September 13, 2024
CÀ MAU, Việt Nam (NV) – Nhà chức trách xác nhận thi thể cô LTV, 22 tuổi, đã được đưa từ Cambodia về lo hậu sự ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau, sau khi cô này tự sát trong lúc gọi video call cho gia đình.
Theo báo Tiền Phong hôm 13 Tháng Chín, hồi Tháng Sáu, cô V. đi làm công nhân xa nhà.
Gia đình lo hậu sự cho cô LTV, 22 tuổi, ở huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau. (Hình: Tiền Phong)
Sau đó, cô gái này gọi về nhà thông báo rằng mình cùng một số người bạn đi xe gắn máy qua cửa khẩu Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh, sang Cambodia làm việc. Tuy nhiên, cô V. không cho biết cụ thể mình làm công việc gì.
Đến ngày 6 Tháng Chín, cô V. gọi video call về cho gia đình, cầu xin gửi gấp 60 triệu đồng ($2,440) tiền “chuộc mạng” để thoát khỏi cảnh bị đánh đập do không đạt “chỉ tiêu” lừa đảo trực tuyến.
Do hoàn cảnh khó khăn, người nhà khuyên cô V. ráng đợi thêm vài ngày để gia đình xoay tiền gửi qua.
Cô V. than rằng nếu không có tiền gửi ngay thì trong đêm hôm đó sẽ bị đánh chết.
Nói xong, cô V. bất ngờ tự sát trong lúc cuộc gọi video vẫn đang diễn ra. Gia đình cô V. bất lực, không thể can ngăn con gái tìm đến cái chết.
Sau đó, gia đình cô V. đăng tải sự việc trên mạng xã hội, nhờ cộng đồng người Việt ở Cambodia trợ giúp đưa thi thể con gái về Việt Nam.
Rạng sáng 12 Tháng Chín, thi thể cô V. được đưa về đến nhà.
Trước vụ này, đã từng có một số thanh niên tự sát sau khi bị lừa sang Cambodia làm công việc lừa đảo trực tuyến trong các cơ sở do người Trung Quốc làm chủ.
Trong một bi kịch tương tự, báo Lao Động hồi Tháng Tám, 2022, tường thuật vụ một thanh niên Việt Nam nhảy lầu tự sát vì không chịu nổi cảnh áp bức, bóc lột của một công ty tổ chức đánh bạc trực tuyến ở Cambodia.
Bản tin dẫn lời ông NDK, người làm chung với thanh niên xấu số, kể rằng nạn nhân được giấu danh tính, bị lừa sang Cambodia do tin vào lời hứa hẹn “ngồi máy điện toán làm việc qua mạng, hưởng lương từ 20 triệu đồng ($813) mỗi tháng.”
Khi qua đến Cambodia, nam thanh niên bị cưỡng bức vào làm cho một công ty tổ chức đánh bạc qua mạng đặt tại thành phố Sihanoukville.
Mỗi ngày, nạn nhân phải làm việc 16 giờ, vào mạng dụ dỗ nhiều người ở Việt Nam nạp tiền tham gia đánh bạc trực tuyến, bị áp đặt “doanh số” lừa đảo hàng trăm triệu đồng (hàng ngàn đô la) mỗi tháng thì mới được hưởng mức lương từ $200 đến $800 mỗi tháng.
Trước khi nhảy lầu, nạn nhân bị đánh đập và bị đe dọa đem bán cho công ty khác vì gia đình không đủ khả năng chi tiền “chuộc mạng.”
Nam thanh niên từng bỏ trốn nhưng bất thành và bị bắt lại, bị đánh đập.
Hiện trường được cho là nơi nạn nhân NPH, 21 tuổi, ngụ thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, nhảy lầu tử vong ở Cambodia. (Hình: Thanh Niên)
Cũng vào năm 2022 tại Cambodia, theo báo Thanh Niên hôm 18 Tháng Chín, 2022, ông Nguyễn Đức Thịnh, cậu nạn nhân NPH, 21 tuổi, ngụ thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau, cho biết: “Ngày 15 Tháng Chín, có một thanh niên đến gia đình thông báo là H. nhảy lầu tử vong ở Cambodia. Người này cho biết có người quen làm ở Cambodia và người quen đó nhờ đến gia đình cho hay.”
Người đến nhà thông báo cho ông Thịnh có cho số điện thoại của một người đang ở Cambodia. Ông Thịnh gọi vào số điện thoại được cho thì người này cho biết cháu ông nhảy lầu tử vong ngày 13 Tháng Chín.
“Khi tôi gọi vào, người nghe điện thoại dặn gia đình đừng làm lớn chuyện, đừng báo công an, cứ đi đến cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) sẽ có người đón qua bên đó, mang thi thể về. Xong bên đó sẽ hỗ trợ cho 600-800 triệu đồng ($24,400 đến $32,500). Còn làm lớn chuyện sẽ không nhận được thi thể, không nhận được tiền hỗ trợ. Nghe họ hướng dẫn, vừa nghi ngờ vừa hoang mang nên tôi trình báo cơ quan chức năng,” ông Thịnh kể.
Sau đó, công an xác minh người đến gia đình cho hay nạn nhân H. tử vong có người cậu đang làm việc ở Cambodia.
Người nhà của nạn nhân cũng cung cấp thêm, anh H. đi sang Cambodia ngày 15 Tháng Tư và việc này gia đình không ai biết. Trước đó, người chị họ giới thiệu cho anh H. làm bảo vệ tại Sài Gòn. Thời gian anh H. ở Cambodia, liên lạc về gia đình nhưng anh H. chỉ nói đang ở Sài Gòn.
Người chị họ anh H. kể, theo tin nhắn H. về cho bạn thì công việc hằng ngày là lên mạng, nhắn tin lừa người khác với chỉ tiêu 100-200 triệu đồng ($4,000 đến $8,000). Hôm nào không đạt chỉ tiêu thì không được phát phiếu ăn cơm, bị đánh; còn phát hiện sử dụng điện thoại thì bị chích điện.
Sau khi bị đánh, nhốt, anh H. gọi điện thoại về cho bạn nhờ hỗ trợ chuộc về nước. Nhưng do không mượn được tiền, người bạn nói báo cho gia đình để giải quyết nhưng anh H. không cho vì sợ gia đình lo lắng.
“Tính lại thời gian H. gửi tiền về cho mẹ thì tháng đầu cháu nó sang Cambodia có gửi về cho mẹ 8 triệu đồng ($325). Tháng sau nhắn cho mẹ không có tiền, mẹ cố xoay xở. Sau đó, H. mượn mấy chị họ, khi thì 500,000 đồng ($20), khi thì 1 triệu đồng ($40). Có lẽ khi đó H., không làm được việc như họ sai khiến,” ông Thịnh nói. (N.H.K) [qd]