June 16, 2024
ĐỒNG NAI, Việt Nam (NV) – Ba ngày sau vụ bắt giữ ba bác sĩ và hai người khác tại Viện Pháp Y Tâm Thần Trung Ương Biên Hòa ở tỉnh Đồng Nai, Bộ Công An Việt Nam tiếp tục bắt viện trưởng và viện phó cơ quan này.
Theo tờ Thanh Niên hôm 16 Tháng Sáu, danh tính hai người mới bị bắt là Lê Văn Hùng, viện trưởng và người phó Nguyễn Thành Công.
Viện Pháp Y Tâm Thần Trung Ương Biên Hòa. (Hình: Lê Lâm/Thanh Niên)
Bản tin không cho biết sai phạm cụ thể của hai ông này, nhưng nhiều phần là cáo buộc về việc lập đường dây tạo hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số bị can, bị cáo được giảm nhẹ án hoặc thoát tội khi ra tòa.
Đáng nói, dự trù vào đầu tuần sau, Bộ Y Tế sẽ cử người vào tiếp quản Viện Pháp Y Tâm Thần Trung Ương Biên Hòa như một cách “thay máu” dàn lãnh đạo tại đây.
Trước đó, liên quan đường dây “chạy” hồ sơ bệnh án tâm thần, ngày 13 Tháng Sáu, Bộ Công An đã bắt ba bác sĩ, một điều dưỡng viên và ông Bùi Thế Hùng, cựu viện trưởng.
Ngoài ra, nhiều bác sĩ, điều dưỡng viên, cán bộ khác của Viện Pháp Y Tâm Thần Trung Ương Biên Hòa bị áp lệnh triệu tập. Một vài người trong số này hiện bị cấm đi khỏi nơi cư trú.
Trong một vụ tương tự, hồi đầu tháng trước, báo VNExpress tường thuật, bị cáo Phạm Ngọc Phượng, cựu giám đốc trung tâm Pháp Y tỉnh Quảng Ngãi bị kết án bốn năm rưỡi tù với cáo buộc “nhận hối lộ” để cấp hồ sơ bệnh án tâm thần cho một số bị can.
Theo tòa, hành vi của ông Phượng “xâm phạm nghiêm trọng đến hoạt động của cơ quan giám định và tư pháp, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của ngành y tế.”
Cũng thời điểm nêu trên, báo Pháp Luật TP.HCM cho hay: “Có nhiều trường hợp mà khi cơ quan chức năng phát giác thì người phạm tội chìa ra giấy chứng nhận bị tâm thần nên thoát tội. Cũng có người đang làm giám đốc, phó giám đốc công ty, ngân hàng… nhưng sau khi bị tòa kết tội thì bỗng họ bị mắc bệnh tâm thần và thường là được điều trị ngoại trú.”
Hồ sơ bệnh án tâm thần có thể giúp các bị can, bị cáo được giảm nhẹ án hoặc thoát tội. (Hình minh họa: Thanh Niên)
Với những trường hợp “chạy” được hồ sơ bệnh án tâm thần, cơ quan thi hành án không thể cưỡng bức bị cáo thi hành án tù cho đến khi họ chữa khỏi bệnh.
Mà việc chữa bệnh tâm thần cho các bị cáo này “kéo rê hết năm này đến năm nọ vẫn chưa biết khi nào thì khỏi.” (N.H.K) [kn]