Logic của việc CSVN lấy tù nhân lương tâm làm mồi câu tư bản -Lê Minh Nguyên

Ba’o Tieng Dan

Lê Minh Nguyên

21-9-2024

Cộng sản Việt Nam bắt những người dân có trí tuệ của mình làm tù nhân và dùng tù nhân đó để làm mồi câu tư bản.

Một ngày trước khi lên đường đi Mỹ, Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm thả nhà hoạt động Trần Huỳnh Duy Thức sớm 8 tháng (20/9), coi nó là một món quà tặng cho Mỹ để đổi chác lấy những đòi hỏi Mỹ giúp Việt Nam về kinh tế và công nghệ.

Trong một sinh hoạt gọn nhỏ vào thập niên 1990s ở Washington D.C. mà người viết có tham dự, bà cựu thủ tướng Anh Margaret Thatcher nói rằng, một quốc gia thịnh vượng không phải là một quốc gia có đất rộng, dân đông, tài nguyên phong phú, nhưng là một quốc gia mà mỗi một người dân đều có năng lực.

Nhân tài là nguyên khí của quốc gia, nếu đem nguyên khí đó đi giam cầm rồi dùng làm con tin đổi chác với quốc gia khác để lấy những món lợi nhất thời thì quốc gia đó không thể nào hùng mạnh được.

Mỹ với sức mạnh mềm vô song, với khả năng ‘hấp tinh đại pháp’ thu hút tinh hoa của thế giới đem về phục vụ nước mình, họ đang hấp thụ những tinh hoa Việt Nam vào đất nước của họ, từ sinh viên du học, nhân tài công nghệ cao, những người có tài sản lớn, những người có năng lực xây dựng đất nước v.v…

Trung Quốc chỉ có thể hiếp đáp Việt Nam được khi Việt Nam còn là một nước nghèo, nhưng nếu Việt Nam hùng mạnh như Nhật Bản, Nam Hàn thì họ chỉ muốn buôn bán làm ăn chứ không thể đe dọa chủ quyền.

Hậu quả của việc đem tinh hoa đất nước làm mồi câu tư bản sẽ là gì?

Đầu tiên, nó là một sự chảy máu chất xám. Thứ hai, nó làm cho Việt Nam có khuynh hướng xin – cho và đổi chác bất chánh. Thứ ba, nó làm cho Việt Nam càng ngày càng yếu đi và lệ thuộc nhiều hơn vào nước láng giềng Trung Quốc. Và thứ tư là, nó làm cho việc Trung Quốc đồng hóa Việt Nam dễ dàng hơn.

Nguyên khí của dân tộc từ từ chảy về quốc gia hùng mạnh và làm cạn kiệt sức sống của dân tộc Việt Nam.

Các chế độ độc tài thường muốn ngu dân để dễ cai trị. Nhưng khi làm như vậy thì đất nước sẽ biến thành một trôn ốc xoáy, cuối cùng chế độ bị tiêu diệt và một đất nước lầm than.

Điển hình của cái vòng luẩn quẩn này là Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Nếu Liên Xô để cho người dân có năng lực thì người dân đòi hỏi tự do, bởi vì tự do mới có sáng tạo và có sáng tạo thì năng lực mới được phát huy, cho ra được những cái hay và mới. Những cái mới đó giúp quốc gia tiến lên.

Nhưng nếu không cho người dân có năng lực thì không thể nào chạy đua với Mỹ trên nhiều phương diện, nhất là kinh tế, công nghệ cao v.v…

Cho nên cuối cùng dù Mỹ có thua trận đánh nóng – tức chiến tranh Việt Nam, thì đã thắng cuộc chiến tranh lạnh với Liên Xô.

Nếu ông Tô Lâm chỉ tiếp nối ông Nguyễn Phú Trọng thì ông chỉ là một cái bóng mờ trong lịch sử các đời tổng bí thư của đảng CSVN và khi nó sụp đổ thì nguời dân Việt Nam không còn nhớ tới ông là ai.

Ông chỉ có thể làm nên lịch sử khi ông tạo được một sự hòa giải thật sự với dân tộc Việt Nam và một sự tự chủ tối thiểu với Trung Quốc.

Việc đầu tiên mà ông nên làm là thả các tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, có những chính sách từ cấp cao nhất – chứ không phải tuyên truyền về đại đoàn kết – về hòa giải dân tộc.

Làm sao để biết mình bị đồng hóa? Thật ra, nó rất giản dị để nhận ra. Khi hệ thống chính trị, hệ thống kinh tế xã hội, cũng như hệ thống văn hóa giáo dục của mình giống y với nước lớn hơn ở cạnh mình thì đó là những dấu hiệu của đồng hóa vì nó được vận hành không khác gì một tỉnh của nước lớn hơn.

May mắn cho Việt Nam là có sự đa dạng về văn hóa, cho nên tuy bị nhiễm màu Hán hóa nhưng cũng còn có cơ hội để giữ sự độc lập tự chủ, nếu lãnh đạo đừng ngu dân, đừng để chảy máu chất xám, đừng đem dân mình ra đổi chác với ngoại bang mà hãy trân quý nhân tài, nguyên khí của quốc gia.


 

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay