Di sản Nguyễn Phú Trọng để lại khi về vườn hay nằm xuống

Ba’o Nguoi-Viet

July 18, 2024

*Chuyện Vỉa Hè

*Đặng Đình Mạnh

Khi một chính trị gia qua đời hoặc rời chức vụ, công chúng sẽ có dịp được truyền thông tóm lược lại về di sản của người ấy để lại cho hậu thế.

Lúc này, khi tổng bí thư đảng Cộng Sản, người lãnh đạo cao nhất của chế độ theo hiến pháp là ông Nguyễn Phú Trọng, chọn (hoặc bị chọn) phòng bệnh tại bệnh viện 108 Hà Nội làm nơi thường trú, dưới sự bảo vệ (hoặc quản thúc) nghiêm ngặt của tân chánh văn phòng TW đảng Nguyễn Duy Ngọc, báo hiệu sự cáo chung của thời đại của “ông chủ đốt lò” đã đang điểm những giờ khắc cuối cùng. Thì việc điểm lại di sản của ông ấy cũng không còn là quá sớm.

Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa 3 ngón tay khi họp báo ở Hà Nội sau Đại hội đảng ngày 1 Tháng Hai 2021 khoe ông được “tín nhiệm” ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba, trái điều lệ đảng. (Hình: Manan Vatsyayana/AFP/Getty Images)

Dĩ nhiên, ông Nguyễn Phú Trọng sẽ được công chúng nhớ đến nhiều với tư cách là “ông chủ đốt lò”. Khi phát động đốt lò, ông ấy có mục đích không thể rõ ràng hơn là củng cố đảng. Nhưng qua đó, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã giúp phơi bày trọn vẹn bản chất của chế độ, không có gì khác ngoài một tập thể lãnh đạo bất tài, ăn tàn, phá hoại… lúc nào cũng chỉ nhăm nhăm trấn lột tài sản của người dân. Đến mức độ, công chúng không thể thấy đảng cầm quyền ấy có giá trị gì để mà cần củng cố.

Cũng thế, khi ưu ái giao quyền hạn lớn cho công an nhằm mục đích bảo vệ đảng, thì ông Nguyễn Phú Trọng đã giúp cho lực lượng này trở thành kiêu binh của chế độ. Không chỉ đàn áp nhân dân, tận thu tài nguyên của đất nước, cướp đoạt tài sản của doanh nghiệp và thâu tóm quyền lực. Lực lượng công an sẵn sàng hạ bệ các quan chức lãnh đạo cao cấp nếu ngáng đường hoặc không thuộc phe cánh. Đến mức độ, công chúng không còn thấy lực lượng công an đầy quyền lực ấy là chỗ dựa tin cậy để giữ gìn trật tự trị an cho đất nước nữa.

Nhiều người đã công khai nói đến sự ao ước có một Gorbachev, người làm tan rã Liên bang Xô Viết cho Việt Nam. Thật ra, có cần Gorbachev nữa không khi đã có Nguyễn Phú Trọng, người đã làm tan rã mối quan hệ giả hiệu về “Lòng dân, ý Đảng”, người đã chứng minh cho thấy rằng chẳng có một “Lòng dân, ý Đảng” nào đang song hành cả, mà chỉ có lòng dân chán ghét về ý đảng độc tài, tàn phá tan hoang đất nước mà thôi.

Nếu cái đảng Cộng Sản độc tài lúc này là một đảng không dân, thì cái đảng ấy không còn cơ sở để tồn tại nữa.

Thế nên, một mặt, chúng ta không mảy may nghi ngờ gì về nỗ lực của ông Nguyễn Phú Trọng muốn cứu đảng Cộng Sản để duy trì được quyền lực chính trị độc tôn của mình, thế nhưng, mặt khác, cũng cần thấy rằng không có cái gọi là thế lực thù địch nào phá hoại đảng Cộng Sản giỏi hơn ông Nguyễn Phú Trọng, người đang đứng đầu của đảng ấy. Và đó là di sản của ông Nguyễn Phú Trọng mà người đời sau sẽ nhớ khi nhắc về ông ấy.

Việc ông Nguyễn Phú Trọng rời chức vụ tổng bí thư chỉ còn là chuyện ngày một, ngày hai mà thôi. Thậm chí, cách thức ông rời chức vụ bằng chết bệnh hoặc bị hạ bệ cũng không còn quan trọng nữa. Nhưng việc sau thời đại của ông sẽ đáng nói hơn.

Dĩ nhiên, lúc này chẳng có ai có thể thách thức được vị thế số một của ông Tô Lâm trước cơ hội tiếp nhận chiếc ghế tổng bí thư, đồng thời, sẽ sớm tiếp nhận hợp nhất với chức vụ chủ tịch nước mà ông ấy đang nắm giữ.

Thu giang sơn về một mối dưới bàn tay của lực lượng công an, tuy vậy, chúng ta khó mà cho rằng điều ấy sẽ giúp mở ra thời kỳ ổn định chính trị mới dưới họng súng. Trái lại, hệ thống quyền lực chính trị Việt Nam ở thượng tầng sẽ vẫn tiếp tục bất ổn trong tương lai gần.

Tổng bí thư đảng CSVN tiếp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Hà Nội ngày 20 Tháng Sáu 2024. (Hình: Gavriil Grigorov/AFP/Getty Images)

Vì lẽ, với việc ông Nguyễn Phú Trọng tự đặt ra ngoại lệ “trường hợp đặc biệt” để duy trì quyền lực cá nhân của mình trong nhiệm kỳ tổng bí thư thứ ba vào đầu năm 2021. Điều này chẳng khác gì việc mở chiếc hộp “Pandora” đầy tai ác khi ông ấy tùy tiện dẫm đạp lên điều lệ đảng. Gây nên hậu quả rất nghiêm trọng về sự khủng hoảng niềm tin, tôn trọng điều lệ đảng đối với các đảng viên cao cấp đầy tham vọng trước cơ hội thay đổi nhân sự theo cách không cần tuân thủ điều lệ đảng nữa. Ông Tô Lâm sẽ sớm nắm giữ chiếc ghế tổng bí thư theo cách ấy.

Theo đó, chúng sẽ thành tiền lệ cho những cuộc thoán đạt quyền lực chính trị về sau đó mà hầu hết, đều chỉ dựa trên nền tảng sức mạnh của họng súng mà thôi. Trong bối cảnh đó, nhân dân, người chủ tội nghiệp của đất nước tiếp tục giữ vai trò đầy thụ động, là khán giả trong tấn tuồng mà thôi.

Xứ sở này, còn trả giá đến mức nào nữa trước khi đến hồi thái lai…


 

Được xem 6 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay