Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
“Chiếm được đức khôn ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa,
và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban.”
(Kn 7: 14)
Con người là gì?
Có nhiều định nghĩa và nhiều ý kiến khác nhau. Nhưng Kính Thánh bảo cho chúng ta biết rằng “con người được dựng nên GIỐNG HÌNH ẢNH Thiên Chúa.”
Vì được dựng nên giống hình ảnh của Thiên Chúa, nên con người được phú ban cho lý trí để hiểu biết và ý chí tự do để đưa ra những chọn lựa.
Với những đặc tính siêu việt của lý trí và ý chí đã làm cho con người trở nên độc đáo và có một phẩm giá cao quý. Vì được dựng nên giống HÌNH ẢNH của Thiên Chúa, nên con người với khối thân thác lù lù ra đó, chứa đựng những vật chất như những vật khác ở trong trái đất xinh đẹp này, nhưng đồng thời, lại ẩn chứa bên trong nó khả năng siêu việt, có khả năng tưởng tượng, suy nghĩ vượt không gian và thời gian. Do đó, khi đối diện với một con người, thì con người không chỉ là vật chất, mà còn chất chứa cả tinh thần trong con người đó. Con người không chỉ là một VẤN ĐỀ (problem) để xử lý, để giải quyết, nhưng trong cái thân xác vật chất ấy còn chứa đựng cả tinh thần, nên nó còn cả là một HUYỀN NHIỆM. Vì chứa đựng HUYỀN NHIỆM nên chỉ chiêm ngắm, và đón nhận người khác với tâm tình tạ ơn, thờ phượng vì công trình tạo dựng thật kỳ diệu của Thiên Chúa.
Tuy nhiên, thay vì đón nhận chính mình và tha nhân như là những HUYỆN NHIỆM được Thiên Chúa dựng lên bằng tình yêu lạ lùng và cao vời khôn ví, con người chúng ta, thường thích CHÊ BAI những điểm mình không ưng ý về người khác. Khi chê bai, mà không phải là góp ý xây dựng, vô tình hay hữu ích chúng ta đang chê bai sự tạo dựng không hoàn hảo của Thiên Chúa. Ta muốn dạy cả Thiên Chúa! Ghê thật! Thánh Giacôbê thì lên án gay gắt rằng “ai cho mình đạo đức mà không kiềm chế miệng lưỡi, là tự đối lòng mình, vì đó chỉ là thứ đạo đức hão” (Gc 1: 26). Từ kinh nghiệm thức tế hơn, một nhà xã hội học viết “Người độc hại là người tạo ra những bất ổn, chỉ tay, đổ lỗi, và không bao giờ nhận trách nhiệm cho những hành động của họ”(Toxic people create chaos, point fingers, shift blame, and never take responsibility for their actions).
Chuyện kể rằng:
Ngày xưa có một ông họa sĩ và ông muốn truyền nghề cho người học trò của mình. Người học trò rất sung sướng nhận lời thầy.
Ông thầy nói với người học trò: Con hãy vẽ một bức tranh đẹp nhất trong khả năng con có thể, rồi mang đến đây cho thầy xem.
Sau đó một thời gian, người học trò mang tác phẩm của mình đến cho thầy và nói: đây là bức tranh tâm huyết nhất mà con đã dày công để có được.
Ông thầy nói: “Trò hãy mang bức tranh này đi treo ở trung tâm thành phố, đặt một cây bút chì ở bên cạnh và ghi rõ: “Nếu ai tìm được điểm sai thì hãy đánh dấu chỉ giúp tôi.”
Người học trò vui vẻ làm theo lời thầy vì nghĩ rằng bức tranh quá đẹp, sẽ không có chỗ nào bị ghi dấu.
Một tuần sau, người học trò đến nói với thầy rằng: “Thầy ơi! Con muốn bỏ cuộc vì bức tranh tâm huyết của con có cả nghìn người đánh dấu.”
Ông thầy liền bảo: “Con hãy vẽ lại một bức tranh giống y chang như vậy, và đặt lại chỗ cũ. Nhưng lần này con hãy ghi dòng chữ: “Nếu bức tranh bị sai thì hãy sửa lại giúp tôi.”
Một tuần sau nữa, người học trò lại đến và nói rằng: “Thầy ơi lạ thật! Sao không có ai sửa cho con cả?”
Bây giờ người thầy mới nhẹ nhàng nói: “Dù việc con làm giá trị đến đâu, nhưng vẫn có hàng triệu người sẵn sàng vạch lá để tìm sâu, để chê bai việc con làm. Nhưng để tìm một người dám dấn thân để hành động thì khó lắm con ạ, vì họ sợ người khác cũng sẽ chê bai họ.”
Con người rất hăng say trong việc tìm ra lỗi sai của người khác, nhưng lại ít khi có đủ lòng tốt để sửa những sai sót đó, và càng ít người dũng cảm để bắt tay vào làm những điều mà họ yêu cầu người ta phải làm.
Lắng nghe những lời góp ý, chia sẻ, hướng dẫn từ tha nhân là cần thiết để chúng ta phát triển tốt nhất những ý định của Thiên Chúa về mình. Nhất là lắng nghe lời chỉ dạy đến từ Thiên Chúa, nên Sách Khôn Ngoan dạy rằng “Chiếm được đức khôn ngoan là được nên bạn hữu với Thiên Chúa, và được Người tin cậy, vì đã tiếp nhận những lời dạy dỗ bảo ban” (Kn 7: 14). Hãy lắng nghe những tiếng nói từ cuộc sống mà chúng ta nghe được, vì khả năng lắng nghe này sẽ quyết định tương lai của chúng ta. Tuy nhiên, nếu gặp những người, phàm nhân, mà họ còn khắt khe, đòi hỏi những người khác hơn cả Thiên Chúa, họ bắt mọi người phải theo khuân mẫu của chính họ, và họ không nhìn thấy nơi tha nhân một tài năng, nét đẹp nào, thì chúng ta, thay vì mất thời gian nghe những tiếng “cay cú, ghen tị, giận hờn” từ họ, hãy “tận hiến tất cả những khả năng của bạn để góp thêm hương thêm sắc cho đời.” (Ý được lấy từ câu này:“Devote the rest of your life to making progress” (Epictetus). Và sống tâm tình: Ghen ăn tức ở khổ cả đời./Yêu thương, nhường nhịn, vạn ngày vui.”
Cùng Suy Nghĩ và Hành Động: Tôi đang là người thích nhìn cái xấu của người khác không? Tôi có làm chủ miệng lưỡi không? Miệng lưỡi tôi hay nói điều tiêu cực hay tích cực về người khác?
Fr. Francis Quảng Trần C.Ss.R
From: KimBang Nguyen