Bangladesh rơi vào hỗn loạn, Thủ Tướng bỏ chạy ra nước ngoài

Ba’o Dat Viet

August 5, 2024

“Tôi sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn. Chúng tôi sẽ thành lập một chính phủ lâm thời,” Tư lệnh quân đội Bangladesh, ông Waker-Uz-Zaman, tuyên bố trên truyền hình ngày 5-8, khi xác nhận Thủ tướng Sheikh Hasina đã từ chức và rời khỏi đất nước. Ông Waker cho biết sẽ thảo luận với Tổng thống Mohammed Shahabuddin để thành lập chính phủ lâm thời và đã bắt đầu đàm phán với các bên, ngoại trừ Liên đoàn Awami của bà Hasina.

Thông tin này xuất hiện sau khi truyền thông cho biết bà Hasina, 76 tuổi, đã chạy ra nước ngoài do sức ép từ làn sóng biểu tình kéo dài trong thời gian qua. Bà Hasina được cho là đã cùng người thân rời đi bằng một trực thăng quân sự. Một số thông tin nói rằng bà đang trên đường tới bang West Bengal của Ấn Độ ngay bên kia biên giới, trong khi Đài CNN-News18 cho biết bà đã hạ cánh ở thành phố Agartala thuộc bang Tripura, phía đông bắc Ấn Độ.

Trong bài phát biểu của mình, ông Waker kêu gọi người biểu tình trở về nhà và tin tưởng quân đội, cho họ thời gian để giải quyết cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, ông cho biết chưa cần áp dụng giới nghiêm hay biện pháp khẩn cấp nào khác, theo Hãng tin Reuters. “Đất nước đã phải chịu nhiều đau khổ, nền kinh tế bị ảnh hưởng, nhiều người thiệt mạng, đã đến lúc phải chấm dứt bạo lực. Tôi hy vọng sau bài phát biểu của mình, tình hình sẽ được cải thiện,” Tư lệnh quân đội Bangladesh nói.

Truyền hình địa phương phát hình ảnh hàng nghìn người đổ ra đường phố thủ đô Dhaka và xông vào dinh thự của bà Hasina. Đám đông tụ tập trong phòng khách dinh thự và một số người lấy đi tivi, bàn ghế trong tòa nhà. Đầu tuần này, làn sóng biểu tình của sinh viên đã dồn về Dhaka để gây sức ép buộc bà Hasina từ chức. Trước đó, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh trên khắp Bangladesh đã khiến gần 100 người thiệt mạng. Khoảng 150 người đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình vào tháng trước.

Bangladesh hiện đang chìm trong bạo lực khi các nhóm sinh viên biểu tình yêu cầu chấm dứt quy định dành 30% công việc công cho gia đình của những người đã chiến đấu trong cuộc chiến giành độc lập của Bangladesh năm 1971.


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay