Kimtrong Lam– LƯƠNG VĂN CAN K 76.
Thời điểm cả miền Nam buộc thay mầu cờ, một hôm, trong những ngày rỗi đó không biết làm gì cho hết thì giờ, tôi cuốc bộ không mục đích trên con phố Lê Lợi ở khu trung tâm. Và tôi bất ngờ nhìn thấy ông Nguyễn Hùng Trương!
Phải, là ông, người chủ ngôi nhà 6 tầng tại số 60-62 con phố đó, đúng lúc ấy, trên vỉa hè ngay trước thềm nhà mình, ông vẫn ăn mặc chỉnh tề như tôi thường thấy, áo sơ-mi trắng tay dài có cài cúc, quần Tây mầu xám tro. Và ông đang ngồi xổm trên mặt gạch hè giữa bao người buôn bán nhỏ từng ngồi ghé trước cửa nhà ông từ lâu, lặng lẽ trải một tấm ny-lông mầu trắng đục, để xếp ngay ngắn trên đó từng chồng báo Thiếu Nhi mà số cuối cùng chỉ cách đó vài tháng. Hàng trăm tờ báo trông vẫn mới tinh đó, vâng chỉ vài tháng, đã đi qua một mốc thời gian lịch sử mà người chủ nhiệm tòa báo làm ra chúng, ngay lúc đó, không biết làm gì hơn là bầy chúng ngay trên hè, bán “xôn” được đồng nào hay đồng nấy.
Tôi nhớ, mình từng có đủ collection tuần báo Thiếu Nhi hơn 200 số của ông Nguyễn Hùng Trương gom nhặt sau 4 năm mua và đọc cho đến 1975, nhưng đúng cái hôm đang kể, tôi chẳng còn số nào vì trước đó, bố mẹ tôi đã đem đốt sạch. Trong túi quần ngay lúc ấy lại chỉ có vài đồng bạc, không thể nào giúp ông được nên đành nhìn ông thiểu não ngồi đó, vừa bán vừa cho từng số báo chỉ tự định giá quãng vài mươi xu. Cả miền Nam hồi đó đang thất thần vì lo đói, người ta cứ mải nghĩ về thạp gạo nhà mình, ai rỗi đâu mà mua báo cũ? Thế nên, nếu có ai đó chậc lưỡi mua một tờ, ông lại đưa cho họ 3 tờ. Ông cười trông như mếu, vì cả một cơ nghiệp đã bay theo gió thời cuộc.
Ít lâu sau, ông phải đi học “lao cải” ở Hàm Tân.
Trước quãng “đứt phim”, người Sài Gòn thích đọc sách vẫn gọi ông Nguyễn Hùng Trương là “ông Khai Trí” – Theo tên nhà sách – nhà xuất bản do ông làm chủ trước kia. Người ta cũng nhớ, ông từng là chủ nhiệm tờ tuần báo Thiếu Nhi đang nhắc, với nhà văn Nhật Tiến (Thềm Hoang, Thuở Mơ Làm Văn Sĩ, Chim Hót Trong Lồng..) làm chủ biên. Một ngày đẹp trời đầu năm 1971, ông Khai Trí chủ động gặp ông Nhật Tiến để đề nghị nhà văn về nắm bài vở tờ Thiếu Nhi giúp mình. Tờ báo ấy đã có nhiều cây bút và cây cọ nổi danh khi đó góp mặt góp sức.
Ông Khai Trí rất hiếm khi nói về mình, nên ít người biết ông chính là một tấm gương làm việc và cống hiến sống động: Từ hai bàn tay trắng trở thành người kinh doanh ngành sách lớn nhất và uy tín nhất miền Nam. Ông sinh năm 1926, thuở bé, vẫn thường nhịn ăn sáng, dùng 2 đồng xu mẹ cho hàng ngày để mua báo đọc. Đến Sài Gòn theo trung học Pétrus Ký, ông được gia đình sắm cho chiếc xe đạp cũ để mỗi cuối tuần về nhà, sang đầu tuần lại trở lên với một món tiền đủ để tiêu xài dè sẻn trong cả tuần kế tiếp. Nhưng cứ mỗi chiều thứ Hai, ông lại tiêu sạch số tiền đó vào sách báo rồi cả tuần lại chấp nhận nhịn ăn sáng, chỉ uống nước lã. Chưa thấy ai mê sách, và nghiện sách tới phát cuồng như ông, lời bố tôi kể ngày xưa.
