August 6, 2024
Theo tờ New York Times (NYT), Liên Xô trước đây và nước Nga ngày nay vốn có lịch sử lâu dài xây dựng mạng lưới điệp viên ở sâu bên trong các quốc gia trong nhiều năm. Những người này được gọi là “illegal” (tạm dịch: người bất hợp pháp).
Tuy nhiên khác với những điệp viên “hợp pháp” hoạt động dưới vỏ bọc ngoại giao ở các đại sứ quán của Nga, những gián điệp bất hợp pháp này không được miễn trừ truy tố hay có mối liên hệ rõ ràng với nước Nga và cực kỳ khó phát hiện.
Cặp đôi gián điệp Artem Dultsev và Anna Dultseva là những trường hợp bất hợp pháp như vậy. Họ đóng vai là những doanh nhân người Argentina ở Slovenia.
Bà Anna Dultseva sử dụng cái tên Maria Rosa Mayer Munos và làm chủ phòng trưng bày nghệ thuật ở Slovenia. Trong khi chồng bà, ông Artem Dultsev, điều hành một start-up về công nghệ dưới cái tên Ludwig Gisch.
Họ sống trong một ngôi nhà ba tầng với khu vườn nhỏ và hàng rào gỗ bao quanh ở quận Crnuce, thủ đô Ljubljana. Những người hàng xóm kể rằng gia đình này sống khép kín, nuôi một con chó nhỏ và hiếm khi có khách đến thăm.
“Họ không bao giờ chào hỏi bất kỳ ai và sống hoàn toàn tách biệt. Tôi cứ nghĩ họ đến từ Venezuela”, bà Majda Kvas, 93 tuổi, sống đối diện nhà của cặp đôi gián điệp, nói.
Những người hàng xóm đôi khi cũng “tám” chuyện về việc cặp đôi này là ai và đang làm gì, nhưng vì cặp đôi chẳng bao giờ gây rắc rối nên họ cũng không thường để tâm.
Cặp đôi cùng hai đứa con – một bé gái 12 tuổi và một bé trai 9 tuổi – nói tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh để che giấu mối liên hệ của họ với nước Nga.
Thực tế thì hai đứa trẻ thậm chí còn không biết bản thân là người Nga cho đến khi lên máy bay trở về Matxcơva trong đợt trao đổi tù nhân, thậm chí cũng không nói tiếng Nga.
Khi đón những đứa trẻ tại sân bay ở Matxcơva, Tổng thống Vladimir Putin đã chào bằng câu “buenas noches”, nghĩa là “chào buổi tối” trong tiếng Tây Ban Nha.
Chính quyền Slovenia đã theo dõi cặp đôi này trong nhiều tháng sau khi nhận được tin tình báo từ Anh. Họ đột nhập vào nhà và bắt giữ cặp đôi gián điệp người Nga vào tháng 12-2022.
Những lỗ hổng đã hiện lên dưới lớp ngụy trang tưởng như hoàn hảo của họ. Theo NYT, hai đứa con của cặp đôi gián điệp Nga đã đi học tại Trường Quốc tế Anh với mức học phí hơn 10.000 USD/năm/người (hơn 250 triệu đồng) – vượt xa khả năng chi trả của cặp đôi dựa trên báo cáo tài chính của doanh nghiệp.
Phòng trưng bày nghệ thuật của bà Dultseva báo lỗ 10.827 euro (12.000 USD) vào năm 2019, lãi 483 euro vào năm 2020 và lãi 3.032 euro vào năm 2021. Còn công ty công nghệ của ông Dultsev cũng chỉ báo cáo tổng lợi nhuận chỉ vài nghìn euro/năm. Cả hai doanh nghiệp chỉ có độc nhất một nhân viên.
Giám tuyển nổi tiếng người Slovenia Tevz Logar cho biết kết quả kinh doanh yếu kém và các tác phẩm nghệ thuật chất lượng thấp ở phòng trưng bày đáng lẽ phải làm dấy lên nghi ngờ, nhưng nghệ thuật ở Slovenia “là một không gian an toàn” vì “không có sự giám sát hay kiểm soát nào”, ông Logar nói.
Cuối tuần trước, ông Vojko Volk, quan chức Slovenia phụ trách các cơ quan an ninh và tình báo, cho biết các nhà điều tra vẫn đang cố gắng chắp nối lại những gì cặp đôi này đã làm trước khi bị bắt vào năm 2022, đồng thời nhấn mạnh họ có vai trò “vô cùng quan trọng”.
Cựu giám đốc tình báo quân sự Slovenia Marjan Miklavcic nhận định các điệp viên nằm vùng của Nga thường được cài cắm mà không có nhiệm vụ rõ ràng và hoạt động như một lực lượng dự bị có thể được kích hoạt vào thời điểm khủng hoảng.
Cặp đôi gián điệp người Nga đến Slovenia vào năm 2017 nhưng có thể chỉ được kích hoạt hoàn toàn khi xung đột Nga – Ukraine nổ ra vào năm 2022, trong bối cảnh nhiều gián điệp của Nga bị trục xuất khỏi các nước châu Âu, ông Miklavcic nói.
Cũng theo ông, sự hỗn loạn trong mạng lưới gián điệp của Nga “có nghĩa là Nga đã mất rất nhiều nguồn thông tin thường xuyên và có thể đã kích hoạt các điệp viên nằm vùng” để cố gắng lấp đầy khoảng trống.