Việt Nam chi $24 tỷ giải cứu ngân hàng SCB của Trương Mỹ Lan

Ba’o Nguoi-Viet

April 17, 2024

SÀI GÒN, Việt Nam (NV) – Hãng tin Reuters vừa tiết lộ chính phủ Việt Nam thực hiện cuộc giải cứu $24 tỷ “chưa có tiền lệ” cho ngân hàng SCB.

Theo phán quyết của Tòa Án ở Sài Gòn mới đây, ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát, và do bà này nắm quyền kiểm soát.

Ngân hàng SCB thuộc sở hữu của bà Trương Mỹ Lan, chủ tịch tập đoàn Vạn Thịnh Phát. (Hình: Saigon Times)

Bản tin hôm 17 Tháng Tư của Reuters dẫn nguồn ba tài liệu ngân hàng và một người ẩn danh có quyền truy cập tài liệu, cho hay, chính phủ Việt Nam trong tình thế nếu không bơm tiền cho vay, SCB “sẽ sụp đổ,” nhưng nếu cứ bơm tiền thế này, kho bạc nhà nước “sẽ dần cạn kiệt.”

Các tài liệu mô tả tình huống này là “chưa có tiền lệ” về khối lượng tiền mặt khổng lồ được bơm vào, cũng như cho thấy quy mô thiệt hại tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính Việt Nam.

Theo tuyên bố của Ngân Hàng Nhà Nước Việt Nam, dự trữ ngoại hối đạt khoảng $100 tỷ vào hồi cuối năm ngoái. Tuy vậy, tính đến đầu Tháng Tư, cơ quan này đã phải bơm $24 tỷ “khoản vay đặc biệt” vào SCB.

Theo tài liệu, tốc độ bơm tiền vào SCB hiện đã “chậm lại một chút” nhưng đạt bình quân hơn $900 triệu mỗi tháng trong vòng năm tháng qua.

Bản tin cho biết thêm, giới chức Ngân Hàng Nhà Nước, Bộ Tài Chính, cũng như SCB đều từ chối bình luận về thông tin nêu trên.

Đáng lưu ý, khoản bơm tiền mặt vào SCB được ghi nhận lên tới 5.6% sản lượng kinh tế hằng năm và tương đương 1/4 dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Ngân Hàng Nhà Nước đưa SCB vào diện giám sát đặc biệt để ngăn chặn tình trạng tháo chạy khỏi ngân hàng sau vụ bắt giữ bà Trương Mỹ Lan hồi Tháng Mười, 2022.

SCB được ghi nhận sử dụng số tiền được bơm vào để chi trả cho việc rút tiền mặt, theo một báo cáo mà nhà băng này gửi Ngân Hàng Nhà Nước hồi Tháng Mười Một năm ngoái.

Sau khi bị Ngân Hàng Nhà Nước kiểm soát, lượng tiền gửi tiết kiệm tại SCB đã giảm 80% xuống còn khoảng $6 tỷ, tính đến Tháng Mười Hai cùng năm.

Dự báo với tốc độ hiện tại, SCB có thể hết sạch lượng tiền gửi của khách hàng vào giữa năm nay trong lúc nợ xấu đã tăng lên 97% dư nợ tín dụng của nhà băng này.

Bà Trương Mỹ Lan bị kết án tử hình trong phiên tòa xử vụ án Vạn Thịnh Phát vừa diễn ra tại Sài Gòn. (Hình: ZNews)

Tại phiên tòa xử vụ Vạn Thịnh Phát, bà Lan đã không nhận tội “tham ô” và “đưa hối lộ” dù bị cáo buộc bòn rút khoản vay $12.5 tỷ từ SCB cho các công ty vỏ bọc trong khi kiểm soát nhà băng thông qua các bên do bà này ủy quyền.

Cũng theo Reuters, bất chấp sự giám sát của Ngân Hàng Nhà Nước, tính đến Tháng Mười Hai năm ngoái, SCB vẫn tiếp tục gặp vấn đề về thanh khoản và phải vật lộn để giải quyết các khoản thanh toán đúng hạn khi khách hàng chuyển tiền sang các ngân hàng khác, cũng như xử lý các khoản chi qua hệ thống thanh toán bù trừ chính.

Tình trạng này ảnh hưởng đến “tâm lý” khách hàng và tạo ra rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính ngân hàng.

Lĩnh vực tài chính ngân hàng Việt Nam đang phải đối mặt với rủi ro ngày càng cao do tình trạng bất ổn kéo dài trong lĩnh vực bất động sản. Việc bỏ tù bà Trương Mỹ Lan là một phần trong chiến dịch “đốt lò,” gây ra cuộc khủng hoảng bất động sản, tạo áp lực lên nền kinh tế và làm lu mờ triển vọng của các ngân hàng.

Các báo ở Việt Nam cho biết Ngân Hàng Nhà Nước và chính phủ đã nhiều lần tìm kiếm sự giúp đỡ cho SCB từ khu vực tư nhân, nhất là kêu gọi các nhà đầu tư ngoại quốc, bất chấp những hạn chế như trần 30% về vốn sở hữu ngoại quốc.

Hồi cuối năm ngoái, Ngân Hàng Nhà Nước giao cho tập đoàn bất động sản Sungroup lập kế hoạch tái cơ cấu SCB nhưng hiện chưa rõ liệu kế hoạch này có được thông qua hay không. (N.H.K) [qd]


 

Được xem 4 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay