VTV Cần Thơ gỡ tên Petrus Trương Vĩnh Ký theo yêu cầu của ‘dư luận viên’

Ba’o Nguoi-Viet

February 16, 2024

CẦN THƠ, Việt Nam (NV) – Mạng xã hội hôm 16 Tháng Hai dấy lên bàn tán xoay quanh việc đài VTV Cần Thơ, thuộc đài Truyền Hình Việt Nam, đột ngột xóa tên học giả, nhà ngôn ngữ học Petrus Trương Vĩnh Ký khỏi chương trình tạp chí Xuân “Năm Rồng Trên Đất Chín Rồng.”

Theo đó, ở phút 4:28 của phóng sự dài 55 phút, nhà đài đục bỏ hình ảnh và tên tuổi của ông Petrus Ký. Đoạn video clip này trên YouTube VTV Cần Thơ cũng đã bị gỡ bỏ.

Hình ảnh ông Petrus Trương Vĩnh Ký trước và sau trên đài truyền hình VTV Cần Thơ. (Hình: Chụp qua màn hình)

Trong kịch bản ban đầu, tên tuổi ông Petrus Ký được nhắc đến trong số các danh nhân lịch sử tiêu biểu của vùng đất “địa linh nhân kiệt,” cạnh những nhân vật như như Bác Vật Lang, Trần Văn Khê, Nguyễn Đình Chiểu, Lương Định Của, Cao Văn Lầu, Lưu Hữu Phước, Trương Định…

Việc VTV Cần Thơ gỡ clip về ông Petrus Ký diễn ra sau khi đài VTV1 cũng của đài Truyền Hình Việt Nam gỡ clip “Khát Vọng Non Sông” về nhân vật này.

Hành động nêu trên của nhà đài được cho là để đáp ứng yêu cầu của giới “dư luận viên” lâu nay cho rằng ông Petrus Ký “có tội nhiều hơn có công.”

Trong số này, trang Facebook “Tifosi” lên tiếng chỉ trích đài VTV cho rằng việc VTV đặt ông Pétrus Ký cùng với những “anh hùng, nhà cách mạng, nhà tư tưởng và yêu nước lớn của dân tộc” là “một sự xúc phạm to lớn.”

Trang này còn cho rằng VTV đã cố gắng “tẩy trắng” cho ông Pétrus Ký, cũng như mô tả đây là “những âm mưu rõ ràng là có ý đồ, như muốn len lỏi bào chữa cho những con người phản bội lại lợi ích quốc gia, dân tộc.”

Liên quan chủ đề nêu trên, Facebooker Nguyễn Huynhthi Ái đặt câu hỏi trên một diễn đàn: “Vậy công-tội của một nhân vật lịch sử được xét như thế nào? Dưới nhãn quan nào? Phải chăng công-tội cần được xét dưới nhãn quan của chính quyền hiện nay?”

Tại Sài Gòn, tượng Petrus Trương Vĩnh Ký trước đây được đặt ở công viên trước Dinh Độc Lập, sau này gọi là công viên 30 Tháng Tư.

Sau biến cố 30 Tháng Tư, 1975, bức tượng được đưa về Bảo Tàng Mỹ thuật TP.HCM.

Theo Wikipedia, đối với báo chí viết bằng chữ Quốc Ngữ tại Việt Nam, ông Pétrus Ký được coi là người tiên phong vì đã sáng lập, làm tổng biên tập tờ báo viết chữ quốc ngữ đầu tiên mang tên Gia Định Báo.

Một phim tài liệu về ông Petrus Trương Vĩnh Ký phát trên VTV1 đài Truyền Hình Việt Nam. (Hình: Chụp qua màn hình)

Ở Sài Gòn trước năm 1975 có tới hai con đường mang tên ông Pétrus Ký với hai tên khác nhau. Đường Petrus Ký của đô thành Sài Gòn nay là đường Lê Hồng Phong ở quận 5 và quận 10, còn đường Trương Vĩnh Ký của tỉnh Gia Định cũ nay là đường Nguyễn Văn Bảo ở quận Gò Vấp.

Hiện nay vẫn còn một con đường mang tên ông tại quận Tân Phú, Sài Gòn. Ngoài ra còn có một trường trung học tư thục mang tên ông ở quận 11, Sài Gòn, và một ngôi trường mang tên ông tại huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre. (N.H.K) [qd]


 

Được xem 3 lần, bởi 3 Bạn Đọc trong ngày hôm nay