June 23, 2024
Trúc Phương/Người Việt
Ngày 19 Tháng Sáu 2024, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, cơ quan tôn giáo của nhà nước CSVN, đã xoa dịu dư luận khi công bố phạt “khóa miệng” Thích Chân Quang, (cấm “thuyết giảng” hai năm). Án phạt Chân Quang chỉ mang tính hình thức. Thực tế thì Chân Quang không hề gỡ bỏ các bài giảng nhảm nhí “có nội dung gây hoang mang xã hội” khỏi fanpage Thiền Tôn Phật Quang như được yêu cầu. Trong thực tế, Chân Quang, kẻ từng công khai tự nhận là “cháu” của Hồ Chí Minh, vẫn bình chân như vại.
Thượng tọa Thích Chân Quang, trụ trì Thiền Tôn Phật Quang, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. (Hình: Báo Giác Ngộ Online)
Chẳng ai biết chính xác con đường nào dẫn Thích Chân Quang đến… cửa chùa, “xuống tóc đi tu” và thậm chí trở thành thượng tọa. Thông tin ít ỏi trên mạng cho biết Chân Quang tên thật là Vương Tấn Việt, sinh ngày 9 Tháng Mười Hai, 1959. Năm 1992, khi mới 33 tuổi, Chân Quang-Vương Tấn Việt về núi Dinh (thôn Chu Hải, xã Tân Hải, thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) và bắt đầu xây Thiền Tôn Phật Quang. Thông tin chỉ có bấy nhiêu.
Trước 1992, Chân Quang-Vương Tấn Việt làm gì, ở đâu, “xuất gia” từ lúc nào, gia đình ra sao…, không ai biết. Tiền ở đâu mà Chân Quang-Vương Tấn Việt xây chùa, cũng chẳng ai biết. Năm 2009, tức 17 năm sau khi được thành lập, Thiền Tôn Phật Quang đã trở thành một “cơ sở Phật giáo” giàu sụ. Từ một vụ rắc rối liên quan pháp lý và được báo chí tường thuật, dư luận mới biết Thiền Tôn Phật Quang giàu có như thế nào. Tờ Pháp Luật Việt Nam ngày 26 Tháng Mười Hai, 2010 thuật:
“Sáng ngày 09/12/2009, ông Việt (tức Chân Quang-Vương Tấn Việt) đang làm việc tại công ty TNHH Văn Hóa Pháp Quang (một cơ sở của chùa tại 28 Hoàng Diệu, quận 10, TP.HCM) thì bốn đệ tử đã kéo theo khoảng 20 người xông vào lăng mạ và ép ông ký giấy bàn giao cho họ 8 hecta đất tại xã Tóc Tiên, hai căn hộ 600 m2 tại phường Kim Dinh, huyện Tân Thành, bốn chiếc ô tô…” Quá sợ hãi, ông Việt đã miễn cưỡng ký vào các giấy tờ do nhóm đệ tử soạn sẵn. Sự việc xảy ra, công an phường sở tại đến lập biên bản, rồi…thôi.
“Trong đơn tố cáo, ông Việt viết: ‘Sau đó, nhóm người này kéo về chùa Phổ Quang khống chế những đệ tử, tu sĩ trung thành của nhà chùa lấy đi hai két sắt chứa 2.8 tỷ đồng, 185 lượng vàng và nhiều ngoại tệ khác, 60 tấn sắt, một đầu máy kéo, hai máy trộn bê tông, ba máy tời, 30 tấn xi măng, sáu xe gắn máy, sáu vi tính để bàn, 20 vi tính xách tay, bảy máy quay phim, năm màn hình tinh thể lỏng, 10 tấn gạo, 14 máy may công nghiệp và vải vóc trị giá 800 triệu đồng; thậm chí, 5 triệu đồng của ông để trong túi áo cũng bị “móc” luôn và toàn bộ giường chiếu, bàn ghế, nồi niêu, bát đũa… cũng bị họ lấy đi…’”
***
Từ sau khi trở thành “quan chùa” (từng là phó trưởng Ban Kinh Tế Tài Chính Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam), tên tuổi Chân Quang-Vương Tấn Việt nổi như cồn. Bảng “thành tích” của Chân Quang rất ấn tượng: tiến sĩ luật học; từng thực hiện hơn 2,000 bài giảng về nhiều đề tài từ văn hóa, giáo dục, đạo đức, khoa học công nghệ, đến y học; là “giảng sư Phật giáo đầu tiên” thuyết pháp tại Nhà Hát Lớn Hà Nội và Văn Miếu Quốc Tử Giám; là tác giả của hơn 130 tựa sách: Kinh bộ, Nghiệp và kết quả, Luận về nhân quả, Giáo trình thiền học, Tâm lý đạo đức, Giáo trình Hoằng Pháp…
Ngoài ra, Chân Quang còn biết… chơi nhiều nhạc cụ như guitar, piano; và đã sáng tác gần 150 bài hát về Phật giáo. Chân Quang cũng gây dựng quỹ từ thiện Thiền Tôn Phật Quang từ năm 2013, kêu gọi đóng góp được ít nhất 307 tỷ đồng (hơn $12 triệu, tính đến năm 2023). Chân Quang còn thành lập môn phái Phật Quang Quyền, trực thuộc Liên Đoàn Võ Thuật Cổ Truyền Việt Nam. Ngày 14 Tháng Tám 2019, Chân Quang được trao bảng vàng với danh hiệu “Nhân tài đất Việt thời kỳ hội nhập quốc tế”!
Trong buổi bảo vệ luận án tiến sĩ Luật học với đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam,” Chân Quang đã được “giáo sư tiến sĩ” Hoàng Chí Bảo, người luôn rao giảng “tư tưởng Hồ Chí Minh,” đích thân đến khen ngợi hết lời. Thiền Tôn Phật Quang cũng liên tiếp mở các khóa tu thiền tại nhiều chùa trong Nam ngoài Bắc, đặc biệt chùa được sự ủng hộ nhiệt tình của giới showbiz Việt Nam. Những người được Chân Quang nhận làm đệ tử gồm ca sĩ Tạ Minh Tâm chuyên hát nhạc đỏ; nghệ sĩ cải lương Kim Tử Long (người từng than thở khóc lóc về việc bị đánh rớt khỏi bảng xét duyệt “nghệ sĩ nhân dân”); diễn viên Angela Phương Trinh…
Các hoạt động của Thiền Tôn Phật Quang rất nhộn nhịp. Kênh YouTube “Truyền thông Thiền Tôn Phật Quang” cho biết, có hơn 33,000 người dự lễ Vu Lan 2023 tại Thiền Tôn Phật Quang… Tại lễ Vu Lan 2022, có khoảng 48,000 người dự, trong đó có đại tá Nguyễn Tâm Hùng – chỉ huy trưởng Bộ Chỉ Huy Quân Sự Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu; Võ Văn Tư – trưởng Ban Tuyên Giáo Thị Ủy Thị Xã Phú Mỹ…
Dù ít ai biết chính xác về thân thế Chân Quang-Vương Tấn Việt nhưng có điều chắc chắn rằng nhân vật này hẳn được chống lưng bởi thế lực chính trị nào đó. Ở một đất nước mà việc mở miệng không được xem là quyền mặc định của công dân, Chân Quang-Vương Tấn Việt lại có thể nói nhăng nhít mà chưa bao giờ bị sờ gáy, ngay cả khi công khai phát ngôn bênh Trung Quốc.
Chân Quang-Vương Tấn Việt nói: “Về nguồn gốc, không chối cãi được Trung Quốc là anh, Việt Nam là em… Vì là em, theo tâm thức Á Đông, thì hễ là anh mình là em phải nhường nhịn. Mấy ngàn năm qua, người Việt Nam luôn có thái độ kính trọng người Trung Quốc đàng hoàng, không bao giờ mình mất cái lễ này, luôn kính trọng người anh. Chỉ một lần Lý Thường Kiệt hơi hỗn, đem quân đi đánh anh mình. Còn lại toàn bộ, tuyệt đối, đa số người Việt Nam đều bày tỏ lòng kính trọng đối với Trung Quốc…”
Với cương vị phó trưởng Ban Kinh Tế Tài Chính Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam, Thích Chân Quang cho thấy mình có tài buôn thần bán thánh. Ông ta thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn Văn Hóa Pháp Quang, kinh doanh đủ thứ, từ sách báo, băng đĩa ca nhạc của chính Thích Chân Quang, trang phục Phật giáo, đến thậm chí dược phẩm Đông y… Công ty Pháp Quang có hẳn ứng dụng (app) cài trên điện thoại và người dân có thể mua vật phẩm Phật giáo bằng hình thức… thẻ cào.
Trên mạng, dưới những clip thuyết giảng của Chân Quang, thường có dòng chữ: “Nhằm đảm bảo tính trung thực về nội dung cho các ấn phẩm của Thượng tọa Tiến sĩ Thích Chân Quang như bài giảng, sáng tác nhạc, khí công… thuộc “Pháp Quang – Sen Hồng” – công ty TNHH Văn hóa Pháp Quang quản lý và phát hành. Xin vui lòng không đăng lại dưới mọi hình thức. Nếu chúng tôi phát hiện có thể dẫn đến khóa kênh của bạn vĩnh viễn.” Sự đe dọa rất xa lạ với tinh thần Phật giáo còn có thể thấy ngay trên fanpage chính thức của chùa Thiền Tôn Phật Quang, khi kêu gọi các tín đồ trình báo tài khoản mạng xã hội nào nói xấu thầy Chân Quang.
Bao nhiêu năm nay Thích Chân Quang vẫn ung dung tại vị, thậm chí còn làm được điều mà khó có sư tăng nào làm được, đó là giành miếng bánh đặc quyền trong sự tranh chấp dữ dội với các vị chức sắc khác. Cần nhắc lại, khi Hòa Thượng Thích Thanh Tứ trụ trì chùa Bái Đính viên tịch, Thích Chân Quang đã nhắm đến việc kế nhiệm trụ trì Bái Đính, nhưng khi ấy đại gia Xuân Trường không đồng ý và lobby đưa người của mình là Hòa Thượng Thích Thanh Nhiễu lên làm trụ trì. Để dàn xếp, Chân Quang được chia cho chức phó trưởng Ban Kinh Tế Tài Chính Trung Ương Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam. Phạm Nhật Vũ (em trai Phạm Nhật Vượng) là cố vấn của ban này.
Trở nên lộng hành và tác oai tác quái từ thời Nông Đức Mạnh làm tổng bí thư, Chân Quang-Vương Tấn Việt từng huy động hàng trăm tín đồ đi trên bốn chiếc xe bus, hộ tống đương sự về Nam Đàn… để “nhận họ” với… Hồ Chí Minh! Ông ta nói tên thật của mình là Hồ Chí Việt. Vụ việc ồn ào từng có clip đưa lên YouTube nhưng đã bị xóa. Chân Quang-Vương Tấn Việt kể rằng khi Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Hồ Chí Minh, lang thang vào Sa Đéc kiếm sống bằng nghề bốc thuốc, đã đổi thành họ Vương để tránh tai mắt chính quyền. Tại đây, Nguyễn Sinh Sắc chữa khỏi bệnh cho một người dân. Để đền cái ơn đấy, gia đình ông này đã gả cô con gái tên là Mai cho Sinh Sắc. Ít tuổi hơn cả Nguyễn Tất Thành, cô Mai này sau đó sinh ra một con trai, đặt tên là Vương Chí Nghĩa. Và Chân Quang-Vương Tấn Việt chính là con của Vương Chí Nghĩa!
Chuyện này được đích thân Chân Quang-Vương Tấn Việt tuyên bố khắp nơi. Quái lạ nhất là chẳng tờ báo nào dám đặt câu hỏi về vấn đề này, không công an nào mời Chân Quang “lên phường làm việc” về việc đương sự tự nhận là cháu của Hồ Chí Minh. Hay là chuyện này có thật?!
Trở lại với câu hỏi thế lực nào chống lưng Chân Quang-Vương Tấn Việt, có lẽ Chân Quang không nằm dưới sự điều khiển trực tiếp hoặc núp dưới ô dù của nhân vật cụ thể nào mà ông ta là sản phẩm của cơ quan tôn giáo cộng sản. Với chính sách “đỏ hóa” Phật giáo, từ sau 1975, đảng đã đào tạo hàng loạt “ma tăng” chuyên nghiệp để vừa lũng đoạn Phật giáo, thao túng những “Phật tử” ngây ngô lẫn thực hiện công tác tuyên truyền bảo vệ chế độ. Chân Quang-Vương Tấn Việt là một trong số đó.
Trong vai trò “tu sĩ,” Chân Quang-Vương Tấn Việt là một yêu tăng; nhưng trên cương vị “sĩ quan tuyên huấn,” Chân Quang là một “cán bộ giỏi.” Mù tịt giáo lý nhà Phật, Chân Quang-Vương Tấn Việt thường xuyên nói xàm. Tuy nhiên, đương sự lại thành thục việc thực hiện những “bài giảng” ca ngợi chính quyền, tôn vinh Hồ Chí Minh và tỏ ra trung thành với đảng.
Bài “Sức mạnh dân tộc đến từ đâu” mà Chân Quang đọc tại khu di tích nhà tù Lao Bảo, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, ngày 25 Tháng Tư 2015 có những lời lẽ không khác gì bài báo tuyên truyền trên tờ Nhân Dân. Để cai trị Phật giáo, đảng, do vậy, đã dung túng và chống lưng cho những kẻ phá hoại tinh vi như Chân Quang-Vương Tấn Việt.