Chuyện lên Trời – Vấn đề tha thứ
Tác giả: Trầm Thiên Thu
CHUYỆN LÊN TRỜI
Trời là nơi con người không biết thế nào nhưng rất muốn khám phá cho thỏa lòng. Việc lên trời là điều người ta vẫn nghiên cứu để lên đó xem sao. Và rồi người ta chỉ mới lên được cung trăng chứ chưa biết gì hơn.
Khi Liên Xô chưa cáo chung, truyền thông cứ nhắc đi nhắc lại câu nói được gán cho phi hành gia Yuri Gagarin: “Ở trên này tôi chẳng thấy có Chúa nào cả.” Thật ra đó là lời tuyên truyền của Đảng Cộng Sản Liên Xô, do tổng bí thư Nikita Khrushchev phát biểu tại hội nghị Komsomol nhằm phát động chiến dịch đàn áp tôn giáo: “Yuri Gagarin đã bay lên vũ trụ, và chẳng thấy có Chúa nào cả.”
Yuri Gagarin theo Chính Thống giáo, sinh thời ông cũng thường đi lễ và cầu nguyện. Sau khi Khrushchev qua đời, Yuri Gagarin đã dùng uy tín của một phi hành gia nổi tiếng đề nghị nhà nước cho xây lại Nhà thờ Chúa Cứu Thế (Cathedral of Christ the Savior) tại Moscow bị phá từ thời Stalin. Sự thật mãi mãi vẫn là sự thật!
Đại lễ Đức Mẹ Lên Trời – Thánh Mẫu Mông Triệu – nhắc nhở và củng cố đức tin của chúng ta, những người có niềm tin tuyệt đối vào Chúa Giêsu Kitô và có tình yêu tha thiết dành cho Đức Mẹ.
TỪ CỔ TÍCH…
Truyện cổ tích kể rằng, ngày xưa ở một miền nọ có một tiều phu tên là Cuội. Một hôm, như thường lệ, Cuội vác rìu vào rừng sâu tìm cây để chặt. Khi đến gần một con suối nhỏ, Cuội giật mình trông thấy một hang cọp. Nhìn trước nhìn sau chỉ thấy bốn cọp con đang vờn nhau. Cuội xông đến vung rìu bổ cho mỗi con một nhát lăn quay. Vừa lúc đó, cọp mẹ về tới. Nghe tiếng gầm kinh hồn ở sau lưng, Cuội chỉ kịp bỏ rìu leo lên một ngọn cây cao.
Từ trên nhìn xuống, Cuội thấy cọp mẹ lồng lộn trước đàn con đã chết. Nhưng rồi cọp mẹ lẳng lặng đi đến một gốc cây gần chỗ Cuội ẩn và đớp lấy một ít lá rồi trở về nhai và mớm cho con. Một lúc sau, bốn con cọp con sống lại. Cuội vô cùng kinh ngạc. Chờ cọp mẹ tha con đi nơi khác, Cuội lần xuống tìm đến cây lạ kia đào gốc đem về.
Dọc đường, thấy một ông lão ăn mày nằm chết trên bãi cỏ, Cuội liền đặt gánh xuống, bứt mấy lá nhai và mớm cho ông lão. Lạ thay, ông lão mở mắt và ngồi dậy. Thấy có cây lạ, ông lão liền hỏi chuyện. Cuội thật lòng kể lại đầu đuôi. Nghe xong ông lão kêu lên:
– Trời ơi! Cây này chính là cây có phép “cải tử hoàn sinh” đây. Đúng là trời cho con để cứu giúp thiên hạ. Con hãy chăm sóc cây, nhưng nhớ ĐỪNG TƯỚI BẰNG NƯỚC BẨN mà cây bay lên trời đó!
Nói rồi ông lão chống gậy đi. Cuội đem cây về nhà trồng ở góc vườn phía Đông, luôn nhớ lời ông lão dặn, ngày nào cũng tưới bằng nước giếng trong veo. Từ ngày có cây thuốc quý, Cuội cứu sống rất nhiều người. Hễ nghe nói có ai nhắm mắt tắt hơi là Cuội đem lá cây đến cứu chữa. Tiếng đồn Cuội có phép lạ lan đi khắp nơi.
Một hôm, Cuội lội qua sông gặp xác một con chó chết trôi. Cuội vớt lên rồi lấy lá ra cứu chó sống lại. Chó quấn quýt theo Cuội, tỏ lòng biết ơn. Từ đấy, Cuội có thêm một con vật tinh khôn làm bạn. Một lần khác, có lão nhà giàu ở làng bên hớt hải chạy đến tìm Cuội, nài xin Cuội cứu cho con gái vừa chết đuối. Cuội theo về nhà, lấy lá cứu chữa. Chỉ một lát sau, mặt cô gái bỗng hồng hào lên, rồi sống lại. Thấy Cuội là người cứu sống mình, cô gái xin làm vợ, lão nhà giàu cũng vui lòng gả con cho Cuội.
Vợ chồng Cuội sống với nhau thuận hòa, êm ấm. Một hôm, trong khi Cuội đi vắng, có bọn giặc đi qua nhà Cuội. Biết Cuội có phép cải tử hoàn sinh, chúng quyết tâm giết vợ Cuội, cố ý moi ruột người đàn bà vứt xuống sông, rồi mới kéo nhau đi. Khi Cuội trở về thì vợ đã chết từ lâu, mớm bao nhiêu lá vẫn vô hiệu, vì không có ruột nên không thể sống lại!
Thấy chủ khóc thảm thiết, con chó lại gần xin hiến ruột mình thay vào ruột vợ chủ. Chưa từng làm thế bao giờ nhưng Cuội cũng liều mượn ruột chó thay ruột người xem sao. Quả nhiên người vợ sống lại và vẫn trẻ đẹp như xưa. Thương con chó có nghĩa, Cuội thử nặn một bộ ruột bằng đất rồi đặt vào bụng chó, lạ thay chó cũng sống lại. Vợ chồng với con vật lại quấn quýt với nhau. Nhưng cũng từ đấy, tính nết vợ Cuội thay đổi hẳn. Nói đâu, quên đó, làm cho Cuội lắm lúc bực mình. Ðã nhiều lần dặn vợ rằng có “xả xăng” thì xả phía Tây, chớ xả phía Ðông kẻo cây dông lên trời. Nhưng vợ Cuội lú lẫn, nghe xong lại quên ngay.
Một chiều nọ, Cuội đi rừng kiếm củi chưa về, vợ ra vườn nhưng không còn nhớ lời chồng dặn, cứ nhằm vào gốc cây quý mà “xả xăng,” bất ngờ mặt đất chuyển động, gió ào ào, cây đa đảo mạnh rồi bật gốc bay lên trời. Vừa lúc đó Cuội về đến.
Thấy thế, Cuội hốt hoảng vứt gánh củi, nhảy bổ đến để níu cây lại. Nhưng cây đã bật khỏi mặt đất lên quá đầu người. Cuội chỉ kịp móc rìu vào rễ cây để kéo xuống, nhưng cây vẫn cứ bốc lên, không cản nổi. Cuội nhất định không chịu buông, thế nên cây kéo Cuội lên tới cung trăng. Từ đó, Cuội ở cung trăng với cây đa quý của mình.
…TỚI TÂM LINH
Cổ tích là truyền thuyết, không có thật. Nhưng đời sống tâm linh thì có thật. Trong truyện cổ tích Chú Cuội có chi tiết độc đáo: Phải CHĂM SÓC cây đa quý và KHÔNG DÙNG NƯỚC BẨN ĐỂ TƯỚI. Cái gì quý cũng phải trân trọng, giữ cho nó luôn sạch sẽ. Nghĩa là phải ý tứ và cẩn trọng.
Cây đa quý không thể chịu được tạp chất, ô uế hoặc bẩn thỉu, nên nó không thể ở đất nữa. Nó phải lên nơi cao hơn. Linh hồn cũng tương tự, linh hồn là Đền Thờ thiêng liêng của Chúa Thánh Thần thì phải trong sạch, không thể có bất cứ “chất” gì nhơ nhớp bám vào – dù chỉ một chút.
Chú Cuội là hình bóng mỗi chúng ta. Chú Cuội tìm mọi cách để giữ lại cây đa quý mà không được, nên Chú Cuội cương quyết bám theo nó, không luyến tiếc những gì phải bỏ lại. Chú Cuội một đi không trở lại, mãi mãi ở bên cây đa quý, vĩnh viễn ở nơi mà không gì có thể làm phiền mình và làm ô uế cây đa quý.
Mỗi tín nhân chúng ta cũng phải cố gắng giữ linh hồn mình giống như Chú Cuội bám giữ cây đa quý vậy. Nhờ đó, chúng ta cũng sẽ được theo Đức Mẹ lên trời đoàn tụ với Thánh Tử Giêsu, Đấng đã hứa với chúng ta: “Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em thì Thầy lại đến và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó.” (Ga 14:3) Ôi, hạnh phúc biết bao!
TRẦM THIÊN THU
***********
VẤN ĐỀ THA THỨ
Nhân vô thập toàn. Không ai vô tội. Vì vậy, luôn cần tha thứ mọi nơi và mọi lúc.
Càng tha thứ càng giảm bớt sự thù hận. Sự tha thứ không chỉ tốt cho tinh thần mà còn tốt cho thể lý – ngăn ngừa bệnh. Giáo sư tâm lý học Everett Worthington, thuộc ĐH Virginia Commonwealth (Mỹ), nói rằng sự tha thứ làm giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Những người có “máu cừu địch” dễ bị béo phì và kháng insulin – các yếu tố gây bệnh tiểu đường và bệnh tim. Các nghiên cứu của Viện Sức khỏe cộng đồng tại California cho thấy rằng mức thù hận cao gây nguy cơ tử vong gấp đôi so với các nguyên nhân khác.
Ngoài lợi ích về tinh thần, sự tha thứ còn lợi ích về thể lý. Nhất cử lưỡng tiện. Tâm lý gia Worthington nói: “Sự tha thứ có thể làm giảm nguy cơ bị các chứng rối loạn liên quan stress như hệ miễn nhiễm hoạt động sai chức năng, rối loạn tự miễn nhiễm và ung thư.” Ông đưa ra 5 bí quyết tha thứ sau đây:
- NHƯỜNG NHỊN – Luôn tích cực nhường nhịn, vì “một câu nhịn, chín câu lành,” để tránh lăng nhục người khác hoặc trở thành nạn nhân. Nhường nhịn không có nghĩa là thua kém hoặc yếu thế!
- CẢM THÔNG – Tự đặt mình vào vị trí của người khác để dễ cảm thông và khách quan nhìn nhận vấn đề. Nếu không cảm thông thì không thể tha thứ.
- VỊ THA – Bạn rất hạnh phúc khi được tha thứ, vậy hãy trao tặng món quà tha thứ cho người khác. Hãy làm cho người khác những gì bạn muốn người khác làm cho mình!
- CÂN NHẮC – Điều này giúp bạn không quá lố, suy nghĩ và cân nhắc để xử lý tốt nhất trong mọi tình huống.
- 5. KIỀM CHẾ – Luôn biết kiềm chế “cái tôi.” Sự im lặng có vẻ “lạnh lùng” nhưng lại có thể giúp bạn tránh tức giận và sợ hãi. Nhờ vậy mà bạn mặc nhiên tha thứ.
Tha thứ liên quan yêu thương. Người đời còn phải tha thứ lẫn nhau, huống chi những người tự nguyện tin và theo Đức Kitô. Tất nhiên mức độ phải “cao” hơn, vì Sư phụ Giêsu dạy: “Hãy yêu kẻ thù và cầu nguyện cho những kẻ ngược đãi anh em,” (Mt 5:44) hoặc “hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em.” (Lc 6:27)
Tha thứ nhiều hay ít? Một lần nọ, ông Phêrô đến gần Đức Giêsu và hỏi: “Thưa Thầy, nếu anh em con cứ xúc phạm đến con, thì con phải tha đến mấy lần? Có phải bảy lần không?” (Mt 18:21) Đức Giêsu đáp: “Thầy không bảo là đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18: 22) Ngài nói về dụ ngôn tên mắc nợ không biết thương xót. (x. Mt 18:23-35) Nghĩa là tha thứ mãi mãi, yêu thương vô hạn: Mức độ yêu là yêu vô hạn.
Thiên Chúa không ép ai phải yêu thương, không bắt ai phải tha thứ, vì Ngài không thích cái gì miễn cưỡng, đó chỉ là công bằng: “Nếu anh em tha lỗi cho người ta, thì Cha anh em trên trời cũng sẽ tha thứ cho anh em. Nhưng nếu anh em không tha thứ cho người ta, thì Cha anh em cũng sẽ không tha lỗi cho anh em.” (Mt 6:14-15) Rất thuận lý.
Thánh Phaolô nói: “Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả.” (1 Cr 13:7) Có đức mến rồi thì tha thứ chỉ là “chuyện nhỏ.” Thánh Phaolô phân tích: “Phải đối xử tốt với nhau, phải có lòng thương xót và biết tha thứ cho nhau, như Thiên Chúa đã tha thứ cho anh em trong Đức Kitô.” (Ep 4:32)
Yêu thương và tha thứ là sống đức tin ngay trên thế gian này. Đó là lý do chúng ta phải yêu thương và tha thứ lẫn nhau, vả lại, Chúa Giêsu đã nói: “Anh em đong đấu nào, thì Thiên Chúa cũng sẽ đong đấu ấy cho anh em, và còn cho anh em hơn nữa.” (Mc 4:24)
Yêu thương nhau hay không, tha thứ cho nhau hay không, đó là tùy mỗi người, Chúa Giêsu chỉ khuyên chứ không ép buộc. Ai thi hành thì được phúc: “Phúc thay ai xót thương người, vì họ sẽ được Thiên Chúa xót thương.” (Mt 5:7)
Nhưng đó cũng là lệnh truyền về sự tha thứ ở mức độ cao: “Thầy không bảo tha thứ đến bảy lần, nhưng là đến bảy mươi lần bảy.” (Mt 18:25) Biết xót thương thì biết tha thứ. Một hệ lụy tất yếu!
TRẦM THIÊN THU