Thánh Mác-cô-Cha Vương

Chúc bạn và gia đình một ngày tràn đầy sức mạnh và ơn sủng của Chúa. Hôm nay Giáo Hội mừng kính thánh Mác-cô, mừng bổn mạng đến những ai chọn ngài làm quan thầy nhé.

Cha Vương

Thứ 5: 25/04/2024

Thánh Mác-cô là cháu của thánh Bác-na-ba. Người đã đi theo thánh tông đồ Phao-lô trong hành trình truyền giáo lần thứ nhất, và theo đến tận Rô-ma. Người cũng là môn đệ của thánh Phê-rô và là thông ngôn của thánh Phê-rô, đã soạn lời giảng của thánh Phê-rô thành sách Tin Mừng. Truyền thống cho rằng người đã sáng lập giáo đoàn A-lê-xan-ri-a. (Nguồn: Kinh Phụng Vụ)

Những gì chúng ta biết về Thánh Mác-cô thì trực tiếp từ Tân Ước. Ngài thường được coi là nhân vật Mác-cô trong Tông Ðồ Công Vụ 12:12 (Khi Phêrô thoát khỏi ngục và đến nhà mẹ của Máccô).

Phao-lô và Bác-na-ba  muốn đưa Mác-cô đi trong chuyến truyền giáo đầu tiên, nhưng vì một vài lý do nào đó, Mác-cô đã ở lại Giêrusalem một mình. Trong cuộc hành trình thứ hai, Phaolô lại từ chối không muốn đem theo Mác-cô, bất kể sự nài nỉ của Bác-na-ba, điều đó chứng tỏ Mác-cô đã làm phật lòng Phao-lô. Sau này, Phao-lô yêu cầu Mác-cô đến thăm ngài khi ở trong ngục, điều đó cho thấy sự bất hòa giữa hai người không còn nữa.

Là Phúc  âm đầu tiên và ngắn nhất trong bốn Phúc  âm, Mác-cô nhấn mạnh đến việc Ðức Giêsu bị loài người tẩy chay trong khi chính Người là Thiên Chúa. Phúc  âm Thánh Mác-cô có lẽ được viết cho Dân Ngoại tòng giáo ở Rô-ma—sau cái chết của Thánh Phê-rô và Phao-lô khoảng giữa thập niên 60 và 70.

Cũng như các thánh sử khác, Mác-cô không phải là một trong 12 tông đồ. Chúng ta không rõ ngài có biết Ðức Kitô một cách cá biệt hay không. Một số sử gia cho rằng vị thánh sử này đã nói đến chính ngài trong đoạn Ðức Kitô bị bắt ở Giệtsimani: “Bấy giờ một người trẻ đi theo Người chỉ khoác vỏn vẹn một tấm vải gai. Họ túm lấy anh, nhưng anh tuột tấm vải lại, bỏ chạy trần truồng” (Máccô 14:51-52).

Tương truyền thì Mac-cô thành lập Giáo Hội Alexandria (Ai Cập) và chịu tử đạo tại đó năm 68 (bị kéo lê trên đường đá cho đến chết). Thánh tích của ngài được đưa về Venice năm 815. Thành phố Venice, nổi tiếng với quảng trường San Marco, một vương cung thánh đường vĩ đại ở đây được cho là nơi chôn cất thánh nhân. Thánh Mác-cô là quan thầy của thành phố Venice và còn là quan thầy của những người làm nghề gương và các lục sự.

Dấu hiệu của Thánh Mác-cô là con sư tử có cánh, do bởi đoạn Mác-cô diễn tả Gio-an Tẩy Giả như một “tiếng kêu trong hoang địa” (Máccô 1:3), mà các nghệ nhân so sánh tiếng kêu ấy như tiếng sư tử gầm. Ðôi cánh của sư tử là bởi áp dụng thị kiến của Êgiêkien về bốn con vật có cánh cho các thánh sử.

LỜI BÀN: Cuộc đời Thánh Mác-cô đã hoàn tất những gì mà mọi Kitô Hữu được mời gọi để thi hành: rao truyền Tin Mừng cứu độ cho mọi người. Ðặc biệt, phương cách của Thánh Mác-cô là qua sự viết văn. Những người khác có thể loan truyền Tin Mừng qua âm nhạc, nghệ thuật sân khấu, thi văn hay giáo dục con em ngay trong gia đình.

LỜI TRÍCH: Hầu hết những gì Thánh Mác-cô viết đều có đề cập đến trong các Phúc  m khác — chỉ trừ bốn đoạn. Sau đây là một đoạn: “… Chuyện nước trời cũng tựa như chuyện một người vãi hạt giống xuống đất. Ðêm hay ngày, người ấy có ngủ hay thức, thì hạt giống vẫn nẩy mầm và mọc lên, bằng cách nào, thì người ấy không biết. Ðất tự động sinh ra hoa màu: trước hết cây lúa mọc lên, rồi trổ đòng đòng, và sau cùng thành bông lúa nặng trĩu hạt. Lúa vừa chín, người ấy đem liềm hái ra gặt, vì đã đến mùa” (Máccô 4:26-29).

(Nguồn: Người Tín Hữu)

From: Do Dzung

Được xem 14 lần, bởi 8 Bạn Đọc trong ngày hôm nay