Cộng đồng gốc Việt trên bức tranh chính trị Mỹ

Mỹ Anh

3 tháng 7, 2023

Vấn đề đa số trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt thích Cộng hòa hơn Dân chủ, cụ thể là khoái ông Trump hơn ông Biden, chẳng là chuyện lạ. Mới đây, trong bài báo ngày 3 Tháng Bảy 2023 trên The Washington Post, cây bút Meena Venkataramanan lại mổ xẻ lại “hiện tượng” này, qua đó cho thấy sự hiện diện ngày càng đáng chú ý của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên bức tranh chính trị Mỹ.

Trong nhiều thập niên, quy ước chính trị cho rằng dân số người Mỹ gốc Á ngày càng tăng luôn có xu hướng bỏ phiếu cho Đảng Dân chủ. Tuy nhiên, có một ngoại lệ khi điều này rất không đúng với người Mỹ gốc Việt. Theo dữ liệu từ cuộc Khảo sát Cử tri Người Mỹ gốc Á năm 2022 và 2020, người Mỹ gốc Việt là nhóm sắc dân gốc Á duy nhất chiếm đa số – 39% vào năm 2022 – được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Cộng hòa hơn Dân chủ.

Trong khi đó, đa số trong mọi nhóm dân tộc châu Á khác được khảo sát – người Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Nhật và Hàn Quốc – lại được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ. Một cuộc khảo sát lớn hơn của Trung tâm Nghiên cứu Pew công bố vào Tháng Năm cho thấy có đến 51% cử tri gốc Việt đăng ký đi bầu được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Cộng hòa, so với 42% được xác định hoặc có khuynh hướng nghiêng về Dân chủ. Trong khi đó, cũng theo kết quả cuộc thăm dò này, đa số cử tri người Mỹ gốc Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines và Hàn Quốc lại ngả sang Dân chủ.

Một số ý kiến giải thích rằng quá khứ chiến tranh cùng những ám ảnh của lịch sử nhập cư đầy bi thảm bởi hậu quả trực tiếp của chiến tranh và bởi chính sách đàn áp tàn bạo của cộng sản giai đoạn hậu chiến đã tác động mạnh mẽ đến khuynh hướng chính trị của lớp người lớn tuổi – những người tin rằng đảng Cộng hòa thường có khuynh hướng “đánh” cộng sản tốt hơn Dân chủ với những chính sách đối ngoại cứng rắn hơn.

Lập luận không thuyết phục này và thiếu cơ sở chứng minh một cách đúng đắn về mặt khoa học có thể dẫn đến những cuộc tranh cãi bất tận nhưng thực tế này lại được chính giới Hoa Kỳ ngày càng quan tâm và họ bắt đầu có những chiến lược cụ thể để giành phiếu cử tri người Mỹ gốc Việt – nhóm cộng đồng hiện chiếm 10% dân số người Mỹ gốc Á ở Mỹ, với tỉ lệ phát triển nhanh nhất nước Mỹ và trở thành khối cử tri ngày càng quan trọng. Với dân số khoảng 2.3 triệu vào năm 2021, theo dữ liệu điều tra dân số mới nhất, người Việt là cộng đồng gốc Á lớn thứ tư ở Mỹ, sau người Mỹ gốc Hoa, Ấn Độ và Philippines.

Những năm gần đây, Đảng Cộng hòa đã dồn sức đầu tư nhiều hơn trong việc giành phiếu cử tri Mỹ gốc Á khi xoáy mạnh vào các vấn đề như tội phạm, giáo dục và “cộng sản hóa”. Với một số chính trị gia Mỹ, việc khoác lên đối thủ chính trị chiếc áo cộng sản luôn là chiêu tranh cử hiệu quả, đặc biệt đối với người Mỹ gốc Việt – những người “rành sáu câu” về cộng sản và sự tồi tệ của chủ nghĩa cộng sản cũng như phiên bản quái thai của nó là “chủ nghĩa xã hội”.

Trong một chiến dịch quảng cáo tranh cử vào mùa Thu 2022, một nhóm bảo thủ thuộc cánh Cộng hòa đã tung ra một video về các cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á, với nội dung đổ lỗi cho chính quyền Biden thất bại trong việc ngăn chặn làn sóng bạo lực nhằm vào người châu Á, rằng phe Dân chủ quá mềm mỏng và nhẹ tay với tội phạm.

Cách này ít nhiều phát huy tác dụng: Cử tri người Mỹ gốc Á ngày càng nghiêng về Cộng hòa nhiều hơn trong các cuộc bầu cử gần đây, trong đó có mùa bầu cử 2020 và 2022. Chẳng phải tự nhiên mà Nainoa Johsens, phát ngôn viên của Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa, cho biết Ủy ban Quốc gia Cộng hòa, cam kết chi hàng triệu đôla trong cuộc chiến giành phiếu tại các cộng đồng người Mỹ gốc Á Thái Bình Dương tại các tiểu bang trọng điểm.

Phe Dân chủ cũng không ngồi yên. Tracy Falon King, Giám đốc truyền thông của AAPI (Cộng đồng các sắc dân đảo Thái Bình Dương và Mỹ gốc Á), cho biết phe Dân chủ “sẽ tiếp tục làm việc để thu hút và huy động các cử tri AAPI, trong đó có người Mỹ gốc Việt. Khi bước vào mùa bầu cử tổng thống, chúng tôi dự định tăng gấp đôi cam kết của mình và tiếp tục chia sẻ cách mà Dân chủ đã mang lại kết quả chưa từng có cho cộng đồng AAPI.”

Karthick Ramakrishnan, người sáng lập và đồng giám đốc của AAPI Data, một trong những nhóm tài trợ cho cuộc Khảo sát cử tri người Mỹ gốc Á định kỳ hai năm một lần, cho biết khuynh hướng “chọn phe” của người Mỹ gốc Việt cũng tương tự người Mỹ gốc Cuba – những người hiểu rõ bộ mặt chế độ cộng sản. Yếu tố chống cộng cùng với yếu tố xây dựng sức mạnh cộng đồng địa phương đã kết hợp lại với nhau để tạo nên thiên hướng chính trị của người Mỹ gốc Việt và giúp giải thích được lý do tại sao họ đặt niềm tin vào phe Cộng hòa.

Trong một cuộc chạy đua vào Quốc hội ở Quận Cam vào mùa Thu 2022, Dân biểu Michelle Steel và đối thủ Dân chủ Jay Chen đều tăng cường chiến dịch vận động nhằm vào người gốc Việt dù cả hai đều không phải người gốc Việt. Michelle Steel là người gốc Hàn; và Chen gốc Đài Loan. Trong chiến dịch tranh cử, Michelle Steel gọi Chen là “cái thứ theo đuôi cộng sản” trong khi Chen khẳng định rằng ông chống cộng sản Trung Quốc đến cùng. Kết quả, Michelle Steel tái đắc cử.

California có số lượng người Mỹ gốc Việt đông nhất nước Mỹ. Tại Quận Cam, cộng đồng gốc Việt là khu vực bầu cử chính trị quan trọng đại diện cho tỷ lệ ngày càng tăng của các nhà lãnh đạo địa phương. Tất cả thành viên Hội đồng thành phố Westminster (trừ một người) đều theo Cộng hòa, kể cả thị trưởng Chi Charlie Nguyễn. Phó chủ tịch Hội đồng giám sát viên quận Cam và hai dân biểu tiểu bang cũng là “dân” Cộng hòa.

Với cộng đồng Quận Cam và đa số trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt nói chung, Donald Trump là tổng thống nhận được ủng hộ nhiều nhất trong lịch sử tổng thống Hoa Kỳ. Trong cuộc khảo sát năm 2022, gần một nửa số người Mỹ gốc Việt cho biết họ “khoái” Trump (47%) so với vỏn vẹn 29% trong cộng đồng người Mỹ gốc Á nói chung. Với nhiều người Mỹ gốc Việt, chỉ có Trump mới “tiêu diệt” được cộng sản và chỉ có Trump mới “đủ tầm” “đánh” Tập Cận Bình.

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều người Mỹ trẻ gốc Việt đi bỏ phiếu, khuynh hướng chính trị của cộng đồng có thể thay đổi. Một số người cho biết họ đã vỡ mộng vì Trump và một số người khác bắt đầu nhận thấy rằng Biden không “hèn” như họ tưởng và không “bán nước” cho Trung Quốc như những gì những nhân vật bảo thủ cực đoan trong Cộng hòa từng rao rêu.

Trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, giới trẻ và thành phần trí thức luôn có khuynh hướng ngả về Dân chủ. Ông bà nghị sĩ Mỹ nào muốn kiếm phiếu người Mỹ gốc Việt thì không bao giờ quên tiếp cận nhóm đối tượng này. Một cuộc khảo sát của Pew được cung cấp cho The Washington Post cho thấy, trong khi 68% cử tri người Mỹ gốc Việt từ 50 tuổi ủng hộ Cộng hòa thì 58% cử tri trẻ nghiêng về Dân chủ.

Vài nhân vật tham chính trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt, với màu áo Dân chủ, cũng đã đạt được thành công. Năm 2022, ông Hoan Huynh, thuộc Dân chủ, đã trở thành người Mỹ gốc Việt đầu tiên được bầu vào ghế dân biểu tiểu bang Illinois. Trong chiến dịch tranh cử, ông Hoan Huynh phát tài liệu vận động bằng tiếng Việt và tập trung vào các vấn đề kinh tế ảnh hưởng đến nhóm cử tri thuộc tầng lớp lao động cũng như chính sách trợ cấp các doanh nghiệp nhỏ. Ông Hoan Huynh, 33 tuổi, đến Mỹ với tư cách người tị nạn năm 1993, nói thêm rằng chiến dịch tranh cử của ông đã thu hút các cử tri người Việt thế hệ thứ nhất lớn tuổi, những người từng ủng hộ Trump vào năm 2016 và 2020 nhưng sau đó đã bỏ phiếu cho Dân chủ lần đầu tiên vào năm 2022.

WESTMINSTER, CA – March 17: Patrons exit with their groceries from the A Dong Supermarket where the American flag and the South Vietnam flag, of the former State of Vietnam, hang in the window in the Asian Village of Little Saigon, Westminster Wednesday, March 17, 2021. Asian and Asian-owned small businesses are fearful in light of recent hate crimes against Asians. (Allen J. Schaben / Los Angeles Times via Getty Images)
Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay