Đỗ Duy Ngọc
Ông lão bên Bờ Hồ (Ảnh Vũ Công Hiển)
Rồi ai cũng phải về với cát bụi, có ai sống mãi trên nhân thế này đâu. Và thời gian càng ngày càng ngắn lại, sức khỏe càng ngày càng yếu đi.
Sao không bắt tay làm ngay những điều mình mong ước, sao không đi đến ngay những nơi mà ta thích thú, sao không sắm ngay những vật mà ta từng mơ tưởng khi trong túi vẫn đủ tiền.
Sao không chào mọi người bằng cái vẫy tay, bằng một nụ cười bởi nhiều khi đó là lần đầu tiên ta gặp họ nhưng có thể cũng là lần cuối cùng bởi không còn duyên gặp lại,
Tuổi già nên tạo cho mình một đam mê sáng tạo: chụp hình, vẽ tranh, nặn tượng, làm gốm, làm vườn, trồng cây, viết nhạc, làm thơ, đi đây đi đó…tất cả trở thành gia vị cho cuộc sống mà thời trẻ bận rộn với manh áo, miếng cơm, lo âu cuộc sống ta không thực hiện được. Gắng đọc sách, đọc báo, vào mạng, viết mail để rèn luyện trí nhớ. Sống lâu mà chẳng nhớ gì, chẳng biết gì đang xảy ra cũng phí một quãng đời.
Đoạn đường trước mặt của mọi người ngày càng ngắn lại, sao không thể tha thứ, bao dung cho nhau những tỵ hiềm, những đụng chạm của một thuở. Sao không siết tay nhau khi còn sống.Sao không kiếm miếng ngon để thưởng thức hương vị của cuộc đời khi túi còn đủ tiền để trả cho món ăn ngon, đã đến lúc không nên hà tiện, keo kiệt để làm khổ thân mình, bởi khi ta mất đi mà vẫn còn tiền nhiều quá cũng là điều bất hạnh.
Nếu con cháu ngoan hiền thành đạt, có tình cảm với ta, có chăm sóc, thăm hỏi ta cũng là điều hạnh phúc. Bằng không, nếu chúng quên tình cảm gia đình, thì cũng đừng lấy điều đó làm buồn mà thất vọng.
Con cái muốn đi theo con đường nào, chọn ngành nghề gì, yêu ai và muốn lập gia đình với ai, ta chỉ nên khuyên nhủ, định hướng, không nên bắt chúng phải theo ý ta, sống vì ta. Bởi chúng có cuộc đời riêng của chúng và chúng ta chắc chắn sẽ không sống mãi với chúng nên phải để chúng quyết định đời mình.
Cũng không nên quá tin tưởng vào con cái mà giao hết số tiền dành dụm suốt cuộc đời cho chúng. Vì đó là mở đầu cho những bất hạnh mà ta phải chịu đựng sau này. Nếu khi đến tuổi mà cứ ôm khư khư các cháu, ta đã phí phạm thời gian còn lại ngắn ngủi của mình.
Người biết lo xa là khi tuổi trung niên đã chuẩn bị cho tuổi già, chuẩn bị để khỏi lệ thuộc vào con cái về vật chất, được như thế những ngày của tuổi già không phải trông mong vào những đồng tiền chu cấp của các con, được thoải mái và tự do trong sinh hoạt.
Người ta bảo tuổi già buồn, nhưng thật ra nếu biết cách sống và có sức khỏe, tuổi già là tuổi vui. Đó là tuổi đã làm xong những phận sự, chẳng còn nhiều trách nhiệm với cuộc đời, mọi lo toan cũng chẳng còn mấy chút. Giàu cũng giàu rồi, nghèo cũng nghèo rồi, chẳng còn sức lực và thời gian để thay đổi số mệnh.
Đau khổ, lo âu hay hạnh phúc, hoan hỉ đều do tâm ta mà ra. Cuối con đường của cuộc sống, an lạc, an nhiên mà đi, chăm sóc bản thân, chấp nhận cái đích cuối cùng của loài người, không âu lo, chẳng sợ hãi cái chết, hãy xem cuộc đời chẳng có gì là quan trọng nữa và tận hưởng nó đến giây phút cuối cùng, âu đó chính là con đường hạnh phúc..!
Đỗ Duy Ngọc
From: TU-PHUNG