Bài phản biện của Đào Tiến Thi về đề tài “Dân chủ hoá xã hội” của TSKH Nguyễn Quang A.

Mạc Van Trang 

THAM KHẢO

“Anh Nguyễn Quang A đã dày công nghiên cứu (về quá trình dân chủ hóa) Cảm ơn anh Nguyễn Quang A rất nhiều.

Thưa các anh chị, tôi cũng xin nêu một vài suy nghĩ.

Mọi thứ anh NQA trình bày, anh đều theo phương pháp khoa học. Về kinh tế học, tôi là người ngoại đạo, tôi chỉ quan sát, trải nghiệm và cảm nhận bằng trực giác thì thấy khác anh NQA nhiều.

  1. Nếu xuất phát điểm chỉ căn cứ vào kinh tế thì rất không đủ. Tôi nghĩ cái chính là thể chế. Hàn Quốc, Đài Loan và các nước Đông Nam Á có xuất phát điểm (sau Thế chiến II) về thể chế khác hẳn VN. Nếu có độc tài thì chỉ là độc tài cá nhân, mang tính tạm thời chứ nền tảng của họ vẫn là nền dân chủ (mô phỏng phương Tây), còn VN thì thể chế được xây dựng theo học thuyết Mác Lê, cụ thể theo mô hình LX và TQ.
  2. Độc tài ở VN là độc tài “có lý luận”, ngoan cố (*), chỉ trừ khi bị dồn vào chân tường có nguy cơ “xuống hố cả nút” (chế từ chữ XHCN, cách nói hồi cuối thập niên tám mươi) chứ không bao giờ tự giác chuyển đổi. Riêng Mông Cổ có xuất phát điểm (1921) là thể chế XHCN nhưng họ có truyền thống văn hóa – lịch sử rất khác ta (tôi sẽ nói ở bài riêng).
  3. Sinh thời cụ Nguyễn Khắc Viện đã nhận xét: CN Mác Lê vào các nước Phi châu rất khó khăn, trong khi đó vào VN rất dễ, là vì VN có truyền thống Nho giáo. Tôi thấy quả là Nho giáo có nhiều điểm giống Mác Lê thật: trọng tôn ty trên dưới (trên có quyền sai nhưng dưới thì không), trọng ổn định chứ không trọng phát triển, trọng đóng kín chứ không trọng mở ra, trọng truyền thống chứ không trọng sáng tạo,… CN Mác Lê vào VN trở nên sâu rễ bền gốc. Tất nhiên, HQ, ĐL cũng có Nho giáo nhưng Nho giáo của họ có chọn lọc chứ không nô lệ như VN (**)
  4. Khi TQ mở cửa, phương Tây hy vọng cùng với kinh tế, quá trình dân chủ hóa ở TQ cũng sẽ diễn ra. Nhưng thực tế không những không có mà chính quyền CS còn siết chặt thêm. VN vào thời điểm bắt đầu đổi mới, cùng với kinh tế đã có trào lưu dân chủ hóa. Nhưng rồi LX và Đông u sụp đổ, ĐCSVN đứng đầu lúc đó là NVL cuống cuồng lo sợ, đã vội đóng sập cánh cửa dân chủ và từ đấy bám chặt lấy Đảng CS Tàu để bảo vệ CNXH. Đến ông NPT thì không những đóng mà còn bắt vít cho thật chặt. Tất cả những việc làm của ông ấy trong lúc cầm quyền chỉ có mục đích bảo vệ chế độ, không có gì khác.
  5. Để bảo vệ các giá trị của nền DCTS, Mỹ và phương Tây thường đặt điều kiện cho mỗi hiệp định kinh tế, mỗi chuyến viếng thăm, tuy nhiên, như ta thấy, cách này mỗi ngày một nhàm, mỗi ngày một chiếu lệ, thậm chí nói mà không làm cũng chẳng sao. Có lẽ vì thị trường 100 triệu người + tài nguyên phong phú + địa chính trị quá quan trọng, tất cả đều quá hấp dẫn với họ nên họ bỏ qua hết các vấn đề dân chủ, nhân quyền.
  6. Chính quyền VN ý thức rằng đã làm ăn với thế giới phương Tây thì sớm muộn, ít nhiều các yếu tố dân chủ cũng du nhập vào VN cho nên họ chặn trước. Càng mở rộng làm ăn với thế giới phương Tây họ càng siết chặt DC.
  7. Gần một năm nay tôi sống chủ yếu ở quê, vùng nông thôn nhưng đang thành thị hóa. Tôi luôn tìm mọi cách quan sát, trải nghiệm thì thấy dân mình chỉ cần no cơm ấm cật hoặc nếu no cơm ấm cật rồi thì lo làm giàu Ngày nay không còn cảnh đói khát nhưng tệ nạn ăn uống ngày càng bành trướng. Cỗ bàn triền miên, suốt bốn mùa. Rồi múa hát nữa (cả người già bây giờ cũng ham đi múa hát). Dân ta ngày càng ham ăn chơi (có lẽ đó cũng là một cách CQ cố làm tha hóa dân chúng). Tôi không hề thấy dân mình có khát vọng tự do dân chủ gì cả.”

…………………………………………………….

(*) Ông NPT từng nói “Mất chế độ là mất tất cả”. Vậy cũng có nghĩa là ông ta làm tất cả để bảo vệ chế độ.

(**) Nhiều giáo sư thầy tôi cho rằng Nho giáo ở VN lẽ ra đã chết khi người Pháp cai trị, nhưng rồi cụ Hồ đã làm sống lại Nho giáo.

9/10/2024

ĐTT


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay