September 25, 2024
Thị trường chứng khoán Mỹ đã tăng lên mức cao kỷ lục vào thứ Năm, khi các nhà đầu tư nhận ra rằng việc Fed cắt giảm lãi suất 50 điểm cơ bản không tệ như họ nghĩ.
Tuy nhiên, các nhà sản xuất ô tô truyền thống và cổ phiếu xe điện (EV) đã giao dịch trái chiều. Điển hình là trường hợp của Tesla (TSLA) khi mà cổ phiếu của hãng tăng mạnh bất chấp việc CEO Elon Musk trước đó từng đổ lỗi cho việc Fed hạ lãi suất là nguyên nhân chính gây ra nhiều khó khăn cho công ty. Ngược lại, Ford (F) và General Motors (GM) đều đóng cửa trong sắc đỏ.
Trong lĩnh vực xe điện khởi nghiệp, Rivian (RIVN) đóng cửa trong sắc xanh, trong khi cổ phiếu Lucid Group (LCID) lại giảm.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cắt giảm lãi suất cơ bản ngân hàng nhìn chung là tích cực cho ngành ô tô và xe điện, vì lãi suất cao hơn đã ảnh hưởng đến doanh số bán xe. Tuy nhiên, chuyên gia từ Barchart, nền tảng phân tích thị trường tài chính uy tín, lại khuyên nên bán gấp cổ phiếu VFS của hãng xe điện VinFast bất chấp chính sách tiền tệ đang nới lỏng. Chủ yếu là vì báo cáo của tình hình tài chính của VinFast trong nửa đầu 2024 đã trở nên quá xấu.
Doanh thu tăng nhưng bán lẻ chỉ chưa tới 40%.
Doanh thu (Revenue) Quý 2 năm 2024 của VinFast đạt 8,600 tỷ đồng ($357,4 triệu), tăng 9.1% cùng kỳ năm ngoái và tăng 32.9% so với quý trước. Nguồn doanh thu chủ yếu đến từ bán xe hơi điện (EV) với gần 7,700 tỷ đồng ($317,3 triệu), tăng 2.9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 33.8% so với quý 1 năm 2024.
Ban đầu, VinFast dự kiến sẽ giao 100,000 xe vào năm 2024, nhưng sau đó đã hạ dự báo xuống 80,000 – và ngay cả con số đó cũng có vẻ hơi cao, vì hãng mới chỉ giao được 22,348 EV trong nửa đầu năm nay, trong đó có 13,172 xe vào quý 2. Nhờ thế, tổng doanh thu trong nửa đầu năm 2024 của VinFast đạt 15,200 tỷ đồng, gấp rưỡi so với cùng kỳ.
Tuy vậy, đó chỉ là một trong những điểm sáng hiếm hoi của VinFast khi khoản lỗ của VinFast lại tăng 21%, từ 27,800 tỷ đồng lên 33,500 tỷ đồng (tương đương hơn $1.3 tỷ) trong nửa đầu năm 2024. VinFast giải thích nguyên nhân là do sản lượng và doanh số bán hàng tăng khi mở rộng thêm các dòng xe VF6, VF7, và VF3. Dẫn tới chi phí bán hàng, quản lý và hành chính (Selling, general and administrative expenses) tăng lên 3,800 tỷ đồng ($158.2 triệu) trong quý 2 năm 2024, tăng 36.4% so với cùng kỳ và tăng 25.5% so với quý 1 năm 2024.
Mặc dù chi phí đầu tư cho bán hàng và tiếp thị tăng mạnh, VinFast vẫn chưa cho thấy kết quả khả quan trong việc mở rộng thị trường, đặc biệt là thị trường quốc tế trong đó chủ yếu là thị trường Bắc Mỹ. Xe VinFast chưa thực sự nhận được những đánh giá tích cực, và công ty cũng không có lợi thế về chi phí – ít nhất là ở thị trường Mỹ, nơi các sản phẩm của hãng trông giống như một sản phẩm “na ná” trong một thị trường ngày càng đông đúc.
Ở thị trường Đông Nam Á, công ty cũng vấp phải sự cạnh tranh mở rộng mạnh mẽ của các công ty Trung Quốc, VinFast sẽ không có một chặng đường dễ dàng ở khu vực này, đặc biệt là khi các xe của VinFast được phát triển hoàn toàn chủ yếu bởi các đối tác từ chính Trung Quốc và Ấn Độ. Mới đây, vào Tháng Tám vừa rồi, hãng xe đã phải tự hoãn ra mắt xe vô thời hạn dù trước đó đã tham dự triển lãm tại Bangkok vào cuối Tháng Ba, đầu Tháng Tư 2024 và dự định mở bán tại xứ Chùa Vàng này trong Tháng Sáu.
Mặc dù vậy, VinFast lại có một vị thế vững chắc ở quê nhà là Việt Nam, nhưng có một điểm đáng lưu ý.
Hơn 53% doanh số bán EV của hãng trong nửa đầu năm 2024 được bán cho Xanh SM (GSM), công ty taxi cùng chủ sở hữu Phạm Nhật Vượng với Vingroup.
Tuy là báo cáo chưa kiểm toán nên không cho biết chi tiết về doanh số từng dòng xe, nhưng theo một số kênh truyền thông Việt Nam tiết lộ, trong nửa đầu năm 2024, doanh số dòng xe VF5 chiếm khoảng 65%, tức khoảng 13.000 xe trên hóa đơn xuất xưởng, nhưng lại có tới 3,000 xe chưa ra biển số.
Báo chí cũng tiết lộ rằng 75% doanh số của VinFast trong quý 1 năm 2024 là tới từ các hãng taxi. Nếu thông tin này chính xác, điều này đồng nghĩa với việc chỉ có 2,400 xe được bán lẻ trong quý đó. Dù doanh số bán lẻ quý 2 tăng lên 6,400 xe, nhưng tổng doanh số bán cho khách hàng cá nhân trong nửa đầu năm chỉ đạt 8.800 xe, chưa bằng 40% tổng doanh số VinFast công bố.
Việc phần lớn doanh số bán hàng của một công ty đến từ một bên liên quan là một dấu hiệu cảnh báo đáng lo ngại vì nó không phản ánh chính xác nhu cầu thực của thị trường.
Tình hình tài chính trượt dài trong thua lỗ
Tình hình tài chính của VinFast khá yếu, đặc biệt đáng báo động là lượng tiền mặt (Cash and cash equivalents) của VinFast đã giảm xuống mức cực kỳ thấp. Tính đến nửa đầu năm 2024, VinFast chỉ còn lại $98.2 triệu tiền mặt trong tài khoản – một con số chỉ đủ để công ty duy trì hoạt động trong khoảng 2 tuần.
Tỷ suất lợi nhuận gộp (Gross margin) của VinFast tiếp tục đi sâu vào vùng âm, đạt mức -62.7% trong quý 2 năm 2024, so với -42.5% cùng kỳ năm 2023 và -58.7% trong quý 1 năm 2024. Điều này đồng nghĩa với việc trong quý 2 VinFast lỗ gần 63% trên mỗi chiếc xe bán ra.
Trong khi khoản lỗ ròng $1.3 tỷ của công ty đã gấp 2.2 lần doanh thu. Nói cách khác, cứ mỗi đồng doanh thu VinFast thu về, công ty lại lỗ 2.2 đồng. Đây không phải là các con số mà bất kỳ công ty nào muốn khoe khoang.
Đáng chú ý, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh (Net cash flows used in operating activities), vốn phản ánh dòng tiền trực tiếp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ, lại bị thâm hụt gần 20,300 tỷ đồng, cao hơn so với mức thâm hụt 17,300 tỷ đồng cùng kỳ năm 2023 dù doanh thu năm nay cao hơn.
Điều này cho thấy VinFast chưa thực sự hiệu quả trong việc kiểm soát chi phí hoạt động và quản lý dòng tiền thu từ khách hàng. Tình hình càng đáng quan ngại khi hơn một nửa doanh thu của VinFast đến từ các bên liên quan, chủ yếu là GSM. Dòng tiền thâm hụt đối với một doanh nghiệp thua lỗ nặng là một điều không quá bất ngờ.
Các kết quả kinh doanh này cho thấy chiến lược mở rộng sản xuất của VinFast đang kém hiệu quả khi càng sản xuất càng lỗ sâu, cho thấy tiềm ẩn nhiều rủi ro và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến công ty mẹ Vingroup.
VinFast có vốn hóa thị trường khoảng $8.5 tỷ và báo cáo tổng nợ hơn $3.7 tỷ trong nửa đầu năm 2024. Công ty cũng nợ các bên liên quan hơn $3.8 tỷ. Nó được giao dịch ở mức bội số giá trị doanh nghiệp trên doanh thu dự kiến trong 12 tháng tới (NTM) gần 5 lần, cao hơn nhiều so với các công ty xe điện Trung Quốc như NIO (NIO), Xpeng (XPEV) và Li Auto (LI), cũng như các đối thủ trong nước như Rivian. Cho thấy rằng cổ phiếu VFS của VinFast dù hiện nay chưa tới $4/cổ phiếu nhưng vẫn được cho là quá cao so với giá trị thực.
Lãi suất vay mắc hơn và gần 18,000 tỷ nhận được từ tài trợ chủ sở hữu và chính phủ
VinFast đang phải đối mặt với gánh nặng chi phí tài chính, đặc biệt là lãi vay, ngày càng lớn. Trong nửa đầu năm 2024, VinFast đã chi gần 8,700 tỷ đồng cho chi phí tài chính (Finance costs), tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói là khoản chi phí này tăng mạnh trong bối cảnh tổng nợ vay (interest-bearing loans and borrowings) của VinFast lại giảm 3,000 tỷ đồng, xuống còn 70,000 tỷ đồng (bao gồm 47,100 tỷ đồng nợ ngắn hạn và 22,900 tỷ đồng nợ dài hạn).
Để dễ hình dung, hãy tưởng tượng VinFast như một người đi vay tiền. Dù số tiền vay đã giảm, nhưng do lãi suất tăng cao nên chi phí lãi vay (tương ứng với chi phí tài chính) mà VinFast phải trả lại cho chủ nợ lại tăng lên.
Bên cạnh đó, VinFast còn đang gánh trên vai khoản nợ hơn 92,600 tỷ đồng từ các bên liên quan (Amounts due to related parties), tăng hơn 34% so với cùng kỳ năm ngoái.
Gánh nặng chi phí, nhất là chi phí tài chính, khiến hiệu quả hoạt động của VinFast bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Dù doanh thu tăng mạnh trong nửa đầu năm 2024, chi phí tài chính tăng vọt đã “nuốt chửng” lợi nhuận, thậm chí vượt qua cả chi phí nghiên cứu và phát triển (Research and development costs – R&D) 5,300 tỷ đồng ($220 triệu), khiến VinFast lỗ nặng.
Báo cáo tài chính cũng cho thấy trong nửa đầu năm 2024, VinFast đã nhận gần 17,000 tỷ đồng từ chủ sở hữu (Deemed contribution from owners). Khoản tiền này được ghi nhận trong mục hoạt động tài chính (Financing Activities) giúp công ty cân đối nguồn tiền hoạt động.
Đồng thời báo cáo cũng ghi nhận tại hoạt đồng đầu tư (Investing Activities) rằng VinFast đã nhận hơn 920 tỷ đồng từ chính phủ (Receipt from government grants). Tuy nhiên, do đây là báo cáo chưa được kiểm toán nên chưa có thông tin chi tiết về nguồn gốc và điều khoản của các khoản hỗ trợ này.