiều hơn, trong khi đàn ông Latino thì ủng hộ ông Trump.
Về lý do ủng hộ bà Harris, khoảng 1/3 phụ nữ gốc Phi Châu cho biết có nữ tổng thống đầu tiên rất quan trọng.
Ngoài ra, bà Dittmar còn nói một điều ai cũng nghĩ sẽ lấy được lá phiếu của phụ nữ là quyền lợi về sinh sản, nhưng điều này không đủ giúp bà Harris đắc cử.
Diễn giả thứ ba là ông John C. Yang, tổng giám đốc tổ chức Thăng Tiến Công Lý Người Mỹ Gốc Á (AAJC), cho biết AAJC sẽ tăng cường nỗ lực trong những năm tới để bảo đảm công bằng cho cộng đồng.
Tổ chức này làm một khảo sát có 9,000 người tham dự vào hai tuần rưỡi trước ngày bầu cử, và thấy người Á Châu muốn đi bỏ phiếu nhiều hơn, trong đó có 28% của những người trong độ tuổi 18 đến 29 là người đi bầu lần đầu.
Cử tri gốc Á quan tâm đến các chính sách nhập cư. (Hình minh họa: Jessica McGowan/Getty Images)
Ông Yang cho hay cuộc bầu cử lần này có nhiều tiến bộ cho người Á Châu là vì có một số nơi lần đầu có dân cử người Á Châu như tiểu bang New Jersey có ông Andy Kim mới đắc cử thượng nghị sĩ, là người Mỹ gốc Hàn đầu tiên của tiểu bang này giữ chức vụ đó, và Virginia có ông Suhas Subramanyam là dân biểu liên bang gốc Ấn Độ đầu tiên.
Về những chính sách mà người Á Châu chú ý đến và lo sợ sẽ bị cắt giảm hay xóa bỏ sau khi ông Trump đắc cử, một chính sách được chú ý đến nhiều là bảo lãnh gia đình vì cộng đồng này thường bảo lãnh đến Hoa Kỳ, rất lo ngại sau khi nghe các chính sách nhập cư của ông Trump.
Một điều khác làm cộng đồng Á Châu lo lắng là họ sợ những dân cử gốc Á sẽ không lên tiếng phản đối những hành vi cực đoan hay kỳ thị, và những lúc chính trị gia đổ tội lên người dân.
Cuộc bầu cử năm 2024 có nhiều bất ngờ và còn quá sớm để biết được ảnh hưởng thật sự, nhưng các chuyên gia tham dự hội thảo của EMS đóng góp nhiều thông tin hữu ích để giúp cử tri hiểu được phần nào về những gì sẽ xảy ra trong vài năm tới. [đ.d.]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]