Nhiều học sinh giỏi ở Nghệ An, Hà Tĩnh bỏ đại học, đi ‘xuất khẩu lao động’

Báo Nguoi-viet

June 20, 2023

HÀ TĨNH, Việt Nam (NV) – Nhiều năm qua, ở các làng quê Nghệ An, Hà Tĩnh, nhiều học sinh giỏi đỗ vào trường đại học danh tiếng ở Việt Nam nhưng bỏ không học, mà chuyển hướng đi “xuất khẩu lao động” ở xứ người mong đổi đời.

Theo báo VietNamNet hôm 19 Tháng Sáu, nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên là do sau khi tốt nghiệp đại học nhiều em thất nghiệp, công việc trái chuyên môn, thu nhập thấp … đã khiến nhiều gia đình hướng con em mình ra ngoại quốc kiếm tiền.

Nhiều học sinh giỏi ở miền Trung từ chối vào trường đại học trong nước để đi “xuất khẩu lao động” mong đổi đời. (Hình: Người Lao Động)

Do vậy, số lượng học sinh học đại học trong nước giảm, thậm chí có nhiều làng xã, nhiều năm liền không có sinh viên đại học.

Trước đây, nhiều phụ huynh ở Hà Tĩnh vẫn luôn nghĩ rằng, dù vất vả thế nào cũng cho con đi học đại học, bởi đây là niềm tự hào của gia đình, cả dòng họ và đó là “con đường duy nhất để thoát nghèo.”

Tuy nhiên, rất nhiều sinh viên khi ra trường, thậm chí cầm trong tay tấm bằng “đỏ,” vẫn không xin được việc làm, nhiều em chật vật kiếm được việc làm nhưng lại không đúng chuyên ngành. Hoặc nếu có việc nhưng tiền lương không đủ sống.

Ông Lê Hoài Nam, phó hiệu trưởng trường trung học phổ thông Nguyễn Trung Thiên, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh, cho biết trước đây, học sinh của trường đậu vào các trường đại học chiếm số lượng lớn. Nhưng hiện nay, nhiều học sinh giỏi, xuất sắc không thi đại học mà đi “xuất khẩu lao động” hoặc vừa học, vừa làm ở ngoại quốc.

“Thực tế, đi ‘xuất khẩu lao động,’ các em có tay nghề và có mức thu nhập cao. Mỗi năm, trường có nhiều học sinh khá, giỏi chọn phương án này thay vì học đại học,” ông Nam thừa nhận.

Nói với báo VietNamNet, nhiều hiệu trưởng trường trung học phổ thông ở Hà Tĩnh cho biết hiện nay, học sinh có định hướng rất thực tế, mục tiêu chỉ học hết lớp Mười Hai, lấy bằng tốt nghiệp tú tài và không thi vào đại học, mà dành thời gian học tiếng Hàn, Nhật… và các kỹ năng nghề phù hợp với bản thân để đi “xuất khẩu lao động.”

Gia đình chị Nguyễn Thị Hoa ở xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, Hà Tỉnh, có năm người con có học lực khá giỏi nhưng không ai chọn lựa đi học đại học. Hiện, ba người con gái đi “xuất khẩu lao động” ở Nhật, còn con trai út 19 tuổi cũng đang học tiếng để đi Nam Hàn.

“Đi học đại học mất thời gian hơn bốn năm và một khoản học phí không nhỏ, nhưng không chắc chắn về cơ hội việc làm. Vì suy nghĩ đó, các con tôi chọn ra nước ngoài làm việc, có cơ hội kiếm được khoản tiền lớn. Khi có kinh tế, các con sẽ tự chủ trong cuộc sống,” chị Hoa nói.

Tương tự, thời điểm năm 2016, chị Nguyễn Thị Thu có con gái là em Nguyễn Thị H. thi đậu hai trường Đại Học Quốc Gia Hà Nội và Đại Học Ngoại Thương được nhiều người ngưỡng mộ, song em H. từ chối vào đại học, mà xin đi du học nghề ở Nam Hàn.

Chị Nguyễn Thị Hoa có con đều học khá giỏi nhưng không ai theo học đại học ở Việt Nam, mà đi “xuất khẩu lao động.” (Hình: VietNamNet)

Hiện em H. đang học tập, làm việc ở Nam Hàn, có mức thu nhập tốt, hàng tháng, em gửi về 10 triệu đồng ($425) cho cha mẹ.

Chị Thu nói thêm, ở xã cũng có rất nhiều trường hợp như em H., đỗ đại học nhưng theo con đường “xuất khẩu lao động.” Gia đình ai có con đi theo hướng này thì cha mẹ có tiền tỷ gửi ngân hàng, xây được nhà cao tầng, càng khiến học sinh ở các vùng quê này không mặn mà với giảng đường đại học trong nước. (Tr.N)


 

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay