June 22, 2024
Thiện Lê/Người Việt
SAN FRANCISCO, California (NV) – Với tình trạng thu nhập ngày càng không đồng đều ở Hoa Kỳ, suy nghĩ “Giấc Mơ Mỹ” gần như không còn đạt được đối với rất nhiều gia đình.
Phụ nữ thường có thu nhập thấp hơn nam giới tuy cùng khả năng. (Hình minh họa: Mario Tama/Getty Images)
Những người trong nhóm 10% có thu nhập cao nhất Hoa Kỳ kiếm được $150,000/năm và có tài sản trị giá hàng triệu đô la. Trong khi đó, nhiều gia đình có thu nhập thấp đến $31,000/năm và có tài sản không đáng kể.
Giới tính và chủng tộc là hai yếu tố thường xuất hiện khi nói về tình trạng thu nhập không đồng đều. Những người làm việc trong ngành kinh tế hợp đồng, đa số là người nhập cư, chỉ kiếm được nhiều khi thấp đến $7/giờ.
Sự thăng tiến trong xã hội sau nhiều thế hệ giảm rất nhiều trong bốn thập niên vừa qua. Không chỉ vậy, nhiều người còn lo sợ công nghệ sẽ làm khoảng cách trong thu nhập ngày càng lớn hơn.
Với những lý do đó, “Giấc Mơ Mỹ” gần như trở thành một chuyện không thể đạt được với người nhập cư, không còn theo suy nghĩ chịu khó làm việc thì sẽ thành công nữa.
Đây cũng là chủ đề của hội thảo hôm Thứ Sáu, 21 Tháng Sáu, do Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) tổ chức.
Diễn giả đầu tiên là Tiến Sĩ Michelle Holder, phó giáo sư kinh tế của đại học University of New York, nói về yếu tố chủng tộc và giới tính.
Bà cho biết sự không đồng đều trong thu nhập được thể hiện qua ba cách. Cách đầu tiên là mức lương không bằng nhau trong khi khả năng như nhau, thứ hai là tỷ lệ thất nghiệp giữa các sắc dân khác nhau rất nhiều, và thứ ba là sự chia cách trong ngành nghề, có quá nhiều người làm nghề thu nhập thấp.
Về thu nhập không đồng đều liên quan đến giới tính, bà Holder cho biết Cơ Quan Thống Kê Lao Động cho biết trong năm 2023, mức lương trung vị của đàn ông là $62,000/năm, trong khi phụ nữ chỉ có $52,000.
Phụ nữ thường làm những công việc được trả lương thấp hơn đàn ông, trong đó có làm văn phòng và làm thư ký. Khi làm những công việc giống nam giới và có cùng khả năng, nhưng phụ nữ vẫn bị kỳ thị và có lương thấp hơn.
Nhiều người nhập cư có thu nhập thấp và không có tài sản như người da trắng. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)
Về chủng tộc, sự khác biệt lớn nhất là giữa người da trắng và người gốc Phi Châu, với mức lương trung vị của người da trắng là $95,000/năm, trong khi đó người da đen chỉ có $48,000/năm. Khoảng cách này còn lớn hơn cả khoảng cách theo giới tính.
Theo bà Holder, phụ nữ gốc Phi Châu là một trong những nhóm người có thu nhập thấp nhất Hoa Kỳ. Nếu một người đàn ông da trắng kiếm được $1 thì phụ nữ gốc Phi Châu chỉ kiếm được 73 cent.
Sự khác biệt về thu nhập còn có ảnh hưởng từ giáo dục, những người học cao hơn thường có lương cao hơn, và cộng đồng Latino với gốc Phi Châu thường không học đại học. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thu nhập khác biệt nhiều đến như vậy.
Vì vậy, bà nói chính phủ phải có những chính sách để yêu cầu nhiều công ty minh bạch về lương bổng, và kêu gọi phụ nữ nghiên cứu kỹ về công việc mình đang nộp đơn, liên lạc với công ty đó về lương bổng công bằng và đề nghị họ tăng thêm 5% hoặc 10%.
Tiếp theo là Tiến Sĩ Michael Reich, giáo sư kinh tế của UC Berkeley, nói về mức lương tối thiểu, tập trung vào những người làm việc theo hợp đồng như người lái xe Uber, Lyft hay những người giao thức ăn.
Ông cho hay đối với nhiều người, đó là công việc chính của họ chứ không phải nghề tay trái để kiếm thêm. California có đến 1.3 triệu tài xế xe đưa đón và người giao thức ăn, trong khi Hoa Kỳ có khoảng 10 triệu.
Tài xế xe đưa đón có thu nhập thấp vì làm việc theo hợp đồng. (Hình minh họa: Frederic J. Brown/AFP via Getty Images)
Những tài xế đó đa số là đàn ông nhập cư, có học vấn không cao, được trả lương thấp vì không phải là nhân viên chính thức mà chỉ là người làm theo hợp đồng, không có các phúc lợi đàng hoàng như bảo hiểm y tế và tiền bồi thường tai nạn nghề nghiệp.
Các tài xế còn phải bỏ nhiều tiền để tự mua xe, sau đó phải sửa xe hoặc thay xe mới sau mấy năm làm việc. Trong khi đó, họ không được trả tiền theo giờ, chỉ được trả theo từng chuyến và 30% của giờ làm việc là đợi có khách mới hay có nhà hàng cần giao thức ăn.
Vì vậy, ông cho rằng họ nên được trả tiền trong lúc đợi, còn nên được nhận tiền để mua thức ăn, sửa xe và nhiều chi phí khác. Nhưng vì nhiều tài xế là người nhập cư, không đủ khả năng và không quen biết để tìm việc làm khác, họ phải chịu đựng mức lương thấp và còn phải giành khách của người khác.
Diễn giả thứ ba là Tiến Sĩ Heidi Shierholz, chủ tịch Học Viện Chính Sách Kinh Tế, nói về ảnh hưởng của công nghệ đối với thu nhập, đặc biệt là công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI).
Theo bà, một suy nghĩ thường gặp là AI đang làm nhiều người mất việc làm, nhưng công nghệ lúc nào cũng giúp đỡ con người làm việc hiệu quả hơn, chứ không phải là kẻ thù.
Công nghệ làm tăng hiệu suất, giúp con người làm được nhiều việc hơn trong cùng một khoảng thời gian, tạo ra được nhiều sản phẩm hơn, và điều đó làm tăng thu nhập. Tuy nhiên, các công ty chưa phát triển đúng với khả năng được phần lớn là vì các chính sách chứ không phải vì công nghệ.
Tiến Sĩ Shierholz cho biết những lo lắng về AI đang đánh lạc hướng nhiều người khỏi suy nghĩ về các chính sách và quyết định của các công ty.
Phụ nữ kêu gọi công bằng trong lương bổng. (Hình: Spencer Platt/Getty Images)
Cuối cùng là Tiến Sĩ Austin Clemens, nghiên cứu viên của Trung Tâm Phát Triển Công Bằng Washington, nói về sự thăng tiến trong xã hội sau nhiều thế hệ.
Sự thăng tiến sau nhiều thế hệ có nghĩa là con cái thường kiếm được nhiều tiền hơn cha mẹ vào độ tuổi 30, và “Giấc Mơ Mỹ” có nghĩa là con cái có cuộc sống tốt hơn cha mẹ, có việc làm và địa vị tốt hơn.
Tuy nhiên, Hoa Kỳ không còn sự thăng tiến sau thế hệ nhiều như trước nữa. Trong thập niên 1940 và 1950, con cái có đến 90% cơ hội kiếm nhiều tiền hơn cha mẹ, sau đó giảm xuống còn 50% trong thập niên 1980, rồi gần như biến mất trong những thập niên gần đây.
Với nhiều lý do làm người nhập cư không đạt được “Giấc Mơ Mỹ” nữa, các diễn giả cho hay thay đổi chính sách rất quan trọng, và cần có những chính sách tạo ra công việc đàng hoàng với thu nhập công bằng cho người dân. [qd]
—–
Liên lạc tác giả: [email protected]