MỘT KHỞI ĐẦU MỚI – Lm. Minh Anh, Tgp. Huế

 (Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông!”.

Không ai trong chúng ta muốn nói với người thân yêu của mình hai tiếng “Tạm biệt!”; càng không ai muốn nói với họ hai tiếng “Vĩnh biệt!”. Chúng ta luôn ao ước nói với họ một lời tin yêu hy vọng, “Hẹn gặp lại!”. “Hẹn gặp lại!”, đó cũng là những gì Chúa Giêsu muốn nói với mỗi người chúng ta trong Chúa Nhật mừng Chúa Lên Trời.

Kính thưa Anh Chị em,

Giữa lễ Phục Sinh và lễ Hiện Xuống, lễ Thăng Thiên – phần nào – khá bị lãng quên. Một điều đáng tiếc! Thăng Thiên không phải là một hành động biến mất ma thuật của Chúa Giêsu như của David Copperfield, ảo thuật gia người Mỹ; đúng hơn, cuộc Thăng Thiên của Ngài, theo một nghĩa nào đó, là ‘một khởi đầu mới’ cho ‘một sự hiện diện mới’, ‘một hoạt động mới’, cũng là khởi đầu ‘một thiên đàng mới’ mà chúng ta đang hướng về.

Khi các môn đệ đang đăm đăm nhìn trời vào lúc Chúa Giêsu được cất lên, sứ thần Chúa hỏi họ, “Hỡi những người Galilê, sao còn đứng nhìn trời?” – bài đọc một. Nghĩa là, việc đứng nhìn trời như vậy, giờ đây, không thích hợp! Vì dẫu trở về với Chúa Cha, Thầy của họ không thực sự rời bỏ, nhưng hiện diện với họ theo một cách thức mới mẻ. Vì thế, ngày mừng Chúa Lên Trời là ngày kỷ niệm ‘một khởi đầu mới’ của một sự hiện diện hoàn toàn mới của Con Thiên Chúa. Đây không phải là một sự kiện đánh dấu hoặc tưởng nhớ cho việc ‘ra đi’ hay cho một sự ‘vắng mặt’ nào đó; đúng hơn, đây là khoảnh khắc bắt đầu cho một sự ‘ở lại’ hoàn toàn mới mẻ của Chúa Cứu Thế.

Từ đó, “Emmanuel” có một ý nghĩa tròn đầy hơn bao giờ hết. Sau khi Chúa Giêsu được cất lên, thánh sử Marcô đã rất ý tứ, “Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông!”. Đây là ý nghĩa cốt lõi của ngày lễ! Chúa Phục Sinh đang ở với các môn đệ, với Hội Thánh, với chúng ta, đang cùng hoạt động trong Thánh Thần của Ngài ngay hôm nay, như Ngài đã ở, đang ở và hoạt động trong hơn 2.000 năm qua. Vì thế, biến cố Thăng Thiên là ‘một khởi đầu mới’ của một nhân loại được cứu, được chữa lành trong Chúa Kitô qua Giáo Hội của Ngài.

Cuối cùng, lễ Thăng Thiên gợi lên ‘một khởi đầu mới’ về ‘một thiên đàng mới’. Trạng thái mà chúng ta gọi là thiên đàng là trạng thái hiệp thông hoàn hảo với Ba Ngôi Thiên Chúa. Chúa Kitô mở ra cho chúng ta cửa ‘thiên đàng’ mà nguyên tổ đã bị đuổi khỏi thuở xưa. Nhờ Ngài, chúng ta tìm thấy ‘la bàn’ cuộc đời; biết nơi mình sẽ đến; ở đó, Mẹ Maria, các thánh, cả triều thần và những người thân yêu đang chờ đợi chúng ta.

Anh Chị em,

“Các tông đồ ra đi rao giảng khắp nơi”. Đức Phanxicô nói, “Lễ Thăng Thiên mời gọi chúng ta ngước mắt lên trời, để ‘ngay lập tức’ quay lại trái đất, thực hiện những gì Chúa Phục Sinh giao phó! Hãy trở thành những ‘người con’ của Lễ Thăng Thiên, những người tìm kiếm Chúa Kitô dọc theo các nẻo đường của thời đại, mang lời cứu độ của Ngài đến mút cùng trái đất. Trên hành trình này, chúng ta gặp gỡ chính Chúa Kitô nơi anh chị em mình, đặc biệt nơi những người đang phải chịu đựng trong thân xác và linh hồn những kinh nghiệm khắc nghiệt, nhục nhã của những hình thức nghèo đói cũ và mới!”.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, Chúa về trời, con vào đời. Đừng để con mất phương hướng vì đã đánh mất ‘la bàn Giêsu!’”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

From: KimBang Nguyen 

 ***************

CHÚA NHẬT VII PHỤC SINH, CHÚA THĂNG THIÊN, NĂM B

Bài trích thư của thánh Phao-lô tông đồ gửi tín hữu Ê-phê-xô.

17 Thưa anh em, tôi cầu xin Chúa Cha vinh hiển là Thiên Chúa của Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng ta, ban cho anh em thần khí khôn ngoan để mặc khải cho anh em nhận biết Người. 18 Xin Người soi lòng mở trí cho anh em thấy rõ, đâu là niềm hy vọng anh em đã nhận được, nhờ ơn Người kêu gọi, đâu là gia nghiệp vinh quang phong phú anh em được chia sẻ cùng dân thánh, 19 đâu là quyền lực vô cùng lớn lao Người đã thi thố cho chúng ta là những tín hữu. Đó chính là sức mạnh toàn năng đầy hiệu lực, 20 mà Người đã biểu dương nơi Đức Ki-tô, khi làm cho Đức Ki-tô trỗi dậy từ cõi chết, và đặt ngự bên hữu Người trên trời. 21 Như vậy, Người đã tôn Đức Ki-tô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. 22 Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Đức Ki-tô và đặt Người làm đầu toàn thể Hội Thánh ; 23 mà Hội Thánh là thân thể Đức Ki-tô, là sự viên mãn của Người, Đấng làm cho tất cả được viên mãn.

Kết thúc Tin Mừng Chúa Giê-su Ki-tô theo thánh Mác-cô.

15 Khi ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông rằng : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. 16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án. 17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin : nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. 18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ.”

19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. 20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.


 

Được xem 6 lần, bởi 4 Bạn Đọc trong ngày hôm nay