Ban giám sát nội dung của hãng Meta Platforms hôm thứ Năm 29/6 yêu cầu phải đình chỉ trang Facebook của Thủ tướng Campuchia Hun Sen trong 6 tháng. Ban nói rằng một video được đăng trên trang Facebook của ông đã vi phạm các quy tắc của Meta cấm đe dọa bạo lực.
Đoạn video của ông Hun Sen, được phát trên trang Facebook chính thức của ông vào tháng 1, cho thấy vị thủ tướng đe dọa sẽ đánh đập các đối thủ chính trị và điều “bọn xã hội đen” đến nhà của họ, theo phán quyết của ban.
Vào thời điểm đó, Meta xác định rằng video vi phạm các quy tắc của hãng, nhưng vẫn để cho nó được đăng, xem nó là trường hợp ngoại lệ vì “gây sự chú ý về mặt tin tức”, hãng nêu lý do là công chúng có lợi ích khi nghe những cảnh báo về bạo lực do chính phủ của họ đưa ra, nội dung phán quyết cho hay.
Ban giám sát cho rằng đoạn video có tác hại lớn hơn giá trị tin tức của nó.
Ban giám sát, do Meta cấp ngân quỹ nhưng hoạt động độc lập, nói rằng hãng đã phạm sai lầm khi để cho video được đăng và ban yêu cầu hãy xóa video khỏi Facebook.
Meta, trong một tuyên bố bằng văn bản, đã đồng ý gỡ video xuống nhưng nói thêm rằng họ sẽ xem xét rồi mới phản hồi về lời yêu cầu phải đình chỉ trang của ông Hun Sen.
Nếu bị đình chỉ sẽ, trang Facebook của vị thủ tướng sẽ im hơi lặng tiếng ở thời điểm chỉ còn chưa đầy một tháng là đến cuộc bầu cử ở Campuchia, mặc dù những người chỉ trích nói rằng cuộc bỏ phiếu sẽ là một trò giả hiệu do sự cai trị chuyên quyền của ông Hun Sen.
Yêu cầu nêu trên là bước đi mới nhất trong một loạt những đề nghị chấn chỉnh của Ban giám sát về cách hãng truyền thông xã hội lớn nhất thế giới xử lý các nhà lãnh đạo chính trị vi phạm quy tắc và kích động bạo lực xung quanh các cuộc bầu cử.
Các nỗ lực của hãng để đảm bảo sự liêm chính trong bầu cử đang là tâm điểm của sự chú ý khi Hoa Kỳ chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.
Ban giám sát đã tán thành việc Meta đóng tài khoản của cựu Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump vào năm 2021 sau cuộc bạo loạn chết chóc ngày 6/1 ở khu vực tòa nhà quốc hội Mỹ, nhưng ban cũng chỉ trích việc đình chỉ có tính chất vô thời hạn và kêu gọi cần phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cho những tình huống bất ổn chính trị nói chung.
Meta đã mở lại tài khoản của vị cựu tổng thống Mỹ vào đầu năm nay. Ông Trump hiện là người dẫn đầu trong cuộc đua để được Đảng Cộng hòa chọn làm ứng cử viên tổng thống của năm 2024.
Tuần trước, ban nhận xét rằng việc Meta xử lý những lời kêu gọi bạo lực sau cuộc bầu cử ở Brazil năm 2022 tiếp tục gây lo ngại vì hãng có nỗ lực quản lý thông tin về bầu cử nhưng tính hiệu quả chưa cao.
Hội đồng giám sát của Facebook Meta, bao gồm các học giả, chuyên gia nhân quyền và luật sư, được công ty thành lập để đưa ra phán quyết về một phần nhỏ các kháng cáo liên quan đến việc kiểm duyệt nội dung nổi cộm (về bạo lực, vi phạm thuần phong mỹ tục, …), nhưng Hội Đồng cũng có thể tư vấn về các chính sách của mạng Facebook.
Một khi Ban giám sát đề nghị đóng tài khoản. Meta không phải tuân theo các khuyến nghị của họ, nhưng hôm thứ Tư 29-6-2023 cho biết họ sẽ thực hiện quyết định của Ban Giám Sát sau khi nó được đưa ra.
Hun Sen, người có 14 triệu người theo dõi trên Facebook, là nhà lãnh đạo Campuchia từ năm 1985 và đang đối mặt với một cuộc bầu cử vào tháng tới.
Đề nghị xóa tài khoản của ông được ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, gọi là “quá hạn từ lâu” trong một cuộc phỏng vấn với tờ Washington Post. Các ý tưởng nổi cộm trước đây của Hun Sen bao gồm đe dọa bắn lãnh đạo phe đối lập Sam Rainsy bằng bệ phóng tên lửa, “loại bỏ 100 hoặc 200 người” để đảm bảo hòa bình và “gửi xã hội đen” đến nhà của các đối thủ chính trị.
Đảng đối lập chính ở Campuchia đã bị cấm tham gia vào các cuộc bầu cử sắp tới, Associated Press đưa tin, một ví dụ về một cuộc tấn công đang diễn ra vào tự do ngôn luận ở nước này.