Bạo hành trẻ em trong một xã hội vô cảm, lạc hậu, quan liêu

Ba’o Nguoi-Viet

October 6, 2024

Minh Hải/SGN

Lại thêm vụ bạo hành trẻ em xảy ra tại TPHCM, nạn nhân là bé N.T.K., 6 tuổi. Trước đó dư luận trong nước vẫn chưa nguôi cơn phẫn nộ vụ án bạo hành xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng ở Phường Trung Mỹ Tây, Quận 12, TPHCM, và nhiều vụ trước đó gây rúng động.

Mới đây vào ngày 2 Tháng Mười, truyền thông trong nước cho biết, Công An TPHCM ra quyết định tống giam Nguyễn Quốc Toàn, 24 tuổi, và Lê Thụy Thanh Tâm, 22 tuổi, cư trú tại Quận 8 với cáo buộc hành vi bạo hành dã man đối với bé N.T.K.

Bé trai bị bạo hành dã man. (Hình: báo Thanh Niên)

Thông tin ban đầu cho biết, vào năm 2017, Toàn chung sống với chị V., 25 tuổi, và có với nhau bé N.T.K. Tháng Tư năm 2021, Toàn và chị V. chia tay. Chị V. dắt bé N.T.K về Phú Yên sinh sống. Tuy nhiên, do hoàn cảnh khó khăn nên vào Tháng Tám năm 2024, chị V. cho bé N.T.K về lại TPHCM sinh sống với Toàn và người vợ sau là Thanh Tâm.

Quá trình khai báo tại cơ quan Công An, Toàn và Tâm thừa nhận đã nhiều lần đánh đập bé N.T.K do bực tức việc học hành và vệ sinh cá nhân của bé.

Đỉnh điểm là vào ngày 25 Tháng Chín, Tâm dùng nước sôi đổ lên hai bàn chân của bé N.T.K. Kết quả giám định thương tích, bé N.T.K bị bỏng 11% và các thương tích rải rác trên cơ thể là 30%.

Hình ảnh thương tích của bé N.T.K được báo chí trong nước đăng tải trên các phương tiện đại chúng ngay lập tức đã gây phẫn nộ dư luận, như tiếp nối cơn phẫn chưa nguôi từ vụ bạo hành hơn 80 trẻ nhỏ trước đó, xảy ra tại mái ấm Hoa Hồng bị phanh phui vào hồi đầu Tháng Chín vừa qua.

Mái ấm Hoa Hồng do bà Giáp Thị Sông Hương, 50 tuổi, quê Bắc Giang, ngụ tại Quận Gò Vấp, làm đại diện pháp lý. Vụ bạo hành bắt đầu được phanh phui bởi loạt video phóng sự điều tra của tờ báo Thanh Niên, với tựa đề “Tội ác ở mái ấm tình thương Hoa Hồng.”

Nội dung của loạt video mô tả cảnh các bé từ chưa tới một tuổi cho đến 12 tuổi được mái ấm Hoa Hồng nuôi dưỡng phải sống trong khoảng thời gian dài như địa ngục trần gian.

Các bảo mẫu Tuyền, Cẩm, Loan, Ba và Huyền đã có vô số các hành vi hành hạ các bé như: mắng chửi, nhéo tai, quật người, bóp miệng, đánh đập, dùng đũa gõ liên tục vào lòng bàn chân các bé… bất kể thời gian từ đêm đến sáng, bất kể các bé có khóc hay không khóc, có lỗi hay không có lỗi.

Thậm chí có bé bị các bảo mẫu đánh đập mỗi ngày không dưới chục lần hoặc vài phút là bị đem nhốt vào phòng vệ sinh hoặc đem ra hành hạ đủ kiểu khiến nhiều bé bị đổ máu và mang thương tích trên người

Các bảo mẫu còn vô nhân tính, tàn ác và dã man hơn bằng việc cho các bé mới vài tháng tuổi uống một loại thực phẩm chức năng có tên Siro Ho Ong Vàng có thành phần Eucalyptol, theo khuyến cáo của cơ quan y tế là trẻ phải từ 2 tuổi trở lên mới được sử dụng.

Điều đáng nói ở đây là, trước khi vụ bạo hành bị phanh phui, mái ấm Hoa Hồng và bà Giáp Thị Sông Hương một thời được báo chí trong nước lăng xê đủ kiểu. Nào là Mái ấm địa chỉ tin cậy chuyên trợ giúp, nuôi dưỡng trẻ em cơ nhỡ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em mồ côi, người vô gia cư, người già neo đơn… Bản thân bà Sông Hương cũng không ít lần lên sóng truyền hình chia sẻ chuyện đời tư và nỗi bất hạnh của các bé tại mái ấm, ví bà như “Phật sống” giữa đời thường nhằm thu hút đông đảo các mạnh thường quân, nhà hảo tâm ghé đến Mái ấm tài trợ, giúp đỡ.

Thế nhưng, sự thật đằng sau đó là những hoạt động trá hình và trục lợi bất chính, những khoản tiền tài trợ chưa rõ bà Sông Hương dùng vào mục đích gì, còn những phần quà như sữa thì được đưa đến các cửa hàng chuyên bán sữa, đồ dùng trẻ em để tiêu thụ. Ở mái ấm Hoa Hồng, các bé chỉ được ăn cơm với nước tương hoặc mì gói, miến và uống sữa thừa trong điều kiện không đảm bảo vệ sinh.

Hiện nay Công An Quận 12 đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, tạm giam, tạm giữ các bảo mẫu và bà Sông Hương theo cáo buộc tội “Hành hành hạ người khác” theo Điều 140 Bộ Luật hình sự.

Chưa hết, dư luận cũng chưa hẳn đã quên vụ án bé gái N.T.V.A., 8 tuổi ở Quận Bình Thạnh, TPHCM bị mẹ kế Nguyễn Võ Quỳnh Trang, 29 tuổi, quê ở Gia Lai, và cha ruột Nguyễn Kim Trung Thái, 39 tuổi, cư ngụ tại Quận 1, TPHCM, bạo hành dẫn đến tử vong vào hồi cuối Tháng Mười Hai, 2021.

Cáo trạng vụ án này cho biết, trong khoảng thời gian sinh sống cùng cha ruột và dì ghẻ, bé V.A đã nhiều lần bị hai người dùng tay chân, vật kim loại, gậy gỗ…bắt cởi áo quần, giơ tay, quỳ gối để đánh đập, thậm chí cho chui vào chuồng chó đã dẫn đến tử vong. Trải qua hai phiên xét xử, Quỳnh Trang nhận bản án tử hình tội “giết người”, còn Trung Thái nhận bản án 8 năm tù giam.

Và cuối cùng thêm vụ án bạo hành trẻ em gây chấn động dư luận hơn cả, là vụ bé gái Đỗ Ngọc Ánh, 3 tuổi, ở Hà Nội, bị cha dượng là Nguyễn Trung Huyên, 41 tuổi, bạo hành dã man, tra tấn như thời trung cổ dẫn đến tử vong vào hồi năm 2022.

Từ những vụ án kể trên, thật khó hiểu tại sao ở Việt Nam ngày càng có nhiều vụ bạo hành trẻ em xảy ra nghiêm trọng đến vậy.

Khó hiểu nhưng có lẽ cũng dễ trả lời. Bởi lẽ, đầu tiên sẽ là yếu tố con người. Phải thừa nhận thẳng thắn rằng, xã hội Việt Nam ngày nay, nhiều người Việt sống rất vô cảm, sống rất độc ác với đồng loại. Vì một lời nói, một cái liếc mắt hay vì một chỗ ngồi, người Việt có thể đoạt mạng sống lẫn nhau. Cho nên, khi một vụ bạo hành trẻ em xảy ra, không ít người dù có quan tâm đến mấy chăng đi nữa thì khoảng thời gian ngắn thôi, sẽ lãng quên coi như chuyện thường tình, không liên quan.

Kế đến tư duy của bậc lớn tuổi ở Việt Nam vẫn còn nặng nề giáo dục thời phong kiến như “thương cho roi cho vọt” “đánh cho nên người”. Vụ bạo hành trẻ em ở mái ấm Hoa Hồng nêu trên là một ví dụ, bà Sông Hương chủ cơ sở khai trước cơ quan chức năng việc các bảo mẫu bạo hành trẻ là hành động bộc phát, mất kiểm soát trong lúc chăm sóc hoặc bà bảo mẫu Cẩm khai trong quá trình chăm sóc các bé, đã nhiều đánh đập các bé để các bé sợ, không quấy phá và ngoan hơn. Một tư duy giáo dục trẻ em bằng bạo lực và lạc hậu hết sức nguy hiểm, hoàn toàn không còn phù hợp ngày nay nhưng vẫn được áp dụng.

Và kế đến nữa là tuy Việt Nam hiện đã có luật bảo vệ Trẻ em, ký nhiều Công ước quốc tế về quyền trẻ em nhưng chính sự lỏng lẻo, buông lỏng quản lý của các Cơ quan chức năng vô tình biến các văn bản luật này chỉ hiệu lực ở trên giấy. Đâu đó ở Việt Nam, trẻ em hằng ngày vẫn đón nhận những bạo hành gián tiếp hoặc trực tiếp từ người lớn mà không có khả năng phản kháng, không có sự bảo vệ kịp thời đến từ pháp luật. Và đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì nhiều trường hợp, trẻ em bị bạo hành đã nhận những hậu quả, kết cục hết sức thương tâm.

Một xã hội vô cảm, một tư duy giáo dục bằng bạo lực và lạc hậu cùng với cơ chế quan liêu, buông lỏng, chưa thể hiện đúng sự nghiêm minh của pháp luật thì tình trạng trẻ em bị bạo hành cứ thể tiếp diễn là điều không tránh khỏi. 


 

Được xem 5 lần, bởi 5 Bạn Đọc trong ngày hôm nay