Chỉ Có Ở Việt Nam – Đỗ Duy Ngọc

Đỗ Duy Ngọc

“Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm.”

Nhiều bữa không ngủ được, nằm nghĩ toàn mấy chuyện tào lao. Ví dụ như những năm sau 1975, cơm không có, ăn toàn bo bo với bột mì, thức ăn toàn cá ươn và rau héo. Lúc đó chỉ mong có bát cơm trắng, bữa cơm có thịt. Giải trí thì chỉ quanh quẩn mấy bài ca cách mạng, thể thao thì chỉ loanh quanh bóng đá, bóng chuyền.

Thời mở cửa, tiền bạc khá hơn, đời sống được nâng cao, bắt đầu xuất hiện phong trào tennis. Thật ra trước 75 ở miền Nam, tennis cũng là bộ môn có khá người chơi, nhưng toàn tướng tá, nhà giàu, công chức cấp cao vì sân không nhiều mà dụng cụ thì giá rất đắt.

Từ cuối thập niên 80, sân tennis mở ra nhiều, vợt, banh, giày, vớ, áo quần được nhập về, phong trào rầm rộ. Và tennis lúc đó là thú chơi của người có tiền, nhất là cán bộ. Ra đường mà mặc bộ đồ đánh tennis trắng, giày Adidas, Nike…với vợt Wilson, Head chính hãng là quý tộc rồi. Vẫn biết đó là môn thể thao để mang lại sức khoẻ. Thế nhưng lắm người đến với bộ môn này để khoe khoang. Thời đó là thú chơi trưởng giả, có level cao trong xã hội. Ngồi đâu cũng nghe bàn về tennis, thể hiện đẳng cấp.

Dần dà, khi phong trào Golf du nhập vào, nhiều sân golf xây lên, 18, 36 lỗ đều có đủ. Người ta lấy luôn đất sân bay làm sân golf. Từ đó tennis thành trò chơi bình dân, ít vốn, không còn được nhắc nhiều nữa. Từ đấy golf mới là quý tộc, là đẳng cấp, là dân chơi thứ thiệt. Đi vào thế giới của trưởng giả, của trọc phú, của doanh nhân, của cán bộ đều bàn chuyện golf và giá cả của các món đồ phục vụ thú chơi này với giá cao ngất ngưỡng. Tennis xuống giá, golf trồi lên. Giá trị đã thay đổi.

Một thời người ta mong có miếng thịt mỡ để có chất béo, để rán, để chiên. Mong có miếng thịt nạc để có thêm chất đạm. Đến khi mở cửa, thức ăn tràn trề, thích gì có đấy, chỉ sợ không có tiền thì lại rộ lên phong trào ăn chay. Doanh nhân bạc tỷ cũng ăn chay, nghệ sĩ, người mẫu cũng ăn chay, tu cũng chay mà không tu cũng chay.

Tiệm cơm chay mở ra tràn ngập, bình dân có, sang chảnh có. Đi đâu cũng nghe bàn chuyện ăn rau cỏ. Vào nhà hàng sang trọng, giá cả trên trời cũng chỉ gọi món rau trộn. Ăn chay trở thành phong trào, trở thành mốt thời thượng.

Ngược với ăn chay lại có một xu hướng kiếm ăn thịt thú rừng. Thú càng quý, càng được săn đuổi. Thưởng thức thịt rừng là một thú vui quý tộc. Ăn những món ăn bình thường là tầm thường, phải tay gấu, óc khỉ, mật rắn, chồn hương, tê tê…rồi sừng tê, mật gấu, cao hổ, nhung hươu mới là dân chơi thứ thiệt. Cán bộ ta toàn là dân chơi.

Từ chuyện ăn chay lại dẫn đến chuyện tu hành. Xã hội càng tàn bạo, khát máu, bạo lực, lừa lọc, dối trá, láo toét thì người nói chuyện tu hành, kinh kệ càng nhiều. Chùa chiền mọc lên như nấm. Thằng du đãng giết người cướp của, bà cho vay nặng lãi, chứa gái, buôn ma tuý, cán bộ tham nhũng, cướp đất của dân ngày rằm, mồng một, lễ, vọng… đều mang tiền, dâng hương, vàng mã cúng lạy Phật. Họ cầu chức, cầu tiền, làm ăn phát đạt. Họ cầu giàu càng giàu thêm, ghế càng cao thêm, chức tước bổng lộc càng nhiều hơn. Bởi có chức là có tiền, có nhà to, có đô la, hột xoàn, vàng kí.

Chưa bao giờ mà câu A Di Đà Phật lại xuất hiện nhiều trên cửa miệng dân gian nhiều đến thế. Nó tràn đầy trong các mạng xã hội, đầy dẫy trong các comment. Tự hỏi họ có hiểu câu ấy muốn nói điều gì, ẩn chứa tư tưởng gì, chắc hẳn chẳng mấy người hiểu.

Họ bắt con chim đang sống tự do trên trời, con cá đang sống hạnh phúc dưới nước nhốt vào lồng, vào chậu, giam đói, chết khát rồi đúng giờ, đúng ngày đem thả ra gọi là phóng sinh. Sát sinh chứ phóng sinh nỗi gì. Tu theo phong trào, đọc kinh ê a theo phong trào, dạy người khác đạo lý, tín điều cũng theo phong trào. Trở thành một xã hội cuồng tín và mê muội. Một thời loạn tăng. Một số không ít thầy tu thuyết pháp toàn nói chuyện vớ vẩn, phản khoa học, công kích, nói xấu các tôn giáo khác. Xu nịnh người giàu, coi thường kẻ nghèo, cứ bước vào chùa là thấy rõ. Chùa thành doanh nghiệp, thầy tu thành doanh nhân, loạn xà ngầu cả lên.

Lại thêm phong trào từ thiện. Bản chất của việc từ thiện là tốt, là sự sẻ chia. Nhưng làm từ thiện mà khoe khoang cho tất thảy mọi người, mà tự hào xem đó là công trạng thì chưa hiểu hết nghĩa bố thí, bác ái. Đó chỉ là làm cho cái tôi của mình chứ chẳng phải vì tha nhân.

Phá rừng làm “biệt phủ” ở Thung Mây cách điểm cuối Đại lộ Thăng Long chưa đầy chục cây số

Chơi lan, chơi bonsai là thú vui tao nhã. Nhưng rồi người ta không dừng lại đó, đưa tới chuyện phá rừng, cưa cây đem về trưng bày trong vườn nhà. Cây trăm năm trong rừng già biến thành chậu bonsai cho lớp người nhà giàu mới. Cây lan biến hoá thành giá cả trăm tỷ đồng. Những thú chơi thanh lịch ngàn năm biến thành những trò cờ bạc, lọc lừa.

Có một hiện tượng khó mà cắt nghĩa được là hiện nay ở miền Bắc có phong trào mặc quân phục lính Mỹ, lính Việt Nam Cộng Hoà, hát nhạc lính miền Nam. Họ tụ tập thành hội đoàn rất đông, có tổ chức đàng hoàng dù ngày xưa chửi Mỹ, hô hào đánh cho Mỹ cút, Nguỵ nhào. Nam thanh, nữ tú đủ cả, mỗi lần họ tập họp nhìn như tiểu đoàn quân đội VNCH chuẩn bị hành quân. Nhìn mặt họ hân hoan, sung sướng, tự hào, thoả mãn. Thế là sao nhỉ?

Cũng một thời, người ta toàn nói chuyện yêu nước thương dân, tình ái quốc, nghĩa đồng bào. Những gia đình vượt biên bị niêm phong với dấu đỏ lòm là phản quốc. Giờ thì ngồi đâu cũng nói chuyện Mỹ, chuyện Pháp, Anh. Người Việt ngày xưa trốn chạy, vượt biên giờ trở thành khúc ruột ngàn dặm. Con cán bộ từ cấp trung đến cấp cao đều du học Mỹ. Nhiều cán bộ chưa về hưu đã có thẻ xanh lận túi, chờ đến giờ là out. Thế mới thấy trên đời này mọi giá trị chẳng có chi là vĩnh cửu.

Trong tiếng Việt giàu đi với sang. Nhưng thời nay, giàu tiền thì nhiều nhưng mà sang thì không có mấy, đốt đuốc cũng khó tìm ra. Bởi sang nằm trong cốt cách, trong cách ứng xử, trong ngôn ngữ thể hiện, trong điệu đi, cách nói, cách cười. Chẳng phải chơi golf mà sang. Cũng chẳng phải có cây hoa quý đắt tiền mà sang. Cũng chẳng phải tiền muôn, bạc tỷ mà sang. Chẳng phải có chút sắc đẹp , có chút địa vị xã hội, có hột xoàn cả kí, có nhiều người xu nịnh tiền hô hậu ủng mà sang.

Cũng không phải miệng toàn nói chuyện đạo, chuyện chay tịnh, kể lể, khoe khoang chuyện bỏ tiền làm từ thiện, miệng luôn nam mô mới là người có lòng nhân ái, sống có đạo lý. Chiếc áo không làm nên thầy tu thì những kẻ cứ suốt ngày mô Phật cũng chưa hẳn là người tốt. Phật tại tâm chứ không phải tại miệng.

Đỗ Duy Ngọc


 

Được xem 7 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay