THÁNH ANPHONSÔ M. LIGUORI( lễ kính 1/8)

 Thần học gia,

Đấng sáng lập Dòng Chúa Cứu Thế,

Giám mục,

Tiến sĩ Hội thánh,

Sanh tại Marianella, gần Napoli, ngày 27 tháng 9 năm 1696,

Qua đời tại Pagani, gần Salerno, ngày 1 tháng 8 năm 1787.

Anphongsô là con trai cả của ông Giuseppe de Liguori, một gia đình quý tộc và lâu đời của Napoli, một sĩ quan của hải quân hoàng gia, và bà Anna Cavalieri. Anphongsô nhận được nền giáo dục ban đầu tại nhà dưới sự chăm sóc của các gia sư. Anphongsô đã ghi danh vào Đại học Napoli, năm 1708, nơi ngài học cho đến ngày 21 tháng 1 năm 1713, khi ở tuổi 16, ngài đã nhận bằng tiến sĩ luật học đạo và đời. Ngài đã hành nghề luật sư trong một vài năm, trong khi đó vẫn sống một cuộc sống Kitô giáo mẫu mực. Khi được giao nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của công tước Gravina chống lại đại công tước Tuscany vào năm 1723, Anphongsô đã mất niềm tin vào sự công bằng trong vụ kiện của thân chủ, có lẽ là do hậu quả của những âm mưu. Bị sốc bởi trải nghiệm này, Anphongsô đã từ bỏ thế gian với câu nói danh tiếng: “Thế gian ơi, ta biết ngươi rồi”! Anphongsô vào chủng viện ngày 23 tháng 10 năm 1723. Ngài bắt đầu học thần học tại nhà dưới sự hướng dẫn của giáo sư Don Julio Torni và gia nhập một nhóm linh mục nhập thế (Hội Truyền giáo Tông đồ), nơi ông tham gia các hoạt động truyền giáo từ năm 1724.

Anphongsô được thụ phong linh mục ngày 21 tháng 12 năm 1726, ngài đã dành trọn cuộc đời mình cho công việc giải tội và rao giảng. Năm 1727, ngài thành lập Hội nhà nguyện Buổi Tối (Cappelle Serotine), một hiệp hội của những người lao động và thợ thủ công với mục đích hỗ trợ lẫn nhau, hướng dẫn tâm linh và các hoạt động tông đồ nhiệt thành. Năm 1729, ngài rời nhà để đến cư trú tại Học viện Thánh Gia, còn được gọi là Học viện Trung Hoa, do cha Matteo Ripa thành lập tại Napoli. Tại đây, ngài đã dành trọn cuộc đời mình cho mục vụ bằng cách truyền giáo và làm việc tại nhà thờ. Vì bị kệt sức, ngài bị buộc phải đi nghĩ bệnh tải Scala. Sau một thời gian lưu trú tại Scala và những cuộc gặp gỡ đầy quan phòng với cha Thomas Falcoia của hội Pii Operarii, người sẽ được bổ nhiệm làm giám mục của Castellamare di Stabia vào năm 1730, và Sơ Maria Celeste Crostarosa (1696–1755), ngài đã tham gia thành lập Dòng Chúa Cứu Thế tại Scala, năm 1731, một dòng tu của các nữ tu chiêm niệm tận tụy noi gương Chúa Yêsu Kitô, và được Đức giáo hoàng Bênêđictô XIV chấp thuận vào năm 1750.

Vào ngày 9 tháng 11 năm 1732, cũng tại Scala, dưới sự linh hướng của Đức giám mục Falcoia, ngài thành lập một hội dòng các linh mục dưới danh hiệu Chúa Cứu Thế Chí Thánh (ở Việt Nam thường được gọi là Dòng Chúa Cứu Thế). Hội dòng này được thành lập là một hiệp hội các linh mục và tru sĩ không linh mục sống cuộc sống chung và chia sẻ mong muốn noi gương Chúa Yêsu Kitô, đặc biệt là trong công việc rao giảng lời Chúa. Hội dòng này được thành lập với mục đích đặc biệt hướng đến nhu cầu của những người dân quê, những người thường thiếu cơ hội đón nhận Tin Mừng, dạy giáo lý và giúp tĩnh tâm. Cha Anphongsô đã cống hiến hết mình cho công việc truyền giáo, cho việc tổ chức hội dòng của mình và trung thành với lời thề của mình. Những người bạn đồng hành đầu tiên của ngài đã bỏ rơi ngài, nhưng ngài vẫn kiên định và chẳng bao lâu sau, số lượng ơn gọi tăng lên và các tu viện mới được thành lập nhiều hơn, trong số những tu viện sớm nhất có Villa Liberi (1734), Ciorani (1735), Pagani (1742), Deliceto (1745) và Mater Domini (1746).

Ngày 25 tháng 2 năm 1749, Đức thánh cha Bênêđictô XIV đã chấp thuận Dòng Chúa Cứu Thế Chí Thánh bằng sắc lệnh Ad Pastoralis Dignitatis Fastigium. Cha Anphongsô được bầu làm bề trên tổng quyền trọn đời tại Tổng công hội được tổ chức cùng năm đó. Do sự thù địch của hầu tước Tanucci và chính phủ, vốn phản đối các dòng tu, nên cha Anphongsô không thể có được quyền thừa kế hoàng gia tại Napoli theo sắc lệnh của Đức Bênêđictô XIV. Một sắc lệnh hoàng gia ngày 9 tháng 12 năm 1752, đã đưa ra sự đảm bảo hạn chế cho tương lai của Dòng, khi đó đang mở rộng hoạt động của mình tại các Quốc gia Giáo hoàng và ở Sicily. Cha Anphongsô cai quản dòng của mình, rao giảng các sứ mệnh và bận rộn với việc viết lách và các công việc tông đồ khác. Ngài được bổ nhiệm làm giám mục của giáo phận Sant’ Agata dei Goti và được tấn phong tại Rome vào ngày 20 tháng 6 năm 1762.

Với tư cách là một giám mục, ngài sớm nổi tiếng vì công cuộc cải cách của mình. Ngài đã chấm dứt các vụ lạm dụng, khôi phục các nhà thờ, đấu tranh cho phụng vụ, cải cách chủng viện của mình, kinh lý giáo phận của mình, thúc đẩy các cuộc truyền giáo và thường đích thân tham gia vào các cuộc truyền giáo, và thực hành lòng bác ái đối với tất cả mọi người, đặc biệt là trong nạn đói lớn năm 1763–64. Ngài luôn để mắt đến việc quản lý giáo đoàn của mình, tại Tổng công hội năm 1764 đã thông qua hiến pháp đã hoàn thành và tiếp tục viết lách. Ngài bị mắc một căn bệnh đau đớn vào năm 1768 khiến cho việc mục vụ trở nên khó khăn; ông đã nộp đơn từ chức khỏi giáo phận của mình và được Đức Piô VI chấp thuận vào năm 1775. Sau đó, ngài nghỉ hưu tại Pagani, nơi ngài cống hiến hết mình cho việc quản lý Nhà Dòng. Những rắc rối liên quan đến luật lệ do chính quyền Vương quốc Napoli gây ra đã làm ông buồn bã trong những năm cuối đời.

Tương lai của hội dòng có vẻ bấp bênh sau khi các tu sĩ Dòng Tên bị đàn áp. Ngài đã đàm phán thông qua một trung gian với chính phủ để có được sự chấp thuận của chính phủ, nhưng quy tắc được nhà vua chấp thuận và áp đặt cho hội dòng – regolamento – khác biệt đáng kể so với quy tắc được ĐGH Bênêđictô XIV chấp thuận. Tòa thánh, trong cuộc đấu tranh với Vương quốc Napoli, đã tước bỏ địa vị giáo luật của các Nhà trong vương quốc thuộc nhà vua và đặt cho các Nhà trong nước Giáo hoàng vị lãnh đạo riêng. Giám mục Anphongsô qua đời trước khi hai nhánh của hội dòng được tái hợp, sau đó mở rộng ra toàn thế giới.

Ngài được ĐGH Piô VII phong chân phước vào ngày 15 tháng 9 năm 1816, được ĐGH Gregorio XVI phong thánh vào ngày 26 tháng 5 năm 1839, và được ĐGH Piô IX tuyên bố là Tiến sĩ Hội thánh vào năm 1871, cuối cùng thánh Anphongsô được ĐGH Piô XII phong làm quan thầy của các cha giải tội và nhà luân lý, vào ngày 26 tháng 4 năm 1950.

From: NguyenNThu


 

Được xem 2 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay