Để cho trọn mối duyên – Anmai, CSsR

Thuy Phan

Anmai, CSsR

Lần nọ, dự Lễ ở một nhà thờ bên Xóm Mới, chưa đến giờ Lễ nên tôi đi dạo một vòng thăm khuôn viên nhà thờ. Ở bảng thông báo, thông báo hàng tuần của giáo xứ kèm theo phần rao hôn phối của mấy đôi chuẩn bị nhận bí tích Hôn Phối.

Nhìn vào bảng rao đó thấy có mấy đôi làm tôi khá ngạc nhiên, chú rể cách cô dâu hơn cả chục tuổi. Ngạc nhiên không phải vì cách tuổi mà cô dâu chỉ vừa mới 18. Ngạc nhiên không dừng lại ở mấy đôi này khi tôi nói chuyện với mấy em lễ sinh. Mấy em cho biết tuần vừa rồi ở giáo xứ mới có đám cưới chú rể ngoài 70, cô dâu mới 30 ngoài.

Chuyện hôn nhân, dĩ nhiên là riêng tư và quyền của mỗi người, chẳng ai được quyền xen vào nhưng thấy thực trạng của xã hội về chuyện hôn nhân nên tôi cũng khá ngần ngại. Dĩ nhiên khi cưới nhau chẳng ai muốn cho hôn nhân của mình có vấn đề, đặc biệt với tấm lòng mục tử thì lại càng không muốn cho bất cứ ai phải trục trặt, thế nhưng trong thực tế thì …

Hôn nhân là hành trình dài của cuộc đời và khi bước vào đời sống hôn nhân chỉ có một lựa chọn duy nhất cho hành trình đó bởi đặc tính của Hôn Nhân Công Giáo là đơn hôn và vĩnh hôn. Thế nên, trước khi đi đến quyết định sống chung với nhau, những khóa giáo lý được mở ra để cho đôi hôn phối tiếp cận và học hỏi.

Sống chung với nhau cả đời chẳng phải là chuyện giản đơn bởi lẽ mỗi người mỗi tính cách, mỗi hoàn cảnh, mỗi môi trường sống, mỗi quan niệm, mỗi cái nhìn, mỗi địa vị … Chuyện không giản đơn nhưng có những người xem ra khá xem thường chuyện cả đời như thế này.

Có thể, vì lý do nào đó theo cái nhìn của họ gọi là yêu để đi đến quyết định hôn nhân nhưng chưa hẳn yêu là cưới. Tình yêu xem ra không giản đơn như một số người suy nghĩ.

Ngày nay, nhiều bạn trẻ bước vào đời sống hôn nhân quá vội. Họ đã nhìn tình yêu giản đơn chỉ là điều gì đó dựa vào xác thịt, vào vật chất, vào địa vị, vào cái hào nhoáng bên ngoài.

Ngày nay, không chỉ xã hội mà Giáo Hội phải nghĩ suy, phải đau đầu với tình trạng ly hôn cũng như đổ vỡ càng nhiều trong đời sống hôn nhân gia đình.

Xác thịt, dục vọng : nó là nhu cầu của con người nhưng nó không phải là cùng đích của đời sống hôn nhân. Nó là xác đó nhưng nó lại rất là tinh thần và rất là thiêng liêng và trân quý. Người ta chỉ trao ban cho những ai mà người ta yêu thương thật sự, tin tưởng thật sự và trân quý thật sự. Khi người ta chỉ nhìn ở xác thịt như là cùng đích thì chắc chắn hôn nhân sẽ không bền bởi lẽ con người không sống mãi ở xác thịt vì đến một ngày nào đó chẳng mãi ham muốn bởi áp lực của cuộc sống, của công việc, của tuổi tác. Sức khỏe của con người rồi cũng sẽ hạn chế theo năm tháng. Và, ngày qua ngày, ham muốn của xác thịt, sức khỏe của con người cũng tàn phai. Nếu cưới nhau chỉ dựa vào những điều này thì khi người bạn đời có vấn đề về sức khỏe hay không đáp ứng được nhu cầu thì ta lại chia tay sao ? Như vậy thì bạc bẽo quá.

Vật chất, tiền bạc … : Tất cả những thứ đó cần nhưng nó không phải là cùng đích của đời người và chuyện quan trọng thì tiền bạc, vật chất cũng chỉ là phù vân. Tiền bạc nay còn mai mất chứ chẳng ai quả quyết là nó có mãi. Ở đời, chưa hẳn là có tiền là hạnh phúc. Tiền, đôi khi lại là nguyên nhân dẫn đến bất hạnh cho nhiều gia đình xem ra là giàu có, là thành đạt. Một ngày nào đó, bạn đời của ta thất bại, nghèo khổ ta lại giũ áo ra đi sao ? Như vậy còn gì là nghĩa vợ chồng.

Địa vị, danh vọng … : Dĩ nhiên, trong cuộc sống, ai cũng mong cho mình có một chút danh, chút phận ở đời nhưng nó cũng chẳng phải là căn cốt của cuộc đời này bởi lẽ danh vọng, địa vị nó cũng chỉ là nhất thời trong một khoảng nào đó của cuộc đời. Cưới nhau vì danh vọng, địa vị, chẳng lẽ khi không còn lại bỏ nhau sao ? Nếu như thế thì thật là chán bởi người ta chỉ cưới nhau ở cái danh vọng và địa vị.

Với tất cả những điều đó, nên cần phải tìm hiểu, phải biết và khi chấp nhận thì đôi hôn phối mới đi đến quyết định sống với nhau trọn đời được.

Quá nhiều điều đáng tiếc vẫn đang xảy ra trong cuộc đời.

Có đôi vợ chồng đã qua tuổi trung niên nhưng họ vẫn hiếm muộn. Họ hiểu nhau và cùng đồng cảm với nhau để họ bình an và vẫn sống hạnh phúc. Thế nhưng có đôi hiếm muộn, người vợ đi tìm đứa con bằng cách nào đó một cách nông vội để khi gia đình mới xảy ra một chút chuyện thì người chồng không đủ sức chịu đựng nữa đành phải chia tay. Lỗi một phần ở cô vợ đã không minh bạch cũng như đã không trao đổi thẳng thắn với chồng về đứa con mà cô sẽ mang. Cô cứ nghĩ rằng nó sẽ là nguồn hạnh phúc nhưng nay chồng cô đã quyết định …

Có đôi vợ chồng không kịp hạnh phúc bởi lẽ người vợ còn quá trẻ nhưng vì lý do nào đó đã lấy chồng bằng tuổi ông của mình chứ đừng nói gì đến tuổi bố của mình. Cả sinh lý, tâm lý không thể nào hòa hợp làm sao có được hạnh phúc. Chỉ vì một chút lợi nhuận nào đó mà cô ta bước vào đời sống hôn nhân nhưng cũng nhanh chóng không lâu sau đó cô cũng bước ra khá vội vì hoàn toàn cách biệt.

Có một cô gái chia sẻ với tôi về “người tình” mà cô đang sống chung. Anh ta ngoài 50, đã ly dị vợ và cũng đã có hai con với vợ trước. Cô gái này nhỏ bằng một nửa tuổi của “người tình”. Hỏi ra thì cô không thể nào chia sẻ được những nỗi vui buồn của cuộc sống, chỉ đến với nhau để … Khi tôi mời gọi cô ta chọn cho mình con đường mới hợp với đạo lý và luân lý hơn nhưng cô đã không can đảm bởi lẽ mối quan hệ này đã đem về cho cô mối lợi quá lớn vì “người tình” của cô là một người có chức vị.

Ít ngày gần đây, con bé cháu tuổi mới qua đôi mươi lại thao thức về chuyện gia đình. Cũng dễ hiểu bởi vì lớn lên ai cũng chọn cho mình đời sống gia đình nếu như không chọn đời dâng hiến. Tôi cũng đã cố hết sức mình để khuyên giải và nói những gì cân thiết với cháu nhưng không biết cháu có chịu nghe hay không bởi lẽ lý lẽ của con tim và nhất là khi yêu người ta thường hay mù quáng.

Cũng không phải là phức tạp hóa vấn đề của hôn nhân nhưng cũng không nên đơn giản hóa vấn đề của đời sống gia đình. Khi tiến đến hôn nhân, với người Công Giáo là một bí tích và chỉ lãnh duy nhất có một lần trừ phi người phối ngẫu qua đời. Và, bên cạnh đó cả danh dự, cả lòng tự trọng của họ hàng hai bên chứ không chỉ có hai người như người ta vẫn thường nghĩ nông cạn. Để đi đến quyết định cần phải ngồi lại tính toán, nghĩ suy, chia sẻ để xem con đường phía trước có thể vượt qua hay không ?

Trước khi xây một căn nhà, người ta phải ngồi lại tính toán để xem căn nhà đó có thể hoàn tất hay không ?

Trước khi đi biển người ta cũng phải trang bị những gì cần thiết cho hành trình dài giữa biển sóng lênh đênh.

Trước khi lập gia đình chẳng lẽ người ta lại nhắm mắt đưa chân.

Cũng chỉ vì một chút gì đó với cái hào nhoáng bên ngoài, cũng chỉ vì một chút gì đó của khoái cảm dục tình, cũng chỉ vì chút gì đó của vật chất cùng địa vị đã làm cho bao gia đình bất hạnh.

Chỉ mong sao những người chuẩn bị bước vào đời sống hôn nhân hãy bình tĩnh, hãy nhẫn nại để tìm hiểu, để trao đổi, để sẻ chia trước khi đi đến quyết định lớn của cuộc đời.

“Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, khi ốm đau cũng như khi mạnh khỏe, để yêu thương và tôn trọng anh suốt đời em”. Lời hứa xem ra dễ nói khi đám cưới nhưng để cho mối duyên nên trọn vẫn không phải là chuyện giản đơn. Để cho trọn mối duyên cần phải cảm thông, sẻ chia, tha thứ và nhất là đặt trong bàn tay của Thiên Chúa là Vua của Tình Yêu.

Anmai, CSsR


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay