Kimtrong Lam-Lương Văn Can 75.
Kim Ngữ
Không hiểu vì duyên cớ gì dạo gần đây một loạt tin về tiến sĩ trong nước dính vào các vụ… trộm bị báo chí chỉ đích danh với bằng chứng rõ ràng thuyết phục. Đau ở chỗ những vụ bê bối này đều nằm trong phạm vi giáo dục, nơi dạy cho học sinh điều tối thiểu để làm người là ngay thẳng và tự trọng.
Báo Tuổi Trẻ đi một cái tựa hết sức xấu hổ: “Bắt nghi phạm là tiến sĩ dạy bậc đại học vì trộm cắp tài sản của trường”. Nội dung câu chuyện chỉ gói gọn vài chữ: “Lợi dụng trời mưa to, không có người qua lại, tiến sĩ đã phá khóa cửa phòng kế toán của nhà trường trộm cắp tài sản, lấy đi 128 triệu đồng và một máy tính.” Trước khi bị bắt giam, tiến sĩ Đỗ Ngọc Hà giảng dạy tại khoa nông lâm-ngư nghiệp thuộc Trường đại học Hồng Đức, Thanh Hóa.
Câu chuyện này lộ ra vài vấn nạn đang xảy ra trên khắp đất nước. Đó là tình trạng mua bằng đại học. Mua bằng tiến sĩ giả đã là chuyện cơm bữa. Liệu có phải ông tiến sĩ này đã mua bằng để kiếm cơm, rồi việc dạy ở một đại học tỉnh lẻ chắc không lấy lại được tiền vốn nên đã chôm chỉa tài sản nhà trường hòng gỡ gạc?
Thế nhưng nếu ông Đỗ Ngọc Hà là tiến sĩ thật thì sao? Thì cả hệ thống giáo dục đã hỏng bét chứ sao. Để có bằng tiến sĩ, ông phải kinh qua rất nhiều giai đoạn trong cuộc đời. Từ khi còn là sinh viên, ông phải tìm được cái bằng cử nhân, rồi lấy bằng thạc sĩ, rồi tiến sĩ. Trong suốt thời gian hơn tám năm ngồi ghế đại học, ông có cơ hội học cách làm người, để giữ phẩm giá mà một tiến sĩ phải có trong suốt cuộc đời. Ông phải hiểu, là một tiến sĩ tức là một trí thức, phải có hạnh kiểm cá nhân, biết cách hành xử trong xã hội, biết chừng mực trong đối đãi với cộng đồng… Vậy mà ông đi… ăn cắp. Hóa ra trách nhiệm đào tạo ông ta thành tiến sĩ của hệ thống giáo dục chẳng phải là có lổ hổng quá lớn hay sao?
Câu chuyện thứ hai còn bi hài hơn: Ăn cắp tài sản trí tuệ của người khác trong phạm vi học thuật.
Trong cuộc thi Genius Olympiad được tổ chức tại Mỹ năm 2023, ông giáo Nguyễn Minh Trung dẫn đoàn Việt Nam sang tham dự và bài thi của một học sinh trong đoàn trúng giải. Nhưng không bao lâu sau, một nữ sinh gửi đơn kiện, vì bài thi ấy là tác phẩm của mình. Với bằng chứng xác thực sau khi kiểm tra lại từ đầu, ban tổ chức giải Genius Olympiad đã thông báo hủy bỏ giải thưởng vì bài dự thi là một sản phẩm ăn cắp. Ông Nguyễn Minh Trung bị cấm không được tham gia giải thưởng này qua bất cứ hình thức nào.
Qua động thái này, Ban tổ chức giải Genius Olympiad tỏ ra khinh thường không những ông Nguyễn Minh Trung mà hệ thống giáo dục Việt Nam cũng không tránh khỏi cái nhìn bằng nửa con mắt. Một giải thưởng nho nhỏ, bé tí còn gian lận, vậy những việc lớn lao hơn thì lấy gì bảo đảm sẽ được thực hành theo tiêu chuẩn bình đẳng và thành tín?
Hai vụ ăn cắp này nói rộng ra là hậu quả của chính sách giáo dục tồi tệ và tình trạng mua bán bằng cấp xảy ra như cơm bữa trong nhiều năm. Dư luận lẫn báo chí không hết lời chỉ trích, phản biện nhưng bằng cấp vẫn đều đều phát ra từ những ngôi trường đại học. Vụ án bằng cấp giả của Đại học Đông Đô không làm cho Bộ Giáo dục sáng mắt, bởi ngay trong nội bộ của Thủ tướng chính phủ có ai là người có mắt để chọn ra một Bộ trưởng thật tâm và có tầm nhìn đủ xa để thấy rằng đất nước sụp đổ hay thăng tiến đều do môi trường giáo dục mà ra.
Hai vụ ăn cắp tuy khác môi trường, sự vật và con người nhưng cùng giống nhau ở điểm: Mặt bằng phẩm cách. Ăn cắp vật tư là cung cách của một người thiếu hiểu biết nhưng ăn cắp trí tuệ là cung cách của bọn trí thức giả hiệu, lưu manh. Cả hai đều đáng lên án nhưng nếu cả hai đều là nạn nhân thì sao?
Mà thật ra không phải chỉ hai ông này mới là nạn nhân trực tiếp của hệ thống giáo dục Việt Nam. Cứ nhìn vụ test-kit Việt Á và “chuyến bay giải cứu” thì biết – một ông là bộ trưởng của Bộ Y tế; một ông là thứ trưởng của Bộ Ngoại giao; và cả hai đều là tiến sĩ. Có bao nhiêu kẻ trong số họ mang tấm bằng tiến sĩ hay cử nhân? Hầu như tất cả đều là “tinh hoa” của chế độ. Họ ăn cắp công khai, ăn cắp có bè có đảng vậy thì nhân dân này, dân tộc này đang đứng dưới hố nhìn lên hay từ tên không gian nhìn xuống mảnh đất mình đang sống?