Sức bền của nền dân chủ: Nhìn bầu cử Hoa Kỳ và hy vọng ở Việt Nam- Võ Văn Quản

Sức bền của nền dân chủ: Nhìn bầu cử Hoa Kỳ và hy vọng ở Việt Nam

08:54 | Posted by BVN4

Võ Văn Quản

Đã có nhiều người nói về một viễn cảnh tồi tệ của Hoa Kỳ nếu người này hay người kia thắng cử. Tôi không cho là như vậy. Trừ khi người Mỹ mất đi sự lý tính mà họ đã duy trì được gần 300 năm qua, trừ khi họ từ bỏ những truyền thống và nền tảng chính trị vững chãi mà họ xây dựng, một nhiệm kỳ tổng thống bốn năm không thể tuyệt diệt những giá trị đã được dày công xây dựng.

Giới nghiên cứu ngày nay có lẽ đã nói rất nhiều về khái niệm “authoritarian resilience”, hay “sự bền bỉ của nền chuyên chế” [1]. Họ nói về cách mà các chế độ chuyên chế biến đổi, thích ứng để kéo dài thời gian tồn tại.

Người ta cũng lo ngại về tính bền bỉ của các nền dân chủ, nhất là khi nhìn vào những biến động chính trị gần đây ở Hoa Kỳ. Nền dân chủ Hoa Kỳ liệu có thể tiếp tục sống sót qua thời kỳ này hay không? Và chúng ta có thể rút ra bài học gì cho nền dân chủ tương lai của Việt Nam?

Với cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, dù kết quả ra sao đi chăng nữa, người viết tin rằng nền dân chủ này vẫn còn rất nhiều hy vọng.

Dân chủ bền bỉ (democratic resilience)

Sự bền bỉ của nền dân chủ là một khái niệm đề cập đến năng lực của một hệ thống chính trị trong việc chống chọi, thích nghi và phục hồi từ những thách thức bên trong và bên ngoài trong khi vẫn duy trì các chức năng và giá trị dân chủ cốt lõi.

Khái niệm này đã trở nên nổi bật trong những thập niên gần đây khi các nền dân chủ trên toàn thế giới đối mặt với nhiều áp lực khác nhau, từ chủ nghĩa dân túy đến độc tài kỹ thuật số.

Nghe có vẻ hơi khó hiểu, nhưng chúng ta có thể hữu hình hóa khả năng chống chịu, thích nghi và phục hồi của một nền dân chủ khỏe mạnh thông qua ba yếu tố cốt lõi.

Yếu tố đầu tiên là sự vững chắc về thể chế (hay “institutional robustness”). Sự vững chắc về thể chế đơn giản chỉ là tất cả những gì mà một sinh viên luật từng được học ngay năm đầu tiên: khuôn khổ hiến pháp và cơ chế bảo hiến mạnh mẽ; hệ thống tư pháp độc lập và sẵn sàng can thiệp để bảo vệ các giá trị thể chế và dân chủ; cũng như một bộ máy công vụ chuyên nghiệp và không bị thao túng bởi hệ thống chính đảng (sự trung lập và tận tụy của lực lượng quân đội là một ví dụ cụ thể).

Tuy nhiên, như nhà khoa học chính trị Wolfgang Merkel từng ghi nhận, sức mạnh của các thể chế dân chủ không chỉ nằm ở thiết kế bề ngoài của nó, mà còn ở tư duy thực hành dân chủ và tính chính danh của các tiến trình chính trị [2].

Điểm này dẫn chúng ta đến yếu tố cốt lõi thứ hai của tính bền bỉ của nền dân chủ: cơ sở hạ tầng dân sự (hay “civic infrastructure”).

Cơ sở hạ tầng dân sự là một xã hội dân sự năng động và chủ động trong các hoạt động chính trị cùng với những cơ chế cho họ tham gia vào các quyết định chính trị; một hệ thống truyền thông độc lập nhưng nhân văn; khả năng giáo dục công dân của cộng đồng; lẫn khả năng chấp nhận những khác biệt bên trong cộng đồng.

Trong xã hội dân sự, ngay cả một công dân hay một tổ chức phi chính phủ cũng có thể khởi kiện chính phủ ra tòa. Họ có thể huy động tiền tài trợ và chuyên gia pháp lý tư vấn cho mình trong quá trình khởi kiện. Người dân cũng có thể đối thoại và giúp đỡ nhau trong hoạn nạn ngay cả khi họ bất đồng với nhau về rất nhiều thứ.

Theo cách nói của hai học giả Steven Levitsky và Daniel Ziblatt trong tác phẩm “How Democracies Die” (2018), cơ sở hạ tầng dân sự cũng chính là các chuẩn mực dân chủ không chính thức [3]:

“Những rào chắn mềm của dân chủ chính là những quy tắc không thành văn của cuộc chơi: sự khoan dung dành cho nhau và khả năng kiềm chế về thể chế”.

Tuy nhiên, ngay cả khi có hết hai thành tố này, một điều quan trọng khác để tạo nên sức bền của nền dân chủ là khả năng thích ứng trước các không gian và thách thức khác biệt (hay “adaptive capacity”). Theo giáo sư chính trị học Larry Diamond (Đại học Stanford), một trong những vấn đề đặc biệt quan trọng của hệ thống dân chủ là nó có thể sửa sai trong khi vẫn giữ được những nguyên tắc dân chủ cốt lõi hay không [4].

Một thể chế và một bản hiến pháp mạnh mẽ là điều tốt, nhưng liệu nó có thể thay đổi khi nó thật sự cần thay đổi? Các cuộc đối thoại giữa xã hội dân sự và các cơ quan nhà nước có giúp nhận biết và từ đó giải quyết khủng hoảng? Hay nó chỉ làm vấn đề thêm bế tắc?

Sức bền đáng nể của nền dân chủ Hoa Kỳ

Hoa Kỳ đã luôn thể hiện một sức bền vô cùng đáng nể trong suốt gần 300 năm tồn tại của chính thể này.

Nói về sự vững chắc thể chế, có thể nói ít có chính thể hiện đại nào đạt đến độ vững chãi của nhà nước Hoa Kỳ hiện đại.

Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ ngay từ năm 1803 đã khẳng định thẩm quyền của mình trong việc kiểm tra và giám sát quyền lực của cả cơ quan hành pháp lẫn cơ quan lập pháp với án lệ Marbury v. Madison [5].

Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ được duy trì một mức độ độc lập cao tiếp tục giúp cho chính sách tiền tệ tránh khỏi sự can thiệp và lũng đoạn của từng giai đoạn chính quyền khác nhau [6].

Và cũng không thể không kể đến Đạo luật Cải cách Dịch vụ Công 1883 (Civil Service Reform Act – Pendleton Act), thứ đã tạo ra sự ổn định và công chính cho lực lượng viên chức bất chấp đảng nào nắm quyền [7].

Gần 300 năm thiết lập và củng cố những án lệ, tập tục, và truyền thống chính trị như vậy, Hoa Kỳ đã tạo ra một chính thể vô cùng vững vàng.

Thể chế Hoa Kỳ cũng có năng lực thích nghi đáng nể với thời cuộc. Bằng chứng? Mười tu chính án đầu tiên của Hiến pháp Hoa Kỳ (còn được biết đến với cái tên Bộ luật Nhân quyền – Bill of Rights), cùng các tu chính án quan trọng khác như Tu chính án thứ 13, 14, 15 (liên quan đến vấn đề bãi bỏ chế độ nô lệ), cho thấy khả năng nhìn nhận ra và sửa đổi những sai lầm chết người của thể chế.

Nhiều cơ quan nhà nước khác được thành lập như Cục Bảo vệ Môi sinh Hoa Kỳ (1970), Văn phòng Ngân sách Nghị viện (1974), hay Bộ An ninh Nội địa (2002) cho thấy khả năng thích ứng liên tục với những thách thức mới.

Tất cả những nền tảng thể chế và khả năng thích ứng nói trên được củng cố bởi một không gian dân sự mạnh mẽ nhất trong lịch sử các nhà nước hiện đại.

Hiện nay, có đến 1,5 triệu tổ chức phi lợi nhuận và phi chính phủ ở Hoa Kỳ, từ cấp độ địa phương cho đến các tổ chức đấu tranh cấp quốc gia như Liên đoàn Tự do Dân sự Hoa Kỳ (ACLU – thành lập vào năm 1920) và Quỹ Bảo vệ Môi trường (EDF – thành lập vào năm 1967) [8]. Trong đó, mỗi tổ chức không chỉ là bình phong trang trí hay đoàn thể văn nghệ mà đều chủ động tham dự vào hàng loạt chương trình nghị sự, các vụ kiện tụng và phong trào đấu tranh chính trị đối với những chính sách, hành vi mà họ cho là có vấn đề hay gây hại cho nền dân chủ.

Ví dụ, chỉ tính riêng ACLU thôi đã cử luật sư bào chữa trong hàng loạt án lệ quan trọng như Roe v. Wade (1973 – xác lập quyền tự do sinh sản cho phụ nữ) hay Miranda v. Arizona (1966 – xác lập “quyền Miranda”, tức quyền im lặng và quyền tham vấn pháp lý của bị cáo).

Đã có nhiều người nói về một viễn cảnh tồi tệ của Hoa Kỳ nếu người này hay người kia thắng cử. Tôi không cho là như vậy. Trừ khi người Mỹ mất đi sự lý tính mà họ đã duy trì được gần 300 năm qua, trừ khi họ từ bỏ những truyền thống và nền tảng chính trị vững chãi mà họ xây dựng, một nhiệm kỳ tổng thống bốn năm không thể tuyệt diệt những giá trị đã được dày công xây dựng.

Sức bền của nền dân chủ trong bối cảnh Việt Nam

Mặc dù Việt Nam hiện nay vận hành dưới cơ chế độc đảng, và sẽ là không có gì sai nếu nói rằng Việt Nam đang có một thể chế chuyên chế điển hình, giá trị dân chủ và sức bền của nguồn lực dân chủ chắc chắn vẫn còn tồn tại, dù đã và đang bị tiếp tục bị hạn chế dần.

Trước tiên, không gian mạng xã hội có rất nhiều vấn đề, nhưng nó vẫn phát huy vai trò là một không gian thảo luận tự do nhất, cởi mở nhất và khó kiểm soát nhất đối với chính quyền và lực lượng an ninh. Nếu việc hội họp, thảo luận, phát tán thông tin trực tiếp còn gặp những rào cản gần như không thể vượt qua, không gian mạng xã hội tiếp tục chứng minh rằng ý kiến của quần chúng nhân dân Việt Nam chưa bao giờ thật sự đồng nhất với ý kiến của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Có lẽ chúng ta đã có quá nhiều ví dụ để chứng minh cho hiện thực này. Từ câu chuyện bảo vệ cây xanh ở Hà Nội cách đây đã gần 10 năm, phong trào biểu tình chống Trung Quốc và chống Công ty Formosa từ cuối thập niên 2000, đến phong trào chống BOT vẫn còn âm ỉ cho đến tận 2024, người dân Việt Nam rõ ràng có sức bền dân chủ rất cao và tiếp tục tận dụng không gian chật hẹp mà họ có một cách vô cùng hiệu quả [9].

Hẳn nhiên, việc không có một nền tảng lý thuyết và một không gian dân sự chính quy thật sự vẫn ngăn cản các kinh nghiệm thảo luận dân chủ và hoạt động trên mạng xã hội có thể được chuyển hóa thành những thực hành dân chủ chính thống. Tuy nhiên, chúng vẫn là nền tảng để tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khung lý thuyết cho các mô hình dân chủ Việt Nam trong tương lai.

Mặt khác, hệ thống xã hội dân sự Việt Nam vẫn còn đó. Rất nhiều nhà hoạt động, các lãnh đạo xã hội dân sự và NGO đã bị bắt, đó là điều chắc chắn [10]. Tuy nhiên, xã hội dân sự cũng dần trở thành một phần của đời sống xã hội Việt Nam mà có lẽ chính quyền Việt Nam không thể nào vĩnh viễn loại trừ. Các NGO hoạt động trong lĩnh vực quyền phụ nữ, quyền trẻ em, quyền của người đồng tính, văn hóa, nghệ thuật… vẫn đang là xương sống của rất nhiều cộng đồng và kết nối quốc tế tại Việt Nam. Đó cũng là một phần của sức bền dân chủ quốc gia.

Quan trọng nhất, hệ thống kinh tế thị trường tự do vẫn đã, đang, và sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho sức bền của tư duy dân chủ của Việt Nam trong tương lai.

Trong hàng loạt các nghiên cứu lý thuyết và thực chứng từ trước tới nay, tự do kinh tế là nhựa sống của mô hình dân chủ. Theo tác gia Lipset trong tác phẩm quan trọng “Một số yêu cầu tiên quyết của Dân chủ” (tạm dịch từ “Some Social Requisites of Democracy” – xuất bản 1959), một nền kinh tế thị trường vững chãi tự thân nó có thể xây dựng một xã hội đa nguyên, và kinh tế thị trường phát triển sẽ làm tăng quy mô của giai cấp trung lưu, giai cấp quan trọng nhất cho các điều kiện lý tưởng của dân chủ [11].

Ủng hộ quan điểm này, trong tác phẩm “Nguồn gốc kinh tế của Độc tài và Dân chủ” (tạm dịch từ “Economic Origins of Dictatorship and Democracy”, xuất bản năm 2006), hai tác giả Acemoglu và Robinson tin rằng kinh tế thị trường có thể tạo ra nhiều trung tâm quyền lực khác nhau, từ đó phần nào làm suy yếu khả năng toàn trị. [12] Quan trọng hơn, kinh tế thị trường chỉ có thể phát triển khi pháp luật đầy đủ, rõ ràng và có thể dự đoán đến một mức độ nhất định, cùng với đó là nhiều quy định liên quan đến bảo vệ tư hữu tài sản và quyền tự do cá nhân (ít ra là liên quan đến tài sản).

Đây vẫn sẽ là nền tảng quan trọng nhất cho sức bền dân chủ của Việt Nam trong tương lai.

Sức bền của nền dân chủ không phải là một khái niệm xa vời hay chỉ tồn tại trong các nền dân chủ phương Tây. Qua việc phân tích ba thành tố cốt lõi – sự vững chắc về thể chế, cơ sở hạ tầng dân sự, và khả năng thích ứng – chúng ta thấy được cách Hoa Kỳ đã xây dựng và duy trì sức bền này trong suốt gần 300 năm qua.

Đối với Việt Nam, dù đang vận hành trong một hệ thống chính trị khác biệt, những mầm mống của sức bền dân chủ vẫn hiện hữu. Từ sự sôi động của không gian mạng xã hội, sự kiên trì của các tổ chức xã hội dân sự, đến nền tảng quan trọng nhất là kinh tế thị trường – tất cả đều là những dấu hiệu cho thấy tiềm năng dân chủ vẫn đang âm thầm phát triển. Đặc biệt, việc duy trì và phát triển nền kinh tế thị trường không chỉ đơn thuần là vấn đề kinh tế, mà còn là nền tảng để nuôi dưỡng một xã hội đa nguyên và giai cấp trung lưu – những yếu tố then chốt cho sự phát triển của dân chủ trong tương lai.

Có thể nói, sức bền của nền dân chủ không phải là điều có sẵn, mà là kết quả của một quá trình xây dựng lâu dài từ nhiều thành tố khác nhau trong xã hội. Kinh nghiệm từ nền dân chủ Hoa Kỳ và những dấu hiệu tích cực từ xã hội Việt Nam cho thấy, dù con đường còn nhiều thách thức, nhưng những giá trị dân chủ vẫn luôn có khả năng tồn tại và phát triển, miễn là chúng được người dân nuôi dưỡng.

Chú thích

  1. Kallmer, B. (2024, July 31). China’s Changing of the Guard: Authoritarian Resilience | Journal of Democracy. Journal of Democracy. https://www.journalofdemocracy.org/articles/chinas-changing-of-the-guard-authoritarian-resilience/hay Authoritarian Resilience – Centre for Geopolitics. Centre for Geopolitics –https://www.cfg.polis.cam.ac.uk/news/authoritarian-resilience
  2. “Democracy in Crisis: Challenges of Authoritarian and Democratic Backsliding” published in Zeitschrift für Vergleichende Politikwissenschaft (Comparative Governance and Politics), Volume 12, Issue 4.
  3. Levitsky, S., & Ziblatt, D. (2018). How democracies die. Penguin Books.
  4. Diamond L, Ill Winds: Saving Democracy from Russian Rage, Chinese Ambition, and American Complacency(Penguin Press 2019)
  5. Marbury v. Madison,5 U.S. 137, 138 (1803)
  6. The importance of central bank independence. The White House. https://www.whitehouse.gov/cea/written-materials/2024/05/22/the-importance-of-central-bank-independence
  7. Gergely Ujhelyi, ‘Civil service reform’ Journal of Public Economics (2014)
  8. Robert Christensen and Rebecca Nesbit “America Has 1.5 Million Nonprofits and Room for More.” The Conversation, 8 May 2024, com/america-has-1-5-million-nonprofits-and-room-for-more-97528
  9. Di, T. (2022, September 7). Từ 6.700 cây xanh ở Hà Nội đến BOT Cai Lậy: Hình ảnh một chính quyền “ba không” | Luật Khoa tạp chí. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2017/12/tu-6700-cay-xanh-o-ha-noi-den-bot-cai-lay-hinh-anh-mot-chinh-quyen-ba-khong
  10. Nguyễn, T. (2022, December 26). Xã hội dân sự Việt Nam: Giọt máu ngoài sân. Luật Khoa Tạp Chí. https://www.luatkhoa.com/2022/12/xa-hoi-dan-su-viet-nam-giot-mau-ngoai-san
  11. Lipset, Seymour Martin. “Some Social Requisites of Democracy: Economic Development and Political Legitimacy.” American Political Science Review53 (1959): 69 – 105.
  12. Acemoglu,Daron & Robinson,James A., 2006. “Economic Origins of Dictatorship and Democracy,” Cambridge Books, Cambridge University Press.

V.V.Q.

Nguồn: Luatkhoa.com


 

Được xem 8 lần, bởi 8 Bạn Đọc trong ngày hôm nay