Theo RFA và các báo quốc tế
Trung Quốc trong gần cả tháng nay tăng cường hoạt động trong vùng biển đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Lâu nay, Việt Nam đã có những ứng phó như tìm cách đa dạng hoá nguồn cung vũ khí để đối phó với sự quấy nhiễu ngày càng tăng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, hành động của Hà Nội liệu có thể bắt kịp chuyển động của Bắc Kinh?
Diễn biến mới nhất
Từ hôm 7/5 đến nay, Trung Quốc cho tàu khảo sát Hướng Dương Hồng 10 vào hoạt động khảo sát trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trong đợt khảo sát này, có thời điểm tàu Hướng Dương Hồng 10 cách đường cơ sở Việt Nam chỉ khoảng hơn 50 hải lý.
Thông số kỹ thuật của tàu Hướng Dương 10, khánh thành năm 2014. Ảnh chụp lại từ blog quốc phòng China.
Hôm 13/5, con tàu này rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam. Hôm 15/5, tàu Hướng Dương Hồng 10 lại rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam một lần nữa và xuất hiện ở gần khu vực Đá Chữ Thập. Đến 17/5, nó bắt đầu quay trở lại vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Việt Nam, vào ngày 18/5, lên tiếng phản đối Trung Quốc về những hoạt động gần đây của nước này tại khu vực Biển Đông, nói rằng “Việt Nam đã và đang triển khai các biện pháp phù hợp với luật pháp quốc tế để bảo đảm quyền, lợi ích chính đáng của mình”.
Sơ đồ hoạt động của Hướng Dương Hồng từ 7/5/2023 đến nay trong EEZ của VN (MarineTraffic)
Cập nhật về tình hình hiện tại, một nhà nghiên cứu Biển Đông, yêu cầu giấu danh tính cho biết, đến ngày 25/5, Trung Quốc vẫn duy trì tàu nghiên cứu khoa học Hướng Dương Hồng 10 cùng một tàu cảnh sát biển của nước này và một số tàu dân binh có mặt trong vùng biển đặc quyền của Việt Nam:
“Hôm nay lại đưa thông tin thêm là một tàu hải tuần của Trung Quốc đã đi vào trong khu vực gần Bãi Tư Chính.
Còn bên Việt Nam thì có một tàu cảnh sát biển và hai tàu kiểm ngư theo dõi, bám sát theo tàu này của Trung Quốc. Báo chí trong nước thì không được đưa tin về vấn đề này.
Có lẽ chính phủ Việt Nam một mặt muốn giữ quan hệ tốt với Trung Quốc, thứ hai là chuyện Trung Quốc cho tàu vào quấy nhiễu vùng đặc quyền kinh tế từ lâu lắm rồi, cho nên họ cũng chấp nhận đó là một chuyện bình thường.”
Tương quan lực lượng
Vị chuyên gia giấu tên đánh giá rằng về tương quan lực lượng trên biển hiện nay giữa hai nước thì đương nhiên là Trung Quốc mạnh hơn nhiều. Không chỉ đối với Việt Nam mà tất cả các quốc gia ở Đông Nam Á cũng không thể so sánh được sức mạnh về lực lượng tàu so với Trung Quốc. Tuy nhiên:
“Trong lúc này, không ai muốn mang hải quân ra cả. Các nước chỉ sử dụng những tàu gọi là hành pháp mà thôi, chứ nếu mang hải quân ra thì chắc chắn là hành động gây chiến rồi.”
Chuyên gia về quan hệ quốc tế, an ninh quốc phòng Nguyễn Thế Phương bình luận với RFA rằng hiện nay, trong quá trình hiện đại hoá quân đội, Việt Nam đang cố gắng phát triển đồng bộ vũ khí lục quân và hải quân, nhưng vẫn ưu tiên những vấn đề liên quan đến an ninh trên Biển Đông, vì đây là vấn đề lợi ích cốt lõi:
“Đối tượng tranh chấp trên biển Đông của Việt Nam hiện nay rõ ràng nhất là Trung Quốc. Nếu nhìn vào nguồn lực thì rõ ràng là nguồn lực của Việt Nam không thể bằng của Trung Quốc, và Việt Nam hiện tại cố gắng biến năng lực của mình càng hiện đại càng tốt, chứ việc đuổi theo năng lực của Trung Quốc là điều không thể.”
Ông Thế Phương cho biết, đơn thuần về mặt số lượng, vũ khí trên biển của Việt Nam chắc chỉ bằng một phần ba so với Trung Quốc, nhưng cũng cần phải tính tới hai yếu tố quan trọng khác. Thứ nhất là yếu tố con người và thứ hai là học thuyết…
Hiện đại hoá quân sự chậm lại
Để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình hiện đại hoá quân sự. Tuy nhiên, theo ông Phương, quá trình này đang bị chậm lại.
Thứ nhất là do thiếu tiền; Thứ hai là do quốc gia cung cấp vũ khí lớn nhất là Việt Nam là Nga đang gặp khó khăn bởi cuộc chiến trang Nga – Ukraine.
Do đó, Việt Nam hiện buộc phải đi tìm các đối tác mới. Tức là, toàn bộ quá trình tương tác với đối tác mới phải làm lại từ đầu, phải đi xem người ta bán cái gì, các quy trình mua bán như thế nào, chưa kể là còn các yếu tố chính trị khác nữa…
“Mà trong khi tình hình trên biển đó lại diễn biến quá nhanh dẫn đến phản ứng chính sách Việt Nam chưa theo kịp. Nó khiến cho quá trình hiện đại hoá quân sự chậm lại khá nhiều.”
Lý giải thêm về diễn biến quá nhanh trên Biển Đông, ông Thế Phương lấy ví dụ, thứ nhất là cường độ hiện diện của Trung Quốc ngày càng nhiều, ngày càng dồn dập so với cách đây năm năm. Các tàu cá, hải cảnh, tập trận và các quốc gia khác cũng đưa tàu qua lại ở khu vực này rất nhiều:
“Thứ hai là quá trình hiện đại hóa quân đội của Trung Quốc rất nhanh, không chỉ về mặt công nghệ mà còn về mặt tổ chức và cách triển khai lực lượng ở trên thực địa quá nhanh và nó khiến cho các nước nhỏ như Việt Nam, với nguồn lực như hiện nay không thể theo kịp.”
Đa dạng hoá nguồn cung
Do Nga đang bị các nước phương Tây bao vây, cô lập cho nên Việt Nam buộc phải đa dạng hoá nguồn cung vũ khí. Theo chuyên gia biển Đông giấu tên cho biết:
“Nguồn cung vũ khí cho Việt Nam đang gặp khó khăn thì Việt Nam phải tìm nguồn khác mà nó phải tương thích với hệ thống vũ khí đó, và Ấn Độ và Séc chính là hai nước mà Việt Nam đang nhắm tới.”
Theo ông Nguyễn Thế Phương, với nhu cầu cấp bách ở Biển Đông như hiện nay thì Việt Nam không thể nào không chỉ dựa vào vũ khí từ Nga. Cho nên gần đây, Việt Nam đã có động thái đàm phàn với Séc hay đi sang Hàn Quốc để các nước này bán vũ khí cho Việt Nam.
Hồi tháng tư vừa qua, Việt Nam đàm phán mua thêm khí tài từ Cộng hoà Séc. Nước này được xem có thể đáp ứng nhu cầu an ninh ngày càng tăng của Việt Nam, khi mà các hãng quân sự Séc có khả năng vượt trội trong cung cấp những khí tài cho vũ khí của Nga; cũng như sản xuất được những trang thiết bị mới tương thích với các loại vũ khí thời Sô viết. Hiện kho vũ khí của Việt Nam có đến 80% là do Nga cung cấp.
Tin cho biết vào năm 2021, Hà Nội đặt hàng chục chiến đấu cơ hạng nhẹ L-39NG của nhà sản xuất Czech Aero Vodochody; và hàng sẽ bắt đầu được giao trong năm nay. Nguồn tin ẩn danh từ Chính phủ Prague cho Reutes biết hiện có đàm phán giữa hai phía về việc mua thêm chiến đấu cơ loại vừa nêu. Nếu như những thỏa thuận cung ứng đáng kể đạt được, phía Czech có thể hỗ trợ chuyển giao công nghệ vũ khí và tiến hành sản xuất nội địa cho Việt Nam.
Việt Nam đang đàm phán với Công hòa Czech về việc mua thêm trang thiết bị quân sự, gồm máy bay, radar; cũng như việc tân trang xe bọc thép, vũ khí.
Vào tháng 12/2022, lãnh đạo Việt Nam đến thăm Hàn Quốc để nâng cấp quan hệ hai nước. Bước tiến về ngoại giao này có thể và thúc đẩy đầu tư và bán vũ khí của Hàn Quốc cho Việt Nam, cam kết gia tăng hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, trật tự – trị an và công nghệ.
Phòng tránh chiến tranh từ xa
Ngoài chuyện đa dạng hoá nguồn cung vũ khí, Việt Nam còn thực hiện một số biện pháp khác để đối phó với Trung Quốc.
Về mặt quân sự, ông Thế Phương cho biết Việt Nam đang tự chế vũ khí ở trong nước, đặc biệt là các loại vũ khí dễ làm để hạn chế nhập khẩu, để dành nguồn lực cho chuyện khác. Thứ hai là gia hạn các loại vũ khí đã cũ:
“Ví dụ như cái máy bay mới bị rớt. Đáng lẽ cái máy bay đó đã về hưu rồi, nhưng mà Việt Nam tăng hạn để dùng, nhưng khi tăng hạn đồ cũ thì rơi là một điều có thể kể dự tính trước, không có gì ngạc nhiên cả.”…
Về mặt ngoại giao, Việt Nam thực hiện chiến lược “ngăn chặn chiến tranh từ sớm từ xa”. Theo ông Thế Phương, đây là một vấn đề về mặt ngoại giao, Việt Nam phải làm sao cân bằng mối quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ.
“Với một nước nhỏ như Việt Nam thì Việt Nam kỳ vọng những việc làm về mặt đối ngoại sẽ ngăn chặn một cuộc xung đột có thể xảy ra ở biển Đông, để không phải dùng tới lực lượng quân sự, vốn nói trắng ra là nếu đánh nhau là sẽ thua.”
Thực ra ý đồ quấy rối của Trung Quốc đã bắt đầu vào tháng 4-2023
Ngày 1 tháng 4 năm 2023, Báo Thanh Niên cho biết,
Bản đồ các điểm Trung Quốc sẽ gửi tàu khảo sát thường xuyên trải dài từ eo biển Đài Loan và Biển Đông đến các vùng biển phía tây Thái Bình Dương và phía đông Ấn Độ Dương, theo báo South China Morning Post hôm 1.4 dẫn thông báo từ Tổ chức Khoa học Tự nhiên Trung Quốc (NSFC).
Số liệu mới nhất trên website Bộ Khoa học và Công nghệ Trung Quốc, cơ quan chủ quản của NSFC, ghi nhận nước này đang vận hành một trong những đội tàu nghiên cứu hải dương lớn nhất thế giới, với hơn 60 chiếc hoạt động tính đến năm 2017.
Ngày 6 tháng 4, 2023 Báo Tuổi trẻ đưa tin,
Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng trong cuộc họp báo thường kỳ ngày 6-4 – Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cũng tại họp báo ngày 6-4, Tuổi Trẻ Online đã đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc Tổ chức Khoa học tự nhiên Trung Quốc (NSFC) công bố danh sách 33 khu vực “khảo sát thường xuyên”.
Trong đó có một số tuyến tại Biển Đông (NH2, NH3) bao trùm lên quần đảo Trường Sa và vùng biển của Việt Nam.
“Các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của Việt Nam cho biết tàu Hải Dương Địa chất 4 đã rời khỏi vùng biển của Việt Nam”, phó phát ngôn Phạm Thu Hằng trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, khi được đề nghị cung cấp thêm thông tin về hoạt động của tàu này trong họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao chiều 6-4.
Phân tích sự kiện o ép của Trung Quốc ở vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, theo chuyên gia nghiên cứu Biển Đông, đại học Stanford
Trao đổi với RFA, ông Raymond Powell, chuyên gia nghiên cứu về các vấn đề Biển Đông ở Đại học Stanford, nhận xét về quy mô đợt khảo sát này của tàu Xiang Yang Hong 10:
“Tôi nghĩ nó là một con tàu được hộ tống bởi 7 tàu dân quân biển và 2 tàu cảnh sát biển. Chỉ khoảng hơn một tuần trước đó nó đã đi vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, thực hiện một vòng khảo sát, trước tiên nó đi xuống phía nam, đến các mỏ dầu khí ngoài khơi của Việt Nam ở gần đó. Sau đó nó quay lại, rồi đi tới đi lui qua bờ biển Đông Nam Việt Nam trong gần một tuần.
Khi chúng ta nói chuyện ngay bây giờ, nó thực sự đang rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, tiến qua Đá Chữ Thập…
Ông Raymond Powell phân tích chiến thuật này của Trung Quốc với RFA:
“Tàu cảnh sát biển Trung Quốc liên tục xâm nhập trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines và Malaysia. Ở Philippines, họ chủ yếu quan tâm đến các thực thể địa lý mà họ tranh chấp, thứ nhất là Bãi cạn Scarborough, và thứ hai là Second Thomas Shoal, và vì vậy bạn thường thấy chúng ở đó. Ở Malaysia, họ chủ yếu quan tâm đến các hoạt động khai thác dầu khí đang diễn ra của Malaysia ở đó. Vì vậy, các tàu Cảnh sát biển Trung Quốc có mặt ở cả 2 nơi đó. Điều đó không có gì lạ.
Điều nổi bật với tôi là một trong những tàu Cảnh sát biển Trung Quốc, khi đang trở về Trung Quốc từ vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, nó đã chặn giữa đường và quấy rối 3 tàu Cảnh sát biển Philippines đang tuần tra.
Và những gì tôi phát hiện thấy trong khu vực này kể từ khi xảy ra sự kiện đó là sự hiện diện của những chiếc tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã công khai sự kiện đó. Những chiếc tàu đó đang cắm mốc giới ở Biển Tây Philippines. Có thể Trung Quốc nhận thấy hoạt động này và muốn Philippines biết rằng họ không hài lòng với việc Cảnh sát biển Philippines cắm mốc giới.”…
Theo ông Raymond Powell, hợp tác cùng nhau là một bước đi đúng hướng của các nước xung quanh Biển Đông. Tuy nhiên, các nước này vẫn có những cách tiếp cận khác biệt nhau khi đối phó với Trung Quốc. Ông so sánh ba cách ứng phó của Việt Nam, Malaysia và Philippines:
“Việt Nam và Malaysia có xu hướng cố gắng giữ kín các hoạt động này. Họ thực sự không muốn công chúng chú ý nhiều đến những gì đang xảy ra trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, bởi vì họ đang cố gắng quản lý mối quan hệ với Trung Quốc theo kiểu song phương và dựa vào các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông mà họ đang coi như là một chiến lược chính. Họ hy vọng rằng mọi thứ trong mối quan hệ với Trung Quốc sẽ không trở nên quá phức tạp, bởi vì, tất nhiên, họ cũng có quan hệ kinh tế rất mạnh mẽ với Trung Quốc.
Phản ứng quyết đoán của Phillipines
Philippines đã làm điều tương tự thời chính quyền tiền nhiệm trong một thời gian khá dài, nhưng gần đây đã quyết định thực hiện những bước đi quyết đoán hơn nhiều. Họ đã làm được 2 việc trong những bước đi quyết đoán này.
Một là củng cố lại Liên minh với Hoa Kỳ, đồng thời nói chuyện và bắt đầu đàm phán với Nhật Bản và Úc và các nước khác để quốc tế hóa vấn đề Biển Đông. Họ cố gắng tạo ra thế trận an ninh đa phương mạnh mẽ hơn nữa, để hy vọng có thêm đòn bẩy trong các cuộc thương lượng với Trung Quốc.
Một điều khác mà Philippines đã làm, và điều này thực sự gây ấn tượng, là công khai sự hiện diện của các tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của họ, và gần những nơi như 2 hòn đảo mà Trung Quốc đặc biệt cố gắng hiện diện. Họ nỗ lực công khai mọi thứ, đặc biệt là những va chạm gần đây giữa các tàu Cảnh sát biển Philippines và Cảnh sát biển Trung Quốc. Bằng cách đưa điều này ra công luận quốc tế, họ hy vọng xây dựng năng lực chống đỡ của quốc gia mạnh mẽ hơn trước để chống lại sự xâm lấn của Trung Quốc. Những nỗ lực xây dựng sự hỗ trợ quốc tế chống lại các hoạt động của Trung Quốc ở trong vùng đặc quyền kinh tế cũng đem lại cho họ niềm hy vọng về lâu dài sẽ ngăn chặn được Trung Quốc, bởi vì Trung Quốc phải trả giá khi cả thế giới biết nó đang làm gì.”
Ngoài ra, theo ông Powell, đợt tung tàu khảo sát vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam lần này còn đi cùng với lệnh cấm đánh cá trên nhiều vùng biển, trong đó có Biển Đông. Đó là cách Trung Quốc kết hợp nhiều chiến thuật khác nhau cùng lúc để làm cho sức ép của họ trở nên mạnh hơn đối với các nước trong khu vực.