Rev. Ron Rolheiser, OMI
Khi tôi mới bắt đầu dạy thần học, tôi nghĩ mình có thể viết được một quyển sách về sự giấu mình của Thiên Chúa. Tại sao Thiên Chúa vẫn giấu kín và vô hình? Tại sao Thiên Chúa không hiện thân rõ ràng để không một ai có thể phản bác?
Một trong những tiêu chuẩn để trả lời cho câu hỏi này là: Nếu Thiên Chúa biểu lộ mình rõ ràng thì không cần đức tin nữa.
Nhưng như thế lại dấy lên câu hỏi: Ai cần đức tin? Không phải sẽ tốt hơn nếu như thấy được Thiên Chúa rõ ràng sao? Tất nhiên còn có những câu trả lời khác cho câu hỏi này, nhưng tôi không biết hoặc không nắm bắt cho đủ sâu để thấy những câu trả lời đó có nghĩa. Ví dụ như, một câu trả lời cho rằng Thiên Chúa là Thần Khí thuần tính và thần khí đó không thể lĩnh hội được qua ý thức con người bình thường. Nhưng dường như nói thế này là quá mơ hồ. Và tôi bắt đầu tìm kiếm một câu trả lời khác hay một diễn giải tốt hơn cho câu hỏi này. Và cuối đường tìm kiếm, tôi thấy cả một túi vàng, nó đã dẫn tôi đến với thần nghiệm, cụ thể là Gioan Thánh Giá, và các ngòi bút thiêng liêng như Carlo Carretto.
Câu trả lời của họ là gì? Họ không có câu trả lời nào đơn giản cả. Những gì họ đem lại cho tôi là những quan điểm khác nhau quy chiếu về sự khôn tả của Thiên Chúa, mầu nhiệm đức tin và mầu nhiệm về nhận thức con người nói chung. Về căn bản, cách chúng ta nhận thức Thiên Chúa là rất nghịch lý, nghĩa là, càng biết sâu hơn về sự gì đó, thì con người hay khách thể đó bắt đầu bớt rõ ràng hơn về mặt khái niệm. Một trong những nhà thần nghiệm lừng danh nhất lịch sử cho rằng khi chúng ta đi vào sự thân mật sâu sắc hơn, thì chúng ta đồng thời cũng đi vào một ‘đám mây vô thức’ cụ thể là đi vào một nhận thức quá thâm sâu đến nỗi không thể khái niệm hóa được. Điều này nghĩa là gì? Ba ví dụ tương tự dưới đây sẽ giúp chúng ta hiểu.
Thứ nhất: Hình tượng một em bé trong bụng mẹ. Trong dạ mẹ, đứa bé được người mẹ bao bọc hoàn toàn, nhưng nghịch lý là đứa trẻ không thể thấy được mẹ mình và không có khái niệm gì về mẹ. Sự bất lực của đứa trẻ không thể thấy được hình ảnh mẹ là bởi người mẹ hiện diện khắp mọi nơi, chứ không phải vì không diện hiện. Người mẹ quá hiện diện, quá bao bọc, nên không thể nhìn thấy hay khái niệm được. Đứa trẻ phải sinh ra rồi mới thấy được mẹ mình. Chúng ta với Thiên Chúa cũng vậy. Kinh Thánh bảo chúng ta rằng chúng ta sống, và vận động, và thở, và hiện hữu trong Thiên Chúa. Chúng ta đang trong dạ của Chúa, được Ngài bao bọc, và như một đứa trẻ, chúng ta phải được sinh ra (cái chết cùng là tái sinh) để thấy Thiên Chúa mặt đối mặt. Đó là sự tăm tối trong đức tin.
Thứ hai: Ánh sáng cực độ là bóng tối. Nếu bạn nhìn thẳng vào mặt trời với đôi mắt trần, thì bạn thấy gì? Chẳng thấy gì cả? Một ánh sáng quá mức khiến bạn bị mù cũng như nhìn vào bóng tối câm vậy. Và đó là lý do vì sao chúng ta gặp khó khăn trong việc nhìn Thiên Chúa, và là lý do vì sao càng đi vào thân mật với Thiên Chúa, càng đi vào sâu trong Ánh Sáng, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất và khó hình dung hơn. Chúng ta đang bị mù, không phải vì Thiên Chúa không hiện diện, mà vì Ngài là ánh sáng quá mức với đôi mắt trần của chúng ta. Bóng tối của đức tin là bóng tối của ánh sáng cực độ.
Và thứ ba: Sự mật thiết sâu sắc là đả phá những lối mòn niềm tin. Càng thân mật với ai đó, thì những hình dung của chúng ta về người đó bắt đầu tan rã đi. Hãy thử tưởng tượng: Một người bạn nói với bạn rằng: “Tôi hoàn toàn hiểu anh. Tôi biết gia đình anh, nền tảng của anh, đạo đức của anh, tính khí và tâm tính của anh, các điểm mạnh điểm yếu, và thói quen của anh. Tôi hiểu anh.” Bạn có cảm thấy mình được người khác hiểu hay không? Tôi ngờ là không. Bây giờ hình dung một bối cảnh khác. Một người bạn nói với bạn rằng: “Anh thật bí ẩn với tôi! Tôi đã biết anh trong nhiều năm, nhưng anh thật thâm sâu mà tôi không dò thấu. Càng quen biết anh, tôi càng thấy anh là một điều bí ẩn.” Trong sự không hiểu này, khi mình là một điều bí ẩn hoàn toàn đối với nhận thức của người bạn này, nghịch lý thay, bạn lại thấy mình được người đó hiểu rất nhiều. Thánh Gioan Thánh Giá cho rằng chúng ta càng đi sâu vào sự mật thiết, thì sẽ bắt đầu hiểu bằng cách không hiểu hơn là hiểu. Mối liên hệ của chúng ta với Thiên Chúa cũng như thế.
Ban đầu, khi sự mật thiết của chúng ta không quá sâu sắc, thì chúng ta cảm thấy mình hiểu mọi sự và chúng ta có những cảm nhận và ý niệm chắc chắn về Thiên Chúa. Nhưng chúng ta càng đi sâu, thì chúng ta sẽ bắt đầu thấy cảm nhận và ý niệm của mình sai lầm và trống rỗng, vì sự mật thiết của chúng ta đang mở chúng ta ra với mầu nhiệm trọn vẹn hơn của Thiên Chúa. Nghịch lý thay, điều này có vẻ như Thiên Chúa biến mất và không tồn tại.
Theo định nghĩa, đức tin hàm chứa một sự tối tăm nghịch lý, càng đến gần Thiên Chúa trong đời, thì Thiên Chúa dường như càng biến mất, bởi ánh sáng cực độ có thể giống như bóng tối vậy.
Rev. Ron Rolheiser, OMI
From: Langthangchieutim
Chúa đã trả lời cho vấn nạn ấy như thế nào?
- Cần có Đức Tin để được Chúa ban cho một đời sống mới và hoàn toàn khác.
Thánh Gioan minh xác điều này, Tin để được sống trong Tin Mừng Gioan :
–27 Ðoạn Ngài nói với Thôma: “Hãy đem ngón tay ngươi đặt đây, này tay Ta; hãy đem tay ngươi tra vào cạnh sườn Ta và đừng ở như người cứng tin, mà là như người thành tín!” 28 Thôma đáp lại và nói với Ngài: “Lạy Chúa tôi và là Thiên Chúa của tôi!” 29 Ðức Yêsu nói với ông:
“Bởi thấy Ta, ngươi đã tin.
Phúc cho những ai không thấy mà tin!”
30 Ðức Yêsu đã làm trước mặt các môn đồ của Ngài nhiều dấu khác lạ nữa, không viết lại trong sách này. 31 Các điều đã viết đây, là để anh em tin rằng: Ðức Yêsu chính là Ðức Kitô, Con Thiên Chúa; và bởi tin thì anh em được có sự sống nhờ Danh Ngài. (Gioan 20:27-31)
Chúng ta cần phải Tin để được sự sống để được bước vào trong Tình Yêu và Ân sủng Chúa ban.
2. Đức Tin là điều kiện để được chữa lành
Điều này cũng giống như sự kiện bạn phải tin vào thày thuốc y khoa và làm theo lời khuyên của Bác Sĩ để được lành bệnh. Bạn phải để cho Bác Sĩ giải phẫu làm việc trực tiếp trên cơ thể của mình để Ngài cắt đứt, lìa bỏ các khối u nhọt, các vết thương lở lói và được khỏi bệnh.
20 Và này, một phụ nữ bị băng tuyết đã mười hai năm tiến lại đằng sau mà rờ tua áo choàng của Ngài. 21 Vì bà nói: “Dẫu tôi chỉ được rờ áo choàng của Ngài mà thôi, tôi cũng sẽ được cứu chữa”. 22 Ðức Yêsu quay lại nhìn bà ấy và nói: “Này con, hãy vững lòng, lòng tin của con đã cứu chữa con”. Và người phụ nữ đã được cứu khỏi từ đó. (Mát Thêu 9:20-22)
Chúng ta có thể hỏi, Người phụ nữ bị 12 năm băng huyết này, số phận bà sẽ ra sao, bệnh tình bà sẽ ra thế nào nếu bà không tin và tìm đến, gặp gỡ Chúa Giê Su?
3. Đức Tin của chính bạn có sức mạnh khủng khiếp để làm nên sự thay đổi lớn lao.
Hãy để cho ơn mạnh mẽ vô song của Chúa làm biến đổi cả thế giới này qua lòng tin và lời cầu nguyện chân thành của Bạn và Cộng Đoàn Đức Tin của Bạn. Giống như trong chuyện tích sau ghi lại bởi Tin Mừng Mác Cô đoạn 9, câu 14 đến 28:
– 14 Ðến cùng các môn đồ, họ thấy có đông dân chúng bao quanh và những ký lục tranh luận với ông. 15 Vừa thấy Ngài, dân chúng hết thảy hốt hoảng, và họ chạy lại chào Ngài. 16 Ngài hỏi họ: “Các ngươi tranh luận gị với ngưòi ta?” 17 Một người trong đám đông đáp lại Ngài: “Thưa Thầy, tôi đã đem con tôi lại cùng Thầy, nó bị thần câm ám. 18 Khi nào quỉ câm xâm đoạt nó, thì quỉ xán nó xuống, và nó sùi bọt mép, nghiến răng rồi cứng đờ người ra. Tôi đã nói các môn đồ Thầy trừ quỉ, nhưng các ông không làm nổi”. 19 Ðáp lại Ngài bảo họ: “Ôi! thế hệ cứng tin [và tà vạy!] Cho đến bao giờ nữa, Ta sẽ ở với các ngươi? Cho đến bao giờ nữa, Ta sẽ phải chịu đựng các ngươi? Hãy đem nó lại cho Ta!” 20 Người ta đem nó lại cho Ngài. Thấy Ngài, tức thì tà thần làm nó giãy đành đạch, rồi nó ngã xuống đất, lăn lộn xùi bọt mép. 21 Ðức Yêsu hỏi cha nó: “Nó đã mắc chứng ấy từ bao lâu rồi?” Ông ấy thưa: “Từ thuở bé! 22 Ðã lắm lần quỉ xô nó vào lửa, vào nước, cho nó chết. Nhưng nếu Thầy có thể, thì xin thương xót chúng tôi mà cứu giúp chúng tôi với!” 23 Ðức Yêsu nói với ông ấy: “Sao! “Nếu có thể!”… mọi sự đều là có thể cho người tin!” 24 Tức thì cha đứa bé kêu lên mà nói: “Tôi tin! Nhưng xin hãy đáp cứu lòng yếu tin của tôi!” 25 Thấy dân chúng đổ xô tới, Ðức Yêsu quát bảo thần ô uế và nói với nó: “Thần câm diếc, Ta truyền cho ngươi: hãy ra khỏi nó và đừng bao giờ nhập vào nó nữa!” 26 Quỉ kêu lên và dằn vật nó xuống lăn lóc, rồi xuất ra; và nó đã ra như xác chết, khiến nhiều người nói: “Nó chết mất rồi!” 27 Nhưng Ðức Yêsu cầm tay nó, cho nó chỗi dậy, và nó đứng dậy.
28 Về nhà, môn đồ mới hỏi riêng Ngài: “Taị sao chúng tôi không thể trừ quỉ ấy được?” 29 Ngài bảo họ: “Giống quỉ đó chỉ trừ được bằng cầu nguyện”.
4. Chúng ta cần cầu nguyện xin Chúa ban thêm đức tin cho ta, vì có nhiều khi chúng ta có lòng tin quá yếu kém giống như người Cha của đứa bé bị quỷ ám, ông không tin đủ và do vậy, con ông cứ còn bị ám cho đến khi ông vùng lên xin Chúa Giê Su trước hết ban thêm đức tin cho ông để ông dùng lòng tin đó mà kêu gọi sức mạnh Chúa đến xóa tan mọi áp bức, trói buộc của Quỷ dữ trên đứa bé.
Chúc bạn không phải sống trong đêm đen của lòng yếu tin nhưng được sống trong Ánh Sáng nhờ mạnh tin vào Chúa Giê Su và ơn cứu độ của Ngài.