Sách ông mua, hầu hết là sách báo nước ngoài và ở tuổi thiếu niên trong những năm 1940, ông đã kịp gầy dựng được một tủ sách có giá trị. Bạn bè đến chơi, thấy ông có nhiều sách hay lại thường gửi tiền nhờ ông mua giúp để theo kịp. Có lần, chỉ 5 người nhờ nhưng ông mua đến 10 quyển để được hưởng 30% hoa hồng từ nguồn. Số sách thừa ra, ông đem ký gửi ở một tiệm sách quen. Chỉ vài hôm, người chủ tiệm đã hỏi ông là tựa sách loại đó còn không, nếu còn thì đem tới tiếp vì sách gửi từ trước đã bán hết cả. Từ đó, ông nẩy ra ý định mua sách báo trực tiếp từ nước ngoài về gửi bán. Sách ông chọn là loại có giá trị, quý hiếm, nhiều người cần mà trong nước không có. Lúc đầu chỉ mua thử mỗi thứ vài quyển, thấy bán chạy ông mới tăng số lượng lên, có khi cả trăm quyển, rồi lúc khấm khá thì nhiều hơn nữa!
Nhờ làm việc không mệt mỏi, tiết kiệm từng đồng nên đến năm 1952, 26 tuổi, ông đã đủ vốn để mở một hiệu sách nhỏ tại số 62 đại lộ Bonard (Sau là Lê Lợi), và đặt tên là Nhà sách Khai Trí (Sau 1975 trở thành Nhà sách Sài Gòn của công ty Fahasa). Khai Trí là nhà sách đầu tiên ở Việt Nam bán hàng theo kiểu tự chọn, khách có thể đứng đọc tại chỗ hàng giờ rồi đi ra mà không phải mua gì cả và cũng chẳng có ai phàn nàn gì. Các nữ nhân viên bán hàng mặc đồng phục áo dài màu vàng hoàng yến ở đó, lúc nào cũng vui vẻ ân cần, trông nom khách một cách kín đáo.
Cái điều đang được áp dụng ở đa số hiệu sách Việt Nam lúc này, vào thời điểm đó vẫn còn quá mới mẻ và rất được khách hàng ủng hộ, nhờ vậy mà sau đó, nhà Khai Trí mở rộng thêm thành 2 căn liền kề với nhiều tầng lầu. Nhà Khai Trí còn phụ trách cả việc xuất bản với những đầu sách được chọn kỹ và phong phú. Một thú chơi đặc biệt của ông chủ nữa là sưu tầm sách báo – Chỉ riêng tờ báo Pháp ngữ Le Monde, ông có từ số đầu tiên cho tới số ra ngày 28/4/1975. Ông còn là soạn giả của nhiều đầu sách có giá trị.
Nhà văn Nguyễn Thụy Long – Tác giả quyển tiểu thuyết nổi tiếng Loan Mắt Nhung, một tác phẩm rất gai góc mà sau này giới nghiên cứu miền Bắc sau 1975 từng dành nhiều cảm tình – có viết một bài nhan đề Vĩnh Biệt Ông Khai Trí, trong đó có nhắc đến hoàn cảnh bi thương của ông sau 1975: “… Ông Khai Trí qua đời lúc 5 giờ 15 ngày 11 tháng 3 năm 2005, thọ 80 tuổi sau hai tuần nằm bệnh viện. Ông mất đi do sức già lực kiệt, sau nhiều năm luôn cố gắng tranh đấu để xin lại hiệu sách vĩ đại của ông khi nó bị Nhà nước tịch thu trong đợt cải tạo văn hóa và thương nghiệp 1976 – 1977 tại Sài Gòn. Tiệm sách của ông tại đường Lê Lợi bị “quản lý”, nay mang tên Fahasa của nhà nước”. “… Thuở đó, sau khi các sĩ quan chế độ Việt Nam Cộng Hòa bị đi cải tạo trước, đến lượt giới văn nghệ sĩ sẽ bị đi sau, với bao tác phẩm của họ bị thiêu đốt và họ đều bị coi là kẻ đi ngược dòng chảy của dân tộc, đương nhiên đã bị bôi xóa, và kết tội là Biệt kích Văn nghệ. Ông Khai Trí cũng bị coi là tội phạm, bị liệt vào hàng văn nghệ sĩ và bị bỏ tù, vì người chiến thắng đã cho rằng ông kinh doanh và phát triển văn hóa đồi trụy”. “… Những người đã từng sống ở miền Nam trước 1975, ai cũng biết đến ông, người từng làm được nhiều việc lợi ích cho văn hóa Việt Nam, và cả đời ông đam mê việc ấy.
Ông quen biết rất nhiều văn nghệ sĩ ở miền Nam, kể cả những văn nghệ sĩ Bắc di cư 1954. Ông đã ra tay giúp đỡ nhiều anh em văn nghệ sĩ gặp hoàn cảnh khó khăn, mua tác phẩm của họ, tuy chưa in còn để đấy nhưng ông vẫn trả tiền đầy đủ tác quyền không thiếu một xu. Ngoài ra, ông còn tài trợ cho nhiều tờ báo hồi đó ở Sài Gòn. Tờ Sống của Chu Tử cũng có sự góp sức của ông về mặt tiền bạc”. “… Bao nhiêu lần tôi (Nguyễn Thụy Long – TAK chú thích) đi qua phố Lê Lợi, lại thấy ông buồn bã đứng ở một góc ngã tư, nhìn sang hiệu sách cũ của mình đang mang tên mới là Fahasa. Một lần khác, trong bữa giỗ ông Chu Tử, tôi hỏi ông về việc xin lại nhà sách Khai Trí đến đâu rồi. Ông cười chua chát: “Phải đến năm 3000 thì may ra…”. Ngày ông bị đưa đi, bị bỏ tù, bao nhiêu bài báo nói xấu ông, kết tội ông còn giấu biết bao kho sách của chế độ cũ mà không thành thật khai báo. Chuyện thế thái nhân tình lúc ông gặp hoạn nạn, những kẻ trước đây từng chịu ơn ông, giờ chính họ lại tố cáo ông bao nhiêu là tội – Kể cả những điều không hề có – để lập công…”. “… Tại buổi lễ tang ông, ngôi nhà trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (Hồng Thập Tự cũ), tôi gặp nhiều bạn bè của ông, những người cũ đến thắp cho ông nén hương và chia sẻ sự thương tiếc với gia đình ông…”. Ông Nguyễn Thụy Long đã ngậm ngùi: “…Tôi nhớ mãi dáng ông Khai Trí đứng nhìn sang hiệu sách cũ của mình và câu nói chán nản của ông, sao mà chua chát đến thế cho một người suốt cả một đời chỉ có một đam mê là làm văn hóa, giữ gìn cái hay, cái đẹp cho thế hệ mai sau…”.
Bản thân tôi (TAK), là kỷ niệm bao nhiêu lần được bố tôi – Nhà văn Lan Đình – dắt tôi và đứa em trai lúc đó chỉ mới trên dưới 10 tuổi, vào cái nhà sách quá nhiều kỷ niệm ấy để mua những quyển truyện của Alphonse Daudet, của La Fontaine hay Charles Perrault và mua cả những quyển sách tranh đóng bộ từ Tủ Sách Vàng hay Ánh Dương lừng danh ngày trước. Tôi biết đọc loạt truyện Tuổi Hoa của ông Chân Tín cũng từ đó, đọc tờ Thiếu Nhi của chính ông Khai Trí và tờ Thằng Bờm của ông Nguyễn Vỹ dù sau đó mình đã lớn tướng cũng từ đó. Đọc loạt Truyện tuyển dịch 15 Cuộc Phiêu Lưu cũng từ đó. Và đọc ngấu nghiến quyển Thành Ngữ Điển Tích Danh Nhân Từ Điển rất phong phú, tới mức vô biên của ông Trịnh Vân Thanh, cũng từ đó. Đọc Truyện Cổ Nước Nam của ông Nguyễn Văn Ngọc, đọc Chuyện Giải Buồn của Paulus Huỳnh Tịnh Của, đọc Thú Chơi Sách của Vương Hồng Sển, đọc cả Ben Hur hay Les Trois Mousquetaires bản dịch và bản nguyên tác cũng từ đó. Đọc Những Giọt Mực của Lê Tất Điều, đọc sách Tự Lực Văn Đoàn ở đó. Đọc Đất Lề Quê Thói của ông Nhất Thanh Vũ Văn Khiếu, đọc Sherlock Holmes qua bản phóng tác của Vũ Hạnh, rồi trộm vía, đọc cả Ba Người Lính Nhẩy Dù Lâm Nạn của Nguyễn Mạnh Côn hay Chuyện Cấm Đàn Bà của Đặng Trần Huân cũng ở đó. Bố tôi chỉ không cho đọc Duyên Anh và Kim Dung mà thôi, nên tôi phải lẻn đọc chỗ khác.
Tội cho ông Khai Trí. Từ lúc làm tờ Thiếu Nhi, nhiều người biết quá rõ là nó lỗ sặc gạch suốt nhiều năm liền nhưng ông vẫn cứ làm, cho tới sát mí tháng 4/1975. Với tờ tuần báo đó, họa sĩ Vi Vi Võ Hùng Kiệt trước sau đã vẽ 4 cái bìa báo Xuân cho các năm Nhâm Tý 1972, Quý Sửu 1973, Giáp Dần 1974 và Ất Mão 1975 – Số Tết cuối cùng trước ngày 30/4. Bìa Xuân cuối cùng đó in trên khổ nhỏ cỡ tờ A5 bây giờ (Khoảng 13x19cm) vì lúc đó tòa soạn gặp nhiều khó khăn về kinh doanh sau mấy năm gồng mình gánh lỗ lã, mà đình bản lại không đành. Còn 3 bìa Xuân trước đó đều ở khổ lớn gấp đôi, cỡ 22x30cm và các số Xuân đó nếu nhớ không nhầm thì đều dày 64 – 80 trang, in ruột 2 màu.
Kèm status này là bìa số báo Thiếu Nhi đầu tiên, 1971, và số Xuân Thiếu Nhi cũng đầu tiên, 1972 – Để thêm chút kỷ niệm, cạnh đó là số Xuân Tuổi Hoa của ông Chân Tín, in cùng năm, cũng của anh Vi Vi. Theo tôi, bìa Xuân Thiếu Nhi đẹp nhất và công phu nhất là vào năm Quý Sửu, 1973, lấy từ sự tích Cờ Lau Tập Trận của anh hùng thiếu niên Đinh Bộ Lĩnh.
Cũng nên nhắc, tờ tuần báo Thiếu Nhi thời đó có “Bác Vịt Mò” Vũ Văn Việt lo việc thư ký tòa soạn. Báo có sự góp mặt của các cây bút quen biết khi ấy như các nữ văn sĩ Minh Quân và Đỗ Phương Khanh (Hiền thê của ông Nhật Tiến, phụ trách mục Vườn Hồng); các nhà văn Vũ Hạnh, Lê Tất Điều, Nguyễn Đình Toàn; cây bút trẻ Phan Khương Thái; nhà thơ trào phúng Tú Kếu Trần Đức Uyển và cả nhạc sĩ Y Vân. Về phía họa sĩ, ngoài Vi Vi còn có cây cọ vẽ truyện tranh Nguyễn Tài rất gây chú ý bằng nét vẽ độc đáo của mình trong tác phẩm Cùng Đi Với Tử Thần. Đáng nhắc nữa, nhân vật Tí Hon Thần Lực (Benoit Brisefer mà tờ Thiếu Nhi gọi là Tí Xíu Đại Thần Lực) của họa sĩ người Bỉ Peyo lừng danh thế giới cũng góp mặt qua bản dịch 12 Kỳ Công Của Benoit Brisefer từ tiếng Pháp trên trang báo Spirou. Rồi cả 2 quyển truyện tranh Tintin Au Congo và Tintin En Amérique (Tintin Ở Xứ Congo và Tintin Ở Mỹ) của họa sĩ Hergé trứ danh, nhà xuất bản gốc Casterman, cũng được tuyển dịch trên bàn chụp phim cliché đàng hoàng.
Một chuỗi ngày bao kỷ niệm Hồng, của chúng ta… Cảm ơn ông Nguyễn Hùng Trương.
Photos: 1/ Trẻ em đọc “cọp” báo Thiếu Nhi trong nhà sách Khai Trí. 2/ Một số bìa báo do họa sĩ Vi Vi sáng tác hàng tuần, 1971 – 1975, trong đó có bìa Xuân Nhâm Tý 1972 cho tờ Tuổi Hoa.