June 3, 2024
Kim Ngữ
Tin tức từ nguồn thông tin khả tín Lê Nguyễn Hương Trà cho biết nhà báo Huy Đức, Trương Huy San bị bắt và khám xét nhà đã làm những người biết đến ông ngạc nhiên và ngay lập tức tin tức này loan truyền trên mạng xã hội không thua gì vụ Thầy Thích Minh Tuệ bị ngưng tu hạnh đầu đà và những người theo chân thầy bị đuổi về nguyên quán.
Nhà báo Huy Đức, hình chụp tại California, năm 2013. (Hình: Triết Trần/Người Việt)
Hai sự kiện song song tuy tính chất khác nhau nhưng sự quan tâm lại giống nhau đó là chính quyền Việt Nam đang hành xử một cách quyết đoán bất kể nhân vật mà họ nhắm tới là thầy tu hay nhà báo, nếu họ được đông đảo quần chúng mến mộ, theo dõi với số lượng đông đảo.
Nhà báo Huy Đức nổi tiếng khi tác phẩm Bên Thắng Cuộc của ông trở thành một “Icon” khi người ta nói về chế độ mới tại Việt Nam sau khi miền Nam hoàn toàn sụp đổ.
Tác phẩm Bên Thắng Cuộc ra đời như một tài liệu lịch sử được nhà báo Huy Đức bỏ ra nhiều năm tập hợp những cuộc phỏng vấn nhiều khuôn mặt nổi tiếng trong và ngoài nước về diễn biến trong thời gian từ 30 tháng Tư năm 1975 tới cuối thập niên 1990.
Cuốn sách tường thuật lại những sự kiện tại Việt Nam theo góc nhìn của tác giả, đặc biệt là về mặt chính trị và lãnh đạo của đảng CSVN. Sau khi sách được nhật báo Người Việt phát hành tại Mỹ báo chí trong nước phản đối bằng nhiều bài báo trên các tờ báo lớn, tuy nhiên rất nhiều nhà bất đồng chính kiến cho rằng cuốn sách là một tác phẩm trung thực phản ánh lại khuôn mặt thật của nhà cầm quyền sau khi chiến thắng. Bên Thắng Cuộc từ đó được xem như cuốn sách duy nhất được trình bày dưới cái nhìn của một nhà báo chứ không phải là một người viết sử.
Trong lời giới thiệu, Huy Đức viết: “Cuốn sách bắt đầu từ ngày 30-4-1975, ngày nhiều người tin là miền Bắc đã giải phóng miền Nam. Nhiều người thận trọng nhìn lại suốt hơn ba mươi năm, giật mình với cảm giác bên được giải phóng hóa ra lại là miền Bắc. Hãy để cho các nhà kinh tế chính trị học và các nhà xã hội học nghiên cứu kỹ hơn hiện tượng lịch sử này. Cuốn sách của tôi đơn giản chỉ bắt đầu kể những gì đã xảy ra ở Sài Gòn,Việt Nam sau ngày 30-4: cải tạo; đánh tư sản; đổi tiền… Cuốn sách của tôi cũng nói về hai cuộc chiến tranh cuối thập niên 1970, một với Khmer Đỏ và một với người Trung Quốc. Cuốn sách của tôi cũng nói về làn sóng vượt biên sau năm 1975, nói về sự “đồng khởi” của nông dân, của các tiểu chủ, tiểu thương để giành lấy cái quyền được tự lo lấy cơm ăn áo mặc.”
Huy Đức từng nổi tiếng lúc đang làm việc cho tờ Tuổi Trẻ điều tra phanh phui vụ Đường Sơn Quán, một địa điểm ăn chơi nổi tiếng của nhiều cán bộ cấp cao ở Thành Phố Hồ Chí Minh. Với những bài báo khác sau đó đã hình thành nên tên tuổi của ông, đặc biệt ông rất can đảm khi viết bài “Ba Khâu Đột Phá Của Thủ Tướng” viết về những sai trái của Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng nói về chuyện ông Dũng thâu tóm quyền lực cho nhiệm kỳ hai.
Từ bài báo này Huy Đức được độc giả cho rằng ông chống Thủ Tướng Nguyễn tấn Dũng tới cùng khi tiếp tục phanh phui những nhân vật nổi tiếng dưới thời ông Dũng.
Với trào lưu viết Blog càng ngày càng phổ biến, Huy Đức lại một lần nữa nổi tiếng vì trang Blog Osin của ông có số truy cập hạng nhất Việt Nam qua những bài viết độc lập với nội dung thời cuộc và chính kiến. Vì những bài viết của ông trong đó có bài “Biên Giới Tháng Hai” ghi lại những gì thu thập ở biên giới Việt-Trung nhân kỷ niệm 30 chiến tranh biên giới Việt-Trung năm 1979 ông bị báo Sài Gòn Tiếp thị sa thải vào Tháng Tám năm 2009, đồng thời với việc thu hồi thẻ ký giả.
Tuy nhiên ba năm sau, vào Tháng Năm năm 2012, Huy Đức nhận học bổng của Nieman Foundation tại Đại Học Harvard. Trong dịp này ông hoàn tất cuốn sách đã chuẩn bị từ lâu là Bên Thắng Cuộc và phát hành nó tại Mỹ, mở ra một thời kỳ mới cho cả người Việt trong và ngoài nước lẫn giới nghiên cứu lịch sử Việt Nam có cơ hội nhìn lại sự thật mà họ từng bị bưng bít thông tin sau năm 1975.
Sau khi cuốn sách xuất bản và gây tiếng vang lớn, Huy Đức trở về Việt Nam bất chấp những hiểm nguy mà cuốn sách gây ra cho ông, nhưng đáng ngạc nhiên là từ đó đến nay ông hoàn toàn bình thường và tổ chức các hoạt động xã hội như chương trình Nhịp Cầu Hoàng Sa hay Trồng Cây Gây rừng rất thành công cho tới khi bị bắt vào ngày 1 Tháng Sáu, 2024.
Và cộng đồng mạng bắt đầu bàn tán nguyên do khiến ông bị bắt trong đó bài viết mới nhất của ông được lấy ra để chứng minh do ông phản biện Bộ Trưởng Tô Lâm, trước khi nhậm chức chủ tịch nước qua bài ‘Một quốc gia không thể phát triển dựa trên sự sợ hãi’ và bài ‘Những suy nghĩ không rời rạc’ đăng liên tiếp trên trang facebook của ông đã khiến ông Tô Lâm nổi giận và đưa ra quyết định mà hàng chục năm qua ông Lâm không có cơ hội ra tay.
Trong bài “Không có quốc gia nào có thể phát triển bền vững dựa trên sự sợ hãi” Huy Đức viết: “Cơ chế quản lý, đặc biệt là quản lý đất đai, dự án của ta hiện nay rất khó làm đúng. Rất ít ai ở trong hệ thống này đã từng ký tá mà dám tin rằng mình chưa làm gì sai. Hiện thực ấy, đã khiến cho chỉ có rất ít người đang vận hành hệ thống này không phải sống trong sợ hãi. Không chỉ quan chức. Nên tránh những điều luật khiến cho gần như mọi gia đình và phần lớn người dân đều có thể vi phạm. Đừng để thường dân cũng phải luôn nơm nớp, bất an.
Không có quốc gia nào có thể phát bền vững dựa trên sự sợ hãi. Tôi tin là giờ đây, Đại Tướng Tô Lâm sẽ tư duy như một nguyên thủ chứ không phải tư duy như một người nắm chắc Bộ Công An, đặt quyền lợi quốc gia lên trên lợi ích của ngành.”
Ở bài thứ hai ông viết rõ hơn: “… quản trị quốc gia (trong đó có chống tham nhũng) phải bằng thể chế chứ không thể trông chờ vào ‘tấm gương đạo đức’ của một vài cá nhân hay việc bắt bớ, loại bỏ một vài con sâu chúa…” hay “… Những gì ta đang chứng kiến cho thấy, hồn ma ‘pháp luật là ý chí của giai cấp cầm quyền’ đang dần hiện về…”
Người nào theo dõi Huy Đức cặn kẽ sẽ kết luận ông là thân tín của ông Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng qua nhiều bài viết bênh vực chính sách đốt lò hay những hoạt động mà ông Trong thực hiện trong nhiệm kỳ của mình. Từ ý tưởng đó người theo dõi Huy Đức sẽ kết luận sở dĩ ông bị bắt vì thế lực của ông Trọng ngày một suy yếu và phe của ông Tô Lâm đang chiếm từng vị thế một trong bộ chính trị và nhân dịp này họ chặt hẳn tay chân của ông Trọng trước khi bước lên chiếc ghế cuối cùng mà ông Tô Lâm nhắm tới.
Dù nhìn ông dưới lăng kính nào đi nữa thì người ta khó khước từ tài năng làm báo của ông. Ngôn ngữ báo chí của Huy Đức đáng xem là vượt trội nhất Việt Nam hiện nay. Những vấn đề ông đề cập tới luôn thiết thực và quan trọng nhất trong đời sống, nó ảnh hưởng trực tiếp đến người dân bất kẻ vấn đề đó nằm ở lĩnh vực nào. Đáng nói nhất là ông không tránh né, luôn nói lên sự thật cho dù sự thật ấy dẫn ông vào tù ngày hôm nay.