May 5, 2024
Năm 1967 sau khi thi đậu Tú Tài I, tôi đến văn phòng quận Châu Thành, tỉnh Đinh Tường (Mỹ Tho) để khai “Lược Giải Cá Nhân,” một giấy chứng nhận rất quan trọng để sau này đình kèm theo đơn xin dự tuyển vào các trường cao đẳng hay đại học.
Cô nhân viên văn phòng quận giải thích đơn giản và thực tế hơn “em thuộc tài nguyên sĩ quan,” cô bảo chờ chút xíu, đợi ông Phó Quận ký tên. Đó là lần đầu tiên tôi biết anh Lê Tấn Trạng.
Từ sau đó, tôi mới bắt đầu tìm hiểu và biết về ông Phó Quận, còn rất trẻ với những hoạt động gây chú ý trong giới học sinh, ông là người vận động thành lập đoàn “Văn Sinh Đất Lành” quy tụ hầu hết các học sinh trung học trong tỉnh để phát động các phong trào dọn vệ sinh đường phố Mỹ Tho vào những dịp nghỉ lễ hay cuối tuần, thành lập ban văn nghệ trình diễn trong các buổi cắm trại của học sinh …
Hầu như giới trẻ ở Mỹ Tho lúc bấy giờ rất ngưỡng mộ ông Phó Trạng, rất bình dân và gần gũi với mọi thành phần trong xã hội. Đặc biệt là hiếm khi sử dụng công xa, anh thường di chuyển, đi lại bằng chiếc xe gắn máy đàn ông hiệu Honda, đời cũ màu đen.
Ngoài các sinh hoạt văn nghệ, xã hội, đoàn Văn Sinh Đất Lành còn là một tổ chức khuyến học duy nhất tại Mỹ Tho có thuyết trình, hướng dẫn chi tiết cho học sinh biết về các trường cao đẳng và đại học ở Sài Gòn, có những điều kiện như thế nào để thi tuyển nhập học. Lần đầu tiên tôi mới biết, muốn làm Phó Quận thì học ở trường nào, thời gian mấy năm và có gì hay hơn so với bác sĩ, dược sĩ hay kỹ Sư.
Anh nói: “Học ngành nào cũng được, miễn mình thích là tốt nhất.”
Hai năm sau, tôi thi đậu vào Học Viện Quốc Gia Hành Chánh, ban Đốc Sự khóa 17 và gặp lại anh Trạng vừa mới thất cử nghị viên Hội Đồng tỉnh Định Tường, bèn về trường ghi danh theo học Cao Học khóa 6.
Xin được nói thêm về điều này, anh Trạng tốt nghiệp Đốc Sự khóa 11 với thứ hạng cao nên được quyền ưu tiên, khỏi thi, về học ban Cao Học kể từ sau hai năm ra trường.
Tuy là Phó Quận nhưng khi ra ứng cử chức nghị viên anh thua hai ứng cử viên khác là ông xã Huỳnh, rất khôn ngoan trong chiến dịch tranh cử, ông lấy dấu hiệu tranh cử là chiếc nón lá, và kín đáo phát cho dân chúng trong địa phương. Ngay ngày bỏ phiếu ông còn cho rải nón lá hai bên đường ở địa điểm bầu cử để nhắc nhở cử tri. Người thứ hai là chỉ huy trưởng Thám sát tỉnh, Huỳnh Hoa. Điều này nói lên sự công bằng và giá trị thật sự của lá phiếu bầu cử.
Mặc dù đã về trường học lại, nhưng hình như là anh đang chuẩn bị cho một cuộc bầu cử khác, chúng tôi ở chung với nhau trong ký túc xá của học viện.
Chưa đầy sáu tháng theo học lớp Cao Học 6, anh nói với tôi là sẽ trở về Mỹ Tho ra tranh cử chức dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho. Tôi im lặng vì thấy hơi khó, vì vừa mới thất cử nghị viên chưa đủ thời gian chuẩn bị lấy lại tinh thần, hơn nữa ứng cử viên tranh chức dân biểu thị xã Mỹ Tho lại là người bà con của bà Thiệu (Phu nhân Tổng Thống), lúc đó đang là Chánh Sở Học Chánh tỉnh Định Tường.
Ông Lê Tấn Trạng. (Hình: tác giả cung cấp)
Anh nói: “Hai phương diện bầu cử khác nhau, hai thành phần cử tri cũng khác nhau, một là vùng dân cư hỗn hợp, và một là vùng dân cư tương đối có trình độ chọn lọc. Thị xã Mỹ Tho có truyền thống chuộng người trí thức và cử tri biết đến các hoạt động của một ông Phó Quận nhiều hơn.
Thật vậy, năm 1971 anh Trạng đắc cử chức dân biểu đơn vị Thị xã Mỹ Tho một cách vẻ vang, mặc dù đối phương được sự ủng hộ tối đa của chính quyền, cụ thể là nhân viên công lực vận động đến gõ cửa từng nhà trong thị xã. Nhưng anh Trạng có các đoàn thể học sinh (Văn Sinh Đất Lành), nghiệp đoàn lao động, nhất là đảng phái đang lên lúc bấy giờ (Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến) nhiệt tình ủng hộ, các em học sinh đi gõ cửa từng nhà, mang biểu ngữ vận động tranh cử dán khắp thị xã.
Tại diễn đàn Hạ Nghị Viện, anh Trạng có tài hùng biện và được bầu làm Tổng Thư Ký khối Dân Quyền (đối lập) mà đa số trong đó là thành viên của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Anh là tiếng nói mạnh mẽ về các chương trình dân sinh và tranh đấu cho người dân bị ức hiếp. Điển hình qua vụ kiện tham nhũng nổi tiếng trên cả nước được mệnh danh là “Ông già Bến Tranh.”
Vụ án như thế này, ông già Bến Tranh tên thật là Lê Văn Duyên, người dân xã Tân Lý Tây, Bến Tranh (Định Tường) khởi kiện ông quận trưởng tham nhũng và hối mại quyền thế, bức hại dân lành có chứng cớ, nhưng cấp trên không xét xử thỏa đáng nên ông đã lên tận Sài Gòn nhờ các cơ quan công quyền giúp đỡ.
Lúc bấy giờ phong trào chống tham nhũng đang rầm rộ qua các phương tiện truyền thông, báo chí nên đã làm lung lay chiếc ghế của ông Quận trưởng. Để bảo vệ, ông quận cho người ngầm cảnh cáo ông Duyên, nhưng không có kết quả. Sau cùng, ông Duyên bị ám sát chết tại nhà, không bắt được thủ phạm.
Sự việc gây chấn động trong cả nước, và anh Trạng vào cuộc, đòi công lý cho ông Duyên, mặc dù cũng có lời hăm dọa của kẻ thủ ác. Thời gian kéo dài, có lúc gần như vô vọng vì các thế lực yểm trợ cho ông quận trưởng rất lớn, nhưng dân biểu Lê Tấn Trạng đã kiên trì tranh đấu bằng nhiều phương tiện hợp pháp để đưa vụ kiện ra ánh sáng.
Cuối năm 1974 sự thật được phanh phui, bắt được hai kẻ sát nhân, và ông quận trưởng bị giáng cấp, bị bắt giam vào Quân Lao ở Cần Thơ chờ ngày ra tòa lãnh án.
Sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975, nhóm dân biểu thuộc thành phần thứ ba, thân cộng như Hồ Ngọc Nhuận, Ngô Công Đức, Dương Văn Ba tiếp xúc và can thiệp với chính quyền mới cho một số đồng viện được cải tạo tại chỗ, ngắn ngày trong đó có dân biểu Lê Tấn Trạng.
Mặc dù được chính Mai Chí Thọ ngưỡng mộ qua vụ án ông già Bến Tranh, gợi ý anh nên tham gia vào tổ chức Mặt Trận Tổ Quốc cùng với dân biểu Hồ Ngọc Nhuân, nhưng anh từ chối và trở về quê sinh sống như người dân thường.
Cho đến Tháng Mười năm 1976, anh Trạng bị bắt trong đêm tại nhà, làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh vì tội tham gia tổ chức “Sư Đoàn Tiền Giang” chống lại cộng sản đương thời.
Tháng Tám năm 1977 cộng sản mở một phiên tòa tại Mỹ Tho xử một vụ án âm mưu lật đổ chính quyền, tổ chức có danh xưng là “Sư Đoàn Tiền Giang.” Tuy luôn luôn nói là công khai nhưng không có thân nhân bị cáo tham dự, cũng như không có phóng viên báo chí theo dõi hay tường thuật, kể cả báo chí trong nước. Phiên tòa chỉ đọc cáo trạng trong khoảng hơn hai giờ đồng hồ. Không có luật sư bào chữa, nhân viên pháp lý cũng như bồi thẩm nhân dân đều do chính quyền chỉ định.
Tất cả bị can không có kháng án. Hoàng Văn Ngãi, tư lệnh sư đoàn, tử hình. Hai anh em Trương Văn Thân (Bí danh Trần Minh Dũng), tham mưu trưởng và Trương Văn Dậy (Mười Dậy) chỉ huy trưởng khu căn cứ Long An, mỗi người lãnh án 10, và 20 năm tù khổ sai.
Khoảng hơn 20 người khác bị kết tội phản động và lãnh án từ năm đến 10 năm tù giam. Tất cả đều bị bắt tại nhà Trần Minh Dũng vào buổi chiều tối ngày 10 Tháng Mười năm 1976 đem về trung tâm Thẩm Vấn (Tân Mỹ Chánh) nhốt vào xà lim hay biệt giam.
Sau đó từng đợt được chuyển lên khám đường cũ ở số 2 đường Lãnh Binh Cẩn, thành phố Mỹ Tho.
Riêng anh Trạng bị biệt giam ở Trại Chấp Pháp cả năm trời, và bị xử kín không có ra tòa cùng với một số người khác, có người cho đến nay không biết còn sống hay đã bị thủ tiêu.
Sau đó, anh được chuyển xuống trại giam mới xây để tiếp tục tạm giam vì cho đến lúc này, công an cũng chưa bắt hết các thành viên của sư đoàn cũng như các cảm tình viên vẫn còn lẫn trốn. Cộng sản qui cho anh là chính ủy của sư đoàn nên canh chừng rất nghiêm ngặt.
Cho đến một ngày, nhờ gia đình lo lót cho cán bộ trại giam, anh được ra ngoài lao động làm cỏ, dọn vệ sinh xung quanh trại giam. Anh có người chị ruột trông duyên dáng và lanh lợi luôn thăm anh ở trại giam, lợi dụng sự tín cẩn của cán bộ, có hôm còn cho phép anh về thăm nhà trong ngày, chị Ba nhanh chóng tổ chức cho anh vượt biển thành công.
Anh không có lập gia đình, sống độc thân cho đến khi qua đời. Ước nguyện của anh, sống không về Việt Nam khi còn cộng sản, chết đem tro cốt về quê cũ làng Tân Hòa Thành, Bến Tranh chôn bên cạnh mồ mả của song thân. Chỉ vậy thôi.
Anh Lê Tấn Trạng qua đời ngày 2 Tháng Năm năm 2024 tại San Diego, CA.
Nhớ đến anh, tôi viết ít dòng về anh trong niềm thương tiếc khôn nguôi. Chúc anh thượng lộ bình an và cám ơn anh đã để lại cho đời tiếng nói vì dân thật mạnh mẽ của một con người yêu nước chân chính.