Lễ Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ (Memorial Day) & SỰ HÒA HỢP HÒA GIẢI

Tu Le

Nước Mỹ không phải chuyện gì cũng tốt đẹp…

nhưng tinh thần hòa hợp hòa giải của người

Mỹ vẫn là một bài học tuyệt vời. (Gia Nguyễn)

 Lễ Chiến Sĩ Trận Vong Hoa Kỳ (Memorial Day) &

SỰ HÒA HỢP HÒA GIẢI

Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị sỉ nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Và đây chính là điều đáng yêu nhất của nước Mỹ.

Thứ hai cuối cùng của tháng Năm là ngày lễ tưởng niệm Chiến Sĩ Trận Vong, một ngày lễ quốc gia ở Hoa Kỳ. Vào ngày này, nếu đi thăm các nghĩa trang quân đội, chúng ta sẽ thấy trên mỗi phần mộ của các binh sĩ Mỹ, đều được cắm một lá cờ quốc gia, vừa để trang hoàng, mà cũng vừa để tỏ lòng nhớ ơn những người đã nằm xuống cho quê hương xứ sở.

Ngày lễ này bắt đầu từ lâu lắm rồi, sau cuộc nội chiến Bắc – Nam (Civil War) kéo dài ở Mỹ, mà cuối cùng là hình ảnh tướng Robert E. Lee dẫn đầu đoàn quân miền Nam ra đầu hàng tướng Ulysses S. Grant quân đội miền Bắc. Sự hoà giải giữa người dân Mỹ hai miền Nam – Bắc đã bắt đầu ngay từ hình ảnh tướng Ulysses S. Grant cùng quân đội miền Bắc tôn trọng danh dự tướng Robert E. Lee cùng quân đội miền Nam.

Sự hoà giải được người dân Mỹ thể hiện bằng chính tình đồng bào khi các quân nhân miền Nam sau khi buông súng đã được trở về lại quê hương cùng với ngựa, bò, gia súc để xây dựng lại cuộc sống bình thường ở các nông trại của mình. Chưa hết, đối với những người đã nằm xuống, mà theo ước tính là cỡ 620,000 binh sĩ ở cả hai bên, đều được mọi người ghi ơn. Bắt đầu từ miền Nam, người dân bắt đầu thể hiện lòng biết ơn những người đã hy sinh trong cuộc chiến bằng cách chọn ngày cuối mùa Xuân, đầu mùa Hè, để đi thăm viếng các nghĩa trang của các tử sĩ.

Ngày tưởng niệm này kéo dài cho đến tận năm 1971 thì Quốc Hội Mỹ thông qua đạo luật công nhận ngày lễ chiến sĩ trận vong là ngày lễ quốc gia, nhằm không chỉ tưởng niệm các tử sĩ trong cuộc nội chiến Bắc – Nam, mà còn để tưởng niệm những quân nhân khác đã hy sinh trong các cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất, lần thứ hai, và nay là tính luôn cho tất cả các anh hùng tử sĩ của quân đội Hoa Kỳ.

Bài học từ câu chuyện đầu hàng. Chấm dứt chiến tranh.

Câu chuyện về vị tướng phe bại trận miền Nam Robert Lee được viết ra và hình ảnh của ông lại được chiêm ngưỡng nhiều hơn cả phe thắng trận.

Khi thủ đô miền Nam là Richmond thất thủ, kỵ binh của miền Bắc cùng với 3 quân đoàn bộ binh vây hãm quân miền Nam hết đường tháo lui. Bộ tham mưu của Tướng Lee đề nghị phân tán để giữ lực lượng đánh du kích, nhưng Tướng Lee quyết định đầu hàng. Ông viết thư riêng cho Tướng Grant của miền Bắc yêu cầu thu xếp buổi họp mặt.

Ông Grant, vị tư lệnh miền Bắc ra lệnh nghiêm cấm các sĩ quan và binh sĩ trực thuộc không được tỏ ra bất cứ hành động nào vô lễ với ông tướng tư lệnh miền Nam. Trưa ngày 9 tháng 4-1865, Tướng Lee và một đại tá tùy tùng cưỡi ngựa vượt qua phòng tuyến đến nơi hẹn. Hình ảnh ghi lại hai người đi qua đoàn quân nhạc của lính miền Bắc thổi kèn chào đón.

Cả hai vị tư lệnh đã từng biết nhau trong cuộc chiến tranh với Mễ Tây Cơ.

Theo quy luật chiến tranh thời đó thì quân miền Nam phải giải giới, tước bỏ khí giới và quân dụng và được tự do trở về quê cũ. Tướng Lee đồng ý, nhưng đòi hỏi một điều là cho binh sĩ của ông được giữ lại lừa ngựa, vì lính miền Nam đem ngựa từ các nông trại của họ đi chiến đấu chứ không phải ngựa của chính phủ cấp như lính miền Bắc.

Tướng Grant thỏa hiệp là sẽ không sửa chữa chính thức trên văn bản nhưng thực tế sẽ cho lệnh để lính miền Nam đem lừa ngựa về nhà.

Sau này khi viết về văn bản đầu hàng, lịch sử ghi rằng đây là thỏa hiệp của những người quân tử (The Gentlemen’s Agreement).

Là bại tướng nhưng trên các bảo tàng viện, đặc biệt ở Appomattox Virginia có tranh sơn dầu hình Tướng Lee hiên ngang trong bộ quân phục xanh dương, tóc và râu bạc, thể hiện hình ảnh người Mỹ anh hùng dù thua vẫn không bị khuất phục.

Toàn thể nước Mỹ hiểu rằng khi một người Mỹ bị nhục, thì dù là Mỹ miền Nam hay miền Bắc cũng vẫn là một người Mỹ bị sỉ nhục. Và đây chính là điều đáng yêu nhất của nước Mỹ.

(Nguồn: Không rõ nguồn, Gia Nguyen sưu tầm và biên tập lại)

Được xem 1 lần, bởi 1 Bạn Đọc trong ngày hôm nay