Lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời – Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành

Tín điều về ‘Ðức Trinh Nữ Maria linh hồn và xác lên trời’ do Ðức Thánh cha Pio XII đã long trọng công bố ngày 01 tháng 11 năm 1950, với Sắc lệnh “Thiên Chúa vô cùng vinh hiển” (Munificentissimus Deus). Ngài nói: “Để danh Chúa được cả sáng và thành kính tôn vinh Đức Mẹ đầy ơn phúc, ta dùng quyền Thiên Chúa ban, quyền hai vị Tông đồ Phêrô và Phaolô, quyền riêng trong chức vụ Giáo hoàng mà công bố phán quyết: Đức Maria hồn xác lên trời là một tín điều”.Việc Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời đã được sùng kính từ thế kỷ thứ II trong Giáo Hội. Qua suốt giòng lịch sử, tín điều này đã được các nhà thần học nghiên cứu và tranh luận. Sau khi nghiên cứu và tham khảo hàng Giám mục, các nhà thần học trên thế giới, Đức Piô đã trình bày rõ ràng như sau: “Ðây là một chân lý đã ăn rễ sâu vào trong lương tâm và truyền thống của Giáo hội. Ðây không phải là việc tạo nên một tín điều mới, một chân lý mới về Ðức Trinh Nữ Maria rất thánh” (Cha Nguyễn Văn Thư).

Đức Thánh Giáo hoàng Gioan-Phaolô II viết: “Đức Maria đã đi vào vinh quang thiên quốc, vì Người đã đón nhận Con Thiên Chúa trong cung lòng trinh khiết và trong trái tim của Người. Khi nhìn lên Đức Maria, người kitô hữu học cách khám phá ra giá trị của thân xác mình và gìn giữ nó như đền thờ của Thiên Chúa, trong khi đợi chờ ngày sống lại. Việc lên trời của Đức Maria, một đặc ân được dành riêng cho Đức Mẹ Chúa Trời, trở thành một giá trị vô song cho cuộc sống và thân phận của toàn thể loài người (Phan Tấn Thành chuyển ngữ, Những Bài Huấn Giáo Về Đức Maria,1999, trang 212)

Cha Phanxicô Federich, tên Việt Nam là Tế. Cha là người Tây Ban Nha. Ngày 28-8-1735, cha được sai sang Việt Nam truyền giáo. Cha học tiếng Việt ở giáo xứ Lục Thủy, Bùi Chu. Sau 6 tháng cha biết nói tiếng Việt, cha đi truyền giáo các vùng Giao Thủy, Xuân Trường, Trực Ninh. Được 2 năm, ngày 3-8-1737 cha bị bắt và bị giải về Thăng Long, bị tù, bị tra tấn.
Quan hỏi cha: “Chết rồi, ông hy vọng đi về đâu?”

Cha đáp: “Đi lên trời hưởng phúc trường sinh”.

Quan cự lại: “Chết rồi, xác chôn dưới đất, mà ông nói là lên trời. Ông nói vô lý quá”.

Cha giải nghĩa: “Xác nằm yên trong mộ, nhưng linh hồn là bản tính thiêng liêng. Linh hồn có hai đường đi: một là lên trời hưởng phúc đời đời; hai là xuống hỏa ngục chịu khổ muôn đời. Tùy theo tội phúc của mỗi người khi còn sống”.
Quan lại hỏi: “Có thật lên trời được không ?”

Cha đáp: “Nếu không thì làm sao tôi có can đảm sẵn sàng chịu đòn vọt, tra tấn, xỉ nhục, vui lòng chịu chết.”

Sau 8 năm bị giam cầm tra tấn, ngày 20-1-1745 cha bị chém đầu.

Sách Giáo Lý của Hội Thánh viết: “Đức Trinh Nữ Vô Nhiễm được gìn giữ tinh tuyền khỏi mọi tì vết nguyên tội, sau khi hoàn tất cuộc đời trần thế, đã được đưa lên hưởng vinh quang thiên quốc cả xác cả hồn, và được Chúa tôn vinh làm Nữ Vương vũ trụ, để Mẹ được đồng hình đồng dạng cách sung mãn hơn với Con mình, là Chúa các chúa và là Đấng đã chiến thắng tội lỗi và sự chết. Cuộc lên trời của Đức Trinh Nữ rất thánh là sự tham dự độc nhất vô nhị vào sự phục sinh của Con mình và là việc trước sự phục sinh của các Kitô hữu khác: “Lạy Mẹ Thiên Chúa, khi sinh con Mẹ vẫn khiết trinh, khi yên nghỉ Mẹ vẫn không lìa bỏ trần gian: Mẹ đã đến với Đấng là nguồn mạch sự sống, chính Mẹ đã cưu mang Thiên Chúa hằng sống và chính Mẹ, bằng lời khẩn cầu của Mẹ sẽ cứu linh hồn chùng con khỏi chết (số 966).

Đức Mẹ Fatima hiện ra 6 lần, Hiện ra lần thứ ba, ngày 13-7, Đức Mẹ cho Ba Em thấy hỏa ngục. Em Luxia đã kể lại như sau: “Chúng em nhìn thấy một biển lửa bao la. Ma quỉ và các linh hồn hư mất bơi lội trong đó. Các linh hồn trông như những thanh củi cháy đỏ rên xiết than van”. Thấy cảnh hỏa ngục, Ba em run sợ, la lên, nhìn lên Đức Mẹ van xin. Đức Mẹ buồn bã nói: “Chúng con vừa thấy hỏa ngục nơi những người tội lỗi phải sa vào. Để cứu họ, Thiên Chúa muốn lòng sùng kính Trái Tim Vô Nhiễm Mẹ trên trái đất này. Nếu điều Mẹ bảo được thi hành, nhiều linh hồn được cứu thoát và hòa bình sẽ đến với thế giới…Mẹ xin rước lễ vào mỗi thứ bảy đầu tháng…

Linh mục Giuse Nguyễn Trung Thành

From: Ngoc Bich & KimBang Nguyen


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay