Trân Văn
28-6-2024
Thượng tọa Thích Chân Quang trong ngày nhận bằng tiến sĩ luật. Nguồn: Cổng Thông Tin Điện Tử Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam
Không chỉ mạng xã hội mà hệ thống truyền thông chính thức cũng tham gia đưa công chúng đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác về một số tu sĩ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam – tổ chức đã cũng như đang dẫn dắt Phật tử mang niềm tin trộn với… chủ nghĩa xã hội (CNXH) để thực hiện tiêu chí “đạo pháp, dân tộc, CNXH”…
Chẳng hạn chuyện Đại đức Thích Trúc Thái Minh tiếp tục khuấy động dư luận khi cùng với bà Phạm Thị Yến dùng một thiếu nữ chừng 15 tuổi làm giáo cụ trực quan [1], giáo huấn hàng ngàn đứa trẻ rằng chúng phải tham dự các khóa tu tập do họ tổ chức… Cả hai khẳng định, vong theo thiếu nữ ấy từng có nhiều kiếp làm… gái mại dâm do… 14 kiếp trước lẳng lơ, rù quến tăng. Kiếp này, thiếu nữ 15 tuổi sẽ thoát khỏi số phận bị… cưỡng hiếp, bị phụ bạc, ruồng rẫy, phải lấy nhiều chồng vì may mắn được phụ huynh cho tham dự tu tập một tuần tại chùa Ba Vàng. Theo Đại đức và nữ “cư sĩ” vừa đề cập, đứa trẻ nào muốn thoát vong thì phải tham dự thêm nhiều tuần tu tập khác [2]!
Tuy nhiên, Đại đức Thích Trúc Thái Minh chưa phải là tâm của trận bão dư luận. Tâm của trận bão dư luận về những vị tăng của tổ chức tình nguyện đưa… Phật tham gia… xây dựng CNXH tại Việt Nam là Thượng tọa Thích Chân Quang. Trong vài ngày vừa qua, cả người sử dụng mạng xã hội lẫn hệ thống truyền thông chính thức đang cùng xới lại hành trình trở thành Tiến sĩ Luật của trụ trì chùa Phật Quang có thế danh là Vương Tấn Việt. Cứ như những bằng chứng đã được bày ra thì ông Việt sinh năm 1959, đến năm 30 tuổi (1989) mới hoàn thành chương trình bổ túc văn hóa cấp ba. Mười hai năm sau (2001), lúc 42 tuổi, ông Việt tốt nghiệp Khoa tiếng Anh, Đại học Ngoại ngữ Hà Nội.
Sau đó 18 năm (2019), ông Việt tốt nghiệp cử nhân ngành Luật (vừa học vừa làm). Mười tháng sau khi cầm văn bằng cử nhân luật, ông Việt được nhận làm “Nghiên cứu sinh Tiến sĩ” (12/2021) và chỉ trong vòng 24 tháng, ông Việt hoàn tất – bảo vệ thành công luận án tiến sĩ [3].
Bởi con đường trở thành “Tiến sĩ Luật chuyên ngành Hiến pháp – Hành chính” của ông Việt vừa ngắn ngủi, vừa lạ thường (trung bình khoảng bốn năm, nếu đặc biệt xuất sắc cũng không thể ít hơn ba năm) nên ngày 25/6/2024, Bộ Giáo dục Đào tạo đã gửi công văn yêu cầu Đại học Luật Hà Nội “báo cáo” [4]. Tuy nhiên chuyện không chỉ có thế…
***
Tuy là tu sĩ nhưng dường như ông Việt đặc biệt ham thích chuyện tự tô vẽ cho chính ông. Đó cũng là lý do công chúng có thể vào YouTube xem ông Việt trình bày luận án tiến sĩ của ông về “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam”. Luận án đã bị nhiều người, nhiều giới ở cả trong lẫn ngoài chỉ trích…
Một trong những phản biện sớm nhất và đáng chú ý nhất đối với luận án của ông Việt là phân tích của ông Nguyễn Quốc Tấn Trung – khi đó đang là Nghiên cứu sinh Tiến sĩ chuyên ngành công pháp tại Đại học Victoria ở Canada [5]. Trong video clip có thời lượng khoảng 16 phút, ông Trung nêu ra nhiều điểm không chỉ đáng chú ý mà còn đáng lo đối với quan điểm của ông Việt – người cho rằng thế giới đang chệch hướng vì “hiểu sai về nhân quyền”. Trong khi ông Việt nhấn mạnh “quyền phải đi kèm với nghĩa vụ”, thậm chí phải thực hiện, chu toàn các nghĩa vụ trước khi thụ hưởng các quyền thì ông Trung giải thích và chứng minh loại quan niệm này ngược chiều với văn minh nhân loại…
Ông Trung lưu ý, sở dĩ cộng đồng quốc tế xác định nhân quyền phải là các quyền căn bản, vô điều kiện, không thể tách rời cá nhân và phổ quát vì nhân loại đã từng trả giá rất đắt khi để một số nhà nước đính kèm nghĩa vụ vào các quyền này. Chẳng hạn nhờ việc công nhận “quyền dân tộc tự quyết” mà các dân tộc đang bị đô hộ có quyền tranh đầu đòi lại sự độc lập. Khi “quyền dân tộc tự quyết” có tính đương nhiên thì dân tộc không cần phải thực thi bất kỳ nghĩa vụ nào để được hưởng quyền đó. Tương tự là “quyền bình đẳng giới tính”, phụ nữ hoặc những người thuộc cộng đồng giới tính thứ ba chẳng cần hoàn thành bất kỳ nghĩa vụ nào để được bình đẳng với nam giới.
Ông Trung nói thêm, ngay cả khi một cá nhân có dấu hiệu vi phạm luật pháp, vi phạm các chuẩn mực chung thì “không bị tra tấn, không bị đối xử phi nhân tính” vẫn là quyền đương nhiên không thể tách rời khỏi cá nhân đó và cơ quan công quyền vẫn phải tôn trọng quyền này. Đó chính là một loại hàng rào ngăn chặn lạm quyền, gây ra oan sai…
Sau những dẫn chứng, phân tích như vừa lược thuật, ông Trung cho rằng, nỗ lực xem nghĩa vụ là điều kiện, khoác điều kiện lên những quyền đã được hệ thống luật pháp quốc tế về nhân quyền ghi nhận là “đặc biệt nguy hiểm” và “đặt ra nhiều vấn đề liên quan đến diễn ngôn chính trị”…
Khi “Hội đồng đánh giá Luận án tiến sĩ” của Đại học Luật Hà Nội với bảy người không là GS TS thì cũng là PGS TS cùng nhất trí với quan niệm của Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt, thậm chí còn cho rằng quan niệm của ông Việt là “cơ sở rút ra những nhận định có giá trị để đưa ra các đề xuất hoàn thiện pháp luật về nghĩa vụ con người trong pháp luật Việt Nam” và “mở một hướng nghiên cứu mới, hướng tiếp cận liên ngành để nghiên cứu về nghĩa vụ con người một cách toàn diện” [6] thì điều đó có khác gì hội đồng này vừa tuyên chiến với giới luật gia thuộc phần còn lại của thế giới, vừa gián tiếp thay nhà nước Việt Nam khai chiến trong cuộc chiến nhận thức lại về nhân quyền?
Chú thích
[1] https://www.youtube.com/watch?v=m-rPS4baoAs&ab_channel=ChinhNhân
[5] https://www.youtube.com/watch?v=ODR3ct4dLxM&ab_channel=HộiĐồngCừu