Diễn biến hòa bình
Chủ nhật, 11-9-2023
Hi! Lò đốt cháy tới tận cửa hang rồi! Cũng phải suy tính: ae như Nga-Ukraine, liền núi liền sông, biển như Việt-Trung ngày nào cũng lên tiếng lấn chiếm? Đi lòng vòng 70 năm, 40 năm, 50 năm rồi cũng quay lại Tư bản hoang dã!!! [bạn này nhầm. Tư bản kiểu Âu Mỹ hiện nay đâu còn là tư bản hoang dã – BVN].
Đúng vậy, diễn biến là quy luật mà Tạo Hóa đã định cho bất cứ sự vật, sự việc gì, không có ngoại lệ, dầu con người muốn hay không. Vậy thì hãy thúc đẩy diễn biến trong hòa bình, chẳng lẽ lại muốn diễn biến trong chiến tranh?
Bài viết rất nhẹ nhàng này của Huy Đức có sức công phá của một chiếc búa tạ đấy.
*****
Nhân Tổng thống J. Biden đến Việt Nam, ông Nguyễn Cảnh Bình gửi tặng tôi một bộ 5 cuốn sách; sách lịch sử và các kiến thức về nền dân chủ Mỹ.
Nhớ, đầu năm 2002, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn dịch bài viết “Thế nào là dân chủ”, đăng trên website của Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam rồi phổ biến bằng cách gởi cho Ban chấp hành Trung ương. Ngày 6-3-2002, ông viết bài “Những tín hiệu đáng mừng cho dân chủ tại VN”, gửi TBT Nông Đức Mạnh và các cơ quan báo chí.
Hai mươi mốt ngày sau, 27-3-2002, Bác sĩ Phạm Hồng Sơn bị bắt. Tháng 6-2003, ông bị tuyên án 13 năm tù [phúc thẩm giảm xuống còn 5 năm tù và 3 năm quản chế].
Những gì mà Bác sĩ Phạm Hồng Sơn viết 20 năm trước so với những gì chúng ta nói và viết hôm nay về phương Tây và những giá trị Mỹ; so với bộ sách mà ông Nguyễn Cảnh Bình viết, dịch và xuất bản tại Việt Nam, mới thấy, Việt Nam đã đi một chặng đường xa lắm.
Tất cả những sự thay đổi ấy đều diễn ra trong hòa bình.
Ông Nguyễn Phú Trọng được bầu bổ sung vào BCH Trung ương tháng 1-1994, tại Đại hội Đảng giữa nhiệm kỳ. Đây là Đại hội đã đưa ra “bốn nguy cơ”, theo đó, những nhà cải cách, tiêu biểu là Thủ tướng Võ Văn Kiệt nhấn mạnh “nguy cơ tham nhũng” và “nguy cơ tụt hậu”. Các nhà lý luận truyền thống của Đảng nhấn mạnh “nguy cơ chệch hướng” và “nguy cơ diễn biến hòa bình”.
Các nhà lý luận, những người đưa ra “nguy cơ chệch hướng”, “nguy cơ diễn biến hòa bình”, hẳn không thể hình dung được, chiều 10-9-2023, ông Nguyễn Phú Trọng – một nhà lý luận, một TBT của Đảng – bắt tay Tổng thống Mỹ và coi nhau là “Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững”.
Ba mươi năm trước, những người đưa ra “nguy cơ chệch hướng”, “nguy cơ diễn biến hòa bình”, hẳn không thể hình dung, có ngày, Quốc hội Việt Nam từng phải nhóm họp sửa hàng trăm điều luật để đưa Việt Nam hướng tới những giá trị phổ quát, tương thích với “luật chơi” của “phương Tây” và Mỹ [theo cam kết BTA và WTO].
Trong cuốn sách xuất bản hồi tháng 6-2023, khi bàn về “Đường lối Quân sự, Chiến lược Quốc phòng…”, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đặt ra 13 câu hỏi, trong đó, ông yêu cầu làm rõ, chiến tranh trong tương lai thì “Đối tác, đối tượng là ai? Ai sẽ là đồng minh tin cậy của Việt Nam?”
Không rõ, 13 câu hỏi ấy liên quan gì tới việc ngày hôm qua, Mỹ trở thành “đối tác chiến lược và toàn diện”. Những người không theo kịp diễn biến hòa bình, hẳn sẽ rất ngạc nhiên khi Đảng phải trăn trở để xác định, ai là đồng minh, ai là “đối tượng” của chiến tranh, chứ không phải hiển nhiên như họ nghĩ.
Theo Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, người chấp bút phần III của cuốn sách, thì Tổng bí thư đã tự trả lời 13 câu hỏi này [Có lẽ vì cuốn sách của Tổng bí thư xuất bản công khai nên đã không nêu chi tiết phần ông tự trả lời 13 câu hỏi mà ai cũng tò mò muốn biết].
Nâng quan hệ Việt – Mỹ lên ngang tầm với những đồng minh cũ chắc chắn không chỉ có ý nghĩa chính trị. Nhưng, nó có thực sự trở thành cơ hội [hiện đại hóa quân đội, cải cách thể chế, bắt quan tham rửa tiền ở nước ngoài…] hay không, tùy thuộc rất nhiều ở Việt Nam; tùy thuộc vào não trạng của những thế hệ đang và sẽ nắm quyền trong Đảng.
Tháng 3-2023, theo sáng kiến của nhà báo Lê Thanh Tâm, một đồng nghiệp xưa ở Tuổi trẻ, chúng tôi trở lại miền Tây Nghệ An. Cha tôi cũng như cha của Thanh Tâm Lê cuối thập niên 1950s, đều đi xây dựng các “nông trường quốc doanh”, xây dựng những mô hình trình diễn xã hội chủ nghĩa trên miền Bắc.
Cả cha tôi và cha của Tâm đều thất bại.
Trong khi đó, phần đất những nông trường mà cha của Tâm làm Giám đốc trước đây giờ là những nông trang tư nhân. Những nông trang hiện đại hơn họa báo Liên Xô và và đẹp hơn rất nhiều so với những gì mà cha chúng tôi mơ ước. Tôi nói với Lê Thanh Tâm, “Đây có thể là xã hội chủ nghĩa trong mơ của cha chúng ta. Nhưng, sở dĩ ngày nay ‘xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa’ trên nền đất cũ là nhờ từ bỏ cái chủ nghĩa xã hội mà cha chúng ta theo đuổi”.
Năm 2014, Bộ trưởng Trương Đình Tuyển [lúc ấy đang tham gia đàm phán TPP] đề cập tới ba trụ cột cho Việt Nam phát triển: Kinh tế thị trường, Nhà nước pháp quyền và Xã hội dân sự. Ông Tuyển nói: “Tôi cảm thấy hiện nay chúng ta sợ cái từ ‘xã hội dân sự’ giống như sợ cái từ ‘kinh tế thị trường’ thời trước đổi mới, đó là điều rất là vô lý” [Đại hội VI nói là “phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần”].
Tôi nghĩ, nội hàm của “xã hội chủ nghĩa” trong “định hướng” là xây dựng một chế độ mang lại cho dân phúc lợi nhiều hơn chứ không phải tập trung quyền lực cho Đảng nhiều hơn.
Không thể có một nhà nước phúc lợi nếu không có kinh tế thị trường lành mạnh và hiệu quả. Và, không có xã hội dân sự và nhà nước pháp quyền thì chỉ có tư bản hoang dã chứ không thể có kinh tế thị trường. Nếu Việt Nam đi theo “định hướng xã hội chủ nghĩa” với nghĩa công bằng hơn, phúc lợi nhiều hơn thì ai chống nhà nước pháp quyền, chống xã hội dân sự phải coi là đang chống “định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Bản chất của công cuộc đổi mới mà Việt Nam bắt đầu từ năm 1986 là từng bước từ bỏ mô hình Xô Viết. Sự thay đổi, đặc biệt là từ sau Cương lĩnh phát triển Kinh tế xã hội đến năm 2000 [Đại hội VII] và Hiến pháp 1992, là thay đổi về chất; là không phải “chệch” mà không còn đi theo “hướng” cũ.
Cho dù, xã hội dân sự đang lệ thuộc vào “máy thở”, nhà nước vẫn đang loay hoay tìm pháp quyền, thị trường còn rất chợ búa, Đất nước đã lột xác. Các tác giả của Đường lối đổi mới Đại hội VI và ngay cả tác giả của Cương lĩnh 2000 chắc chắn không hình dung được đích đến của Việt Nam hôm nay. Sự lột xác đó tuy chậm nhưng diễn biến hòa bình.
Không thay đổi thì Việt Nam sẽ tiếp tục bị nhấn chìm trong tham nhũng và sẽ càng tụt hậu. Thay đổi cũng là cách duy nhất để tránh tao loạn, bạo lực. Với một quốc gia mà tới năm 1989 vẫn còn chiến tranh, hòa bình là thiêng liêng, phát triển trong diễn biến hòa bình là may mắn nhất.