CÁCH MẠNG VĂN HÓA: VĂN HÓA LÀ TAO, TAO LÀ VĂN HÓA!

Lê Vi

CÁCH MẠNG VĂN HÓA: VĂN HÓA LÀ TAO, TAO LÀ VĂN HÓA!

Người Việt chỉ biết Cách mạng văn hóa dưới thời Mao Chủ tịch là cuộc chấn hưng văn hóa long trời lở đất. Nhưng ít ai biết nó long trời lở đất thế nào. Cuộc cách mạng này dùng lực lượng trẻ vị thành niên, gọi là Hồng vệ binh để chống các thế lực thù địch, chống các trí thức, nhà văn hóa, chống luôn cán bộ lãnh đạo cao cấp còn mang tư tưởng văn hóa lạc hậu hay tự diễn biến bởi văn hóa tư sản.

Rất nhiều sự kiện, tình tiết long trời lở đất được ghi nhận từ nhân chứng lịch sử, kể cả trong hồi kí của những người từng là Hồng vệ binh nay đã lão thành. Ở đây chỉ nhắc lại các sự kiện vẫn còn mang tính thời sự.

Ngày 29 tháng 5 năm 1966, đợn vị Hồng vệ binh đầu tiên được thành lập một cách tự phát tại trường trung học thuộc Đại học Thanh Hoa để hưởng ứng đường lối cách mạng “Phá tứ cựu, lập tứ tân” của Chủ tịch Mao. Muốn chấn hưng văn hóa (Lập tứ tân) phải phá bốn cái cũ trước: cựu tư tưởng, cựu văn hóa, cựu phong tục, cựu tập quán. Năm đó, trong lễ khai giảng, Hiệu trưởng Đại học Thanh Hoa tiếp đón một giáo sư danh tiếng của nước ngoài. Lẽ ra Hiệu trưởng tiếp đón theo phong tục tập quán “môn đăng hộ đối”, nhưng một thiếu niên thuộc thành phần bần cố nông đã thay Hiệu trưởng tiếp đón. Đồng chí thiếu niên tiền phong ấy đã xông vào ngạo nghễ đi trên thảm đỏ và hất vị giáo sư kia ra ngoài lề. Nhiều thầy giáo lên tiếng phản đối về hành vi của thiếu niên thì lập tức bị thiếu niên quát lại: “Ai cho phép bọn trí thức, tiểu tư sản chúng mày đi trên thảm đỏ, chiếc thảm mang màu cách mạng? Phải đào tận gốc trốc tận rễ bọn Trí, Phú, Địa, Hào!”. Lập tức cả ngàn học sinh vung tay hô: “Trí, Phú, Địa, Hào, đào tận gốc, trốc tận rễ!” Hiệu trưởng và nhiều thầy cô cho rằng, học trò như vậy là vô lễ, vô văn hóa. Thiếu niên quát: ‘Văn hóa là của chúng mày à? Văn hóa là tao, Tao là văn hóa!”

Ngay lúc đó, đội Hồng vệ binh được thành lập. Buổi lễ trở thành buổi đấu tố các thầy cô ngay trước sân cờ. Hiệu trưởng bị dội lên đầu một xô nước bể phốt. Nhiều thầy cô bị nhốt vào chuồng bò, bắt phải bò như một con bò trong đống phân chuồng nhẫy nhụa. Hồng vệ binh còn sáng tạo ra hình phạt “đi máy bay” (phạm nhân quỳ xuống đất, hai cánh tay đưa ra phía sau làm đôi cánh) để mang lại hứng thú cho các anh hùng xuất thiếu niên.

Ngày 1 tháng 8 năm 1966, Chủ tịch Mao viết thư ngợi khen phong trào Hồng vệ binh ở Đại học Thanh Hoa là cách mạng triệt để và bày tỏ sự “hậu thuẫn nồng nhiệt và tích cực”. Sau đó phát động phong trào Hồng vệ binh toàn quốc, kể cả lệnh nghiêm cấm quân đội, công an can thiệp. Hồng vệ binh có quyền truy quét tận hang ổ bọn phản cách mạng, kể cả trong lãnh đạo cao cấp, trong quân đội và công an, tức không có vùng cấm!

Lưu Thiếu Kỳ, Phó Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, nguyên soái Bành Đức Hoài, Bộ trưởng Bộ Quốc Phòng, Đặng Tiểu Bình, Tổng thư kí Đảng cùng nhiều lãnh đạo cao cấp cũng bị Hồng vệ binh đấu tố, bắt giam và hạ nhục bằng trò “xích chó” và “đi máy bay”.

Sau cái chết của vợ chồng Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và hàng vạn người, cả nước Trung Quốc như rơi vào đại tang. Trong khi Hồng vệ binh được tổ chức ăn mừng và trao huân chương anh hùng. Không khí vui chơi tưng bừng náo nhiệt ngay trong tang lễ. Nhiều trí thức sợ hãi không dám hó hé một câu. Tuy nhiên, trong số các lãnh đạo và trí thức có người lên tiếng, rằng trong lúc đau thương, lẽ ra không nên tổ chức hội hè như vậy. Một lãnh đạo thành phố lệnh dừng mọi cuộc vui, bởi dẫu sao “nghĩa tử là nghĩa tận”. Nhiều người được trang bị Chủ nghĩa Mác – Lê đến tận răng đã viện dẫn Các Mác: “Chỉ có loài súc vật mới quay lưng trước nỗi đau của đồng loại để chăm sóc cho bộ lông của mình”. Lập tức những người đứng đầu Hồng vệ binh, đại diện là đồng chí Lâm Bưu nói: “Đó là bọn đầu trâu mặt ngựa, không phải đồng loại của chúng ta!” Do những người này còn sở hữu quyền lực, cho nên Hồng vệ binh trước khi đấu tố và hành hình đã ra công văn gửi Mao Chủ tịch xử lý trước. Công văn vạch rõ:

“Trong lúc Hồng vệ binh mở tiệc ăn mừng với sự tham dự của Mao Chủ tịch và nhiều Lãnh đạo cấp cao thì bọn phản cách mạng lại nhân danh văn hóa truyền thống tổ chức tang lễ đầy mu ám làm cho Mao Chủ tịch và quý Lãnh đạo cao cấp mất vui. Chúng lợi dụng tử thi của Lưu Thiếu Kỳ và thân xác những kẻ đã chết trong tay Hồng vệ binh ra xuyên tạc, tạo dư luận xấu gây mất uy tín của Mao chủ tịch và Lãnh đạo cao cấp, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với công cuộc Cách mạng văn hóa vĩ đại của chúng ta. Cách mạng phải triệt để, không hữu khuynh. Đề nghị Mao Chủ tịch xử lý nghiêm! Xin kèm theo danh sách bọn phản cách mạng”.

Công văn trên được đọc công khai trên đài phát thanh với tuyên bố: “Tang lễ là thứ văn hóa, phong tục, tập quán cổ lỗ của bọn phong kiến, tư sản phản động, cần loại trừ. Đến lúc phải chấn hưng văn hóa bằng chính văn hóa cách mạng. Đó là văn hóa của ta. Văn hóa là ta, ta là văn hóa!”

Những người lén lút phản đối công văn trên đều bị Hồng vệ binh phát hiện và thanh trừng thẳng tay. Sau đó nhà nào làm tang lễ cho người quá cố cũng đều bị Hồng vệ binh tấn công phá cả quan tài lẫn cờ phướn. Có người lỡ mồm nói: “Cách mạng văn hóa gì mà bạo lực như côn đồ vô văn hoá vậy?” Lập tức người ấy bị xử phạt và bị xích như xích chó. Mao Chủ tịch lại ngợi khen và Hồng vệ binh được nước xin Mao Chủ tịch ký chi 350 ngàn tỉ tệ cho cuộc đại chấn hưng văn hóa của Hồng vệ binh, bất chấp 22 triệu người dân chết vì đói. Bọn dân đói chết càng nhiều thì chiến dịch “xoá đói giảm nghèo” càng nhanh thắng lợi.

Việc xưa xem xét, chứng cứ còn ghi. Không khí Cách mạng văn hóa vẫn còn hừng hực cho đến bây giờ, dù Hồng vệ binh được Chủ tịch Mao điều về nông thôn và tự giải tán vào tháng 12 năm 1968. Một số Hồng vệ binh sau này trở thành chỉ huy tác chiến không gian mạng.

Vinh quang Hồng vệ binh!

Chu Mộng Long

——

Hình ảnh của Tân hoa xã:

Được xem 2 lần, bởi 2 Bạn Đọc trong ngày hôm nay