Đọc lại Tam Quốc Diễn Nghĩa-Tác Giả: Tăng Quốc Kiệt

Ba’o Dan Chim Viet

Tác Giả: Tăng Quốc Kiệt

Lời nói đầu: để hiểu bài viết này, cần phải đọc qua Tam Quốc Diễn Nghĩa.
Thân tặng bạn hiền Phan Viết Đức, Nguyễn Văn Tạo

Quyển sách nầy, giúp làm sáng tỏ giai đoạn lịch sử thời tam quốc (Nguỵ Thục, Ngô)

Tác giả của Tam quốc diễn nghĩa (TQDN ) là La quán Trung. TQDN là chuyện tiểu thuyết, bảy phần thực, ba phần hư, làm rối loạn lịch sử, chứ không phải sự thật lịch sử, như đa số độc giả lầm tưởng (kể cả tôi). Quyển sách chính sử là Tam Quốc Chí của Trần Thọ sống đời Tấn, sau đời Nguỵ Tào.

Tam Quốc diễn nghĩa tạo ra ấn tượng thật thật, giả giả, làm cho người đọc lẫn lộn thực và hư. Vì là chuyện tiểu thuyết, nên nó đi sâu vào lòng người, hấp dẫn người đọc. Nhưng nếu khéo nhìn, tựa sách có chữ diễn nghĩa, phải hiểu tác giả diễn cái nghĩa theo ý mình, chứ không phải như sự thật đã xảy ra.

Làm sao trách tác giả được! Chỉ nên trách mình đã: bé cái nhầm!

Vài thí dụ:

Chuyện lửa thiêu gò Bác Vọng: không có căn cứ lịch sử về sự hiện diện của Khổng Minh lúc đó.Theo TQDN, Gia Các Lượng ban bố mệnh lệnh cho Quan Vũ, Trương Phi, Quan Bình, Lưu Phong, Bảo Triệu Vân giả thua dụ Hạ Hầu Đôn chạy qua gò Bác Vọng mà châm lửa đốt. Đó là chuyện không thật, Khổng Minh lúc đó còn nằm khểnh ở Long Trung đọc sách, đâu có mặt tại Tân Dã.

Chuyện Quan Vũ qua năm ải, chém sáu tướng: Lại một chuyện bịa khác.Tào tháo, khi hay tin Quan Vũ rời bỏ mình, chạy đi tìm anh là Lưu Bị, đang ở với Viên Thiệu. Hiểu được nổi khổ tâm của ông,Tháo ra lệnh cho các tướng không đuổi theo, vì cảm cái nghĩa khí của Quan Vũ, bất kể sống chết, đi gặp bằng hữu, ngàn năm chỉ có một người (Quan Vũ đả chém tướng Nhan Lương của Viên Thiệu, gặp lại Viên Thiệu, sống chết không biết được)
Chuyện Trương Phi: Theo TQDN, để nói lên tính nóng nảy thô bạo củaTrương Phi, sách nói Trương Phi đánh đốc bưu. Sự thật là chính Lưu Bị đánh đốc bưu 200 côn, nhốt người nầy vào chuồng ngựa, treo ấn từ quan vào cổ đốc bưu, rồi ba anh em dắt nhau đi.

Trương Phi theo chính sử, là một người văn nhã, đẹp trai, con nhà giàu, viết thư pháp cực đẹp, giỏi vẽ tranh mỹ nữ, võ nghệ cũng khá. Con gái Trương Phi cũng đẹp là hoàng hậu của hậu chủ A đẩu.

Theo TQDN, Khổng Minh phân công Quan Vũ phục kích ở Hoa Dung đạo để bắt Tào Tháo, bắt làm tờ cam kết, nhưng sự thật lúc đó, Chu Du đuổi theo Tào, Lưu Bị, Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân cùng đuổi theo Tào ở Hoa Dung đạo nên không hề có chuyện Quan Công tha Tào!

Trong TQDN, cách thức đánh trận như đánh box, ngươi một quyền đánh qua, ta một quyền đánh lại, chỉ là việc biểu diễn vỏ nghệ của hai viên tướng, Nhan Lương đâm tới, Quan vũ một đao chém qua, Nhan Lương đứt đầu, rơi xuống, quân Viên Thiệu vì thế đại bại. Còn quân sĩ làm gì? Đứng coi rồi vổ tay!

Thưa độc giả, quân đội hai bên đánh nhau sao có thể giống như hai kỵ sỹ tỷ vỏ. Tác chiến là dựa vào số đông quân sĩ, bày binh bố trận, sao cho hay, rồi làm thế nào tràn ngập được trận địa địch để chiến thắng. Viết như trên là chưa từng đọc Tôn tử binh pháp.

Trận Xích Bích
TQDN tả đoạn nầy rất linh động, tinh tế, là một thành công trên phương diện văn học, đáng tiếc là rất xa sự thật.

Thứ nhất: không hề có chuyện thuyền cỏ mượn tên, nếu liên quân Tôn Lưu thiếu tên thì còn đánh đấm gì được.

Thứ hai: Khổng Minh Gia Cát Lượng, không từng mượn gió đông, gió đông tự thổi tới, nếu không có gió đông thì kế hoạch hỏa công vẫn có thể thi hành. Hoàng Cái, đem một số chiến thuyền chở cỏ từ thượng lưu bờ nam trường giang, thuận dòng, di chuyển xuống hạ lưu bờ bắc chớ không phải nhờ sức gió.

Thứ ba: Gia Cát Lượng không từng ba lần chọc giận Chu Du, khiến Chu Công Cẩn tức giận thổ huyết mà chết, Chu Du chết là do bị trúng tên. Khổng Minh không phải là người thâm hiểm.

Thứ tư: Chu Du không hề có ý hại Gia Cát Lượng, con người Chu Du hết sức quang minh lỗi lạc, yêu kẻ có tài, lớn hơn Gia Cát Lượng 7 tuổi, Chu Du đã từng khiến lão tướng Trình Phổ lúc đầu chống Chu Du, về sau, hết sức cảm động thốt ra: giao du với Chu Công Cẩn giống như uống rượu ngon, bất giác tự say.

Quá trình diễn ra trận Xích Bích là như sau:

Quân tiên phong của Tào Tháo đóng ở tây nam huyện Gia ngư bờ nam Trường Giang, chạm trán với liên quân Tôn Lưu, phát sinh một trận tao ngộ chiến , quân Tào đại bại, một trong các nguyên nhân là binh sĩ bị bịnh quá nhiều.

Tào Tháo bèn ra lệnh đem cánh quân tiền phong ở bờ nam và quân chủ lực phía sau dời qua bờ bắc, thuyền của Tào rất nhiều, sóng trường giang rất cao: không gió, sóng đã cao ba thước ta (một thước ta = 1/3 metre) nên phải buộc thuyền vào nhau. Hoàng Cái đề nghị Chu Du dùng hỏa công, không có vụ khổ nhục kế Trận Xích Bích có ý nghĩa lịch sữ, nên đổi tên gọi là trận Ô Lâm, ở bờ bắc Trường Giang, Xích Bích ở bờ nam.

Bát trận đồ là gì?

Không phải là mê hồn trận, yếm khí mờ mịt, sự thật chỉ là bản đồ của tám trận thế, chứ không phải là trận thế có tám cửa sinh, tử, v.v.

Là tài liệu dạy các tướng lãnh cao cấp để hướng dẫn họ dùng tám loại trận cơ bản, và cách thay đổi trận thế như thế nào khi bị địch tấn công.

Những tảng đá mà du khách còn thấy là vết tích sót lại của đồn lũy cũ của Khổng Minh chứ không phải là bát trận đồ TQDN cho Khổng Minh lúc nào cũng phe phẩy quạt lông ngay cả mùa đông 208, lúc xảy ra trận Xích Bích là chuyện bịa.

TQDN cũng mô tả, bò gổ, ngựa trôi thành phương tiện vận tải tự động, không cần sức người hoặc sức thú đẫy hoặc kéo. Ai có chút kiến thức vật lý học thì cũng hiểu là chuyện bịa, nó chỉ như xe cút kích để tiết kiệm sức người không hơn không kém, phải do người đẩy mới di chuyển được .

Tôi xin lỗi đã làm nhiều độc giả cụt hứng. Nhưng tôi không bắt ai bỏ đi những kỉ niệm êm đềm thời thơ ấu, mùa hè về quê, nằm dưới bóng vú sữa đọc Tam Quốc diễn nghĩa, ai bắt được ai phải xoá bỏ hình ảnh một Khổng Minh phe phẩy quạt cầu gió đông, giữa mùa đông giá lạnh, hay chễm chệ diễn vở không thành kế không có thật, vì tính ông là người hết sức cẩn thận.

Quan vũ không thể nào không vượt năm ải chém sáu tướng. Lưu Bị phải thường khóc lóc, nếu không thế thì đâu phải là Lưu Dự Châu.

Còn Trương Dục Đức lại là người nho nhả, đẹp trai, tánh tình điềm đạm, vẽ tranh, viết thư pháp, thì đâu phải ông Trương Phi tánh nóng như lửa của tôi nữa!

Quan Công không tha Tào thì làm sao ân đền oán trả?

Hoàng Cái không chịu khổ nhục kế thì còn gì hấp dẫn!

Chu Du không bị chọc tức thì làm sao chết được hỡ trời ?

Nhưng biết làm sao hơn, chính sử khác dã sử, khác tiểu thuyết. Chữ sử của hán tự, gồm chữ trung ở trên và chữ hựu ở dưới, có ý là dùng tay viết ra điều trung thực y như sự thật, có sao viết vậy.

Sự thật dễ gây mích lòng

Phụ bản hai bản đồ trận Xích Bích, tôi tìm được, giúp ích rất nhiều để hiểu rõ trận chiến. Một bản tiếng Anh, một bản dịch ra tiếng việt vì bản tiếng Việt có ba chỗ thiếu sót:

1-Không ghi địa điểm Trường Bản là chỗ mà Trương Phi cầm xà mâu ngăn chận quân Tào thật là hào hùng.

2- Không vẽ đầm lầy quanh Hoa Dung, quan trọng, vì nó giải thích khó khăn, vất vả của Tào Tháo khi chạy vào đường này, phải dùng cỏ rơm lót sình

3- Xiakou bản tiếng Việt dịch là Hán Khẩu thật ra là Hạ khẩu. Bản đồ này quan trọng vì từ trên ta thấy địa điểm Tân Dã, là chỗ Lưu Bị sống 8 năm trường lúc thân sơ thất sở. Kế đó là Phàn Thành, bên kia sông Hán, đối diện Tương Dương, là chỗ Khổng Minh trú ngụ thời chưa rời lều tranh ( Long Trung) Tương Dương , Trường Bản, diễn ra cuộc đại bại của Lưu Bị, Quan Vũ, Lưu Bị, bị Tào Tháo đuổi chạy trối chết tới Hán Tân, rồi cùng Lưu Kỳ ,ba người
cùng chạy tới Phần Khẩu, họp với Chu Du để đánh trận Xích BíchGiang Lăng là chỗ Tào Tháo sau khi thua trận Xích Bích chạy về bằng ngã Hoa Dung.

Sài Tang là chổ Tôn Quyền đóng quân , cũng là nơi Khổng Minh tới du thuyết phe Tôn Ngô để lập liên minh chống Tào tại Xích Bích.

Hi vọng bản đồ này giúp độc giả hiểu rõ hơn trận Xích Bích cùng sự liên hệ giữa sử và địa, để khi đọc lại chuyện tam quốc, các sự kiện trở nên minh bạch dễ hiểu.

Montréal 3/2019

—————————

Tài liệu tham khảo:
Tam quốc diễn nghĩa LA QUÁN TRUNG
Kể chuyện tam quốc LÊ ĐÔNG PHƯƠNG
Chử nho tự học ĐÀO MỘNG NAM


 

Được xem 22 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay