Hòa Lan ở Texas – Thiên An

 Hòa Lan ở Texas

Thiên An

Texas là tiểu bang đông dân thứ hai và có diện tích lớn thứ hai trong số 50 tiểu bang Hoa Kỳ. Texas có tổng sản phẩm tiểu bang (GSP) là 1,207 tỉ đô la Mỹ, xếp hạng thứ nhì tại Hoa Kỳ, ngang với GDP của Ấn Độ hay Canada. Texas vốn là một tiểu bang khô hạn, nhưng bù lại có lưng áp biển Gulf Mexico. Cửa biển quan trọng này thường xuyên bị bão tố hoành hành và ngập lụt, người ta quyết định làm một công trình ngăn biển theo mô hình của Hòa Lan tại Galveston.

Một bức tường ngăn biển trong hệ thống đê điều ở Hòa Lan. Mô hình sẽ được các kỹ sư Mỹ ứng dụng trong tương lai tại bờ chắn biển Galveston, Texas.     

Cảng quan trọng của Texas

Texas may mắn có một biên giới dài thòng với vịnh Gulf of Mexico, nơi có nhiều mỏ dầu và là cũng là một trong những hải trình giao thông chủ chốt của nước Mỹ. Trong 6 bãi biển quan trọng của Texas gồm: South Padre Island, Port Aransas, Bay Area Houston, Galveston Island, Beaumont và Port Arthur thì Galveston là cảng nước sâu duy nhất, nơi vận chuyển đến Texas và miền Tây Hoa Kỳ những hàng hóa thiết yếu và góp phần phát triển của quốc gia.

Thành phố biển Galveston, Texas sầm uất và nhộn nhịp trước cơn cuồng phong 1900.

Galveston: một thuở huy hoàng

Galveston là cảng biển và đồng thời là lá chắn bảo vệ sườn phía Tây Nam Texas, một lá chắn dài 32 mile, quan trọng nhưng đồng thời hứng chịu nhiều thảm họa nhất. Vào thế kỷ 19, Galveston là một trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ và là một trong những cảng sầm uất nhất nước Mỹ, với cái tên rất kêu “Nữ hoàng vùng vịnh” (Queen City of the Gulf). Nhưng “nữ hoàng” bị hạ bệ bởi một trận cuồng phong từ Đại Tây Dương (Atlantic) lớn nhất trong mùa bão năm 1900 với sức gió 140 mph (225 km/h). Cơn bão kèm theo lũ lụt, gần như san bằng thị trấn nhộn nhịp và phồn thịnh này. Ước tính khoảng 10,000 người thiệt mạng, khiến nó trở thành thảm họa thiên nhiên bi thảm nhất trong lịch sử nước Mỹ. Cơn bão này đã chấm dứt luôn thời kỳ vàng son của Galveston, các nhà đầu tư tháo chạy và dân chúng cũng lũ lượt rời bỏ nơi này.

Thành phố biển Galveston đổ nát sau cơn bão năm 1900

Diện mạo mới của Galveston

Chỉ 1 tuần sau cơn bão, dẫu lúc đó phương tiện truyền thông còn nghèo nàn nhưng cả nước Mỹ đều hay tin và rúng động. Lập tức tiền quyên góp ào ạt đổ về, từ New York, St. Louis, Chicago, Boston, Pittsburgh, Philadelphia, Massachusetts và Missouri,  chưa kể sự trợ giúp nhiệt tình của cư dân Texas và các nước bạn như Canada, Mexico, Pháp, Đức, Anh và cả Nam Phi. Những người sống sót sống trong những chiếc lều tạm do Quân đội Hoa Kỳ dựng lên. Sau đó dân chúng được thông báo nộp đơn để chính phủ cấp tiền xây nhà mới. Với sự trợ giúp của các thiện nguyện viên, chỉ 3 tuần sau, cảng Galveston đã có thể hoạt động trở lại.

Mô hình cổng quay và tường ngăn sóng ở vịnh Galveston

Để ngăn chặn những cơn bão trong tương lai, thành phố Galveston đã thiết kế các công trình bảo vệ. Một con đê chắn sóng dài 3 miles (4.8 km) cao 17 ft (5.2 m), được xây dựng vào năm 1902, sau đó được nới rộng và hoàn tất vào năm 1963, là một đê biển trải dài tổng cộng hơn 10 dặm (16 km). Ngoài ra người ta còn cho nạo vét kênh Galveston để nâng cao thành phố, một số đoạn cao tới 17 ft (5.2 m). Hơn 2,100 tòa nhà đã được nâng lên trong quá trình bơm cát bên dưới.

Bức tường ngăn sóng có thể nâng lên hạ xuống

Tiếp tục thử thách

Trong khi thiên hạ còn hì hụi nạo vét, sửa chữa thì năm 1915, một cơn cuồng phong tương tự năm 1900 ập đến thử sức chịu đựng của Galveston. Cơn bão khiến nước dâng gần 4 mét (~12 ft). Đợt “đo đạc” này đã lấy đi 53 nhân mạng, không đáng kể so với sự mất mát năm 1900. Nhưng người ta thấy rằng dường như Galveston vẫn còn sức hấp dẫn với các cơn giông tố. Các cơn bão rủ rê nhau thăm viếng cồn cát khốn khổ này gồm bão Carla năm 1961, bão Alicia năm 1983, bão Ike năm 2008. Trong đó bão Ike tàn phá dã man hơn hết, gây thiệt hại lên đến 30 tỉ đô la. Sự thiệt hại này đã thúc đẩy các ý tưởng cải thiện bức tường chắn sóng, bao gồm việc bổ sung các cửa xả lũ và đồng thời nâng cấp các con đê có sẵn.

Hòa Lan ở Texas

Dự án có tên Ike Dike do Thống đốc Texas cấp tốc chuẩn thuận năm 2010, được Thượng viện Hoa Kỳ thông qua năm 2023. Kế hoạch là xây một bức tường thành có cổng, ven biển xung quanh vịnh Galveston. Dự án dự chi lên đến 31 tỉ đô la, hoàn tất trong vòng 20 năm. Chính phủ Liên bang sẽ chi 2/3, khoảng $20 tỉ, phần còn lại Texas tự gói ghém, lo liệu. Công trình này sẽ do lực lượng Công Binh Hoa Kỳ (U.S. Army Corps) đảm trách dựa vào kỹ thuật Delta Works của Hòa Lan, sau khi các kỹ sư Mỹ đã đi khảo sát, học hỏi và tham khảo cùng các kỹ sư Hòa Lan. Dĩ nhiên, họ đã trừ hao mức độ bão tố ở Hòa Lan không hề dữ dội như bờ biển Texas.

Sự vận hành của cổng quay (đặt trên 2 hòn đảo nhân tạo)

Phần quan trọng nhất của bức tường chắn sóng “Ike Dike” (được đặt tên theo cơn bão dữ dằn hồi 2008), là hai cánh cổng khổng lồ có bề rộng tổng cộng đầu này sang đầu kia là 2 miles, mỗi cánh cổng đặt trên bệ nằm trên một hòn đảo nhân tạo (cũng là nơi đặt hệ thống máy móc) nối từ đảo Galveston đến bán đảo Bolivar. Chỉ riêng 4 cánh cổng này đã ngốn 16 tỉ đô la, bởi nó là cái “đinh” của công trình. Cổng này bình thường mở để tàu bè qua lại, và chỉ đóng lại khi bão tố. Dĩ nhiên nó sẽ không ngăn được nước tràn qua, nhưng một hệ thống bơm cực mạnh sẽ tống nước ngược ra biển.

Sơ đồ công trình “Ike Dike”

Nhất tiễn hạ song điêu

“Một mũi tên hạ được 2 con chim” là chiến lược vừa bảo vệ thành phố vừa phát triển kinh tế. Chính quyền Texas dự trù một khi công trình đê ngăn biển “Ike Dike” hoàn tất, họ đồng thời sẽ biến nơi đây thành địa điểm thu hút khách du lịch. Cả thế giới đều muốn xem tận mắt công trình đồ sộ và độc đáo này. Ở đây sẽ có những khu nghỉ mát, vui chơi và những lộ trình trên biển hay trên cạn để du khách có thể tha hồ chụp hình, ngắm nghía và thậm chí có thể sờ mó, có tour đi thăm hệ thống máy móc vận hành bên trong các cánh cổng, song song là những bộ phim tài liệu lịch sử của thành phố Galveston, từ thời vàng son đến lúc điêu tàn và khôi phục. Dự trù còn có những đoạn phim về sự hoành hành của bão tố, và cả một bộ phim giả tưởng “Ike Dike” sẽ chống trả ra sao với những cơn cuồng phong. Ngoài những dịch vụ này, giá nhà và giá bảo hiểm ở Galveston và vùng lân cận sẽ tụt giảm xuống do được bảo vệ an toàn hơn, kích thích việc xây dựng và chào đón nhiều cư dân mới, hứa hẹn sẽ đưa Galveston trở lại với huy hoàng thuở trước.

Bản gốc đang vận hành tại Hòa Lan.

TA

Huyền thoại Galveston

Galveston có một quá khứ hấp dẫn và đầy huyền thoại. Trước cơn bão năm 1900, Galveston là thành phố giàu thứ hai tính theo đầu người ở Hoa Kỳ và thậm chí còn được mệnh danh là “Phố Wall của miền Nam” (Wall Street of the South) do ngành ngân hàng phát triển mạnh mẽ. Trong số nhiều “cái đầu tiên” ở Texas (có hơn 100), gồm có ngân hàng đầu tiên và bưu điện đầu tiên của Texas.

Galveston lấy tên từ Thống đốc thuộc địa Tây Ban Nha, Bernardo de Galvez, người đã ra lệnh khảo sát lần đầu tiên bờ biển Vịnh Texas (Texas Gulf Coast) vào năm 1786. Điều ngộ nghĩnh là de Galvez chưa bao giờ đặt chân lên hòn đảo này. Tuy nhiên tên của ông đã được dùng làm tên cho Vịnh Galveston để vinh danh ông.

Thống đốc Bernardo de Galvez

Hình thành Galveston

Năm 1836, nhà buôn lông thú người Canada tên là Michel B. Menard mua 7 dặm vuông đất, nơi trở thành Thành phố Galveston. Đó cũng là năm Texas giành được độc lập từ Mexico và trở thành một nước cộng hòa…

Tiếp theo là những thay đổi lớn khác, hoạt động kinh doanh phát triển mạnh mẽ và Galveston trở thành trung tâm thương mại lớn của Hoa Kỳ và là một trong những cảng lớn nhất ở Mỹ. Đến năm 1885, đây là thành phố lớn nhất và giàu có nhất ở Texas.

Michel B. Menard, người “khai sinh” thành phố Galveston

From: haiphuoc47& NguyenNThu


 

Được xem 3 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay