Bà Hiền bày tươm tất trên bàn-Nguyễn Ngọc Yến- Truyen ngan HAY

Nghệ Lâm Hồng

Nguyễn Ngọc Yến

Bữa ăn tối đã được bà Hiền bày tươm tất trên bàn, bà đã cầm đủa, nhưng chưa kịp bưng chén cơm lên, đã nghe Hòa, đứa con trai duy nhất của mình hỏi:

-Sao? Mẹ quyết định chưa? Sáng mai có về quê bảo mợ bán nhà đất của ông ngoại để chia phân nửa cho gia đình mình không?

-Mẹ đã nói với con là cậu mới mất, mợ một mình nuôi ba con nhỏ, mẹ là chị, không giúp em mình thì thôi, chứ nỡ lòng nào tranh đoạt tài sản cha mẹ để lại làm nơi thờ phượng.

– Mình sống theo đúng luật pháp là hợp đạo đức. Đó là chân lý.

Mẹ đã từng nghe con nói biết bao lần mà. Của cha mẹ để lại, con cái có quyền thừa kế. Hơn nữa cậu đã mất rồi. Mợ là người dưng , mẹ biết chưa?

-Nhưng còn các cháu?

Nhiên, vợ Hòa lớn tiếng xen vào

-Mẹ nực cười quá. Mẹ đem của cải của con và cháu nội cho người dưng.

-Mẹ không làm như thế được. Mẹ nhớ lúc mẹ đã mười lăm tuổi, ngoại mới sanh cậu. Mấy năm sau bà ngoại mất nên Mẹ chăm sóc và thương yêu cậu như thương một đứa con. Bây giờ cậu mới mất mẹ đành lòng nào bảo mợ bán nhà để mấy đứa nhỏ con cậu phải chuyển đi nơi khác.

Bà Hiền chưa nói dứt câu đã nghẹn ngào khóc.

-Thì tụi nó mua nhà mới chứ có phải mình chiếm nhà đuổi chúng nó ra khỏi nhà đâu mà mẹ khóc.

Cả mợ và tụi nó không có công cán gì trong ngôi nhà đó, trong khi mẹ đã đổ ra bao công sức giúp ngoại tạo dựng tài sản. Mẹ có công nuôi dưỡng cậu nữa. Chúng nó phải trả ơn chứ.

Nhiên lại xen vào

-Anh Hòa nói bao nhiêu đó đã đủ cho mẹ hiểu ra chưa? Chúng con đã bàn bạc kỹ rồi. Anh Hòa nói cho mẹ nghe quyết định của vợ chồng mình đi.

Hòa gằn từng tiếng một

– Thế này nhé. Sáng mai mẹ về quê, nói mợ bán nhà đất chia đôi. Nếu mợ không chịu, thì mẹ gửi đơn ra tòa án phân xử. Lá đơn hai đứa con đã viết sẵn đây nầy. Còn nếu mẹ không bàn bạc với mợ cũng không nộp đơn này ra tòa thì mẹ ở luôn dưới quê, phụ mợ nuôi tụi nhỏ.

Bà Hiền nín khóc, rất bình tĩnh, ngẩng đầu lên nói

-Nhà này là nhà của mẹ. Ba mất sớm. Mẹ ở vậy tần tảo nuôi con và giành dụm mua căn nhà này. Con không có quyền đuổi mẹ.

-Mẹ ơi, mẹ nhìn lại sổ hồng xem ai là chủ quyền của căn nhà này? Lúc mình sửa lại nhà mẹ đã sang tên lại cho con để tiện việc làm giấy tờ mà mẹ quên rồi sao? Nhưng, mẹ nhớ kỹ lại nhé. Con chỉ yêu cầu mẹ phân chia đồng đều tài sản của ngoại vì con cần tiền mở công ty cứ con không đuổi mẹ ra khỏi nhà. Mẹ đừng vu oan cho con. Mẹ có muốn con mình phát triển sự nghiệp không?

Bà Hiền buông đủa, đứng lên đi vào phòng, vẫn nghe tiếng cô dâu nói với theo

-Mẹ suy nghĩ lại cho con và cháu nội mẹ nhờ.

Bà Hiền đóng chặt cửa phòng. Bà không khóc, không trách hờn con dâu và rất bình tĩnh để tìm ra giải pháp tốt nhất cho một phần ba cuộc đời còn lại của mình.

Không ai tính công nuôi dưỡng và chăm sóc con mình, nhưng đến nước này thì việc tính toán kỹ lưỡng cũng cần thiết.

Lương hưu của một giáo viên trung học của bà trên chín triệu đồng một tháng, nên bà thường dùng số tiền này trả tiền điện nước và phụ giúp tiền chợ cho gia đình.

Người ta nói ”Một mẹ già bằng ba người ở” là điều đúng hoàn toàn.

Mỗi sáng sớm bà phải nấu bữa ăn sáng và chăm hai đứa cháu nội từ lúc chúng nó mới lọt lòng cho đến bây giờ một đứa sáu tuổi và đứa bốn tuổi. Cho chúng ăn xong thì chuẩn bị và đưa chúng đến trường. Trên đường về ghé tạt qua chợ mua thức ăn.

Về đến nhà vừa lo sơ chế thức ăn vừa giặt giũ quần áo, chăn, drap, gối và mọi thứ khác.

Dọn nhà, lau nhà gần như chiếm hết thời gian của bà. Chiều đến lại phải lo chu tất bữa cơm tối cho cả gia đình. Xong phải dọn dẹp rửa chén bát…

Thôi thì…bà Hiền nghĩ “phải tự lo liệu cho mình một cuộc sống độc lập” khi đứa con ai đã dứt tình.

Để tránh phiền hà cho người em dâu, bà không về quê. Bà mở điện thoại liên lạc với cô bạn thân thời đại học tên Thư, hiện đang sống ở thành phố Hồ Chí Minh và ngõ ý muốn chuyển về thành phố này sinh sống.

May thay, trường mẫu giáo của bà Thư đang cần một cô bảo mẫu. Với tấm bằng đại học sư phạm và kinh nghiệm hơn ba mươi năm giảng dạy như bà Hiền thì còn ai xứng hơp hơn.

Thế là bà Hiền âm thầm lặng lẽ rời nhà để tạo dựng một cuộc sống mới.

Vốn hiền lành nhân hậu và chịu thương chịu khó nên bà dễ dàng thành công trong công việc.

Trong số các cháu có một bé tên Thành, con của cô An và chú Tâm, thường bị ba mẹ rước về muộn vì họ bận trăm công ngàn việc, bà Hiền ân cần cho bé ăn thêm buổi tối, tắm rửa cho bé, chịu khó ngồi tập cho bé kể chuyện cổ tích khi cả hai bà cháu phải ngồi chờ ba mẹ Thành đến đón, nên bé rất yêu quý bà Hiền. Không ai dạy bảo, thế mà bé Thành bỗng dưng gọi bà Hiền là bà nội. Cảm nhận được tình cảm của con mình và gia đình đang cần một người giúp việc tận tình khi mẹ bé Thành sắp sửa sinh em bé nên ba mẹ Thành đã cố gắng thuyết phục bà Hiền về ở hẳn với gia đình mình với số tiền lương cao hơn nhiều so với tiền lương của một cô bảo mẫu.

Thế là bà Hiền có nơi ăn chỗ ở đàng hoàng, có lương hưu lại có tiền lương hàng tháng.

Thời gian cứ thế trôi nhanh. Năm năm trôi qua như một cái chớp mắt. Tình cảm của họ càng ngày càng gắn bó. Nỗi nhớ con vẫn canh cánh bên lòng, hàng ngày bà vẫn theo dõi sinh hoạt của con mình qua facebook của Nhiên và Hòa. Không thấy chúng nhắc nhở hay tìm kiếm mẹ nên bà cũng an lòng.

Bà tự nhủ với lòng “Mọi việc vẫn cứ tùy duyên.”

Vâng, họ vẫn còn duyên nên một buổi chiều kia khi Tâm điện thoại về báo với bà nội bé Thành là hôm nay sẽ có khách đến ăn tối nên nhờ bà chuẩn bị thêm vài món đặc biệt.

Khi An đã sắp xếp mọi thứ xong xuôi, bà Hiền đem nồi lẩu lên, thì “phải chăng mắt quáng đèn lòa, phải người ngồi đó là Hòa và Nhiên?”

Qúa bất ngờ, bà buông rơi nồi lẩu xuống đất, nước văng tung tóe.

Bé Thành vội chạy lại” Nội ơi, nội có sao không nội? Tâm cũng vội vàng đỡ bà đến ghế sofa ngồi. An chạy vội vào phòng đem chiếc máy huyết áp ra đo cho nội. Cả nhà xúm xít quanh bà.

Tâm quay sang Nhiên và Hòa nói

“ Xin lỗi anh chị nha. Anh chị chịu khó chờ một chút. Đột nhiên bà nội của cháu Thành bị bệnh. Chăm sóc người lớn tuổi mình phải cẩn thận. Mình đưa bà cháu vào phòng nghỉ rồi ra ngay”

Quay sang bà Hiền, Tâm nhỏ nhẹ nói

“Nội vào phòng nghỉ nha”

Bà Hiền ngước lên, nhìn thẳng vào mặt Tâm, sau đó nhìn sang Nhiên và Hòa, vẫn đang ngồi im lìm chưa biết phản ứng ra sao.

Bà nói

“Nội không sao đâu. Cả nhà mình ngồi vào bàn ăn cơm đi. Đừng để khách chờ lâu”.

Cuối cùng thì bữa cơm cũng qua dù khách và chủ nhà không được tự nhiên cho lắm.

Sáng hôm sau khi Tâm, An đã đưa con đi học và đến sở làm thì Hòa và Nhiên đến.

Họ đứng ở cổng bấm chuông. Bà Hiền ra mời họ vào nhà nhưng họ từ chối.

– Mẹ đã biết lỗi chưa? Có con không biết yêu thương. Có của cải đem cho người dưng. Bỏ con ra đi ở đợ cho người ta. Vinh dự lắm phải không? Nếu mẹ còn chút lương tâm thì giấu kín chuyện mẹ là mẹ của con vì anh Tâm là giám đốc mới của con. Tụi con đã chuyển về Sài Gòn rồi.

Bà Hiền nhẹ nhàng khóa cổng lại, đi vào nhà. Bà khóc. Khóc thật nhiều và khóc thật to. Khóc như chưa bao giờ được khóc và chính bà cũng không hiểu vì sao mình lại khóc nhiều đến như thế. Có lẽ bà đã nhận ra lỗi của mình chăng.?

NNY


 

Được xem 6 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay