Khi xưa, vì duyên văn nghệ, tôi có một cô bạn người Huế. Tận đất thần kinh xa xôi đó, một ngày kia cô gửi vào Sài Gòn tặng tôi một tấm hình. Hình chụp cô với mái tóc thề, tay cầm nón bài thơ, đứng bên bờ sông Hương.
Đôi mắt cô nhìn ra dòng sông, trông cũng êm và hiền như dòng sông vậy. Đằng sau bức hình, thay vì những lời lẽ đề tặng, cô viết mấy câu thơ đơn sơ:
“Đời con gái
Như dòng Hương,
Kết bằng chuỗi
Những tầm thường.”
Ngắm hình cô chụp bên bờ sông Hương và đọc những câu thơ nhỏ nhoi ấy, tôi thấy bâng khuâng. Sông Hương không phải là con sông quan trọng, cũng chẳng phải là một dòng sông lớn, nhưng bao giờ nó cũng được nhắc đến với tất cả sự trìu mến. Sông Hương, cùng với núi Ngự, đã trở thành một phần quan trọng làm nên linh hồn xứ Huế. Và những người con của đất thần kinh, dù bây giờ trôi giạt đến tận chân trời góc biển xa lạ nào, cũng nhớ đến sông Hương mỗi khi nghĩ về hay nghe nhắc tới quê hương của mình.
Tôi không nghĩ sông Hương được quý mến như vậy, vì nó ”may mắn” được các văn nghệ sĩ thi vị hóa nó trong những tác phẩm của họ, nhưng vì nó tuy nhỏ bé tầm thường, cũng đã đem lại nhiều ích lợi cho người dân xứ Huế. Nó lại rất hiền, không gây tai hại, lụt lội làm cho người ta đau khổ. Phát xuất từ Nguồn Than, sông Hương hiền lành và nhẹ nhàng chảy ngang qua Ngọc Hồ, chùa Nguyệt Biểu, chùa Thiên Mụ, vào tới Kim Long, lững lờ trôi bên dưới cầu Bạch Hổ, cầu Sông Hương, cầu Trường Tiền, rồi tiến về Vĩ Dạ, Lại Ân, Vĩnh Lại, Thuận Hòa, Tân Mỹ và cuối cùng ra cửa Thuận An, góp lượng nước của mình vào biển cả mênh mông.
Cũng như con người, mỗi dòng sông có một cuộc đời và ta có thể nghe một dòng sông kể về cuộc đời của nó, nếu ta ngồi bên nó, cõi lòng lắng xuống, đôi tai gạt bỏ những tiếng động của thế giới vật chất cơ khí ồn ào, để có thể đón nhận tiếng nói của thiên nhiên.
Giả như có một buổi chiều tôi ngồi bên bờ sông Hương và làm như thế, tôi sẽ nghe sông Hương thầm thì nói về đời nó. Nó nói rằng nguồn gốc của nó chẳng có gì vẻ vang danh giá, vì phát xuất từ một nơi chẳng có chút gì thơ mộng, cũng chẳng phải là một địa danh nổi tiếng trong sách sử. Nguồn Than chỉ là nơi người ta đốn củi làm than, thế thôi. Nó nói rằng từ ngày này qua tháng khác, hết năm họ tới năm kia, nó sống cuộc đời rất bình thường, có thể nói là tầm thường, quanh quẩn thì cũng chỉ lững lờ trôi qua những làng xóm đã quá quen thuộc, rồi cuối cùng đổ ra biển, mất hút, hoà tan trong cái mênh mông của đại dương bát ngát. Nó nói rằng, chảy ngang qua xứ Huế, nó đã chứng kiến biết bao nhiêu tang thương dời đổi của những chế độ nối tiếp nhau, bao nhiêu niềm vui nhỏ nhoi và bao nhiêu nỗi cơ cực lầm than của người dân lành hiền hậu. Nó nói rằng người ta đã dùng nó theo những mục đích riêng: để làm đường chuyển vận, để làm nơi tình tự, để làm ăn buôn bán, cũng có khi để đổ những thứ rác rưởi phế thải nữa. Dòng sông chấp nhận tất cả, với dáng vẻ bên ngoài như yếu đuối tiêu cực nhưng thật ra với một cõi lòng bao dung.
Dòng sông Hương nói cho tôi nghe như thế, và có thể cũng sẽ hỏi về cuộc đời của tôi. Tôi đã bắt nguồn từ đâu đã trải qua những giai đoạn nào của cuộc đời, đã nhìn cuộc sống với quan niệm, thái độ ra sao? Dòng sông không đòi tôi trả lời cho nó, nhưng khuyên tôi hãy thành thực trả lời cho chính mình.
Đời người con gái cũng giống như dòng sông Hương. Tôi nghĩ đến cô bạn của mình và thấy điều cô viết thật đúng, ít ra là với chính cuộc đời cô. Cô viết văn hay nhưng không phải là nhà văn có danh. Cô dạy học giỏi nhưng không phải là một giáo sư nổi tiếng. Cô sống một cuộc sống rất bình thường: sinh trưởng trong một gia đình trung lưu, cùng với anh chị em trong nhà học hành, vui chơi trong suốt tuổi ấu thời. Lớn lên một chút, cô cũng từng làm lụng phụ giúp cha mẹ. Cô cũng đã trải qua những cảnh nghèo túng thiếu hụt, những niềm vui, những nỗi buồn của cuộc sống cá nhân và gia đình. Rồi cô hoàn tất việc học, đi tìm việc làm, bước xuống cuộc đời với tấm lòng son và đôi mắt nai bỡ ngỡ. Cô đã từng được nâng đỡ khích lệ, cũng như đã từng bị lọc lừa hay ganh ghét.
Sau này cô lấy chồng, sinh con, tiếp tục làm những công việc như trước kia cha mẹ cô đã làm, lo lắng những nỗi lo cho gia đình như trước kia cha mẹ cô đã lo. Những sự kiện và những diễn biến trong cuộc đời cô xem ra rất tầm thường, nó kết lại làm thành cuộc đời người con gái của cô. Người ta hay hát: ”Đời một người con gái, ước mơ đã nhiều, Trời cho không được mấy. Đến khi lấy chồng, chỉ còn mối tình mang theo.” (*) Tôi không biết cô bạn tôi ngày lên xe hoa, mang theo cái gì về nhà chồng? Ngay cả một mối tình, chẳng biết có hay không, mà nếu có thì cũng là mối tình nào đó hết sức âm thầm, hết sức kín đáo. Chỉ có một điều tôi biết cô bạn tôi mang theo được và cô sẽ chia sẻ với chồng, với con điều ấy, đó là cái nhìn nhân ái với đời với người, và lòng nhẫn nại trước tất cả những khó khăn nghịch cảnh của cuộc sống. Điều đó chính là con người của cô, là chính cô, và đã khiến cuộc đời cô tuy tầm thường mà có giá trị. Tôi quý mến và kính trọng cô cũng chính vì điều ấy.
Ngày hôm qua, ngồi xếp lại những thư từ hình ảnh cũ, tôi chợt thấy tấm hình của cô bạn ngày nào, ghép trong một tập thơ chép tay. Tôi lại thấy lòng có chút bâng khuâng. Người ta biết dòng sông Hương phát xuất từ đâu, trôi qua những đâu trước khi đến cửa Thuận An và đổ ra biển. Nhưng người ta thật tình không biết cuộc đời một người sẽ trải qua những giai đoạn, những biến cố nào, sẽ trôi giạt đến những bến bờ nào, trước khi đến bến bờ bước sang cuộc đời vĩnh cửu. Cô bạn tôi và gia đình cô không biết bây giờ đã trôi giạt về đâu và cuộc sống gia đình cô bây giờ ra sao. Hy vọng cô vẫn giữ được cái “tầm thường” cao đẹp của dòng sông Hương. Tôi ngắm nhìn cô trong hình. Nước hình đen trắng dù đã hơi ngả màu vẫn không làm mất được nét trong sáng của đôi mắt và khuôn mặt thật hiền hậu của cô; đôi môi xinh xắn như còn đang muốn nói một lời ngọt ngào thân ái. Lật phía sau lưng tấm hình, nét chữ mềm mại màu tím vẫn còn đậm nét. “Đời con gái, như dòng Hương, kết bằng chuỗi những tầm thường.”
Tôi bâng khuâng vì cô, bâng khuâng vì ”đời con gái.” Nhưng tôi bâng khuâng hơn nữa vì đời con người. Càng sống, tôi càng cảm nghiệm sâu xa rằng: chẳng phải chỉ có “đời con gái” mới ”kết bằng chuỗi những tầm thường,” mà đời của tất cả con ngươi đều được dệt ra, kết lại bằng những cái rất tầm thường nhỏ nhặt. Ngay cả những người có địa vị cao sang nhất hay những vị có đời sống đạo đức nhất, cũng vẫn sống cuộc sống ”tầm thường” của kiếp nhân sinh, chẳng thế mà một Linh mục bạn tôi đã chọn tên ”Nguyễn Tầm Thường” làm bút hiệu.
Đời người ta ai cũng có những mộng ước tương lai, to lớn hay không chưa biết, nhưng đều đẹp hơn, lớn hơn, cao hơn cái hiện tại. Và người ta, dù trong giai cấp, địa vị nào, cũng vẫn tự hào về những ”kỳ công” mình đã thực hiện được trong quá khứ, những cái tự hào giúp cho người ta vui mà sống. Nhưng những giấc mộng thì chưa phải là hiện thực, còn những kỳ công thì lâu lâu mới xảy ra. Còn lại phần lớn đời người ta là những cái nhỏ bé, lặt vặt, tầm thường: chuyện miếng cơm manh áo, chuyện công ăn việc làm, chuyện nhà cửa, chuyện vợ chồng, con cái, họ hàng, bè bạn… Có những chuyện rất nhỏ nhặt, xem như vô nghĩa đối với những ”giấc mộng lớn, giấc mộng con,” như chuyện rửa cái bát, quét cái nhà, chuyện thu dọn chăn gối buổi sáng, chuyện sửa lại một vật dụng bị hư, chuyện ra công viên chơi với đứa con nhỏ, chuyện để dành chút tiền sắm chiếc áo mới cho vợ… Tất cả những chuyện đó góp lại làm thành cuộc đời người ta. Nếu tôi chỉ sống với những giấc mộng tương lai và những kỳ công quá khứ, chỉ chờ khi có những chuyện lớn xảy ra thì mới làm, mà không chấp nhận sống những cái tầm thường, nhỏ nhặt nhưng lại xảy ra hằng ngày, hằng giờ, thì tôi chưa thực sự sống cuộc đời của chính tôi.
Một ngày nào đó, nếu các con tôi hỏi tôi: “Đời bố, bố đã làm được việc gì phi thường?” Tôi mong rằng mình có thể trả lời các con mà không xấu hổ, vì đã trả lời một cách chân thành: “Bố đã làm được một việc phi thường, mà việc phi thường ấy kéo dài trong suốt cuộc đời của bố, là bố đã sống thật trọn vẹn cuộc đời được kết bằng một chuỗi những chuyện tầm thường.”
Viết cho anh chị em Ki-tô hữu:
Mùa Vọng, mùa Chay, tuần Thương Khó, lễ Giáng Sinh, lễ Phục Sinh là những biến cố lớn, những giai đoạn đặc biệt trong năm phụng vụ. Còn lại, cả năm là mùa Thường Niên. Từ trước tới giờ, những khi “đạo đức” lắm, tôi mới chuẩn bị tâm hồn sống mùa Vọng, mùa Chay, để đón mừng những ngày lễ lớn. Nhưng thực tình là chưa bao giờ tôi biết chuẩn bị để sống “mùa Thường Niên,” mà “mùa Thường Niên” mới là mùa dài nhất, là mùa chính trong năm phụng vụ cũng như trong đời sống đạo của Ki-tô hữu. “Mùa Thường Niên,” nhìn một cách khác, cũng chính là cái chuỗi “những tầm thường” trong đời sống con người của tôi.
Tôi thường được nghe các linh mục giảng về mầu nhiệm Giáng Sinh, mầu nhiệm Phục Sinh, nhưng ít được nghe về ”mầu nhiệm Thường Niên,” “mầu nhiệm tầm thường.” Nghĩ đến Chúa Ki-tô và suy niệm về cuộc đời của Ngài, tôi thấy Ngài đã sống “mầu nhiệm tầm thường” ấy thật tuyệt vời. Trong cuộc sống công khai, Chúa Ki-tô đã làm những phép lạ cả thể, nhưng những chuyện ấy chỉ là “cả thể” trước mắt người đời, chứ đối với Ngài là Đấng Toàn Năng thì những phép lạ ấy chẳng là gì. Chúa Ki-tô đã chết, đã được táng trong mồ đá, và đã sống lại. Sự kiện ấy còn ”cả thể” hơn nữa. Nhưng chuyện Chúa sống lại cũng chỉ lạ lùng trước mắt thế nhân, chứ còn với Ngài là đấng Thiên Chúa Hằng Hữu thì chuyện ấy cũng không có gì lạ. Đời Chúa Ki-tô, có lạ chăng là ở chỗ tuy là một Thiên Chúa quyền năng, mà khi chấp nhận sống cuộc sống con người, Ngài đã chấp nhận sống kiếp sống rất tầm thường của một con người thuộc giai cấp tầm thường trong xã hội. Ba mươi năm sống với Thánh Giu-se và Đức Mẹ, Chúa Ki-tô chẳng có vẻ gì là lạ lùng trước mắt họ hàng và người hàng xóm, trừ một lần Chúa ”đi lạc” rồi sau đó đọc và giảng Thánh Kinh giữa các đấng tiến sĩ trong đền thánh.
Chúa Ki-tô đã sống cuộc sống tầm thường ấy thật trọn vẹn và nhìn tất cả những sự việc tầm thường trong đời người với đôi mắt trân trọng, để khám phá ra một giá trị cao quý trong những việc tầm thường ấy. Chính vì thế mà Chúa Ki-tô trở nên phi thường, đúng như ý nghĩa câu nói của một nữ tu: “Tôi cố gắng làm những việc tầm thường để trở nên phi thường.” (**) Đó là bài học lớn cho tôi để tôi sống đời tầm thường của mình cho có giá trị. Tôi nghĩ, nếu bây giờ liên lạc được với cô bạn cũ, tôi sẽ kể cho cô nghe về “cuộc sống tầm thường rất phi thường” của Chúa Ki-tô. Đó là cách tôi muốn dùng để trả lời cho mấy câu thơ cô viết sau tấm ảnh tặng tôi năm nào; mấy câu thơ mà tôi biết nó không hề có chút ý nghĩa nào của sự bi quan hay của một lời than thở.
________________
(*) Bài Không Tên Số 2 – Vũ Thành An
(**) Nữ tu Roselle
Hình ảnh: mượn trên “internet”